COVID-19 tới 6h sáng 22/10: Nga tái phong tỏa thủ đô; Trung Quốc đối phó đợt dịch mới
Theo trang mạng worldometer.info, trong vòng 24 giờ qua, thế giới ghi nhận trên 433.000 ca mắc COVID-19 và trên 6.600 ca tử vong. Tổng số ca mắc từ đầu dịch tới nay đã vượt 243 triệu ca, trong đó trên 4,94 triệu ca tử vong.
Nhân viên y tế tiêm vaccine COVID-19 của hãng Moderna cho người dân tại New York, Mỹ, ngày 10/1/2021. Ảnh: AFP/TTXVN
Ba quốc gia có số ca mắc trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Mỹ (trên 65.000 ca), Anh (52.009 ca) và Nga (36.339 ca).
Ba quốc gia có số ca tử vong trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Mỹ (1.257 ca), Nga (1.036 ca) và Ukraine (546 ca).
Trong các khu vực, tình hình dịch bệnh ở châu Âu có diễn biến nghiêm trọng nhất. Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), châu Âu trong tuần qua ghi nhận số ca nhiễm mới tăng 7% so với tuần trước đó và là khu vực duy nhất trên thế giới dịch bệnh đang có chiều hướng tăng.
Theo báo cáo tuần về tình hình dịch COVID-19 được WHO công bố ngày 20/10, trong tuần từ 11-17/10, toàn thế giới ghi nhận hơn 2,7 triệu ca mắc mới và 46.000 ca tử vong, giảm tương ứng 4% và 2% so với tuần trước đó.
Điều trị cho bệnh nhân nhiễm COVID-19 tại bệnh viện ở London, Anh. Ảnh: AFP/TTXVN
Tính theo khu vực địa lý, châu Âu là trường hợp ngoại lệ khi số ca mắc mới trong tuần tăng 7% so với tuần trước, với tổng số 1,3 triệu ca mắc. Đây là tuần thứ ba liên tiếp châu Âu ghi nhận số ca mắc mới tăng. Hơn một nửa các quốc gia tại châu Âu có số ca mắc trong tuần tăng. Đặc biệt, diễn biến dịch bệnh xấu đi tại Anh, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ là nguyên nhân chủ yếu khiến số ca mắc ở châu Âu tăng.
Trong tuần, châu Phi là khu vực có số ca mắc mới giảm mạnh nhất (18%), kế đó là Tây Thái Bình Dương (giảm 16%). Châu Phi cũng là khu vực ghi nhận số ca tử vong giảm nhiều nhất trong tuần (giảm 25%), kế đến là Đông Nam Á (19%) và Đông Địa Trung Hải (8%). Số tử vong ở các khu vực còn lại không thay đổi so với tuần trước đó.
Tính theo từng quốc gia, Mỹ là nước có số ca nhiễm mới trong tuần cao nhất (582.707 ca, giảm 11% so với tuần trước), kế đến là Anh (283.756 ca, tăng 14%), Nga (217.322 ca, tăng 15%), Thổ Nhĩ Kỳ (213.981 ca, tương đương tuần trước) và Ấn Độ (114.244 ca, giảm 18%).
Nga tái phong tỏa thủ đô Moskva
Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại Moskva, Nga, ngày 20/10/2021. Ảnh: THX/TTXVN
Ngày 21/10, Thị trưởng thủ đô Moskva của Nga, ông Sergei Sobyanin, thông báo thành phố này sẽ áp dụng trở lại các biện pháp phong tỏa từ ngày 28/10 để ngăn chặn làn sóng dịch COVID-19 với số ca mắc mới tăng cao.
Theo đó, tất cả các cửa hiệu, quán bar và nhà hàng đều sẽ phải đóng cửa, ngoại trừ những địa điểm bán hàng hóa thiết yếu như siêu thị và nhà thuốc. Trước đó, ngày 20/10, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã cho phép đóng cửa các cơ quan, công sở trên cả nước từ ngày 30/10-7/11 và cho phép các địa phương bổ sung các biện pháp khác tùy tình hình dịch bệnh.
