CSGT hóa trang không có quyền xử lý “ma men”
Thiếu tướng Trần Thế Quân cho biết, việc CSGT tuần tra, kiểm soát công khai kết hợp với hóa trang phải có kế hoạch và được cấp có thẩm quyền phê duyệt
CSGT Hà Nội tăng cường kiểm tra xử lý vi phạm về nồng độ cồn.
Thực hiện kế hoạch cao điểm đảm bảo trật tự, an toàn giao thông, giữa tháng 8.2016, Phòng CSGT Công an TP.Hà Nội và TP. Hồ Chính Minh đã tăng cường xử lý vi phạm về nồng động cồn.
Trong đó, các đơn vị triển khai thực hiện tuần tra kiểm soát khép kín có kết hợp hóa trang, tập trung xử lý có hiệu quả các trường hợp vi phạm quy định về nồng độ cồn tại các khu vực đông hàng quán, nhà hàng có kinh doanh thức uống có cồn.
Đại úy Đặng Thành Trung – Đội Phó Đội CSGT số 6 cho biết, khi làm nhiệm vụ xử lý vi phạm về nồng độ cồn, cán bộ CSGT hóa trang sẽ mặc thường phục trà trộn ở khu vực cửa quán nhậu, quán ăn, khi phát hiện người có biểu hiện vi phạm điều khiển xe sẽ báo với tổ công tác làm nhiệm vụ trên đường kiểm tra, xử lý.
Video đang HOT
Trao đổi với PV, Thiếu tướng Trần Thế Quân – Phó Cục trưởng Cục Pháp chế và Cải cách hành chính tư pháp (Bộ Công an) cho biết, việc CSGT tuần tra, kiểm soát công khai kết hợp với hóa trang để xử lý người vi phạm về nồng độ là phù hợp với quy định tại điều 9, thông tư 01/2016 của Bộ Công an.
“CSGT được phép hóa trang, mặc thường phục để làm nhiệm vụ đấu tranh phòng, chống tội phạm hoặc phát hiện người vi phạm trật tự, an toàn giao thông.
Tuy nhiên, cán bộ hóa trang sẽ không có thẩm quyền xử lý vi phạm. Họ chỉ phối hợp, phát hiện dấu hiệu vi phạm sau đó thông báo cho lực lượng làm nhiệm vụ công khai, có mặc sắc phục kiểm tra, xử lý.
Ngoài ra, việc CSGT tuần tra, kiểm soát công khai kết hợp với hóa trang phải có kế hoạch và được cấp có thẩm quyền phê duyệt”, Thiếu tướng Trần Thế Quân cho biết.
Trao đổi với PV về công tác xử lý người vi phạm nồng độ của Đội CSGT số 6, đại úy Đặng Thành Trung cho biết, quá trình xử lý người vi phạm về nồng độ cồn gặp khó khăn bởi khi làm việc với cán bộ CSGT nhiều người vi phạm sử dụng rượu bia nên vẫn trong trạng thái không tỉnh táo.
“Có trường hợp say rượu chúng tôi yêu cầu thổi máy kiểm tra nồng độ cồn nhưng vứt xe bỏ đi nhất quyết không chấp hành. Chúng tôi vận động đủ kiểu nhưng người vi phạm không chấp hành nên đã xử lý về hành vi không chấp hành kiểm tra về nồng độ cồn”, đại úy Đặng Thành Trung.
Theo Phòng CSGT Hà Nội, từ ngày 16.8 đến 15h ngày 17.8, Phòng đã tổng xử lý tổng cộng 46 trường hợp vi phạm nồng độ cồn. Trong đó, có 5 người điều khiển xe ô tô, 41 trường hợp điều khiển xe mô tô, 2 trường hợp phạm lỗi không chấp hành yêu cầu kiểm tra về nồng độ cồn.
Điều 9 – Thông tư 01/2016 Bộ Công an quy định: Tuần tra, kiểm soát công khai kết hợp với hóa trang 1. Các trường hợp tuần tra, kiểm soát công khai kết hợp với hóa trang a) Hóa trang sử dụng các phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ, nhằm nâng cao hiệu quả công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông; b) Đấu tranh phòng, chống tội phạm; khi tình hình an ninh, trật tự hoặc trật tự, an toàn giao thông phức tạp. 2. Thẩm quyền quyết định tuần tra, kiểm soát công khai kết hợp với hóa trang a) Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông, Giám đốc Công an cấp tỉnh trở lên quyết định việc tuần tra, kiểm soát công khai kết hợp với hóa trang quy định tại Khoản 1 Điều này; b) Trưởng phòng Tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ cao tốc thuộc Cục Cảnh sát giao thông, Trưởng phòng Cảnh sát giao thông, Trưởng Công an cấp huyện quyết định việc tuần tra, kiểm soát công khai kết hợp với hóa trang đối với trường hợp quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều này. 3. Điều kiện tuần tra, kiểm soát công khai kết hợp với hóa trang a) Phải có kế hoạch tuần tra, kiểm soát được người có thẩm quyền quy định tại Khoản 2 Điều này phê duyệt. Nội dung kế hoạch phải nêu rõ phương pháp thực hiện, lực lượng, phương thức liên lạc, thời gian, địa bàn tuần tra, kiểm soát; phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ được sử dụng để tuần tra, kiểm soát; b) Tổ tuần tra, kiểm soát phải bố trí một bộ phận cán bộ trong Tổ để hóa trang (mặc thường phục) thực hiện nhiệm vụ giám sát tình hình trật tự giao thông, phát hiện, đấu tranh ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật. Khi phát hiện vi phạm phải thông báo ngay cho bộ phận tuần tra, kiểm soát công khai để tiến hành kiểm soát, xử lý theo quy định của pháp luật; Bộ phận hóa trang và bộ phận tuần tra, kiểm soát công khai trong một Tổ tuần tra, kiểm soát phải giữ một khoảng cách thích hợp bảo đảm việc xử lý vi phạm kịp thời, đúng pháp luật; c) Nghiêm cấm lạm dụng việc tuần tra, kiểm soát công khai kết hợp với hóa trang để sách nhiễu, gây phiền hà, làm thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, cơ quan, tổ chức.
