COVID-19 tới 6h sáng 24/12: Thế giới vượt 278 triệu ca mắc; Mỹ trên 200.000 ca mắc mới/ngày
Theo trang mạng worldometer.info, trong vòng 24 giờ qua, thế giới ghi nhận trên 895.000 ca mắc COVID-19 và trên 6.000 ca tử vong. Tổng số ca mắc từ đầu dịch tới nay đã vượt 278 triệu ca, trong đó trên 5,39 triệu ca tử vong.
Nhân viên y tế tiêm vaccine COVID-19 cho người dân tại New York, Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN
Ba quốc gia có số ca mắc trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Mỹ (trên 221.000 ca), Anh (119.789 ca), và Pháp (91.608 ca).
Ba quốc gia có số ca tử vong trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Nga (1.002 ca), Mỹ (910 ca) và Ba Lan (616 ca).
Như vậy, trong hai ngày qua, số ca mắc COVID-19 mới ở Mỹ đều vượt mốc 200.000 ca/ngày, cho thấy tốc độ lây lan của biến thể Omicron đáng báo động. Tính từ đầu đại dịch tới nay, Mỹ đã có trên 52,7 triệu ca mắc và trên 834.000 ca tử vong.
Tại Anh, số ca mắc mới hàng ngày cũng vượt mốc 100.000 ca trong hai ngày qua. Tới nay, Anh ghi nhận tổng cộng 11,7 triệu ca mắc và trên 147.000 ca tử vong.
Trong bối cảnh biến thể Omicron lây lan mạnh, giới khoa học vẫn đang nỗ lực nghiên cứu để thu thập các dữ liệu về biến thể này. Một số ý kiến cho rằng thời gian ủ bệnh sau khi nhiễm biến thể Omicron có thể ngắn hơn so với các biến thể từng biết tới trước đó.
Đối với bệnh COVID-19, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ cho rằng thời gian trung bình để một người tiếp xúc với virus và xuất hiện các triệu chứng bệnh là 4-5 ngày, mặc dù quãng thời gian này có thể kéo dài đến 14 ngày ở một số trường hợp.
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 tại Ekurhuleni, Nam Phi. Ảnh: AFP/TTXVN
Theo CDC, một nghiên cứu đã cho thấy ở hầu hết những người mắc COVID-19 có biểu hiện triệu chứng, các dấu hiệu mắc bệnh của họ sẽ xuất hiện trong vòng 11 ngày rưỡi.
Trong khi đó, Tổ chức Y tế Thế giới cho biết thời gian ủ bệnh của COVID-19 trung bình là khoảng 5-6 ngày, song cũng có thể kéo dài tới 14 ngày.
Gần đây, một số báo cáo cho rằng biến thể Omicron có thể có thời gian ủ bệnh ngắn hơn so với các biến thể trước đó. Vào ngày 6/12, Bộ trưởng Y tế Anh Sajid Javid cho biết: “Những phân tích gần đây của Cơ quan An ninh Y tế Vương quốc Anh cho thấy khoảng thời gian từ lúc phơi nhiễm đến lúc phát bệnh do biến thể Omicron có thể ngắn hơn so với biến thể Delta”.
Ngoài ra, các kết quả phân tích đối với hơn 100 người liên quan đợt bùng phát chuỗi lây nhiễm biến thể Omicron tại một bữa tiệc Giáng sinh ở Na Uy vào tháng trước, cho thấy phần lớn trong số họ đã bị nhiễm virus. Các phân tích cho rằng giả sử những người tham dự bị nhiễm bệnh tại bữa tiệc, thì thời gian ủ bệnh trung bình của họ là 3 ngày. Các nhà khoa học nhấn mạnh khoảng thời gian này “ngắn hơn so với các báo cáo trước đó về biến thể Delta, cũng như các biến thể trước đó của SARS-CoV-2″. Theo các ghi nhận trước đó, Delta có thời gian ủ bệnh kéo dài 4,3 ngày, trong khi các biến thể khác ủ bệnh trong 5 ngày.
Châu Âu
Tây Ban Nha tái áp đặt quy định bắt buộc đeo khẩu trang ở ngoài trời
Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại Barcelona, Tây Ban Nha. Ảnh: AFP/TTXVN
Chính phủ Tây Ban Nha cho biết sẽ tái áp đặt quy định bắt buộc đeo khẩu trang ở ngoài trời trong bối cảnh số ca mắc mới COVID-19 gia tăng.
Cuối tháng 6 vừa qua, Tây Ban Nha đã dỡ bỏ quy định bắt buộc đeo khẩu trang ở ngoài trời nhưng vẫn áp dụng với các địa điểm công cộng có không gian kín hoặc không gian ngoài trời không đảm bảo giãn cách xã hội. Quy định này được Tây Ban Nha áp dụng lần đầu tiên vào tháng 5/2020 sau khi bùng phát làn sóng lây lan dịch COVID-19 đầu tiên.
