Covid 24h: TP HCM mở lại quán ăn, Hà Nội chia ba vùng xét nghiệm
TP HCM cho phép các quán ăn được hoạt động trở lại theo hình thức bán mang đi, trong khi Hà Nội chia ba vùng xét nghiệm, tiêm vacine.
Ngày 8/9, Bộ Y tế công bố 12.663 ca mắc Covid-19 cộng đồng mới tại 36 tỉnh, thành, giảm 1.530 so với ngày trước đó. Cùng ngày, gần 14.000 người được chữa khỏi, xuất viện; 434 ca tử vong trong đó Tây Ninh bổ sung 99 ca trong tháng 8.
Nhiều địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm như TP HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An…
Tại TP HCM , sau hai tháng tạm dừng, chính quyền cho loại hình kinh doanh dịch vụ ăn uống được hoạt động 6-18h hàng ngày theo hình thức bán mang đi. Cơ sở cung ứng dịch vụ bưu chính, viễn thông, thiết bị tin học văn phòng, dụng cụ học tập (có giấy phép đăng ký hộ kinh doanh) được hoạt động từ 6 đến 18h hàng ngày.
Các cơ sở hoạt động theo phương thức “3 tại chỗ” chỉ kinh doanh thông qua đặt hàng trực tuyến; phía giao hàng là các đơn vị cung ứng dịch vụ giao nhận có ứng dụng công nghệ (shipper).
Chủ cơ sở phải đăng ký kinh doanh với quận, huyện để được cấp giấy đi đường. Điều kiện kèm theo là người lao động đã tiêm ít nhất một mũi vaccine; xét nghiệm âm tính với nCoV, hai ngày một lần.
Thành phố cũng cho phép hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi, cửa hàng thực phẩm, shipper hoạt động trong phạm vi một quận, huyện; cơ sở sản xuất, kinh doanh dược liệu, thuốc, trang thiết bị y tế, vật tư y tế hoạt động 6h-21h để đảm bảo phục vụ nhu cầu hàng hóa, nhu yếu phẩm, thuốc chữa bệnh.
Một quán bán mang đi ở đường D5, quận Bình Thạnh, ngày 22/5. Ảnh: Hà An
Tại Hà Nội , thành phố chia ba vùng xét nghiệm, tiêm chủng, trong đó vùng 1 do ngành y tế thành phố đảm nhiệm; vùng 2, 3 có sự hỗ trợ của 11 tỉnh, thành.
Cụ thể, vùng 1 (15 quận, huyện): Tây Hồ, Ba Đình, Cầu Giấy, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Thanh Xuân, Hà Đông, Thanh Trì, Hoàng Mai, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, Hoài Đức, Thường Tín, Thanh Oai.
Video đang HOT
Vùng 2 (5 quận, huyện): Long Biên, Gia Lâm, Đông Anh, Sóc Sơn, Mê Linh. Đơn vị hỗ trợ thực hiện là tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Thái Nguyên.
Vùng 3 (10 huyện, thị xã): Ba Vì, Sơn Tây, Phúc Thọ, Đan Phượng, Thạch Thất, Quốc Oai, Chương Mỹ, Ứng Hòa, Mỹ Đức, Phú Xuyên. Đơn vị hỗ trợ thực hiện là tỉnh Hưng Yên, Hà Nam, Hòa Bình, Phú Thọ, Quảng Ninh, Hải Dương, Hải Phòng.
Thành phố cũng đề nghị các viện, bệnh viện, đại học trực thuộc Bộ, ngành Trung ương, cơ sở y tế tư nhân trên địa bàn tham gia lấy mẫu, xét nghiệm; hỗ trợ tiêm.
Với chủ trương “thần tốc xét nghiệm diện rộng”, Hà Nội hy vọng đến ngày 15/9 hoàn thành xét nghiệm cho toàn bộ người dân ít nhất 3 lần (2-3 ngày/lần) ở khu vực có nguy cơ rất cao, nguy cơ cao. Khu vực có nguy cơ và các khu vực khác, hoàn thành xét nghiệm toàn bộ người dân ít nhất một lần (5-7 ngày/lần). 100% trường hợp ho, sốt, khó thở, viêm đường hô hấp… đến bệnh viện khám, chữa bệnh và tại cộng đồng sẽ được xét nghiệm tầm soát.
Thành phố cũng xét nghiệm 3 ngày/lần với nhân viên, người lao động tại các cơ sở khám, chữa bệnh và người có nguy cơ cao mắc bệnh.
Hà Nội phấn đấu đến ngày 15/9 tiêm vaccine mũi một cho toàn bộ người dân từ 18 tuổi trở lên, trên cơ sở số vaccine được Bộ Y tế phân bổ và giao.
Người dân tại phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân, Hà Nội, lấy mẫu xét nghiệm tháng 8/2021. Ảnh: Ngọc Thành
Lâm Đồng , từ ngày 8/9 cho phép các quán ăn, siêu thị và chợ hoạt động nhưng phục vụ cùng lúc không quá 50% lượng khách so với ngày thường, tuân thủ khoảng cách 2 m.
