Covid 24h: Hà Nội phong tỏa chợ Long Biên, TP HCM hơn 1.000 F0 nặng
Hà Nội phong tỏa chợ đầu mối Long Biên với 1.200 hộ kinh doanh; TP HCM có 1.026 F0 nặng đang thở máy, 15 người phải can thiệp ECMO.
Ngày 3/8, Việt Nam ghi nhận 8.377 ca nhiễm Covid-19 cộng đồng tại 46 tỉnh, thành. Số ca nhiễm chủ yếu tại TP HCM (4.171), Bình Dương (1.606), Long An (566), Đồng Nai (364), Tây Ninh (298), Khánh Hòa (189), Đồng Tháp (141), Cần Thơ (120), Bến Tre (98), Hà Nội (98)… Trong đó, 6.807 ca được phát hiện ở khu cách ly hoặc khu phong tỏa; 1.570 ca đang điều tra dịch tễ. Số ca nhiễm hôm qua tại TP HCM và Hà Nội đều giảm so với ngày trước đó.
Tại Hà Nội , chợ đầu mối Long Biên với 1.200 hộ kinh doanh bị phong tỏa từ chiều 3/8, do phát hiện ca F0 (trú ngõ 187 Hồng Hà) đến giao hàng cho một số tiểu thương. Chính quyền phường Phúc Xá phát thông báo khẩn, tìm người đến ngõ 187 Hồng Hà và chợ Long Biên từ ngày 18/7 đến 3/8. Những người đã đến hai địa điểm trên được khuyến cáo tự cách ly y tế tại nhà và liên hệ ngay với cơ quan y tế quận hoặc CDC Hà Nội.
Chính quyền đã lấy mẫu xét nghiệm 150 tiểu thương và nhân viên Ban quản lý chợ; các hộ khác được thông báo khai báo y tế tại địa phương.
Long Biên là chợ đầu mối thứ tư của Hà Nội bị phong tỏa do liên quan các ca nhiễm nCoV. Trước đó, chợ đầu mối phía Nam (quận Hoàng Mai), chợ đầu mối Phùng Khoang (Nam Từ Liêm), chợ Minh Khai (Bắc Từ Liêm) đã lần lượt bị phong tỏa.
Những ngày qua, Hà Nội liên tiếp phát hiện ca lây nhiễm cộng đồng tại các khu vực nhiều nguy cơ như chợ đầu mối, công ty cung cấp thực phẩm…
Chợ đầu mối Long Biên, Hà Nội bị phong tỏa, chiều 3/8. Ảnh: Tất Định
TP HCM đang có 1.026 bệnh nhân nặng thở máy và 15 người phải can thiệp ECMO tại các bệnh viện điều trị Covid-19.
Theo Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP HCM, lượng bệnh nhân nặng, nguy kịch này nằm trong tổng số 33.474 F0 đang điều trị. Trong ngày 1/8, thành phố ghi nhận thêm 170 trường hợp tử vong.
Thành phố hiện có 3 đơn vị hồi sức lớn là Bệnh viện Hồi sức Covid-19, Chợ Rẫy và Bệnh Nhiệt đới. Bộ Y tế đang thiết lập nhiều trung tâm hồi sức bệnh nhân nguy kịch tại TP HCM do các bệnh viện lớn tuyến trung ương như Bạch Mai, Việt Đức, Trung ương Huế phụ trách. Mục tiêu lớn nhất là giảm số người nhiễm Covid-19 tử vong.
Phó bí thư Thành ủy TP HCM Phan Văn Mãi nhìn nhận thành phố đang tăng cường nhân lực, trang thiết bị, nhưng khâu tiếp nhận, điều trị bệnh nhân Covid-19 “vẫn đang quá tải”. “Việc điều trị bệnh nhân nặng, tử vong là vấn đề của thành phố hiện nay”, ông Mãi nói.
Khi chuyển chiến lược sang tập trung công tác điều trị, thành phố đã khẩn trương tăng cường cơ sở vật chất, nhân lực, trang thiết bị, thuốc… để điều trị theo mô hình tháp 5 tầng. Nhiều bệnh viện quận, huyện đã “tách đôi”, tăng năng lực điều trị, cấp cứu F0 lên 100%.
“Thành phố chưa có thống kê đầy đủ để có thể nhận định cuối. Tuy nhiên, theo quan sát và phân tích, khâu tiếp nhận, xử lý ở tầng 3 trong tháp 5 tầng điều trị đang gặp nhiều khó khăn do hạn chế cơ sở vật chất, đội ngũ, thiết bị. Thành phố sẽ tập trung khắc phục”, ông Mãi nói về số F0 tử vong.