Cho đến nay, Tây Ban Nha có khoảng 80% trong tổng số 47 triệu dân đã tiêm vaccine phòng COVID-19 đầy đủ, trở thành một trong những nước có tỷ lệ bao phủ vaccine cao nhất trên thế giới. Điều này đã giúp Tây Ban Nha tránh được đợt bùng phát dịch tương tự ở các nước châu Âu khác. Tuy nhiên, sự xuất hiện của biến thể Omicron đã làm gia tăng trở lại số ca nhiễm với kỷ lục gần 50.000 ca nhiễm mới ghi nhận vào ngày 21/12, mặc dù số ca nhập viện và chăm sóc tích cực là khá thấp so với các làn sóng COVID-19 trước.
Số ca nhiễm biến thể Omicron chiếm 47% tổng số ca nhiễm COVID-19 ở Tây Ban Nha, tăng vọt từ mức gần 3% trước đó một tuần. Tỷ lệ nhiễm COVID-19 tăng lên hơn 500 ca/100.000 dân vào ngày 17/12, vượt mức được xem là “nguy cơ rất cao” của Bộ Y tế nước này và gần gấp đôi so với đầu tháng 12. Ngày 21/12, tỷ lệ này ở mức 695 ca/100.000 dân.
Tây Ban Nha là một trong những nước chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19, đến nay ghi nhận trên 89.000 ca tử vong và 5,7 triệu ca mắc.
Slovenia giới hạn số người mua sắm cùng lúc
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Ljubljana, Slovenia, ngày 14/12/2021. Ảnh: THX/TTXVN
Chính phủ Slovenia ban bố quy định hạn chế số lượng người mua sắm tại cùng thời điểm trong cùng một không gian, theo đó mỗi 10m2 diện tích cửa hàng chỉ được phép đón một khách mua hàng. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày 23/12.
Ngoài ra, theo quy định mới, tất cả những người tiếp xúc với người mắc COVID-19 sẽ phải tự cách ly trong 10 ngày, ngoại trừ những người đã tiêm vaccine mũi tăng cường.
Chính phủ Slovenia cảnh báo biến thể Omicron đang lây lan mạnh ở nước này, trong khi các bệnh viên rơi vào tình trạng quá tải và tỷ lệ tiêm vaccine phòng bệnh còn thấp. Hiện mới có 56,1% trong tổng số 2,1 triệu công dân Slovenia đã tiêm phòng đầy đủ. Slovenia xác nhận ca đầu tiên nhiễm biến thể Omicron vào ngày 14/12.
Anh triển khai tiêm phòng cho trẻ em dễ bị tổn thương từ 5-11 tuổi
Người dân chờ tiêm vaccine ngừa COVID-19 tại London, Anh ngày 19/12. Ảnh: THX/TTXVN
Chính phủ Anh báo triển khai tiêm phòng COVID-19 cho trẻ em thuộc nhóm dễ bị tổn thương trong độ tuổi từ 5-11 tuổi, sau khi Cơ quan quản lý dược phẩm Anh cấp phép sử dụng vaccine của hãng Pfizer/BioNTech cho nhóm tuổi này.
Theo Ủy ban Hỗn hợp về Vaccine và Tiêm chủng của Anh (JCVI), trẻ em sẽ được tiêm hai mũi vaccine phòng COVID-19 của Pfizer/BioNTech, với liều lượng mỗi liều là 10 mg – tương đương 1/3 liều của người lớn. Khoảng cách giữa hai mũi tiêm là 8 tuần.
Chủ tịch JCVI Wei Shen Lim cho biết phần lớn trẻ em từ 5-11 tuổi nếu mắc COVID-19 có rất ít nguy cơ trở nặng. Tuy nhiên, nguy cơ này cao hơn ở những trẻ em có bệnh lý nền, do đó JCVI khuyến nghị tiêm phòng cho nhóm trẻ này trước tiên. Ủy ban trên cũng khuyến nghị cung cấp mũi tiêm tăng cường cho trẻ em từ 16-17 tuổi và những trẻ dễ bị tổn thương từ 12-15 tuổi để ứng phó với biến thể Omicron.
Châu Á
Nhật Bản ghi nhận thêm lây nhiễm Omicron trong cộng đồng
Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại Tokyo, Nhật Bản. Ảnh: Kyodo/TTXVN
Nhật Bản ngày 23/12 thông báo nước này đã ghi nhận thêm 1 trường hợp nhiễm biến thể Omicron trong cộng đồng, không xác định được nguồn lây.
Video đang HOT
Giới chức y tế tỉnh Tokyo đang theo dõi 7 người được cho là có tiếp xúc gần với bệnh nhân, trong đó 2 người đã có kết quả xét nghiệm COVID-19 âm tính và 5 người vẫn đang chờ kết quả.
Trước đó, ngày 22/12, Nhật Bản thông báo chuỗi lây nhiễm biến thể Omicron đầu tiên trong cộng đồng, với 3 bệnh nhân là thành viên của một gia đình chưa rõ nguồn lây do cũng không có lịch sử đi nước ngoài.
Phát biểu tại cuộc họp báo ở thủ đô Tokyo, Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio cho biết nhà chức trách sẽ cung cấp miễn phí bộ xét nghiệm COVID-19 tại các khu vực ghi nhận lây nhiễm cộng đồng. Liên quan đến các ca lây nhiễm Omicron đầu tiên trong cộng đồng, Thủ tướng Kishida cam kết chính phủ sẽ áp dụng các biện pháp toàn diện nhằm ngăn chặn dịch bệnh.