Ngày 21/10 Nga tiếp tục ghi nhận kỷ lục mới về số ca mắc mới và số ca tử vong do COVID-19, với 36.339 ca mắc mới và 1.036 ca tử vong được ghi nhận trong 24 giờ qua. Đến nay Nga đã ghi nhận tổng cộng trên 8,13 triệu ca mắc COVID-19, trong đó trên 227.300 ca tử vong.
Trong khi đó, Nga cũng thông báo một số ca nhiễm một biến thể mới của virus SARS-CoV-2 được cho là dễ lây nhiễm hơn cả biến thể Delta.
Hãng thông tấn Nga RIA dẫn lời nhà nghiên cứu cấp cao của Cơ quan giám sát tiêu dùng quốc gia, Kamil Khafizov cho biết có khả năng biến thể AY 4.2 này sẽ lây lan rộng, có thể khiến số ca mắc mới COVID-19 ở Nga – hiện ở mức cao kỷ lục – tăng hơn nữa.
Biến thể AY 4.2 là biến thể phụ của Delta. Ông Khafizov cho rằng AY 4.2 cuối củng có thể thay thế biến thể Delta, mặc dù tiến trình này có thể sẽ diễn ra chậm.
Tình hình dịch COVID-19 tại Ukraine tiếp tục xấu đi
Nhân viên y tế chuyển thi thể bệnh nhân COVID-19 tại Kiev, Ukraine, ngày 9/4/2021. Ảnh: AFP/TTXVN
Ngày 21/10, Ukraine ghi nhận số ca mắc mới và tử vong vì COVID-19 cao nhất từ trước tới nay.
Cụ thể, Ukraine ghi nhận 22.415 ca mắc mới và 546 ca tử vong vì COVID-19 trong 24 giờ qua. Trước đó, nhà chức trách nước này đã nỗ lực tìm nguồn cung vaccine và thuyết phục người dân tiêm vaccine phòng bệnh nhưng tỷ lệ tiêm vẫn thấp. Tuy nhiên, kể từ khi Ukraine áp dụng các biện pháp hạn chế mới tại các vùng dịch bệnh phức tạp, theo đó người dân phải có chứng nhận tiêm phòng mới được đến những địa điểm công cộng như trường học và rạp chiếu phim, thì số người tiêm phòng đã tăng đáng kể.
Trong 24 giờ qua, Ukraine ghi nhận 251.254 người tiêm vaccine phòng COVID-19, con số cao nhất kể từ khi nước này triển khai chiến dịch tiêm phòng hồi tháng 2 vừa qua. Ngoài chứng nhận tiêm phòng, nhà chức trách cũng yêu cầu người dân trình kết quả xét nghiệm âm tính với virus khi đi lại trong nước, sử dụng xe buýt, tàu hỏa và máy bay.
Hiện Ukraine sử dụng vaccine phòng COVID-19 của các hãng AstraZeneca, Pfizer và Moderna, tuy nhiên mới chỉ có khoảng 19% người trưởng thành tại nước này tiêm phòng đầy đủ. Tại nước này cũng xảy ra tình trạng giả mạo giấy chứng nhận tiêm phòng và kết quả xét nghiệm âm tính. Đến nay, Ukraine đã ghi nhận hơn 2,7 triệu ca mắc COVID-19, trong đó có hơn 62.000 ca tử vong.
Đức ghi nhận tỷ lệ mắc mới tăng khi tốc độ tiêm chủng chậm lại
Nhân viên y tế tiêm vaccine COVID-19 cho người dân tại Berlin, Đức. Ảnh: AFP/TTXVN
Đức ghi nhận tỷ lệ ca mắc mới COVID-19 trên cả nước tăng lên hơn 80 ca/100.000 người trong 7 ngày qua. Đây là lần đầu tiên trong vòng 5 tuần, tỷ lệ ca mắc mới tính trên 100.000 dân ở Đức vượt con số 80 ca.
Số liệu thống kê của Viện Robert Koch (RKI) cho biết tỷ lệ mắc mới trong 7 ngày, tính đến 13/10, tại bang Thringen thậm chí đã lên tới 103/100.000 người. Trong 7 ngày tiếp theo, tính đến ngày 20/10, tỷ lệ này đã tăng lên 163/100.000 người, khiến bang Thringen trở thành bang có tỷ lệ mắc COVID-19 cao nhất cả nước.