Theo Đỗ Tuấn (Dân Việt)
Từ 16/8, CSGT lập chốt gần nhà hàng, quán rượu
Thời gian lập chốt sẽ bắt đầu vào các giờ cao điểm từ 11h - 14h, từ 16h - 21h trong các ngày từ 16/8-15/9/2016.
Cục Cảnh sát giao thông cho biết, nhằm bảo đảm an toàn cho các hoạt động kỷ niệm của Nhà nước và đi lại an toàn của nhân dân trong dịp kỷ niệm 71 năm Cách mạng tháng 8, Quốc khánh 2/9; Cục Cảnh sát giao thông mở đợt cao điểm bảo đảm trật tự an toàn giao thông (TTATGT), trật tự xã hội trên các tuyến giao thông đường bộ, đường sắt và đường thủy nội địa.
Theo đó, từ ngày 16/8- 15/9/2016, lực lượng CSGT sẽ huy động tối đa lực lượng, phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ, triển khai đồng bộ các biện pháp nhằm bảo đảm TTATGT, hạn chế tai nạn giao thông (TNGT) và ùn tắc giao thông, hạn chế thấp nhất các vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng, đối với xe khách; giúp người dân đi lại an toàn, thông suốt trong dịp nghỉ lễ Quốc khánh 2/9.
CSGT kiểm tra nồng độ cồn.
Cụ thể, lực lượng CSGT sẽ tăng cường hoạt động tuần tra kiểm soát, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm TTATGT. Trong đó, trên đường bộ sẽ tập trung kiểm tra, xử lý các hành vi lái xe sử dụng rượu, bia quá nồng độ cồn quy định; điều khiển xe chạy quá tốc độ; lạng lách, đánh võng, đua xe trái phép; xe khách dừng, đỗ, đón trả khách không đúng quy định; chở quá số người quy định; xe tải chở quá trọng tải; đi không đúng phần đường, làn đường; không có giấy phép lái xe, hoặc giấy phép lái xe không đúng quy định; không chấp hành hiệu lệnh, tín hiệu giao thông; người ngồi trên xe mô tô, xe gắn máy không đội mũ bảo hiểm hoặc đội mũ bảo hiểm cài quai không đúng quy cách.
Trọng tâm là các thành phố trực thuộc Trung ương, các địa phương có nhiều khách du lịch đến tham quan, vui chơi và các tuyến giao thông trọng điểm Quốc lộ 1A, quốc 5, quốc lộ 10, quốc lộ 18, quốc lộ 20, quốc lộ 51, các tuyến đường bộ cao tốc.
Trên đường sắt, lực lượng CSGT đường sắt phối hợp với các lực lượng chức năng ngành đường sắt và Công an địa phương tổ chức kiểm tra điều kiện đảm bảo ATGT ở khu vực đường ngang qua đường sắt, kiến nghị các giải pháp phòng ngừa các vụ tai nạn giao thông giữa tàu hoả với phương tiện đường bộ, tập trung đấu tranh đấu tranh có hiệu quả đối với các loại tội phạm hoạt động trên đường sắt, nhất là tội phạm buôn lậu, vận chuyển hàng cấm, vũ khí, pháo, vật liệu nổ.... Tăng cường tuyên truyền, vận động nhân dân sinh sống ở gần các ga xe lửa, hành lang đường sắt chấp hành pháp luật ATGT...
Tại địa bàn công cộng, nơi diễn ra các sự kiện chào mừng kỷ niệm 71 năm Cách mạng tháng Tám, Quốc khánh 2/9, lực lượng CSGT chủ động phối hợp với công an, chính quyền địa phương có kế hoạch, phương án cụ thể bố trí lực lượng phân luồng, điều hòa giao thông, không để xảy ra ùn tắc giao thông và các tình huống phức tạp khác. Đồng thời kiên quyết xử lý các hành vi cản trở, chống lại người thi hành công vụ; bảo đảm an toàn, sức khỏe, tính mạng cho cán bộ chiến sĩ CSGT làm nhiệm vụ.
Đặc biệt, tại 4 thành phố: Hà Nội, Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh và Cần Thơ, Cục CSGT phối hợp với Công an thành phố tập trung kiểm soát việc uống rượu, bia điều khiển phương tiện giao thông ngay tại khu vực gần các nhà hàng, quán rượu bia vào các giờ cao điểm từ 11h - 14h, từ 16h - 21h, xử lý mạnh các đối tượng vi phạm theo quy định của Nghị định 46/2016/NĐ-CP. Áp dụng các biện pháp mạnh để xử lý các trường hợp chống đối lực lượng thực thi công vụ theo quy định của pháp luật.
Theo Vạn Xuân (Infonet)