Trung Quốc sẵn sàng ứng phó nguy cơ bùng phát dịch tại Olympic mùa Đông 2022
Biểu tượng Olympic mùa Đông 2022 tại Bắc Kinh, Trung Quốc ngày 1/12/2021. Ảnh: AFP/TTXVN
Giới chức Trung Quốc ngày 23/12 khẳng định nước này đã sẵn sàng để ứng phó nếu bùng phát dịch COVID-19 tại Thế vận hội mùa Đông Bắc Kinh 2022.
Olympic mùa Đông Bắc Kinh diễn ra vào tháng 2/2022 sẽ là sự kiện thể thao quy mô lớn được kiểm soát nghiêm ngặt nhất tại Trung Quốc kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát ở nước này. Khán giả quốc tế không được phép dự khán, trong khi toàn bộ những người tham gia kỳ Olympic này sẽ phải tuân thủ quy tắc “bong bóng phòng dịch” – mọi hoạt động diễn ra trong vòng tròn khép kín và có kiểm soát.
Phát biểu tại cuộc họp báo, ông Hoàng Xuân – quan chức phụ trách kiểm soát dịch bệnh tại Olympic Bắc Kinh nêu rõ: “Chắc chắn sẽ khó tránh khỏi việc xuất hiện ca bệnh và có khả năng sẽ xảy ra bùng phát dịch ở quy mô nhỏ”.
Việc tổ chức Thế vận hội mùa Đông với sự tham gia của một số lượng rất lớn các vận động viên và quan chức nước ngoài tiềm ẩn nhiều rủi ro của Trung Quốc. Ngoài quy định bắt buộc phải tiêm phòng trước khi nhập cảnh Trung Quốc, tất cả những người tham gia Olympic sẽ phải tiến hành xét nghiệm COVID-19 hằng ngày và được giám sát y tế một cách kỹ lưỡng. Giới chức Trung Quốc cũng khuyến khích các vận động viên tiêm liều tăng cường của vaccine ngừa COVID-19 để được bảo vệ trước biến thể Omicron.
Chính phủ Ấn Độ họp khẩn tìm giải pháp đối phó với biến thể Omicron
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Bangalore, Ấn Độ ngày 2/12/2021. Ảnh: THX/TTXVN
Chính phủ Ấn Độ ngày 23/12 đã triệu tập cuộc họp khẩn cấp với sự tham dự của các quan chức hàng đầu chính phủ, chuyên gia ngành y, giới hoạch địch chính sách và tham mưu từ trung ương đến địa phương nhằm thống nhất cách thức tiếp cận và đối phó với nguy cơ xảy ra làn sóng COVID-19 mới với biến thể Omicron tại thủ đô New Delhi.
Bộ Y tế Ấn Độ đã ghi nhận hơn 210 ca nhiễm biến thể Omicron ở nước này. Hai bang Maharashtra và Delhi báo cáo số ca nhiễm Omicron cao nhất, tiếp theo là Telangana, Karnataka, Rajasthan, Kerala và Gujarat. Đáng chú ý, Bộ trưởng Y tế đã viết một bức thư gửi tới lãnh đạo các địa phương và vùng lãnh thổ để cảnh báo và yêu cầu họ chuẩn bị cho tình huống xấu nhất. Thư nêu rõ biến thể Omicron có khả năng lây truyền cao hơn ít nhất 3 lần so với biến thể Delta, do đó các địa phương cần “nhìn xa hơn, phân tích dữ liệu, ra quyết định năng động, hành động ngăn chặn nghiêm ngặt và nhanh chóng”. Thông điệp của Bộ trưởng Y tế cũng nhấn mạnh 2 thông số cụ thể phải cảnh giác: kết quả xét nghiệm dương tính từ 10% trở lên trong tuần trước và tỷ lệ sử dụng giường bệnh chiếm 40% trở lên ở các đơn vị chăm sóc đặc biệt hoặc được hỗ trợ oxy.
Hai bang đông dân nhất của Australia siết chặt quy định phòng dịch
Một điểm tiêm vaccine COVID-19 tại bang New South Wales, Australia ngày 21/8/2021. Ảnh: AFP/TTXVN
Ngày 23/12, hai bang đông dân nhất Australia là New South Wales và Victoria đã áp dụng trở lại các biện pháp nghiêm ngặt phòng dịch COVID-19 khi số ca nhiễm mới hằng ngày tăng cao do biến thể Omicron.
New South Wales, nơi có 25 triệu người sinh sống, thông báo tái áp đặt quy định bắt buộc đeo khẩu trang ở nơi công cộng trong phòng kín, đồng thời giới hạn số khách và áp dụng quy định quét mã QR đối với người tới dự các sự kiện. Trong khi đó, bang Victoria, với dân số gần bằng New South Wales, cũng tái áp đặt quy định bắt buộc đeo khẩu trang nhằm giảm sức ép đối với hệ thống y tế.
Các biện pháp siết chặt phòng dịch được đưa ra ngay trước thềm trước lễ Giáng Sinh, khi Australia đã lên kế hoạch mở cửa trở lại sau gần 2 năm phong tỏa. Số ca nhập viện và tử vong vì COVID-19 ở nước này hiện tại không cao, nhưng số ca nhiễm tăng nhanh đã đặt ra nguy cơ mới, khi nhiều nhân viên y tế phải nghỉ làm vì nhiễm virus.
