COVID-19 tới 6h sáng 23/3: Dỡ hạn chế quá nhanh, châu Âu rơi vào làn sóng ‘Omicron tàng hình’
Trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận trên 1,47 triệu ca mắc COVID-19 và 4.194 ca tử vong, nâng tổng số người chết lên 6.109.785 ca.
Châu Âu rơi vào làn sóng “ Omicron tàng hình” do dỡ bỏ các hạn chế quá nhanh.
Nhân viên y tế tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho trẻ em tại Medellin, Colombia. Ảnh: AFP/TTXVN
Theo trang thống kê worldometer.info, tính đến 6h ngày 23/3 (theo giờ VN), toàn thế giới đã ghi nhận tổng cộng 473.745.028 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19, trong đó có 6.109.785 ca tử vong. Số ca nhiễm mới trong 24 giờ qua là 1.472.677 và 4.194 ca tử vong mới.
Số bệnh nhân bình phục đã đạt 409.649.301 người, 57.985.942 bệnh nhân đang được điều trị tích cực và 60.815 ca nguy kịch.
Trong 24 giờ qua, Hàn Quốc dẫn đầu thế giới về ca nhiễm mới với 353.725 ca; Đức đứng thứ hai với 268.357 ca; tiếp theo là Pháp (180.777 ca). Mỹ đứng đầu về số ca tử vong mới, với 502 người chết trong ngày; tiếp theo là Nga 472 ca và Brazil với 333 ca.
Mỹ vẫn là quốc gia bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất thế giới. Tổng số ca nhiễm tại Mỹ đến nay là 81.463.362 người, trong đó có 999.536 ca tử vong. Ấn Độ đứng thứ hai thế giới, ghi nhận tổng cộng 43.010.971 ca nhiễm, bao gồm 516.574 ca tử vong. Trong khi đó, Brazil xếp thứ ba với 29.682.615 ca bệnh và 657.696 ca tử vong.
Châu Âu là khu vực chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất của dịch COVID-19 với gần 172 triệu ca nhiễm, tiếp đến là châu Á với trên 133,48 triệu ca nhiễm. Bắc Mỹ ghi nhận trên 96,1 triệu ca nhiễm, Nam Mỹ là trên 55,74 triệu ca, tiếp đến là châu Phi 11,66 triệu ca và châu Đại Dương trên 4,77 triệu ca nhiễm.
Người dân chờ xét nghiệm tại Đức. Ảnh: AFP/TTXVN
Dỡ hạn chế quá nhanh, châu Âu rơi vào làn sóng Omicron tàng hình
Ngày 22/3, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết một số nước châu Âu, trong đó có Đức, Pháp, Italy và Vương quốc Anh đã dỡ bỏ các hạn chế phòng chống dịch COVID-19 một cách quá mạnh tay và do vậy, những nước này đang chứng kiến số ca mắc gia tăng có thể do biến thể phụ BA.2 của Omicron (còn gọi là “Omicron tàng hình”).
Phát biểu họp báo, Giám đốc WHO khu vực châu Âu Hans Kluge đã bày tỏ sự lạc quan song vẫn cảnh giác về tiến triển của dịch bệnh tại châu Âu. Theo ông, số ca mắc COVID-19 đang trên đà gia tăng tại 18 trong số 53 quốc gia và vùng lãnh thổ thuộc khu vực châu Âu theo cách phân chia của WHO. Theo ông, nguyên nhân khiến số ca mắc gia tăng có thể là do biến thể Omicron tàng hình dễ lây lan hơn, song không gây nguy hiểm so với những biến thể khác. Ngoài ra, việc một số nước châu Âu quá mạnh tay trong việc dỡ bỏ các hạn chế phòng dịch cũng là nguyên nhân gây ra tình hình này.
Theo cơ sở dữ liệu của WHO, số ca mắc mới COVID-19 tại châu Âu đã giảm mạnh so với mức đỉnh ghi nhận vào cuối tháng 1, song hiện đang trên đà gia tăng trở lại kể từ đầu tháng 3. Trong 7 ngày qua, hơn 5,1 triệu ca mắc mới và 12.496 ca tử vong do COVID-19 đã được ghi nhận tại khu vực châu Âu theo cách phân chia của WHO, nâng tổng số ca mắc từ đầu mùa dịch đến nay lên gần 194,4 triệu ca và số ca tử vong lên hơn 1,92 triệu ca.
Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân tại Dayton, Ohio, Mỹ. Ảnh: AFP/ TTXVN
Xét nghiệm nước bọt nhanh hơn xét nghiệm dịch mũi họng
Một nghiên cứu được công bố ngày 21/3 trên tạp chí Microbiology Spectrum của Tổ chức Vi sinh vật học của Mỹ cho thấy xét nghiệm gene qua nước bọt phát hiện virus SARS-CoV-2 nhanh hơn xét nghiệm dịch mũi họng.
Đồng tác giả nghiên cứu, Giáo sư Donald K. Milton thuộc Viện Y tế môi trường ứng dụng của Đại học Y tế cộng đồng bang Maryland (Mỹ), cho biết: “Kết quả nghiên cứu trên rất quan trọng vì mọi người có thể lây truyền virus trước khi biết rằng mình đã nhiễm virus. Phát hiện virus sớm hơn có thể giúp giảm tốc độ lây lan của dịch bệnh”.
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Rio de Janeiro, Brazil, ngày 16/3/2022. Ảnh: THX/ TTXVN
Phát hiện trên đã giúp tăng số người chấp nhận đi xét nghiệm, giảm chi phí và tăng mức đảm bảo an toàn cho nhân viên y tế tiến hành xét nghiệm vì tránh tiếp xúc gần giữa họ với bệnh nhân hơn so với xét nghiệm bằng dịch mũi họng, đồng thời tránh trường hợp bệnh nhân ho hoặc hắt hơi khi đang lấy mẫu xét nghiệm.
Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại Seoul, Hàn Quốc, ngày 16/3/2022. Ảnh: THX/ TTXVN
Bệnh nhân COVID-19 có nguy cơ cao mắc tiểu đường tuýp 2
Những người mắc COVID-19 có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường tuýp 2 trong vòng một năm cao hơn những người không mắc. Đây là kết quả một nghiên cứu vừa được các nhà khoa học Mỹ công bố mới đây.
Nhóm nghiên cứu thuộc Trung tâm Chăm sóc y tế St.Louis của Bộ Cựu chiến binh Mỹ (VA) đã đánh giá hồ sơ bệnh án của 181.000 bệnh nhân thuộc bộ trên được chẩn đoán mắc COVID-19 trong giai đoạn từ ngày 1/3/2020-30/9/2021. Theo đó, ngay cả những người mắc COVID-19 có triệu chứng nhẹ hoặc hoàn toàn không triệu chứng cũng có thể phát triển bệnh tiểu đường tuýp 2. Nguy cơ này gia tăng tỷ lệ thuận với mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng COVID-19.
Nhóm nghiên cứu cũng so sánh số liệu hồ sơ bệnh án của hơn 4,1 triệu bệnh nhân VA không mắc COVID-19 trong cùng giai đoạn và khoảng 4,28 triệu bệnh nhân được cơ quan này chăm sóc y tế trong các năm 2018 và 2019. Dù nghiên cứu nói trên không thể chứng minh được nguyên nhân và hệ quả, song bước đầu đã cho thấy mối liên hệ chặt chẽ giữa hai căn bệnh này.
Điều trị cho bệnh nhân nhiễm COVID-19 tại bệnh viện ở Tehran, Iran. Ảnh: IRNA/TTXVN
Các nhà nghiên cứu ước tính người mắc COVID-19 có tới 46% khả năng phát triển tiểu đường tuýp 2 lần đầu tiên hoặc phải được kê thuốc để kiểm soát lượng đường trong máu. Theo đó, cứ 100 bệnh nhân COVID-19 thì có 2 người có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường tuýp 2, là bệnh rối loạn chuyển hóa không đồng nhất, có đặc điểm tăng glucose huyết do khiếm khuyết về tiết insulin, về tác động của insulin, hoặc cả hai. Tiểu đường tuýp 2 có thể gây tổn thương thận, dây thần kinh, mạch máu và tim, cùng nhiều tác động khác.
Các nhà khoa học đánh giá kết quả nghiên cứu sẽ có ảnh hưởng đến hơn 471 triệu người mắc COVID-19 được ghi nhận đến nay trên toàn thế giới, trong đó có gần 80 triệu người ở Mỹ, và đặc biệt với người có các triệu chứng của hội chứng COVID kéo dài.