Một số dịch được mở cửa trở lại, gồm: trung tâm tập luyện thể dục thể thao (luyện tập trong nhà không vượt quá 50% số người so với ngày thường); dịch vụ hớt tóc và làm đẹp (áp dụng một nhân viên và một khách) và phục vụ không quá 50% công suất (cơ sở có từ 2 giường, ghế trở lên).
Lâm Đồng cũng mở lại các điểm tham quan du lịch, cơ sở lưu trú từ 2 sao trở lên. Các cơ sở phải đảm bảo không quá 2 người một phòng; công suất không quá 50%; chỉ áp dụng cho khách trong nước.
Các điểm dịch vụ cần tiếp tục yêu cầu khách khai báo y tế điện tử, tuân thủ 5K. Người dân hạn chế ra đường sau 22h đến 5h hôm sau.
Về tiêm vaccine, Bộ Y tế cho phép người tiêm mũi một bằng vaccine Moderna có thể tiêm mũi 2 bằng vaccine Pfizer và ngược lại , trong trường hợp thiếu nguồn cung.
Thông báo này được Bộ Y tế đưa ra sau khi Hội đồng tư vấn chuyên môn về sử dụng vaccine họp ngày 8/9. Theo đó, nếu mũi một là AstraZeneca có thể tiêm mũi 2 là Pfizer hoặc Moderna. Nếu mũi một tiêm bằng vaccine Moderna có thể mũi 2 bằng Pfizer và ngược lại.
Covid 24h: TP HCM lên kế hoạch 'mở cửa', Hà Nội giãn cách theo vùng
TP HCM xây dựng kế hoạch khôi phục kinh tế để chuẩn bị nới lỏng các hoạt động sản xuất sau ngày 15/9; Hà Nội bắt đầu đợt giãn cách thứ tư theo 3 khu vực nguy cơ.
Hơn 10 triệu dân TP HCM hôm nay bước sang ngày cuối cùng trong đợt siết chặt giãn cách kéo dài 15 ngày với nguyên tắc "ai ở đâu yên đó". Hiện, chính quyền thành phố vẫn chưa có thông báo có kéo dài đợt "siết chặt" này hay không. Nếu kết thúc, thành phố tiếp tục giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 đến ngày 15/9 như quyết định của UBND thành phố hôm 15/8.
Hôm qua, Bộ Y tế công bố 6.226 ca nhiễm được ghi nhận tại TP HCM, nâng tổng số ca mắc trên địa bàn trong đợt dịch thứ tư lên 251.414. Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố, hết ngày 6/9 các quận huyện mới hoàn thành lấy mẫu xét nghiệm diện rộng đợt 2 ở tất cả vùng nguy cơ. Khi đó, thành phố mới đủ số liệu để đánh giá tình hình dịch trên địa bàn.
Trao đổi với báo chí về kế hoạch ứng phó với Covid-19 của thành phố trong thời gian tới, hôm qua Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Văn Nên nói rằng thành phố không thể giãn cách nghiêm ngặt mãi được vì không thể chịu nổi, phải mở dần ra và sống chung với dịch. Thành phố sẽ trang bị vaccine, thuốc, kiến thức để từng người dân sẵn sàng tâm thế tự "chiến đấu" với dịch.
Người dân khai báo "di động nội địa" tại chốt kiểm soát ở quận Bình Thạnh, ngày 30/8. Ảnh: Quỳnh Trần
"Chúng ta không thể cứ lo chống dịch mà quên sản xuất. Cho nên phải bảo vệ sức khỏe nền kinh tế, không để lụn bại", ông Nên nói và cho biết thành phố sẽ quay trở lại với mục tiêu kép, sản xuất an toàn.
Cũng theo ông Nên, TP HCM đang xây dựng kế hoạch khôi phục kinh tế trên cơ sở khoa học, thực tiễn, học tập kinh nghiệm các nước đi trước. Thành phố đã giao cho đội ngũ khoa học, thầy thuốc, xã hội học, tâm lý học... nghiên cứu tất cả những vấn đề liên quan để sống chung với dịch. Thành phố tạo điều kiện về vaccine, thuốc điều trị, hệ thống y tế để quận 7 và Củ Chi dần "mở cửa" làm điểm cho các khu vực khác.
Trong khi đó, UBND quận 7 dự kiến từ ngày 20/9 sẽ cho hoạt động trở lại đối với mặt hàng thiết yếu và kinh doanh đường phố. Điều kiện để mở cửa là tiêm vaccine 2 mũi, hoạt động theo phương thức "3 tại chỗ" và tuân thủ 5K. Thời gian đầu, quận cho phép hoạt động từ 6 đến 18h hàng ngày, khuyến khích bán hàng online, không phục vụ trực tiếp, chỉ bán mang về.