Australia ngày 23/12 ghi nhận 8.200 ca nhiễm mới, mức tăng theo ngày lớn nhất kể từ đầu dịch. Trước đó, ngày 22/12 nước này ghi nhận 5.600 ca nhiễm mới, hầu hết ở hai bang nói trên.
Phát biểu với báo giới, Thống đốc bang New South Wales, ông Dominic Perrottet cho biết: “Các quy định mới trên là một cách tiếp cận thận trọng khi sắp bước vào kỳ nghỉ lễ kéo dài đến cuối tháng 1/2022″. Ông cũng kêu gọi người dân tránh đổ xô đến các trung tâm xét nghiệm nếu không có triệu chứng mắc bệnh, dù được thông báo thuộc diện có tiếp xúc gần với bệnh nhân nhiễm.
ADVERTISING
X
Trước đó, Thủ tướng Australia Scott Morrison từng cam kết không tái áp đặt phong tỏa, đồng thời nhấn mạnh rằng người dân có trách nhiệm tự bảo vệ sức khỏe của bản thân. Thủ tướng Morrison cũng kêu gọi nới lỏng quy định xét nghiệm trong bối cảnh hầu hết các bang yêu cầu người ra vào phải trình xét nghiệm âm tính trong vòng 72 giờ trước khi đến.
Châu Mỹ
Số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 tại châu Mỹ vượt 100 triệu
Tổ chức Y tế Liên Mỹ (PAHO) cho biết số ca mắc COVID-19 tại châu Mỹ kể từ khi đại dịch bùng phát đã vượt quá 100 triệu, với mức tăng trung bình 36% ở khu vực Bắc Mỹ trong tuần trước.
Mặc dù khu vực Trung và Nam Mỹ ghi nhận tỷ lệ ca nhiễm virus SARS-CoV-2 giảm 10,7% và và số ca tử vong giảm 6,3%, số bệnh nhân COVID-19 tại Bolivia lại đang gia tăng mạnh. Ecuador và Argentina cũng ghi nhận xu hướng tương tự.
Đến thời điểm hiện tại, 19 quốc gia và vùng lãnh thổ tại châu Mỹ đã phát hiện ca nhiễm biến thể Omicron. Đặc biệt, các phân tích dịch tễ chỉ ra rằng số ca nhiễm biến thể Omicron chiếm 73% các ca mắc COVID-19 tại châu lục này trong tuần qua.
Nhiều trường đại học Mỹ chuyển sang học trực tuyến do lo ngại về biến thể Omicron
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân ở Los Angeles, bang California, Mỹ. Ảnh: Getty Images/TTXVN
Nhằm ngăn chặn đà lây lan của virus SARS-CoV-2, ngày càng nhiều trường đại học tại Mỹ đã chọn phương án tổ chức học trực tuyến trong mùa Đông này.
Cụ thể, Đại học California, Los Angeles (UCLA), và 6 phân viện của Đại học California (UC) đã thông báo mở các lớp học từ xa vào học kỳ tới. Nếu tình hình dịch bệnh không cải thiện, các trường sẽ khó quay trở lại học trực tiếp trong tương lai gần.
Trong khi đó, mười phân viện của UC, với 280.000 sinh viên và 227.000 nhân viên, còn yêu cầu tất cả sinh viên và nhân viên phải có chứng nhận đã tiêm phòng và tiêm mũi tăng cường vaccine ngừa COVID-19. Nguyên nhân là do có nhiều quan ngại rằng so với các biến thể khác, Omicron có khả năng lây nhiễm nhanh hơn đối với những người chưa tiêm phòng, cũng như dẫn đến các ca nhiễm đột phá dù ở mức độ nhẹ đối với cả những người đã tiêm phòng. Đại học UC cho biết các quy định an toàn mới này sẽ giúp họ nhanh chóng xác định được các ca mắc COVID-19 trong cộng đồng, đồng thời giúp hạn chế nguy cơ làm gián đoạn các hoạt động tại phân viện, giảm thiểu nguy cơ bị biến chứng nghiêm trọng khi mắc COVID-19.
Đại học tư thục Loyola Marymount tại Los Angeles cũng chuyển sang hình thức học trực tuyến trong hai tuần đầu của tháng 1/2022. Trong khi đó, Đại học Stanford sẽ bắt đầu học kỳ mới từ ngày 3/1-18/1/2022 theo hình thức trực tuyến. Về phần mình, Đại học bang California đã yêu cầu toàn bộ sinh viên và nhân viên phải tiêm mũi tăng cường để chuẩn bị cho học kỳ mùa Xuân. Trong bối cảnh số ca nhiễm tăng mạnh, trường cũng đã hủy các sự kiện thể thao và các hoạt động nhóm khác.
Canada ghi nhận ngày có ca nhiễm mới COVID-19 cao kỷ lục
Người dân xếp hàng chờ tiêm vaccine phòng COVID-19 tại Toronto, Canada, ngày 20/12/2021. Ảnh: THX/TTXVN
Ở thời điểm trước thềm kỳ nghỉ lễ Giáng sinh và Năm mới, số ca mắc COVID-19 gia tăng ở hầu hết các khu vực tại Canada, phần lớn là do biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2.
