CSGT: Đứng đường nhiều, bệnh tật lắm
Nhiều CSGT sau khi nghỉ hưu phải vật lộn với cuộc mưu sinh, và đối mặt những cơn bạo bệnh đặc trưng về phổi.
Về hưu 4 người, chết 3 vì bệnh phổi
Trung tá Lê Hồng Hà (nguyên CSGT đội 6-Phòng CSGT Hà Nội) trước khi chạy xe ôm luôn phải thắt thiết bị bảo vệ cột sống.
“Ngày xưa, đứng nhiều ngoài đường trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt bất thường nên ảnh hưởng đĩa đệm. Hôm mổ xong, bác sỹ cho biết chưa thể khẳng định đi lại được không. Nhờ tập luyện chăm chỉ nên mới được như bây giờ”, anh Hà nói.
Dáng người nhỏ nên đồng đội cũ gọi anh là Hà còi. Ngồi trầm ngâm trên chiếc xe máy cũ kiếm cơm, Hà còi điểm danh những đồng đội cùng độ tuổi vừa về hưu đã mang trọng bệnh đặc trưng: “Bốn người về hưu cùng đợt năm 2008, nay đã chết 3 người đều vì bệnh phổi. Có người ở Phú Thượng – Tây Hồ hoàn cảnh bi đát tới mức chết rồi, con cái phải tứ tán vì kinh tế khó khăn.
Những Lê Xuân Tứ, Huy trước ở Đội CSGT số 3 bị phổi và gan, Lê Xuân Trại-Đội 6 bị phổi… Suốt ngày đứng trên những tuyến đường đầy khói bụi, không nám phổi mới là chuyện lạ”.
Trung tá Hà “còi” và cần câu cơm bao năm
Anh Hà tiết lộ cũng có vài CSGT rơi vào hoàn cảnh ngày làm nhiệm vụ, tối về chạy xe ôm như mình, nay đã về hưu. Ban ngày xử phạt người vi phạm, tối về kiếm từng đồng bạc lẻ. Nhiều khi chạy những cuốc tầm 1-2 giờ sáng, người đi sợ không dám lên xe, khổ chủ đành lôi CMND do ngành cấp ra để làm tin. Lắm lúc gặp người có hoàn cảnh khó khăn, bệnh tật còn không thu tiền.
Quen với nghề đã 4-5 năm, anh Hà gặp nhiều đồng đội khác trước làm mảng hình sự, trật tự… nay chọn nghề xe ôm, thậm chí lái xe khách đường dài.
“Như Nguyễn Văn Đó chuyên chạy xe khách, tuyến Hải Dương-Hà Nội. Bố mẹ già, con đông nên phải bươn bả hằng ngày”, anh Hà kể.
Thường những người từng làm lực lượng vũ trang rất được các công ty bảo vệ ưu ái tuyển dụng, nhưng không ít người đã từ chối vì nghề này dễ va chạm, ảnh hưởng tới công việc trước kia.
Giống một cuốn phim quay chậm, trung tá Kiên kể, trên con đường tới nơi làm việc, anh toàn gặp những gương mặt đồng đội cũ: người đứng phố Lò Đúc chờ khách, người đứng trước cửa Bảo tàng Lịch sử Việt Nam (anh Trần Trung Hưng-sinh năm 1957, đang ngụ trong căn hộ hơn 20m2, ngay sát sông Hồng). Thấy nhau từ xa, vẫn kiểu cười chào nhau như hồi cùng đơn vị.
Phòng CSGT Hà Nội cho biết, nhiều chiến sỹ CSGT trẻ vừa ra trường phải thuê nhà trọ, lăn lộn với công việc và cuộc sống.
Video đang HOT
Thiếu úy Nguyễn Anh Tuấn sinh năm 1988, quê Tân Kỳ (Nghệ An) thuộc Đội CSGT số 3, hiện thuê nhà tại phố Chùa Láng (Hà Nội). Thiếu uý Tuấn gần 1 năm qua vừa chăm sóc bố bị ung thư phổi (vừa mất), nhưng vẫn đảm bảo hoàn thành mọi nhiệm vụ tuần tra kiểm soát.
Lãnh đạo Cục CSGT mắc nợ chiến sĩ
Theo Phòng CSGT Hà Nội, trong năm 2011 và 6 tháng đầu năm 2012 đã có 68 lượt cán bộ chiến sỹ nêu gương liêm khiết không nhận hối lộ với tổng số tiền hơn 25 triệu đồng kiểm tra, phát hiện 264 vụ việc có dấu hiệu tội phạm lợi dụng hoạt động giao thông. Ngoài ra, nhiều CSGT đã cứu người trong lúc hoạn nạn.
Thiếu tướng Nguyễn Văn Tuyên-Cục trưởng CSGT Đường bộ-Đường sắt (Bộ CA) nói “Áp lực công việc của CSGT quá lớn, cuộc sống lại khó khăn. Tôi ủng hộ cần có tiền dưỡng liêm cho lực lượng CSGT”.
Thiếu tướng Tuyên cho biết, trong ngành có nhiều anh em trẻ mới ra trường cũng chật vật, chứ không riêng gì người về hưu.