"Cửa hàng sau khi được thẩm định đạt tiêu chí sẽ gắn bảng hộ kinh doanh xanh hoặc hộ kinh doanh an toàn. Việc mở cửa trở lại thực hiện từng bước, từng ngành nghề theo lộ trình", Chủ tịch UBND quận 7 Hoàng Minh Tuấn Anh nói và cho biết chợ truyền thống khi mở bán trở lại cũng phải có phương án cụ thể, đảm bảo phân luồng, có thể hoạt động theo ngày chẵn, ngày lẻ...
TP Hà Nội hôm nay bắt đầu đợt giãn cách mới kéo dài 15 ngày theo 3 khu vực nguy cơ với các cấp độ khác nhau. Để chuẩn bị cho việc này, Hà Nội cho dựng 30 chốt cứng tại các cầu, khu vực tiếp giáp với "vùng xanh" (không có dịch) để cấm người dân qua lại như Cầu Liên Mạc 2; Phố Viên; cầu Noi; Khu CN Bộ Công an; Đông La; Bích Hòa 2; Trạm bơm Khe Tang; Mỹ Hưng; cầu Đen; Dương Hiền; Hoàng Xá 2; Khánh Vân; làng Phúc Am; Duyên Thái; 2 vị trí trên đường gom cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ.
Tại đường gom Pháp Vân - Cầu Giẽ đoạn qua ngã ba xã Tứ Hiệp (huyện Thanh Trì), rào chắn cứng là những cống nước bê tông. Các ngả đường đều được cắm biển cảnh báo cấm đi lại. Ảnh: Ngọc Thành
Hôm qua, Công an Hà Nội thông báo về việc cấp giấy đi đường theo mẫu mới cho 6 nhóm người dân trong vùng 1 (gồm 10 quận, huyện). Theo đó, nhóm 1, 3, 4 gồm cán bộ, công chức, công vụ làm việc tại cơ quan Đảng, Nhà nước, chính quyền, Mặt trận tổ quốc, đoàn thể, chính trị xã hội đóng trên địa bàn thành phố; các cơ quan, tổ chức ngoại giao; các cơ quan, tổ chức trực tiếp tham gia chống dịch; các cơ quan báo chí. Ba nhóm này sẽ do trưởng các đơn vị chịu trách nhiệm duyệt, cấp giấy đi đường đúng trường hợp theo Chỉ thị 16 của Chính phủ.
Nhóm 2 gồm các cán bộ, công chức, công nhân viên, người lao động của cơ quan, doanh nghiệp trực tiếp thực hiện hoạt động dịch vụ công ích thiết yếu. Nhóm này do Phòng Cảnh sát giao thông Công an Hà Nội cấp.
Nhóm 5 là các công dân ra khỏi nhà mua lương thực, thuốc. Trường hợp này do UBND cấp phường cấp; nhóm 6 là người làm việc trong các cơ quan, doanh nghiệp và các trường hợp cấp thiết khác phục vụ hoạt động công vụ hoặc công ích thiết yếu sẽ do công an xã, phường, thị trấn cấp.
Tại cuộc họp của Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống Covid-19, chiều 5/9, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết trong 23 địa phương đang giãn cách xã hội, Bộ Y tế phân loại thành ba nhóm, dựa trên các tiêu chí kiểm soát dịch bệnh.
Nhóm một , 8 tỉnh, thành "đang kiểm soát tốt dịch bệnh", gồm: Sóc Trăng, Bình Phước, Bến Tre, Hậu Giang, Bạc Liêu, Cà Mau, Đồng Nai, Phú Yên.
Nhóm hai , 11 địa phương "đang tiếp tục lộ trình thực hiện để đạt các tiêu chí kiểm soát dịch bệnh", gồm: Bà Rịa - Vũng Tàu, Tây Ninh, Trà Vinh, Đồng Tháp, An Giang, Cần Thơ, Vĩnh Long, Kiên Giang, Hà Nội, Khánh Hòa, Đà Nẵng.
Nhóm ba , gồm TP HCM, Bình Dương, Long An, Tiền Giang "cần tiếp tục nỗ lực, triển khai quyết liệt các giải pháp phòng, chống dịch để có thể thực hiện được các tiêu chí kiểm soát dịch".
Trong ngày 5/9, Bộ Y tế công bố thêm 13.137 ca nhiễm nâng tổng số ca mắc cả nước trong đợt dịch thứ tư lên 520.014. TP HCM vẫn là vùng dịch lớn nhất với 251.414 ca; tiếp theo Bình Dương 132.433, Đồng Nai 28.549, Long An 20.085.
Giãn cách kéo dài, chủ căn hộ ở TP.HCM vẫn giảm giá thuê nhà Biết người thuê bị ảnh hưởng bởi Covid-19, chị Hồng Thanh (quận Bình Thạnh) đã giảm giá, thậm chí miễn phí cả tiền nhà cho khách thuê từ khi giãn cách xã hội. Anh Linh Quang (30 tuổi) thuê 2 căn hộ chung cư. Căn đang lưu trú ở quận 8 anh thuê giá 6,4 triệu đồng/tháng, được giảm 3 triệu đồng mỗi...