Theo số liệu công bố mới nhất, trong ngày 23/12, Canada ghi nhận 15.225 ca nhiễm mới COVID-19 – mức cao nhất kể từ dịch bệnh bùng phát tại nước này hồi tháng 2/2020. Các quan chức y tế của Canada dự đoán số ca lây nhiễm theo ngày có thể sẽ lên tới 26.000 ca trên toàn quốc vào giữa tháng 1/2022 nếu Omicron vượt qua Delta trở thành biến thể lây lan nhanh nhất ở nước này.
Mexico tiêm mũi tăng cường cho nhân viên y tế và giáo dục
Nhân viên y tế tiêm vaccine COVID-19 cho người dân tại Mexico City, Mexico, ngày 25/10/2021. Ảnh: AFP/TTXVN
Tổng thống Mexico Andres Manuel Lopez Obrador thông báo nước này sẽ sớm triển khai tiêm mũi tăng cường vaccine ngừa COVID-19 cho các nhân viên ngành y tế và giáo dục đồng thời đẩy mạnh tiêm mũi tăng cường cho những người trên 60 tuổi.
Về việc tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho trẻ vị thành niên, Tổng thống Lopez Obrador cho biết quyết định này sẽ được đưa ra dựa trên khuyến nghị của các chuyên gia và của Tổ chức Y tế thế giới (WHO).
Theo số liệu thống kê chính thức, đến nay gần 82 triệu người trong số 89,4 triệu dân trên 18 tuổi ở Mexico đã tiêm ít nhất một mũi vaccine ngừa COVID-19. Mexico hiện ghi nhận 3,93 triệu ca mắc COVID-19, trong đó có 298.000 ca tử vong.
Ecuador tuyên bố tiêm chủng là bắt buộc
Ngày 23/12, Chính phủ Ecuador tuyên bố việc tiêm chủng ngừa COVID-19 là bắt buộc và lệnh có hiệu lực ngay lập tức do sự gia tăng các ca mắc mới và việc các biến thể của virus SARS-CoV-2 liên tiếp xuất hiện trên thế giới đang gây áp lực lên hệ thống y tế nước này.
Ecuador khẳng định có đủ lượng sinh phẩm cần thiết để tiêm chủng cho toàn dân, đồng thời nhấn mạnh tiêm chủng là quyền lợi được Nhà nước đảm bảo thông qua các chính sách công, chương trình, hành động và dịch vụ kịp thời nhằm thúc đẩy và chăm sóc sức khỏe toàn diện.
Tiêm chủng ngừa COVID-19 là bắt buộc với mọi người dân Ecuador, trừ những người xuất trình được giấy tờ liên quan chứng minh tình trạng sức khỏe bất lợi không thể thực hiện hoặc chống chỉ định với thành phần nào đó của vaccine.
Tuần này, cơ quan quản lý các chính sách đối phó với đại dịch COVID-19 của Ecuador đã ra lệnh bắt buộc xuất trình giấy chứng nhận tiêm chủng ở các khu vực công cộng hoặc nơi diễn ra các hoạt động không thiết yếu nhằm giảm lượng người tụ tập ở những nơi như nhà hàng, rạp chiếu phim, rạp hát…, đồng thời hủy bỏ nhiều buổi biểu diễn.
Tính đến thời điểm hiện tại, 12,43 triệu người (tương đương 77,2% dân số Ecuador) đã được tiêm chủng đầy đủ ngừa COVID-19, trong khi hơn 920.000 người đã được tiêm liều tăng cường.
COVID-19 tới 6h sáng 23/8: Iran nhiều ca mắc mới nhất thế giới
Theo trang mạng worldometer.info, trong vòng 24 giờ qua, thế giới ghi nhận trên 444.000 ca bệnh COVID-19 và trên 8.100 ca tử vong. Tổng số ca bệnh từ đầu dịch tới nay đã là trên 212,5 triệu ca, trong đó trên 4,44 triệu ca tử vong.
Tiêm vaccine COVID-19 cho một cụ bà tại New York, Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN
Ba quốc gia có số ca mắc trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Iran (36.419 ca), Anh (32.253 ca) và Mỹ (trên 27.400 ca).
Ba quốc gia có số ca tử vong trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Indonesia (1.030 ca), Mexico (847 ca) và Nga (762 ca).
Tính từ đầu đại dịch, Mỹ vẫn là nước có số ca nhiễm và tử vong vì COVID-19 cao nhất thế giới với 38,5 triệu ca mắc, trong đó có 645.045 ca tử vong. Brazil đứng thứ hai về số ca tử vong với 574.524 ca trong tổng số 20,5 triệu ca nhiễm. Với 434.784 ca tử vong trong tổng số 32,4 triệu ca nhiễm, Ấn Độ đứng thứ hai về số ca nhiễm và thứ ba về số ca tử vong.