Video đang HOT
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Thẩm Dương, tỉnh Liêu Ninh, Trung Quốc, ngày 19/3/2022. Ảnh: THX/ TTXVN
Trung Quốc phong tỏa thành phố hơn 9 triệu dân
Đêm 21/3, Trung Quốc đã phong tỏa thành phố Thẩm Dương thuộc tỉnh Liêu Ninh, Đông Bắc nước này, sau khi số ca mắc COVID-19 tại đây tăng.
Theo thông báo, nhà chức trách đã tiến hành kiểm soát chặt toàn bộ các khu dân cư, đồng thời cấm người dân rời khỏi nhà mà không có kết quả xét nghiệm âm tính trong vòng 48 giờ. Với khoảng 9 triệu dân, Thẩm Dương là trụ sở công nghiệp của nhiều nhà máy, trong đó có hãng sản xuất ô tô BMW. Trong ngày 22/3, thành phố này đã ghi nhận 47 ca mắc COVID-19 mới.
Nhờ việc kết hợp giữa chính sách kiểm soát biên giới chặt chẽ, cách ly trong thời gian dài và phong tỏa có trọng điểm, Trung Quốc – quốc gia ghi nhận các trường hợp đầu tiên nhiễm virus SARS-CoV-2 trên thế giới – đã kiểm soát tương đối tốt dịch bệnh. Tuy nhiên, sự xuất hiện của biến thể Omicron có khả năng lây lan nhanh đang đặt ra những thách thức lớn đối với nước này. Trong hai tuần qua, Trung Quốc đã tăng cường các biện pháp phong tỏa, xét nghiệm quy mô lớn nhằm ngăn chặn các ổ dịch COVID-19 tại nhiều địa phương. Trong ngày 21/3, Trung Quốc đại lục đã ghi nhận 2.281 ca nhiễm mới trong cộng đồng, trong đó phần lớn ở tỉnh Cát Lâm ở vùng Đông Bắc.
Lào: Ca mắc mới COVID-19 cao kỷ lục từ đầu dịch
Bộ Y tế Lào ngày 22/3 cho biết trong 24 giờ qua, nước này đã ghi nhận 2.328 ca mắc mới COVID-19, mức cao nhất từ trước đến nay, trong đó riêng thủ đô Viêng Chăn có tổng cộng 1.331 ca.
Trước tình hình trên Bộ Y tế Lào kêu gọi người tự xét nghiệm nhanh tại nhà có thể đăng ký trên kênh tư vấn của Trung tâm thông tin y học để được hỗ trợ cách thức theo dõi sức khoẻ phù hợp. Việc đăng ký này được kỳ vọng sẽ giúp cơ quan chức năng thu thập dữ liệu chính xác hơn về số trường hợp đang tự chăm sóc tại nhà thay vì đến điều trị tại bệnh viện.
Bên cạnh đó, Trung tâm kiểm soát dịch bệnh Lào cũng đề nghị người tự xét nghiệm COVID-19 liên hệ với nhà chức trách qua đường dây nóng 164 để được lấy mã bệnh nhân, phối hợp kịp thời với bác sĩ trong trường hợp triệu chứng chuyển nặng.
Bộ Y tế Lào cũng kêu gọi người có kết quả xét nghiệm dương tính nhưng không có biểu hiện triệu chứng nên tự cách ly ít nhất 10 ngày và người có triệu chứng nên theo dõi thêm 3-13 ngày trước khi trở lại cuộc sống bình thường.
Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân COVID-19 tới bệnh viện ở Seoul, Hàn Quốc, ngày 11/3/2022. Ảnh: THX/ TTXVN
“Chìa khóa” cải thiện các triệu chứng COVID-19 kéo dài
Nghiên cứu của Trung tâm nghiên cứu y sinh Pennington (Mỹ) chỉ ra rằng tập thể dục đều đặn giúp làm giảm các triệu chứng trầm cảm và bệnh tiểu đường liên quan đến hội chứng COVID kéo dài (Long COVID).