“Lãnh đạo Cục CSGT đang mắc nợ các chiến sỹ, bởi vào ngày nghỉ, cả xã hội nghỉ nhưng phải bố trí anh em đi trực 100%. Sau đó không thể bố trí nghỉ bù, trong khi họ cũng có gia đình, vợ con”, ông Tuyên nói.
Đề cập về việc có một số cán bộ khó khăn phải chạy xe ôm, lãnh đạo Cục CSGT thổ lộ đây là việc ngoài tầm kiểm soát, chủ yếu động viên nhau, nếu còn yêu nghề thì phải vượt qua khó khăn, tránh tiêu cực để hoàn thành nhiệm vụ.
Thiếu tướng Tuyên kể: “Trong một cuộc hội thảo của ngành gần đây, tôi đã tâm sự với anh em rằng, điều người dân ghét nhất ở CSGT là thái độ hách dịch, nhũng nhiễu, tiêu cực. Vậy phải thay đổi ngay việc này”.
Ông Tuyên khẳng định trên 50% lực lượng CSGT mắc các bệnh liên quan hô hấp như phổi, mũi, họng.
Đành rằng, xã hội có nhiều nghề khác nhau, CSGT cũng là một nghề. Nhưng, lâu nay nhiều người nghĩ CSGT với hình ảnh kiếm bộn tiền. Chứng kiến nhiều thân phận riêng lẻ mới thấy cũng có những góc khuất đầy xót xa.
Theo 24h
Cảnh sát giao thông làm xe ôm, lái taxi
Sau khi trút bỏ bộ cảnh phục cảnh sát giao thông (CSGT), không ít người hành nghề xe ôm, lái taxi hoặc về làm nông để mưu sinh. Đằng sau cái nghề được đánh giá chỉ thích đứng đường và giàu sụ, có những thân phận khó tin...
Cha CSGT, con hy sinh, ở nhà thuê
Chiều về trên một ngã tư đường phố Hà Nội, có một bác xe ôm mặt thể hiện sự nhẫn nại đợi khách. Ở một ngã ba khác, một CSGT đang tả xung hữu đột giữ dòng xe ngược xuôi.
Cả hai đều từng là đồng nghiệp, người đã hưu, người vài tháng nữa cũng đến lượt. Trung tá Nguyễn Hữu Kiên (thuộc Đội CSGT số 5 - Phòng CSGT Hà Nội) có gương mặt đen sạm, khắc khổ, vài năm gần đây khá quen mặt với nhiều người gần khu vực đầu cầu Chương Dương (phía Ngọc Thụy - Long Biên).
Ít ai biết, người CSGT dáng cao, kiên nghị ấy đang gánh chịu những mất mát, đến nỗi như anh nói: "Tôi cố làm cho xong vài tháng nữa để về hưu, rồi đưa vợ về quê Hưng Yên làm ruộng. Ở Hà Nội hiện cũng không còn nhà, phải đi thuê".
Trung tá Kiên nén nỗi buồn từ bi kịch gia đình để hoàn thành nhiệm vụ. Ảnh: Đình Thắng
"Tôi có đứa con trai sinh năm 1984 là thiếu úy Nguyễn Trường Quân, công tác tại Đội CSGT số 4 hy sinh đầu năm 2011. Sau khi cháu mất, tôi chán chường vô cùng, phải nỗ lực lắm để đi làm việc", anh Kiên nói.
Số phận dường như thử thách sự kiên cường của gia đình trung tá Kiên. Những tưởng không gì hạnh phúc hơn: Con trai lớn là đồng nghiệp với bố (con làm ở đầu thành phố, bố cuối thành phố trên những tuyến đường huyết mạch), con gái thi đỗ điểm cao vào Khoa Ngoại ngữ và Pháp luật (Học viện An ninh).
Tương lai, cả nhà làm công an. Thế rồi, trong một lần đi tuần tra trên đường Giải Phóng (Hà Nội), một chiếc xe ô tô khách vi phạm luật giao thông đã đâm vào xe máy tuần tra của thiếu úy Quân làm anh tử vong.
Chuyện không dừng ở đó, "con tôi là người chất phác, trước đó đã bị một cô gái lừa phải cắm cả sổ đỏ của bố mẹ".
Trung tá Kiên đã phải nhờ bạn bè về tận quê cô bạn gái của con trai và phát hiện nhiều sự thực đau đớn, nhưng mọi sự đã muộn: Tưởng được con dâu tốt, ai ngờ phải bán hết gia sản vì nó.
"Người tài xế đâm chết con tôi, nhưng tôi viết đơn xin bãi nại. Còn đứa con gái lừa lọc kia, tôi đã phải kiên quyết để pháp luật trừng trị và hiện đang thụ án 16 năm tù về tội lừa đảo", anh Kiên chua chát nói.