Ấn Độ ghi nhận số ca đang điều trị ở mức thấp nhất trong 5 tháng
Bệnh nhân COVID-19 được hỗ trợ thở oxy tại bệnh viện dã chiến ở New Delhi, Ấn Độ ngày 27/4/2021. Ảnh: AFP/TTXVN
Bộ Y tế Ấn Độ công bố số liệu cho thấy trong 24 giờ qua có thêm 25.420 ca mới, nâng tổng số ca lên 32,4 triệu ca. Số ca tử vong cũng tăng 385 ca lên thành 434.784 ca. Ấn Độ vẫn đang điều trị cho 353.398 ca, mức thấp nhất trong 152 ngày qua.
Cũng trong 24 giờ qua, thêm 44.103 người được điều trị khỏi bệnh và xuất viện. Tỷ lệ bình phục ở bệnh nhân mắc COVID-19 tăng lên 97,57%, cao nhất kể từ tháng 3/2020.
Nhật Bản: Tokyo có trên 4.000 ca mắc mới
Nhân viên y tế tiêm vaccine COVID-19 cho người dân tại tỉnh Tokyo, Nhật Bản, ngày 12/4/2021. Ảnh: AFP/ TTXVN
Tại Nhật Bản, chính quyền thủ đô Tokyo cùng ngày thông báo có thêm 4.392 ca mắc mới COVID-19, đánh dấu ngày Chủ nhật ghi nhận số ca mắc mới cao nhất từ trước tới này. Con số này vượt qua mức 4.295 ca mắc mới được ghi nhận vào Chủ nhật tuần trước, đã giảm so với 5.074 ca mắc mới được báo cáo 1 ngày trước đó.
Theo giới chức Tokyo, tỷ lệ mắc COVID-19 trung bình trong 7 ngày qua là 4.732,9 ca/ngày, tăng 11% so với tuần trước. Số bệnh nhân mắc COVID-19 có các triệu chứng nghiêm trọng đã tăng thêm 1 người từ ngày 21/8 lên 271 người.
Bất chấp các biện pháp chống dịch được thực hiện trong khuôn khổ tình trạng khẩn cấp và gần như khẩn cấp ở các khu vực bị ảnh hưởng nặng nề bao gồm cả Tokyo, Nhật Bản đang phải chật vật đối phó với làn sóng dịch COVID-19 nghiêm trọng nhất. Trong ngày 21/8, Nhật Bản ghi nhận thêm 25.492 ca mới. Đây là ngày thứ 3 liên tiếp số ca mắc mới ở nước này ở trên ngưỡng 25.000 ca/ngày.
Đáng chú ý, có tới 9 trong tổng số 47 tỉnh, thành ghi nhận số ca mới cao kỷ lục. Mặc dù các nhà tổ chức đã thực hiện nhiều biện pháp quyết liệt để phòng chống dịch COVID-19, nỗi lo dịch bệnh vẫn đang bao trùm lên Đại hội thể thao người khuyết tật Paralympic Tokyo 2020, dự kiến sẽ khai mạc vào ngày 24/8.
Nhiều bệnh viện ở Israel quá tải
Nhân viên y tế tiêm vaccine COVID-19 cho trẻ em tại Tel Aviv, Israel ngày 6/6/2021. Ảnh: AFP/TTXVN
Lãnh đạo 7 "bệnh viện công" ở Israel ngày 22/8 khẳng định đội ngũ nhân viên y tế tại các cơ sở điều trị này đã đạt đến mức giới hạn và có thể sẽ không tiếp nhận thêm bệnh nhân COVID-19 từ ngày 23/8.
Các cơ sở y tế được gọi là "bệnh viện công" ở Israel là những tổ chức độc lập hoạt động chủ yếu bằng các khoản tài trợ, khác với hệ thống trực tiếp thuộc sở hữu và nhận tài trợ từ Chính phủ hay các quỹ y tế.
Tờ Times of Israel dẫn phát biểu của giới lãnh đạo 7 bệnh viện tại một cuộc họp báo kêu gọi tổ chức một chiến dịch trong cộng đồng để bảo đảm tài chính và có những bước đi cần thiết để hỗ trợ hệ thống y tế sau 16 tháng khủng hoảng.Tiến sĩ Ofer Marin, Giám đốc Trung tâm Y tế Shaare Zedek ở Jerusalem nêu rõ: "Trong điều kiện hiện nay, chúng tôi không thể tiếp tục hoạt động điều trị. Chúng tôi không có thiết bị, dụng cụ và tiền để trả lương cho đội ngũ nhân viên".
Tình hình dịch bệnh COVID-19 ở Israel đang ở mức đáng lo ngại. Theo số liệu của Bộ Y tế Israel, chỉ tính riêng trong 24 giờ qua, nước này đã ghi nhận 3.885 ca bệnh mới và 55 người tử vong do COVID-19. Kể từ khi dịch bệnh bùng phát đến nay, Israel đã ghi nhận tổng cộng hơn 986.000 ca lây nhiễm và số bệnh nhân sẽ nhanh chóng vượt qua mốc 1 triệu người trong vài ngày tới.