Theo nghiên cứu được đăng tải trên tập san khoa học Exercise and Sports Science Reviews, các bằng chứng hiện có về COVID kéo dài cho thấy tình trạng viêm do nhiễm virus SARS-CoV-2 có thể gây ra một loạt tác dụng phụ ở một số người bệnh hậu COVID-19, như sức khỏe tâm thần sa sút hay các mức insulin bị gián đoạn gây ảnh hưởng đến lượng đường trong máu. Tác giả nghiên cứu, Tiến sĩ Candida Rebello tại Trung tâm Pennington, cho rằng điều này có thể tạo ra “vòng luẩn quẩn” dẫn đến các vấn đề về rối loạn chức năng tế bào. Tuy nhiên, việc tập thể dục có thể giúp cải thiện từng vấn đề từ căng thẳng tâm lý, tình trạng viêm cho đến khắc phục chứng rối loạn insulin.
Nhật Bản bắt đầu dỡ bỏ các biện pháp phòng dịch trọng điểm trên toàn quốc
Ngày 22/3, Chính phủ Nhật Bản đã chính thức dỡ bỏ các biện pháp phòng dịch COVID-19 trọng điểm trên toàn quốc. Đây là lần đầu tiên kể từ ngày 9/1 năm nay, không có địa phương nào ở Nhật Bản phải áp dụng các biện pháp phòng dịch nghiêm ngặt.
Song song với việc dỡ bỏ các biện pháp phòng dịch trọng điểm, Chính phủ Nhật Bản dự định sẽ nới lỏng dần các biện pháp hạn chế nhằm bình thường hóa các hoạt động kinh tế- xã hội, đồng thời củng cố hệ thống y tế, tăng cường năng lực xét nghiệm và dự trữ thuốc để chuẩn bị đối phó với các làn sóng lây nhiễm khác trong tương lai. Bên cạnh đó, theo Đài truyền hình NHK, Chính phủ Nhật Bản dự định sẽ khuyến khích việc sử dụng giấy chứng nhận tiêm chủng ở các nhà hàng, quán bar, các sự kiện thể thao, giải trí quy mô lớn và hoạt động đi lại.
Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại Tokyo, Nhật Bản, ngày 28/2/2022. Ảnh: Kyodo/ TTXVN
Cuối tuần trước, chính quyền của Thủ tướng Kishida Fumio đã quyết định dỡ bỏ các biện pháp phòng dịch trọng điểm ở 18 tỉnh, thành kể từ ngày 22/3. Quyết định này được đưa ra trong bối cảnh dịch COVID-19 có dấu hiệu lắng dịu ở nước này. Trong tuần từ ngày 14-20/3, Nhật Bản chỉ ghi nhận 328.303 ca nhiễm mới, giảm 49.805 ca so với 1 tuần trước đó.
Hãng Pfizer bán 4 triệu liệu trình thuốc uống Paxlovid cho UNICEF
Ngày 22/3, hãng dược Pfizer Inc của Mỹ cho biết đã đồng ý bán tới 4 triệu liệu trình thuốc điều trị COVID-19 Paxlovid dạng uống cho Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) để cung cấp cho 95 nước có thu nhập thấp.
Thỏa thuận này chỉ chiếm 3% sản lượng mà hãng đề ra trong năm nay là 120 triệu liệu trình thuốc Paxlovid. Theo Pfizer, 95 nước tiếp nhận thuốc Paxlovid của UNICEF lần này chiếm khoảng 53% dân số thế giới. Tuy nhiên, Pfizer không tiết lộ khía cạnh tài chính của thỏa thuận.
Trong một tuyên bố, Giám đốc điều hành Pfizer Albert Bourla cho biết thỏa thuận với UNICEF là một phần quan trọng trong chiến lược của hãng hướng tới sự tiếp cận bình đẳng thuốc điều trị COVID-19 cho mọi người dân trên thế giới. Theo hãng, những nước có thu nhập thấp, thấp hơn và trung bình sẽ được cung cấp thuốc với giá phi lợi nhuận trong khi những nước có thu nhập trung bình cao sẽ phải trả với mức giá cao hơn. Pfizer dự kiến sẽ có thể hoàn tất một số đơn đặt hàng mua thuốc từ những nước này vào tháng 4, đồng thời cho biết nguồn cung có thể tiếp tục trong cả năm nay.
Tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho trẻ em tại Bogota, Colombia ngày 19/1/2022. Ảnh: AFP/TTXVN
Paxlovid là thuốc kháng virus dạng uống điều trị COVID-19, chứa 2 thành phần thuốc nirmatrelvir và ritonavir. Chế phẩm này dự kiến là công cụ quan trọng trong cuộc chiến chống COVID-19 sau khi kết quả một cuộc thử nghiệm lâm sàng cho thấy thuốc giảm khoảng 90% tỷ lệ nhập viện ở những bệnh nhân có nguy cơ cao.