Vừa mất nhà xong, lại tới mất con trai, tưởng như cú đấm của số phận đã quật ngã người đàn ông trông sương gió này. Bây giờ, hằng ngày, trung tá Kiên phóng chiếc xe máy cà tàng từ nhà trọ (anh bán nhà xong, thuê ở trọ chính nhà mình) tới nơi làm việc, vợ anh vốn thất nghiệp, nay xin một chân tạp vụ nhì nhằng.
An ủi lớn nhất là cô con gái học giỏi tương lai sẽ nối gót bố trong lực lượng CAND.
Chả ai giống như trung tá Kiên, CSGT thường muốn xin ra ngoại thành Hà Nội làm cho thoáng, nhưng đằng này được tạo điều kiện lại từ chối. Đã thế lại xin về chốt trực tại điểm khá vất vả vào giờ cao điểm ngay đầu cầu Chương Dương với lưu lượng phương tiện qua lại hằng ngày lớn.
Ngày CSGT, tối xe ôm chuyên nghiệp
Mới về hưu năm 2008, nhưng trung tá Lê Hồng Hà (nguyên CSGT đội 6-Phòng CSGT Hà Nội) chẳng còn "dấu vết" của một người từng làm CSGT. Ông Hà quê Nghệ An (sinh năm 1957), ra Hà Nội học rồi ở lại lấy vợ sinh 2 cô con gái. Cho đến nay, ông vẫn ở cùng bố mẹ vợ.
Gia cảnh hai bên ngoại nội đều khó khăn, 2 con gái đến tuổi ăn, học nên khi còn công tác, ông Hà (lúc đó mang hàm thiếu tá) ngày đi trực, tối về trút bỏ quân phục chạy xe ôm.
Để trấn an cho bản thân, ông tự nhủ thử làm xe ôm chạy đêm biết đâu khám phá ra các vụ cướp. Thế rồi, ông giấu vợ con lẫn đồng nghiệp ra khu vực cây đa nhà bò (trên đường Lò Đúc - Hà Nội) gia nhập đội quân xe ôm.
Trung tá Nguyễn Hữu Kiên tại chốt trực quen thuộc Ảnh: Bảo Khánh
Mới đầu vì sĩ diện nên ngại không dám mời khách, sau dần quen, ông còn tuyên truyền luật giao thông đường bộ và phòng tránh tội phạm cho "đồng nghiệp" xe ôm.
Những người cùng cảnh cứ mắt tròn, mắt dẹt không hiểu ông xe ôm này mới vào nghề sao hiểu luật pháp ghê thế. Nhiều lần đang hành nghề, gặp đồng đội đang tuần tra kiểm soát trên phố, ông Hà nói dối là chở người nhà ra bến xe, ga tàu.
"Lúc đó, còn 1 năm nữa về hưu, nhưng con bé đầu vào đại học, bé thứ hai học cấp 3, tuy lương khoảng 6 triệu đồng/tháng, nhưng nếu trang trải các khoản thì khó lắm", ông Hà kể.
Thế rồi, vợ con cũng biết vì địa điểm đứng xe ôm cách nhà không xa, nhưng tất cả nhìn bố, chồng mình với ánh mắt trìu mến hơn. Bố mẹ vợ, và mẹ ruột ông Hà (vẫn ở quê Nghệ An) năm nay đều trên 80 tuổi lúc nào cũng dặn con về hưu rồi, chân tay yếu nhớ chạy xe ôm cẩn thận.
Gia đình bé nhỏ của ông Hà tuy ở trong khu tập thể vài chục mét vuông, nhưng luôn đầy ắp tiếng cười. Các con ông giờ đã trưởng thành, có tháng lương đầu tiên đã biết biếu ông bà và bố mẹ.
Bản thân ông Hà là con một, phải sống cảnh mồ côi bố từ lúc vài tuổi (bố là liệt sỹ ngành công an) nên rất quý trọng cuộc sống gia đình.
Giờ về hưu vài năm, ông Hà đã chuyển vị trí hành nghề sang chỗ khác trên đường Lò Đúc. Cuộc sống tuy không còn chật vật như xưa, nhưng lỡ quen với cách mưu sinh này, giờ làm cho vui là chính.
Trường hợp của trung tá Nguyễn Hữu Kiên khi được hỏi, hầu như Phòng CSGT Hà Nội đều biết. Nhiều CSGT vẫn chưa quên cảnh trung tá cha đẫm nước mắt chít khăn tang tiễn biệt thiếu úy con. Đội trưởng CSGT số 6 Nguyễn Ngọc Mẽ vẫn nhớ như in hình ảnh thiếu tá Lê Hồng Hà (về hưu mới lên trung tá) hiền lành, lam lũ luôn tận tụy với công việc cho tới khi nghỉ hưu.
Theo 24h
Những thân phận sống đời tầm gửi Gần chục năm qua, nhiều hộ dân nghèo thuộc địa bàn các xã Vĩnh Đồng, Đú Sáng, Nam Thượng của huyện Kim Bôi, tỉnh Hoà Bình luôn sống trong nỗi hoang mang, lo lắng vì nhiều trẻ em khi sinh ra mang trong mình những căn bệnh lạ. Cuộc sống của những đứa trẻ mang căn bệnh lạ bị ảnh hưởng nặng nề,...