Trước tình hình đó, Chính phủ Israel đã đẩy mạnh chiến dịch tiêm vaccine ngừa COVID-19, với quyết định mới là mở rộng đối tượng được tiêm liều 3 tới những người từ 40 tuổi trở lên. Bên cạnh đó, Israel cũng đã khởi động chiến dịch xét nghiệm SARS-Cov-2 cho toàn bộ trẻ em từ 3 đến 12 tuổi trên toàn quốc, nhằm phân luồng học sinh trước ngày khai giảng. Israel đã nhập 1,7 triệu bộ xét nghiệm nhanh cho chiến dịch này, nhằm "hạn chế học sinh bị nhiễm bệnh đến trường". Các bộ xét nghiệm sẽ được gửi đến từng gia đình để cha mẹ tự làm xét nghiệm cho con.
Số ca mắc ở Thái Lan có xu hướng giảm dần
Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại một bến tàu ở Bangkok, Thái Lan ngày 26/4/2021. Ảnh: AFP/TTXVN
Ngày 22/8, Trung tâm Xử lý tình hình dịch COVID-19 Thái Lan (CCSA) cho biết, trong 24 giờ qua, nước này có thêm 19.014 ca mới và 233 ca tử vong.
Kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát vào đầu năm ngoái, đến nay Thái Lan ghi nhận tổng cộng 1.049.295 ca mắc, trong đó 839.855 ca đã khỏi bệnh và 9.320 ca không qua khỏi.
Người phát ngôn của CCSA trước đó cho biết mặc dù tình hình dịch bệnh ở nước này vẫn còn đáng lo ngại, nhưng có những dấu hiệu tích cực cho thấy số ca mới đã qua mức đỉnh và có thể sẽ tăng chậm trong thời gian tới.
Trong khi đó, Tiến sĩ Kampanat Porn-yotkrai, một bác sĩ phẫu thuật tiết niệu điều hành trang Facebook "Sarikahappymen", viết rằng làn sóng lây nhiễm COVID-19 ở Thái Lan đã vượt qua đỉnh điểm. Tuy nhiên, ông cảnh báo rằng đại dịch còn lâu mới kết thúc. Tiến sĩ Kampanat lưu ý rằng trong đợt bùng phát của biến chủng Delta, các ca lây nhiễm hàng ngày lên đến hơn 400.000 rồi mới nhanh chóng giảm lại. Thái Lan có thể đã vượt qua đỉnh 23.000 ca/ngày gần đây.
Ông Kampanat cho biết chương trình tiêm chủng của Thái Lan đóng một vai trò quan trọng dù rằng vẫn còn những bất cập. Hiện tại, một phần tư dân số, tương đương 18 triệu người, đã tiêm mũi vaccine đầu tiên và Thái Lan chuẩn bị đạt mức tiêm 500.000 mũi vaccine mỗi ngày.
Theo Tiến sĩ Kampanat, chiều đi lên của đường cong dịch tễ mất từ hai đến ba tháng, vì vậy cũng sẽ mất từ hai đến ba tháng đối với chiều đi xuống. Thái Lan có thể sẽ thấy số ca nhiễm hàng ngày giảm từ 19.000 xuống 18.000 xuống 17.000 cho đến khi đường cong dịch tễ bằng phẳng. Tiến sĩ dự báo sẽ có khoảng 300.000-400.000 ca nhiễm mới trong xu hướng giảm. Dựa trên số liệu thống kê, số người tử vong sẽ đạt đỉnh sau hai tuần, vì vậy có thể có 2.000-3.000 trường hợp tử vong nữa trước khi làn sóng dịch này kết thúc.
Chính phủ Thái Lan đang cố gắng đảm bảo có nhiều vaccine hơn và đẩy nhanh việc triển khai tiêm chủng để tạo được miễn dịch cộng đồng. Nước này đặt mục tiêu tiêm chủng cho khoảng 70% dân số gần 70 triệu người vào cuối năm nay.
Theo CCSA, tính đến ngày 21/8, Thái Lan đã thực hiện tiêm chủng hơn 26,7 triệu liều vaccine, với 8,5% dân số đã được tiêm chủng đầy đủ.
Số ca mắc mới ở Philippines cao thứ 3 ASEAN
Tiêm vaccine COVID-19 cho người dân tại Manila, Philippines ngày 15/7/2021. Ảnh: AFP/TTXVN
Ngày 22/4, Bộ Y tế Philippines (DOH) thông báo ghi nhận thêm 16.044 ca mắc mới COVID-19, nâng tổng số ca mắc trên cả nước lên 1.839.635 ca.
Cũng theo DOH, số người tử vong vì COVID-19 cũng tăng lên 31.810 người sau khi có thêm 215 không qua khỏi.
Trước đó, ngày 20/4, Philippines đã ghi nhận 17.231 ca mắc mới, mức tăng cao nhất được ghi nhận trong 1 ngày cho đến nay. Quốc gia với dân số khoảng 110 triệu dân này đã xét nghiệm cho gần 17 triệu người kể từ khi dịch bệnh bùng phát vào tháng 1/2020.
Lào ghi nhận trên 300 ca mắc mới trong một ngày qua
Người dân tập thể dục tại Viêng Chăn, Lào, ngày 5/7/2021. Ảnh: THX/TTXVN
Bộ Y tế Lào ngày 22/8 cho biết, trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận 305 ca mắc mới COVID-19; trong đó ngoài 224 ca nhập cảnh được cách ly ngay, còn có 81 ca cộng đồng. Tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp. Đáng chú ý là số ca lây nhiễm trong cộng đồng tiếp tục tăng cao; trong đó, Savanankhet là tỉnh ghi nhận nhiều ca cộng đồng nhất với 52 ca.