COVID-19 tới 6h sáng 16/1: Thế giới vượt 326 triệu ca mắc; Mỹ cập nhật hướng dẫn đeo khẩu trang
Theo trang mạng worldometer.info, trong vòng 24 giờ qua, thế giới ghi nhận trên 2 triệu ca mắc COVID-19 và trên 5.100 ca tử vong. Tổng số ca mắc từ đầu dịch tới nay đã vượt 326 triệu ca, trong đó trên 5,55 triệu ca tử vong.
Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng COVID-19 cho phụ nữ mang thai tại London, Anh, ngày 25/12/2021. Ảnh: AFP/TTXVN
Ba quốc gia có số ca mắc trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Pháp (324.580 ca), Ấn Độ (268.999 ca) và Italy (180.426 ca).
Ba quốc gia có số ca tử vong trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Nga (723 ca), Mỹ (649 ca) và Ba Lan (429 ca).
Nhìn chung, với trên 2 triệu ca mắc mới trong 24 giờ qua, số ca mắc mới trên toàn cầu vẫn ở mức cao.
Tính từ đầu đại dịch, Mỹ vẫn là quốc gia ghi nhận nhiều ca mắc nhất với trên 66,3 triệu ca, tiếp đó là Ấn Độ với 37,1 triệu ca mắc và Brazil với trên 22,9 triệu ca mắc.
Số ca mắc mới COVID-19 tại Philippines tăng cao kỷ lục ngày thứ 3 liên tiếp
Ngày 15/1, Bộ Y tế Philippines thông báo biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2 đang lây lan trong cộng đồng ở vùng thủ đô Manila, trong bối cảnh số ca mắc mới COVID-19 tăng cao kỷ lục trong ngày thứ 3 liên tiếp.
Phát biểu họp báo trực tuyến, Thứ trưởng Y tế Philippines - bà Maria Rosario Vergeire, cho biết biến thể Omicron đang lan rộng trong cộng đồng ở vùng thủ đô Manila, khu vực gồm 16 thành phố với dân số hơn 13 triệu người. Bà Vergeire cảnh báo số ca mắc mới COVID-19 có thể đạt đỉnh trong thời gian từ cuối tháng 1 đến giữa tháng 2 tới.
Theo Bộ Y tế Philippines, trong ngày 15/1, nước này ghi nhận 39.004 ca mắc mới COVID-19, mức cao nhất từ trước đến nay. Số ca đang phải điều trị cũng tăng kỷ lục với 280.813 ca. Philippines hiện là quốc gia có số ca nhiễm và tử vong cao thứ 2 ở Đông Nam Á (sau Indonesia), với hơn 3,16 triệu ca mắc và gần 53.000 ca tử vong.
Indonesia ghi nhận số ca mắc mới COVID-19 cao nhất trong vòng 3 tháng
Indonesia ngày 15/1 thông báo ghi nhận 1.054 ca mắc mới COVID-19 - mức cao nhất trong vòng 3 tháng.
Tháng 7/2021, quốc gia đông dân thứ 4 thế giới đã chật vật đối phó với làn sóng lây nhiễm thứ 2, chủ yếu do sự lây lan của biến thể Delta. Sau đó, số ca mắc mới COVID-19 tại nước này đã giảm xuống còn khoảng 200 ca mỗi ngày vào tháng 12/2021. Tuy nhiên, trong tháng này, số ca mắc mới tại quốc gia Đông Nam Á lại tăng cao trở lại do biến thể Omicron lây lan trong cộng đồng.
Trong một tuyên bố, Bộ trưởng Y tế Indonesia Budi Gunadi Sadikin cho biết đã phát hiện lây nhiễm Omicron cộng đồng và Jakarta là địa phương có số ca nhiễm nhiều nhất. Hiện nhà chức trách Indonesia đang phối hợp chặt chẽ nhằm siết chặt hoạt động đi lại, tăng cường y tế, tiêm mũi tăng cường vaccine ngừa COVID-19.