Đánh giá về tình hình dịch bệnh, các nhà dịch tễ học dự đoán sự gia tăng số ca mắc mới COVID-19 hiện tại chủ yếu do tỷ lệ tiêm chủng trên toàn quốc đang chững lại. Chuyên gia dịch tễ hàng đầu của Đức Christian Drosten hồi cuối tháng 9 cảnh báo rằng tình trạng lây nhiễm COVID-19 đang gia tăng ở các bang phía Đông. Nếu điều tương tự xảy ra ở những khu vực khác, Đức có thể sẽ trải qua một mùa Đông khó khăn.
Theo số liệu thống kê mới nhất, hiện còn khoảng 3 triệu người trên 60 tuổi ở Đức vẫn chưa tiêm vaccine ngừa COVID-19. Giới chức y tế cho rằng mặc dù những người đã tiêm phòng vẫn có thể mắc và truyền virus, nhưng họ ít có nguy cơ lây nhiễm hơn những người chưa tiêm và khi bị nhiễm ít khả năng phải nhập viện.
Video đang HOT
Latvia trở thành nước EU đầu tiên phong tỏa trở lại
Một điểm tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 tại Ventspils, Latvia. Ảnh: AFP/TTXVN
Ngày 21/10, Latvia đã trở thành nước đầu tiên trong Liên minh châu Âu (EU) áp dụng trở lại biện pháp phong tỏa để ngăn chặn dịch COVID-19 lây lan.
Theo đó, các cửa hàng không thiết yếu, rạp chiếu phim, tiệm cắt tóc và nhà hát phải đóng cửa trong một tháng. Hiện Latvia là quốc gia có tỷ lệ mắc COVID-19 cao nhất thế giới, với tỷ lệ lây nhiễm trung bình ghi nhận trong 14 ngày gần nhất là 1.406 ca/100.000 dân (theo AFP). Các quốc gia láng giềng ở khu vực Baltic như Litva và Estonia đứng ngay sau Latvia với tỷ lệ lần lượt là 1.221 ca và 1.126 ca/100.000 dân.
Hiện mới chỉ có khoảng 50% dân số Latvia tiêm phòng đầy đủ, thấp thứ 4 tại EU, sau Bulgaria, Romania và Croatia. Biện pháp phong tỏa có hiệu lực đến hết ngày 15/11, sẽ bao gồm lệnh giới nghiêm ban đêm, từ 20h tối hôm trước đến 5h sáng hôm sau; các nhà hàng chỉ được phép bán đồ mang đi. Hầu hết người lao động được yêu cầu làm việc từ xa, đồng thời các trường học cũng chuyển sang hình thức giảng dạy trực tuyến, chỉ có trẻ mẫu giáo và trẻ từ lớp 1 đến lớp 3 được học tại trường.
Các bệnh viện tại Latvia đã phải tạm dừng tiếp nhận các bệnh nhân ung thư và các bệnh khác để tập trung nguồn lực chữa trị các bệnh nhân COVID-19 nặng.
Hồi đầu tháng này, Latvia cũng đã ban bố lệnh khẩn cấp quốc gia trong 3 tháng để thúc đẩy quy định đeo khẩu trang và tiêm phòng.
Trung Quốc hủy hàng trăm chuyến bay, đóng cửa trường học do đợt dịch COVID-19 mới
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc ngày 27/9/2021. Ảnh: AFP/TTXVN
Nhà chức trách Trung Quốc đã hủy hàng trăm chuyến bay, đóng cửa các trường học và tăng cường xét nghiệm đại trà trong ngày 21/10 nhằm tăng cường kiểm soát một đợt bùng phát dịch COVID-19 mới liên quan một nhóm khách du lịch.
Trung Quốc đã duy trì cách tiếp cận “Zero COVID” với các biện pháp đóng cửa biên giới nghiêm ngặt và phong tỏa phạm vi hẹp. Theo đó, Trung Quốc đã loại bỏ được phần lớn các đợt bùng phát dịch trong nước, song các ca mắc mới COVID-19 đã xuất hiện ngày thứ 5 liên tiếp ở nước này – chủ yếu ở các khu vực phía Bắc và Tây Bắc, nên nhà chức trách đã tăng cường các biện pháp nhằm sớm kiểm soát dịch. Theo thông báo của Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc, ngày 21/10 nước này ghi nhận thêm 13 ca mắc mới COVID-19.
