Crimea tuyên bố độc lập, xin sáp nhập vào Nga
Chính quyền nước Cộng hòa tự trị Crimea vừa tuyên bố độc lập hoàn toàn khỏi Ukraina, đồng thời chính thức nộp đơn xin sáp nhập vào Liên bang nga.
Tuyên bố độc lập xuất hiện trên trang web của Hội đồng Tối cao Crimea (tức nghị viện) hôm 17/3.
“Nước Cộng hòa Crimea muốn xây dựng quan hệ với các nước khác dựa trên sự bình đẳng, hòa bình, hợp tác thân thiện song phương và những nguyên tắc chung khác về hợp tác chính trị, kinh tế, văn hóa giữa các nước. Chúng tôi kêu gọi Liên Hiệp Quốc và các nước khác công nhận Crimea là một quốc gia độc lập”, Quốc hội Crimea tuyên bố.
Chính quyền Crimea cũng tuyên bố họ sẽ quốc hữu hóa toàn bộ tài sản thuộc sở hữu Ukraina.
“Các đơn vị vũ trang Ukraina trên bán đảo sẽ giải tán, nhưng quân nhân có thể sống ở đây”, ông Vladimir Konstantinov, chủ tịch nghị viện Crimea, nói.
Thủ tướng Crimea, ông Sergei Aksyonov, thông báo đồng hryvna vẫn là tiền tệ chính thức tại Crimea, nhưng ruble của Nga sẽ trở thành tiền tệ chính thức thứ hai của bán đảo từ tuần sau.
“Quá trình sáp nhập Crimea vào Nga sẽ diễn ra trong khoảng một năm. Chúng tôi vẫn muốn duy trì quan hệ kinh tế với các quốc gia và vùng lãnh thổ khác, bao gồm Ukraina”, ông Aksyonov nói.
Hội đồng Tối cao Crimea tuyên bố độc lập sau khi kết quả trưng cầu dân ý hôm 16/3 cho thấy 96,77% cử tri muốn bán đảo trở thành một phần của Nga.
Video đang HOT
Phát biểu trên truyền hình, ông Mikhail Malyshev, người đứng đầu ủy ban trưng cầu dân ý Crimea, cho biết: “Kết quả kiểm phiếu cuối cùng cho thấy 96,77% người dân Crimea ủng hộ trở thành một phần của nước Nga”.
Một phái đoàn gồm các nhà lập pháp Crimea sẽ tới Moscow để thảo luận về cách thức gia nhập Liên bang Nga.
Người dân tập trung trên quảng trường ở trung tâm thành phố Sevastopol vào sáng sớm ngày 17/3 để chào mừng viễn cảnh bán đảo Crimea trở thành một phần của Nga. Ảnh: AP
Ông Sergei Neverov, Phó chủ tịch Duma quốc gia Nga, nói với hãng thông tấn Interfax: “Kết quả cuộc trưng cầu dân ý chỉ rõ người dân Crimea chỉ thấy tương lai của họ là một phần của nước Nga”. Trong khi đó, Reuters dẫn lời tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết, ông sẽ tôn trọng nguyện vọng của người dân Crimea.
Theo quy trình, kiến nghị của người dân Crimea về mong muốn gia nhập Nga sẽ được trình lên Tổng thống Putin. Nếu chấp thuận nó, ông chủ điện Kremlin sẽ trình nó lên Duma quốc gia (Hạ viện) và Hội đồng liên bang (Thượng viện). Họ sẽ soạn thảo một hiệp ước giữa Nga và nhà nước mới ở Crimea để hiện thực hóa kiến nghị của người dân.
Theo hiệp ước, chính quyền hai bên có thể thiết lập một giai đoạn chuyển tiếp nhằm đồng bộ nền kinh tế, tài chính, tín dụng và hệ thống luật pháp Crimea vào Nga. Sau đó, Tòa án Hiến pháp Nga sẽ xác minh hiệp ước trước khi trình nó lên Quốc hội.
“Tôi không nghĩ Quốc hội gặp khúc mắc gì với hiệp ước. Chúng tôi sẵn sàng phê quẩn các quyết định pháp lý càng nhanh càng tốt. Duma quốc gia Nga sẽ thông qua dự luật cho phép bán đảo Crimea trở thành một phần của Ukraina trong “tương lai rất gần”, ông Neverov nói với kênh truyền hình Rossiya 24.