Indonesia ghi nhận ca đầu tiên nhiễm biến thể Omicron vào ngày 16/12/2021. Đến nay, nước này đã có tới hơn 500 ca nhiễm biến thể mới có khả năng lây lan nhanh. Giới chức Indonesia dự báo tỷ lệ lây nhiễm Omicron ở nước này có thể đạt đỉnh vào tháng 2 tới.
Nhật Bản vượt ngưỡng 25.000 ca mắc mới/ngày
Người dân xếp hàng chờ xét nghiệm COVID-19 tại thủ đô Tokyo, Nhật Bản, ngày 10/1/2022. Ảnh: Kyodo/TTXVN
Tình hình dịch COVID-19 cũng đang diễn biến phức tạp ở Nhật Bản khi số ca mắc mới trong ngày 15/1 vượt ngưỡng 25.000 ca kể từ ngày 26/8/2021. Như vậy, đến nay nước này ghi nhận hơn 1,83 triệu ca mắc COVID-19 và 18.423 ca tử vong.
Thời gian qua, số ca mắc mới COVID-19 tại nhiều khu vực ở Nhật Bản đã chạm các mốc cao kỷ lục do sự lây lan nhanh chóng của biến thể Omicron. Đáng chú ý, tại tỉnh Okinawa - nơi đặt phần lớn căn cứ quân sự của Mỹ tại Nhật Bản (70%), 1.829 ca mắc mới đã được ghi nhận trong ngày 15/1, mức cao nhất từ trước đến nay. Thống đốc tỉnh Okinawa, ông Denny Tamaki, trước đó đã chỉ trích những hạn chế trong công tác kiểm soát dịch bệnh tại các căn cứ quân sự của Mỹ khiến biến thể Omicron lan rộng ra các cộng đồng địa phương.
Nhật Bản mới đây đã siết chặt các biện pháp hạn chế phòng dịch COVID-19 tại 3 tỉnh đặt các căn cứ quân sự của Mỹ. Kể từ tháng 11/2021, Nhật Bản áp dụng lệnh cấm nhập cảnh đối với người nước ngoài, song binh sĩ Mỹ vẫn được phép ra vào nước này với điều kiện phải thực hiện xét nghiệm và cách ly.
Myanmar phát hiện thêm 10 ca nhiễm biến thể Omicron
Trong ngày 15/1, Bộ Y tế Myanmar đã ghi nhận thêm 10 ca nhiễm biến thể Omicron, qua đó đưa tổng số trường hợp nhiễm loại biến thể này tại Myanmar lên 76 người.
Thông báo của Bộ Y tế Myanmar cho hay trong số 10 ca bệnh trên có 8 người nhập cảnh từ Ấn Độ - bao gồm 5 công dân Myanmar và 3 người nước ngoài. Hai trường hợp còn lại là những thành viên trong một gia đình có tiếp xúc gần với bệnh nhân trước đó đã được xác định nhiễm biến thể Omicron.
Số bệnh nhân COVID-19 nặng tại Israel tăng cao nhất trong 3 tháng
Nhân viên y tế tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho trẻ em tại Modiin, Israel, ngày 12/1/2022. Ảnh: THX/TTXVN
Bộ Y tế Israel cho biết, tính đến ngày 14/1, số bệnh nhân COVID-19 nặng tại nước này đã tăng lên 306 bệnh nhân, trong đó 86 bệnh nhân rất nặng và 76 bệnh nhân phải thở máy.
Trong số 306 bệnh nhân trở nặng nói trên có 125 người chưa tiêm vaccine ngừa COVID-19 và 32 người chưa tiêm mũi tăng cường. Nếu tính theo tỷ lệ dân số, người trên 60 tuổi chiếm 6% số người chưa tiêm phòng nhưng chiếm tới 35% số ca nặng.
Kể từ đầu tháng này, Israel bắt đầu triển khai tiêm bổ sung mũi vaccine thứ 4 ngừa COVID-19 cho người lớn tuổi và có nguy cơ cao. Tính đến nay đã có trên 500.000 người dân nước này tiêm vaccine mũi thứ 4. Tuy nhiên, số ca mắc mới COVID-19 vẫn đang ở mức rất cao, trên 40.000 ca/ngày (trên tổng dân số khoảng 9,5 triệu người).
Trong khi đó, Bộ trưởng Tài chính Israel Avigdor Lieberman ngày 15/1 đã có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2 và sẽ phải tự cách ly tại nhà, song ông vẫn tiếp tục thực hiện các công việc từ xa.
