Covid 24h: 21 tỉnh, thành đang cách ly xã hội
TP HCM và 18 tỉnh thành phía Nam tiếp tục áp dụng Chỉ thị 16 thêm hai tuần; Hà Nội bước sang ngày thứ 10 cách ly xã hội; còn Đà Nẵng thực hiện “cao hơn Chỉ thị 16.
Người dân TP HCM đã trải qua tổng cộng 62 ngày giãn cách, cách ly xã hội, lần lượt theo các Chỉ thị 15, 10 (của thành phố) , 16 và 16 tăng cường. Thời gian áp dụng Chỉ thị 16 sẽ kéo dài thêm hai tuần nữa tính từ hôm nay. Các ca nhiễm trong ngày vẫn trên mốc 4.000.
Thành phố tiếp tục áp dụng lệnh cấm ra đường sau 18h hôm trước đến 6h hôm sau. Người dân sẽ bị xử phạt nếu ra đường không có lý do chính đáng. Người dân cũng không được ra khỏi thành phố cho đến khi kết thúc chỉ thị, trừ những trường hợp được thành phố phối hợp với các tỉnh thành đưa về quê theo yêu cầu.
Trung tâm TP HCM những ngày thực hiện chỉ thị 16, tháng 7/2021. Ảnh: Quỳnh Trần
Cùng với TP HCM, 18 tỉnh thành phía Nam gồm Bình Dương, Đồng Nai, Cần Thơ, Bình Phước, Tây Ninh, Bà Rịa – Vũng Tàu, Tiền Giang, Long An, Vĩnh Long, Đồng Tháp, Bến Tre, Hậu Giang, An Giang, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Trà Vinh, Cà Mau, Kiên Giang cũng kéo dài việc áp dụng chỉ thị 16 thêm hai tuần nữa.
Công điện hôm 31/7 của Thủ tướng nêu, các địa phương sau một thời gian giãn cách nếu kiểm soát được dịch bệnh có thể nới lỏng theo từng khu vực. Nếu nới lỏng liên tỉnh, các địa phương phải thỏa thuận với nhau và báo cáo trung ương trước khi quyết định.
Video đang HOT
19 tỉnh thành ghi nhận xấp xỉ 134.000 ca nhiễm, chiếm 89% tổng số ca nhiễm trong nước của đợt dịch này.
TP HCM cùng lúc điều chỉnh kế hoạch tổ chức tiêm chủng, tăng thêm 200 đội tiêm vaccine Covid-19. Tổng cộng 1.200 đội sẽ hoạt động cùng lúc, không giới hạn số người tiêm mỗi buổi để đẩy nhanh tiến độ tiêm đợt 5. Ngoài các điểm cố định, đội tiêm lưu động đã triển khai tại TP Thủ Đức đến các khu cách ly, phong tỏa trong ngày 1/8. Việc tiêm lưu động giúp người dân đỡ phải đi lại, hạn chế tập trung đông người. Đợt tiêm này đã triển khai được mười ngày và dự kiến kết thúc chậm nhất trong mười ngày nữa, tổng cộng 930.000 liều.
Hơn 1 triệu cư dân Đà Nẵng trải qua ngày đầu tiên cách ly xã hội “cao hơn chỉ thị 16″, bắt đầu từ chiều 31/7. Hơn trăm chốt kiểm soát cứng của công an được thành lập, nhiều tổ tuần tra lưu động tăng cường kiểm soát các tuyến phố. Người dân ra đường có lý do chính đáng phải có giấy thông hành. Cùng thời điểm này năm ngoái, Đà Nẵng cũng áp dụng chỉ thị 16 khi trở thành tâm dịch trong làn sóng Covid-19 thứ hai bùng phát tại miền Trung.
Ngày hôm qua, thành phố ghi nhận thêm 76 ca nhiễm, trong đó có 15 ca cộng đồng. Sơn Trà trở thành điểm nóng lây nhiễm khi Thọ Quang – cảng cá lớn nhất miền Trung đã ghi nhận tới 261 ca dương tính, chiếm tổng số ca nhiễm của Đà Nẵng đợt dịch này.
Quân đội phun khử trùng trên đường phố thủ đô hôm 26/7. Ảnh: Giang Huy
Hà Nội đã bước sang ngày thứ mười thực hiện cách ly xã hội. Hôm qua, thủ đô ghi nhận 73 ca nhiễm, phần lớn là các ca cộng đồng. Nhiều ca được phát hiện thông qua sàng lọc ho sốt. Những ổ dịch mới tiếp tục phát sinh tại các quận huyện, nhiều F0 chưa rõ nguồn lây khiến dịch ở Hà Nội đang rất khó dự đoán.