Cuộc trưng cầu dân ý ở Crimea đã đẩy mối quan hệ Nga – phương Tây xuống mức thấp nhất kể từ sau chiến tranh Lạnh. Thủ tướng Canada, ông Stephen Harper, cáo buộc cuộc trưng cầu dân ý ở Crimea diễn ra dưới sự chiếm đóng quân sự của Nga và kết quả của nó bất hợp pháp. Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) cũng bày tỏ quan điểm tương tự. Theo ông Harper, Canada đang làm việc với các nước khác nhằm đưa ra phương thức trừng phạt Nga.
Thủ tướng Harper sẽ tới Kiev vào ngày 22/3 tới để thảo luận chương trình hỗ trợ chính phủ Ukraina. Nhật Bản cũng phản đối trung cầu dân ý ở Crimea và kêu gọi Nga không “thôn tính” bán đảo.
Theo Zing
Nga có dang rộng vòng tay đón Crimea?
Tờ "Báo Nga" cho biết tình hình bán đảo Crimea tương đối yên bình và người dân có một tâm trạng chung, được thể hiện chỉ bằng hai từ, theo tiếng Nga có nghĩa là "Trở về mái nhà Nga!" Quả thật, có thể thấy tâm lý người dân trên bán đảo dường như vẫn luôn coi mình là người Nga, là công dân Nga.
Theo kế hoạch, chủ nhật, ngày 16/3, 1,5 triệu cử tri Crimea và 300.000 người dân khu vực Sevactopol, nơi đặt căn cứ chính Hạm đội Biển Đen của Nga, sẽ đi bỏ phiếu quyết định tương lai bán đảo Crimea. Cuộc trưng cầu ý dân về Qui chế nước cộng hòa tự trị Crimea đã được đẩy sớm lên hai tuần so với dự định trước đó, xuất phát từ diễn biến phức tạp tại Ukraine. Tuy nhiên, có thể thấy rõ báo chí cũng như dư luận Nga nói chung ủng hộ mong muốn của chính quyền và người dân Crimea.
Báo Độc lập, một tờ báo trung dung ở Nga ghi nhận: Hội đồng Tối cao nước Cộng hòa tự trị Crimea hy vọng sẽ có không dưới 70% số ý kiến cử tri tán thành việc sáp nhập Crimea vào Nga. Hai câu hỏi trong cuộc trưng cầu này cũng cho thấy nguyện vọng rõ ràng của Crimea. Họ muốn sáp nhập Nga ngay lập tức trên cơ sở các quyền của một chủ thể Liên bang Nga, hoặc đòi hỏi khôi phục Hiến pháp nước Cộng hòa Crimea năm 1992, theo đó vùng đất này có quyền tự trị toàn diện hơn hẳn hiện nay, từ là có Tổng thống của Crimea như quy chế từ những năm 90 của thế kỷ trước, chứ không chỉ là "người đứng đầu Hội đồng Bộ trưởng nước Cộng hòa tự trị Crimea" do Kiev bổ nhiệm.
Một góc bán đảo Crimea. Ảnh: Tờ Lao động (Nga)
Với bài viết "Crimea đề nghị Nga sửa chữa sai lầm của Khrushchev", tờ báo ghi nhận tỷ lệ người gốc Nga chiếm tới 58% cư dân trên đảo, gần 20% là người Ukraine nhưng trong đó rất nhiều người có quan hệ mật thiết với văn hóa Nga, và chỉ 14% số còn lại là người Tatar Crimea, không muốn sáp nhập Nga. Với thành phần dân số như vậy, thật không khó gì có thể dự đoán 70% hoặc hơn thế nữa cư dân Crimea sẽ biểu quyết tán thành việc sáp nhập bán đảo này, như một chủ thể, vào Liên bang Nga.
Tờ "Báo Nga" cho biết tình hình bán đảo Crimea tương đối yên bình và người dân có một tâm trạng chung, được thể hiện chỉ bằng hai từ, theo tiếng Nga có nghĩa là "Trở về mái nhà Nga!" Quả thật, có thể thấy tâm lý người dân trên bán đảo dường như vẫn luôn coi mình là người Nga, là công dân nước Nga.