Pháp phê duyệt vaccine của hãng Novavax
Nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân COVID-19 tại bệnh viện ở ngoại ô Paris, Pháp ngày 29/12/2021. Ảnh: AFP/TTXVN
Ngày 14/1, Cơ quan Y tế quốc gia Pháp (HAS) đã chính thức phê duyệt vaccine ngừa COVID-19 của công ty công nghệ sinh học Novavax của Mỹ.
Theo HAS, dữ liệu từ các nghiên cứu khác nhau cho thấy vaccine Nuvaxovid có hiệu quả cao, giúp giảm tới 90% các triệu chứng và có thể ngăn ngừa bệnh nặng lên đến gần 100%. Loại vaccine này có thể sử dụng để tiêm cho những người từ 18 tuổi trở lên, với khoảng cách giữa liều thứ nhất và liều thứ hai là 3 tuần.
HAS cho biết thêm vaccine Novaxovid có thể sử dụng cho những người chưa tiêm liều vaccine nào hoặc không thể tiêm vaccine theo công nghệ mRNA. Dự kiến, Pháp sẽ nhận lô vaccine Novaxovid đầu tiên vào cuối tháng 1, theo đó nước này có thể triển khai tiêm từ tháng 2 tới. Theo kế hoạch, Pháp sẽ nhận được 3,2 triệu liều vaccine Novaxovid trong quý I/2022.
Đến nay, Pháp đã cấp phép lưu hành 5 loại vaccine của các hãng Pfizer/BioNTech, Moderna, AstraZeneca, Johnson & Johnson và Novavax.
CDC Mỹ cập nhật hướng dẫn về việc đeo khẩu trang
Người dân xếp hàng chờ xét nghiệm COVID-19 tại New York, Mỹ, ngày 29/12/2021. Ảnh: THX/TTXVN
Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ đã cập nhật hướng dẫn người dân đeo khẩu trang để ngăn chặn sự tấn công của virus SARS-CoV-2. Theo đó, cơ quan này cho biết một số loại khẩu trang có khả năng bảo vệ người dân khỏi sự tấn công của virus SARS-CoV-2 cao hơn, đồng thời đưa ra một số chỉ dẫn mà người tiêu dùng cần lưu ý.
Trong một tuyên bố, CDC Mỹ nêu rõ khẩu trang là công cụ quan trọng ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19 và nhấn mạnh dù đeo khẩu trang loại nào cũng tốt hơn là không đeo.
Trong hướng dẫn cập nhật, CDC Mỹ khuyến nghị người dân đeo loại khẩu trang có khả năng bảo vệ tốt nhất đó là đeo khít mặt và thường xuyên. Hướng dẫn mới nêu rõ một số loại khẩu trang có mức độ bảo vệ cao hơn khiến một số người có thể cảm thấy khó chịu hoặc khó đeo hơn loại khác. Điều quan trọng nhất là người dân cần đeo khẩu trang vừa với mặt, cảm thấy thoải mái và có khả năng bảo vệ tốt.
Cũng theo CDC Mỹ, các sản phẩm khẩu trang làm bằng vải dệt thưa cung cấp sự bảo vệ thấp hơn các sản phẩm dệt mịn nhiều lớp. Khẩu trang phẫu thuật và KN95 cung cấp sự bảo vệ tốt hơn và các loại khẩu trang đeo khít mặt được Viện Quốc gia về an toàn và sức khỏe nghề nghiệp phê duyệt, trong đó có N95, cung cấp sự bảo vệ cao nhất cho người dùng trước sự tấn công của virus SARS-CoV-2.
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Evanston, Illinois, Mỹ, ngày 4/1/2022. Ảnh: THX/TTXVN
Hướng dẫn cập nhật nhấn mạnh tầm quan trọng của việc sử dụng khẩu trang có khả năng bảo vệ tốt hơn trong những điều kiện nguy cơ cao hoặc đối với những người có nguy cơ diễn tiến nặng nếu mắc bệnh, trong đó có những người đang phải chăm sóc người mắc COVID-19; khi đi máy bay hoặc phương tiện giao thông công cộng, đặc biệt trong thời gian dài; làm việc tại nơi phải tiếp xúc với nhiều người; chưa tiêm tăng cường vaccine ngừa COVID-19, có nguy cơ mắc bệnh nặng do hệ miễn dịch yếu.