Hai ngày qua, hàng loạt địa điểm, khu dân cư thủ đô bị cách ly, phong tỏa tạm thời khi phát hiện ca nhiễm cộng đồng: phường Chương Dương (quận Hoàn Kiếm) với 23.000 cư dân, Bệnh viện đa khoa Chương Mỹ, chợ dân sinh Phùng Khoang, một số khu dân cư phường Thanh Lương (quận Hai Bà Trưng)…
Sáng qua, chuyến tàu xuất phát từ ga Hà Nội mang theo 10 tấn trang thiết bị y tế tháo dỡ từ Trung tâm hồi sức (ICU) Bắc Giang di chuyển vào TP HCM để lắp đặt một trung tâm mới. Đây là số vật tư quý giá, trong bối cảnh dịch bùng phát, thiết bị y tế khó mua. Cùng ngày, 130 y bác sĩ quân y bệnh viện dã chiến truyền nhiễm số 5D lên đường tiếp sức TP HCM và Bình Dương chống dịch. Khi nào hết dịch họ mới trở về.
Người dân hồi hương đến địa phận Quảng Trị được cảnh sát giao thông dẫn đường hôm 31/7. Ảnh: Hoàng Táo
Hôm qua, một số lao động trên chặng đường hồi hương đã gặp nạn . Khuya 31/7, vợ chồng ông Trương Xuân Sơn cùng ba con đi xe ba gác trên đường từ TP HCM về Tân Kỳ (Nghệ An) tránh dịch. Gia đình 5 người bị một chiếc xe tải tông mạnh từ phía sau khi vừa dừng tại chốt kiểm dịch ở Bình Thuận để khai báo y tế. Con trai cả thiệt mạng, bốn người nhà ông Sơn và hai cảnh sát làm nhiệm vụ tại chốt trọng thương.
Tối qua, bốn công nhân quê Bảo Thắng (Lào Cai) trên đường từ Bình Dương về quê, tới địa phận Phú Thọ cũng đã gặp tai nạn sau hành trình dài mệt mỏi. Ba người trong số họ xét nghiệm nhanh cho kết quả dương tính nCoV.
Cả nước đã ghi nhận hơn 150.000 ca nhiễm tại 62 tỉnh thành.
Bình Phước kéo dài thực hiện Chỉ thị 16 thêm 7 ngày
Ngày 31/7, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước Trần Tuệ Hiền có văn bản hỏa tốc về việc kéo dài thực hiện Chỉ thị 16 thêm 7 ngày, kể từ 0h ngày 2/8.
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước giao Công an tỉnh, UBND các cấp tăng cường kiểm tra, giám sát, đôn đốc việc thực hiện triệt để các quy định cách ly xã hội, nhất là việc cách ly giữa người với người; gia đình với gia đình; thôn, ấp, khu phố cách ly với thôn, ấp, khu phố; xã với xã; huyện với huyện.
Bình Phước kéo dài thực hiện Chỉ thị 16 thêm 7 ngày.
Các cơ quan, đơn vị thực hiện triệt để yêu cầu, quy định phòng chống dịch, xử lý nghiêm trường hợp vi phạm. Nơi nào để xảy ra tình trạng tụ tập, vi phạm cách ly với bất kỳ lý do nào đều bị xử lý nghiêm khắc trách nhiệm người đứng đầu và những người liên quan.
Đến nay, Bình Phước có 220 ca mắc COVID-19. Toàn tỉnh đã áp dụng Chỉ thị 16 từ 0h ngày 19/7.
Ngày 28/7, Bình Phước cũng yêu cầu người dân không ra đường từ 18h hôm trước đến 6h hôm sau.
Các nước tạo 'luồng xanh' để chuỗi cung ứng hàng hóa không bị 'đứt gãy' Khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát và lây lan mạnh trên thế giới, nhiều quốc gia đã phải áp dụng các biện pháp phong tỏa và cách ly xã hội một cách nghiêm ngặt. Một cảng hàng hóa ở tỉnh Giang Tô, Trung Quốc. Ảnh: AFP/TTXVN Hạn chế di chuyển khiến việc đảm bảo cung ứng hàng hóa thiết yếu trong giai đoạn...