Tờ Lao động, một tờ báo thiên tả, cho biết Bộ Tài chính Nga đã sẵn sàng hỗ trợ Crimea hàng tỷ đôla Mỹ nếu vùng lãnh thổ này quyết định trở lại với nước Nga. Tờ báo cũng khẳng định Crimea vốn là một bán đảo tuyệt đẹp với tiềm năng du lịch nổi bật. Nếu như Crimea trở thành một chủ thể của LB Nga, Bộ Tài chính Nga còn dự kiến chi 5 tỷ đôla Mỹ phát triển cơ sở hạ tầng bán đảo, để Crimea có thể thu hút khách du lịch nội địa và quốc tế, xứng tầm với một vùng đất xinh đẹp vốn có.
Lúc này đây, trong bối cảnh tình hình Crimea đang nóng lên từng ngày, mọi kế hoạch chuẩn bị tiếp nhận Crimea của nước Nga, hay các kịch bản với những biện pháp trừng phạt Nga theo từng cấp độ mà Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ đề ra, cho thấy các bên đang ráo riết chạy đua với thời gian, tất cả có thể sẽ trở nên rõ ràng hơn sau cuộc trưng cầu ý dân ở Crimea. Và cộng đồng quốc tế cũng đang theo dõi sát sao diễn biến tại bán đảo này, trong đó truyền thông thông tin đóng một vai trò hết sức quan trọng.
Song cho dù cuộc chiến giữa các phương tiện truyền thông có nóng bỏng đến đâu, cũng không khó để nhận thấy ai là người đã châm ngòi thổi bùng ngọn lửa Mùa Xuân Crimea, đẩy mối quan hệ giữa hai cường quốc thế giới là Nga và Mỹ vào cảnh đối đầu căng thẳng nhất kể từ sau Cuộc Chiến tranh lạnh. Báo chí Nga vạch rõ thời gian qua, những bàn tay từ phía sau tác động vào câu chuyện Ukraine đã không còn là bí mật, khi mà mưu toan của Mỹ và phương Tây nhằm cô lập và tranh giành ảnh hưởng với Nga đang ngày càng lộ rõ.
Rõ ràng Washington đã phát động cuộc thập tự chinh với cái gọi là những cuộc cách mạng sắc màu tại các nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ, trong một nỗ lực mở rộng bờ cõi của NATO, mà Grudia và Ukraine là những mục tiêu trước tiên. Chính một nhà ngoại giao Mỹ nổi tiếng- ông George Kennan đã buộc lòng phải cảnh báo "Chính sách này sẽ là sai lầm lớn nhất dẫn đến một cuộc chiến tranh lạnh mới".
Còn trong câu chuyện ở Ukraine, ở Crimea, rõ ràng cuộc khủng hoảng hiện nay đã được kích hoạt bởi chính những nỗ lực của Brussels, khi "chào mời" sáu quốc gia hậu Xôviết ký một thỏa thuận hợp tác với EU trong Chương trình Đối tác phương Đông. Và lá bài "hợp tác kinh tế" đã không đủ lớn, để có thể che giấu sự thật rằng mục tiêu chính của chương trình đối tác này nhằm cô lập Nga. Và Ukraine hay Grudia chỉ như những quân bài trong một cuộc chơi tranh giành ảnh hưởng giữa những nước lớn.
Và như Tổng thống Nga Vladimir Putin cùng nhiều quan chức Nga đã tuyên bố: người dân Crimea đã nói lên nguyện vọng của mình sau khi chính những diễn biến bất ổn và vi hiến thời gian qua tại Kiev đã đẩy xa Crimea ra khỏi Ukraine. Hành động của Nga tại Crimea là hoàn toàn hợp đạo lý cũng như các khuôn khổ luật pháp quốc tế. Đây cũng là lời giải đáp thỏa đáng vì sao uy tín của Tổng thống Putin lại tăng tới mức cao kỷ lục trong những năm gần đây.
Theo Quế Anh - ( P/v TTXVN tại LB Nga)
Baotintuc.vn
Ukraine: giải quyết khủng hoảng cần ưu tiên lợi ích toàn cục Các bên cần tỉnh táo để tìm ra giải pháp tốt nhất cho cuộc khủng hoảngUkraine. Tuần này chứng kiến "nhiều diễn biến nóng lạnh" xung quanh cuộc khủng hoảng Ukraine, đặc biệt liên quan tới nước Cộng hòa tự trị Crimea đang muốn tách khỏi Ukraine để sáp nhập vào Liên bang Nga. Một loạt các cuộc tiếp xúc giữa Nga và...