CDC Mỹ vẫn không khuyến khích đeo khẩu trang cho trẻ em dưới 2 tuổi, song khuyến nghị tất cả giáo viên, học sinh và những người đến trường học cần đeo khẩu trang trong không gian kín, bất kể tình trạng tiêm chủng hoặc tỷ lệ lây nhiễm của khu vực.
CDC Mỹ cũng đề nghị người dân dành khẩu trang N95 sử dụng trong phẫu thuật cho các nhân viên y tế. CDC Mỹ cập nhật hướng dẫn đeo khẩu trang lần gần đây nhất vào tháng 10/2021.
Mỹ đang đứng đầu về cả số ca mắc và tử vong do COVID-19 trên toàn thế giới. Hiện nước này cũng đang phải đối phó với làn sóng lây nhiễm mới dịch COVID-19 do sự lây lan của biến thể Omicron. Theo giới chuyên gia, tình hình dịch bệnh càng phức tạp hơn do nhiều người dân không tiêm vaccine ngừa COVID-19.
Brazil bắt đầu tiêm vaccine cho trẻ em từ 5-11 tuổi
Nhân viên y tế tiêm vaccine COVID-19 của hãng dược AstraZeneca cho người dân tại Belo Horizonte, bang Minas Gerais, Brazil. Ảnh: AFP/TTXVN
Brazil đã bắt đầu tiêm vaccine cho trẻ em từ 5-11 tuổi sau khi được giới chức y tế nước này cấp phép cách đây một tháng. Theo đó, hơn 20 triệu trẻ em tại Brazil đủ điều kiện để tiêm vaccine, miễn là có sự đồng ý của phụ huynh. Brazil sử dụng vaccine của hãng Pfizer/BioNTech để tiêm cho nhóm đối tượng này. Những người bản địa và trẻ em có nguy cơ cao là những nhóm ưu tiên tiêm vaccine ngừa COVID-19.
Theo số liệu chính thức của Bộ Y tế Brazil, trên 300 trẻ em từ 5-11 tuổi đã tử vong vì COVID-19, trong tổng số khoảng 620.000 người không qua khỏi vì đại dịch tại nước này. Số ca nhiễm mới tại Brazil đã tăng mạnh kể từ khi biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2 xuất hiện vào cuối tháng 11/2021. Ngày 14/1, Brazil ghi nhận 112.286 ca nhiễm mới, gần bằng mức kỷ lục (115.228 ca) ghi nhận ngày 23/6/2021, thời điểm nước này chao đảo vì làn sóng thứ 3 của đại dịch.
Châu Phi ghi nhận trên 10 triệu ca mắc COVID-19
Tiêm vaccine phòng COVID-19 của Johnson & Johnson cho nhân viên y tế tại Pretoria, Nam Phi ngày 17/2/2021. Ảnh: AFP/TTXVN
Số liệu của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh châu Phi (CDC châu Phi) cho biết châu lục này đã ghi nhận trên 10,4 triệu ca mắc COVID-19. Toàn châu lục với 55 quốc gia đã ghi nhận 234.096 ca tử vong.
Những quốc gia có số ca mắc COVID-19 nhiều nhất trong châu lục gồm Nam Phi, Maroc, Tunisia, Ethiopia và Ai Cập. Xét về khu vực, khu vực phía Nam châu Phi chịu ảnh hưởng nhiều nhất, tiếp theo là Bắc Phi và Đông Phi. Trung Phi ít bị ảnh hưởng nhất.
CDC Châu Phi cảnh báo nhiều quốc gia trong khu vực đang đối mặt với làn sóng dịch COVID-19 lần thứ 4. Những nước đang có dấu hiệu dịch tăng nhanh gồm có Maroc, Ethiopia, Tunisia, Zambia, Libya, Algeria...
COVID-19 tới 6 giờ sáng 21/3: Trung Quốc phong tỏa hàng chục triệu dân; Malaysia sắp mở cửa biên giới trở lại Trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận thêm 937.390 trường hợp mắc COVID-19 và 2.173 ca tử vong. Tới nay, tổng số ca mắc COVID-19 trên toàn cầu vượt 470 triệu ca, trong đó trên 6 triệu người không qua khỏi. Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại tỉnh Cát Lâm, Trung Quốc, ngày 19/3/2022. Ảnh:...