Nhân viên y tế điều trị các bệnh nhân nặng, nguy kịch tại Bệnh viện Hồi sức Covid-19, TP Thủ Đức, TP HCM. Ảnh: Thành Nguyễn
Về phân bổ vaccine , tối 3/8, Bộ Y tế cho biết đã chuyển hơn 600.000 liều vaccine Astra Zeneca cho TP HCM và hơn 400.000 liều cho Hà Nội.
Số vaccine này thuộc tổng số hơn một triệu liều Việt Nam vừa tiếp nhận. Trong đó, 659.500 liều mua từ Astra Zeneca thông qua Công ty VNVC, dành cho TP HCM; 414.880 liều do Chính phủ Anh viện trợ dành cho Hà Nội.
Bộ Y tế cũng điều chỉnh kế hoạch phân bổ vaccine Covid-19 đợt 16, theo đó TP HCM tăng 319.000 liều và Hà Nội tăng 284.000 liều.
Đến nay, TP HCM là địa phương nhận nhiều vaccine nhất với hơn 4 triệu liều; Hà Nội nhận gần 3 triệu liều.
Trong khi đó, ông Dương Anh Đức, Phó chủ tịch UBND TP HCM cho biết, một triệu liều Vaccine Vero Cell của hãng Sinopharm vừa nhận đang được kiểm định nên chưa tiêm ở đợt 6. Nếu quá trình kiểm định đạt chất lượng, thành phố sẽ sử dụng như các đợt tiêm vaccine khác.
“Hiện việc tiêm vaccine là tự nguyện và miễn phí, ai đồng ý mới thực hiện. Các vaccine phải được WHO và Việt Nam cấp phép sử dụng khẩn cấp”, ông Đức nói.
Tại Quảng Ninh, ông Nguyễn Minh Tuấn, Phó giám đốc Sở Y tế cho biết, đến giữa tháng 8 sẽ tiêm hết 176.200 liều vaccine SinoPharm. Theo đó, cư dân biên giới 16 xã phường TP Móng Cái, huyện Bình Liêu, huyện Hải Hà sẽ được tiêm đủ mũi hai vaccine SinoPharm.
Những trường hợp được tiêm vaccine ở đây gồm: Cư dân biên giới 16 xã phường của TP Móng Cái, huyện Bình Liêu, huyện Hải Hà; chuyên gia và người lao động Trung Quốc trên địa bàn tỉnh; du học sinh và những người có kế hoạch đi học, làm việc tại Trung Quốc; người lao động tại các khu công nghiệp, doanh nghiệp có vốn đầu tư của Trung Quốc; người lao động tại một số lĩnh vực, địa bàn trọng điểm có nguy cơ cao…
Tiểu thương sốt ruột mong "chạy" hàng khỏi chợ Long Biên
Trưa 3/8, toàn bộ chợ Long Biên bị phong tỏa. Nhiều tiểu thương không kịp sơ tán hàng hóa, lo lắng hàng sẽ bị hỏng. Nhiều người vẫn còn ở trong chợ, hối hả thu dọn đồ đạc rời đi.
Chợ Long Biên bị phong tỏa, tiểu thương lo lắng vì chưa kịp đưa hàng ra khỏi chợ.
12h ngày 3/8, UBND phường Phúc Xá (Ba Đình, Hà Nội) ra quyết định phong tỏa chợ Long Biên.
14h ngày 3/8, anh Đào Văn Thực (41 tuổi, buôn bán hoa quả trong chợ Long Biên) đang nghỉ ngơi tại nhà, thì bất ngờ nhận được cuộc gọi thông báo: Giờ không lấy được hàng ra khỏi chợ do có F0. Anh Thực hốt hoảng đánh xe ra khu vực chợ, định chuyển nốt số cam sành còn lại lên xe để tránh hư hỏng.
Anh Thực cho biết, mình còn 5-7 tạ cam sành trong chợ nhưng nay không vào được để xử lý số cam này.
"Trong gian hàng còn khoảng 5-7 tạ cam nữa, đêm qua tôi bán thâu đêm, sáng về để ngủ, định chiều ra bán tiếp mà đã nghe tin phong tỏa. Số cam còn lại chỉ để được khoảng 2 ngày, mà ngoài trời nắng như vậy thì sẽ rất nhanh hỏng", anh Thực buồn bã nói.
Tuy sốt ruột hàng hóa, nhưng anh vẫn đồng tình với việc phong tỏa chợ để kiểm soát dịch bệnh của chính quyền.
Cũng trong tình cảnh của anh Thực, anh Nguyễn Trung Kiên (49 tuổi, buôn bán rau củ trong chợ Long Biên) cho biết, sau khi nghe tin, lúc 16h30 chiều nay anh chạy ra chợ để thu gom số rau còn lại nhưng không kịp.