Trước tình hình trên, Ủy ban chuyên trách trung ương về phòng chống dịch COVID-19 của Lào đã chỉ đạo các địa phương tăng cường hoạt động giám sát đường biên giới để ngăn chặn việc nhập cảnh trái phép có nguy cơ mang theo dịch bệnh vào trong nước, đồng thời tăng cường giáo dục nhận thức về dịch bệnh cho người lao động đang được điều trị hoặc đang ở trong các khu cách ly.
Chính phủ Lào cũng kêu gọi người dân theo dõi và báo cáo trường hợp nhập cảnh bất hợp pháp hoặc vi phạm biện pháp phòng chống dịch để có hình thức xử lý kịp thời.
Đến nay, tổng số ca nhiễm COVID-19 tại Lào đã lên tới 12.469 ca, trong đó có 11 người tử vong.
Dịch bệnh ở Brunei tiếp tục nóng hơn
Brunei đã gia hạn phong tỏa toàn quốc một phần thêm 2 tuần. Ảnh: BORNEO BULLETIN
Sau khi ghi nhận 122 ca nhiễm mới ngày 21/8, Brunei tiếp tục có 314 ca mắc mới trong ngày 22/8, nâng tổng ca nhiễm lên 1.769. Ngày 22/8 là ngày thứ tư liên tiếp ca nhiễm mới tại Brunei vượt 100.
Số ca nhiễm đã tăng mạnh tại Brunei sau nhiều tháng nước này kiểm soát dịch thành công nhất khu vực, với số ca nhiễm chỉ ở mức 1 con số.
Trước sự kiện phát hiện 7 ca nhiễm cộng đồng hôm 7/8, Brunei đã lập kỷ lục khi không có ca nhiễm cộng đồng trong 457 ngày. Đối mặt với ổ dịch mới và tình hình đại dịch phức tạp do biến thể mới, quốc gia này đã áp dụng những biện pháp kiểm soát nghiêm ngặt nhất trong 2 ngày, kể từ 21/8. Chính phủ Brunei đã quyết định gia hạn các biện pháp phong toả toàn quốc một phần thêm 2 tuần.
Bên cạnh đóng cửa các cơ sở tôn giáo, trường học, nhà hàng ăn tại chỗ và các cơ sở thể thao, giải trí, Brunei cũng cấm hầu hết các cuộc tụ tập, yêu cầu người lao động ngành không thiết yếu làm ở nhà và cấm toàn bộ cư dân rời khỏi nhà mà không có lý do quan trọng.
Australia duy trì chiến lược chống dịch hiện tại
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại bang Victoria, Australia ngày 19/8/2021. Ảnh: AFP/TTXVN
Thủ tướng Australia Scott Morrison đã chỉ thị chính quyền các bang và vùng lãnh thổ của nước này tiếp tục theo đuổi lộ trình chống dịch COVID-19 hiện tại trong bối cảnh số ca mắc mới tăng cao nhất từ trước đến nay.
Ngày 22/8, Australia ghi nhận 914 ca mắc mới COVID-19, mức cao kỷ lục trong ngày thứ hai liên tiếp, chủ yếu ở bang New South Wales. Tuy nhiên, Thủ tướng Morrison cùng ngày hối thúc chính quyền các bang và vùng lãnh thổ bắt đầu nới lỏng các biện pháp hạn chế khi 70% dân số trưởng thành đã tiêm phòng đầy đủ.
Nội các Australia vào tháng 7 vừa qua đã thông qua lộ trình chống dịch COVID-19 gồm 4 giai đoạn, theo đó các biện pháp phong tỏa sẽ dần được dỡ bỏ khi đạt tỷ lệ tiêm chủng ở mức 70% dân số trưởng thành. Ông Morrison nhấn mạnh việc ngăn chặn sự lây lan của virus SARS-CoV-2 cần được thực hiện mạnh mẽ nhất trong giai đoạn A của kế hoạch chống dịch, các giai đoạn sau đó cần chuyển sang tập trung điều trị các ca nhập viện, ca bệnh nặng và ca nguy kịch. Ông khẳng định, với tỷ lệ tiêm chủng đạt 70-80%, Australia có thể thoát khỏi dịch COVID-19.
Tính đến ngày 22/8, khoảng 50% dân số Australia ở các bang New South Wales, Victoria và Vùng lãnh thủ thủ đô Australia (ACT) vẫn đang trong giai đoạn phong tỏa vì dịch COVID-19.
COVID-19 tới 6h sáng 13/12: Thế giới vượt 270 triệu ca mắc; Thêm nhiều nước có biến thể Omicron Theo trang mạng worldometer.info, trong vòng 24 giờ qua, thế giới ghi nhận trên 417.000 ca mắc COVID-19 và trên 3.800 ca tử vong. Tổng số ca mắc từ đầu dịch tới nay đã vượt 270 triệu ca, trong đó trên 5,32 triệu ca tử vong. Nhân viên y tế tiêm vaccine COVID-19 cho người dân tại Moskva, Nga ngày 9/10/2020. Ảnh: AFP/TTXVN...