"Tôi buôn bán ở đây được gần 10 năm nay, số rau, củ còn thừa từ đêm qua vào khoảng 10 triệu đồng, hiện đã cho vào kho lạnh. Cả nhà tôi đều làm nghề này, khu chợ bị phong tỏa không rõ khi nào mở cửa lại, ảnh hưởng rất nhiều đến kế sinh nhai của gia đình, vì đây là nguồn thu nhập chính của gia đình tôi", anh Kiên bày tỏ.
Lúc 17h cùng ngày, tại khu vực đường Hồng Hà gần chợ Long Biên, khoảng 6 xe tải chở đầy hàng hóa của các tiểu thương đỗ dọc bên đường. Tại đây người dân và tiểu thương lo lắng chờ được vào bên trong chợ để xử lý nốt số hàng hóa còn tồn trong các gian hàng.
Anh Bính buồn rầu chia sẻ khi bản thân bị mất việc, khó có thể về quê giữa mùa dịch căng thẳng.
Ngồi bên vệ đường, đôi mắt ửng đỏ tỏ ra vẻ lo lắng, anh Nguyễn Văn Bính (làm thuê trong chợ Long Biên) cho hay, anh rất lo vì chợ tạm đóng cửa cũng có nghĩa là anh bị thất nghiệp. Là người từ Vĩnh Phúc xuống Hà Nội làm thuê, ở nhà còn nuôi bố mẹ già, anh Bính cho hay: "Giờ tôi thất nghiệp không có tiền ăn, mà cũng chẳng thể về nhà được nữa". Mặc dù hoàn cảnh khó khăn là như vậy, nhưng anh vẫn ủng hộ việc phong tỏa của chính quyền.
Theo ghi nhận của PV Dân trí , sau khi có lệnh phong tỏa chợ Long Biên, lực lượng chức năng đã lập hàng rào chắn, các chốt phong tỏa tại đường Hồng Hà, ngăn không cho ai tiếp cận khu vực này. Bên ngoài cổng chính chợ, lực lượng 113 của Công an quận Ba Đình làm nhiệm vụ cảnh báo người dân và tiểu thương không được tụ tập, đảm bảo an ninh trật tự khu vực.
Trước đó, chiều 3/8, ông Tạ Nam Chiến, Chủ tịch UBND quận Ba Đình (Hà Nội) cho biết, quận đã giao phường Phúc Xá ban hành quyết định phong tỏa chợ Long Biên lúc 12h ngày 3/8, do tại đây có một ca F0 là N.Q.T. (sinh năm 1994, tạm trú tại ngõ 187 Hồng Hà, phường Phúc Xá). Anh T. đến chợ Long Biên giao hàng cho một số tiểu thương tại đây. Anh T. có kết quả xét nghiệm dương tính vào sáng 3/8.
Hiện nay lực lượng chức năng đã lấy mẫu xét nghiệm cho 150 người tại chợ Long Biên.
Quận Ba Đình cũng ra thông báo tìm người đã đến ngõ 187 đường Hồng Hà, phường Phúc Xá và chợ Long Biên từ ngày 18/7/2021 đến ngày 3/8/2021. Tất cả những ai từng đến 2 địa điểm đã nêu trong khoảng thời gian trên, tự cách ly tại nhà và liên hệ ngay với Trạm Y tế, Trung tâm Y tế quận Ba Đình.
Chiều 3/8, sau khi có lệnh phong tỏa chợ Long Biên, nhiều tiểu thương bên trong chợ nhanh chóng thu dọn đồ đạc và hàng hóa để rời khỏi đây.
Bên ngoài đường Hồng Hà, nhiều tiểu thương không thể di chuyển vào khu vực chợ nên đã đỗ xe tại khu vực ven đường.
Nhiều người dân hối hả di chuyển khỏi khu vực bị phong tỏa.
Lực lượng chức năng nhắc nhở người dân nhanh chóng thu dọn hàng hóa trong chợ.
Tiểu thương lo lắng tập trung gần khu vực chợ, họ mong muốn được chuyển số hàng hóa trong chợ ra ngoài.
Vì sao dịch "tấn công" nhiều chợ đầu mối ở Hà Nội? Những ngày gần đây, hàng loạt khu chợ đầu mối ở Hà Nội bị phong tỏa, tạm dừng hoạt động do xuất hiện các trường hợp nghi mắc Covid-19. Hà Nội cần làm gì để "bảo vệ" các khu chợ đầu mối, siêu thị? Khi dịch xuất hiện ngoài cộng đồng, chợ và siêu thị là nơi rất dễ bị "tấn công" vì...