Đợt bùng phát dịch mới nhất liên quan đến một cặp vợ chồng cao tuổi trong một nhóm khách du lịch. Ban đầu họ ở Thượng Hải, sau đó bay đến 3 địa điểm gồm thành phố Tây An, tỉnh Cam Túc và Khu tự trị Nội Mông. Hàng chục trường hợp được xác định có liên quan tới cặp vợ chồng này, với các tiếp xúc gần tại ít nhất 5 tỉnh và khu vực, trong đó có thủ đô Bắc Kinh.
Trước tình hình trên, các chính quyền địa phương đã triển khai xét nghiệm hàng loạt, đóng cửa các danh lam thắng cảnh, các địa điểm du lịch, trường học và các địa điểm vui chơi giải trí tại các khu vực bị ảnh hưởng. Bên cạnh đó, áp đặt lệnh phong tỏa trên phạm vi nhỏ đối với các khu nhà dân. Trong danh sách một số vùng có Lan Châu ở miền Tây Bắc Trung Quốc với khoảng 4 triệu dân. Chính quyền thành phố khuyến cáo người dân không rời khỏi địa phương nếu không có việc cấp thiết.
Theo dữ liệu từ công cụ theo dõi hàng không VariFlight, các sân bay tại những khu vực bị ảnh hưởng đã hủy hàng trăm chuyến bay. Khoảng 60% số chuyến bay đến hai sân bay chính ở Tây An và Lan Châu bị hủy.
Ấn Độ đã tiêm trên 1 tỷ liều vaccine
Nhân viên y tế tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người dân tại New Delhi, Ấn Độ, ngày 21/10/2021. Ảnh: AFP/TTXVN
Chín tháng sau khi phát động chiến dịch tiêm chủng trên toàn quốc, Ấn Độ đã vượt ngưỡng tiêm 1 tỷ liều vaccine ngừa COVID-19.
Số liệu mới nhất trên nền tảng tiêm chủng COWIN của Ấn Độ cho thấy tính đến 11h ngày 21/10 đã có 708,4 triệu người dân nước này tiêm 1 mũi vaccine ngừa COVID-19 và 292 triệu người tiêm mũi hai, tương đương khoảng 21% dân số được tiêm phòng đầy đủ. Chính phủ Ấn Độ đang đặt mục tiêu tiêm đủ liều cho toàn bộ dân số trưởng thành vào cuối năm.
Hiện Covishield và Covaxin là hai vaccine chủ lực trong chương trình tiêm phòng COVID-19 của Ấn Độ. Nguồn cung hai loại vaccine này khá dồi dào khi Viện Huyết thanh Ấn Độ (SII) đang sản xuất 220 triệu liều Covishield/tháng, tăng từ 150 triệu trong tháng 8. Trong khi đó, công ty Bharat Biotech đang cung cấp 30 triệu liều Covaxin/tháng và dự kiến con số này sẽ tăng lên 50 triệu trong tháng tới.
Thủ tướng Israel họp khẩn với giới chức y tế về biến thể AY4.2
Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân tại Modiin, Israel, ngày 19/10/2021. Ảnh: THX/TTXVN
Thủ tướng Israel Naftali Bennett đã họp khẩn với giới chức y tế nước này ngay trong đêm 20/10 để thảo luận biến thể phụ của chủng Delta.
Trong tuyên bố đưa ra sau cuộc họp, Chính phủ Israel thông báo sẽ tiến hành mọi biện pháp nhằm bảo vệ thành quả trong cuộc chiến chống dịch bệnh. Thủ tướng Bennett yêu cầu tăng cường điều tra dịch tễ đối với biến thể phụ, yêu cầu liên lạc chặt chẽ với các nước đã phát hiện biến thể phụ này. Theo ông Bennett, Israel sẽ cân nhắc thay đổi các yêu cầu nhập cảnh đối vớ du khách.
Trước đó cùng ngày, quan chức cấp cao Bộ Y tế Israel, Nachman Ash cho biết biến thể AY4.2 dễ lây lan hơn biến thể Delta gốc, nhưng chưa đáng lo ngại.
Hôm 19/10, Bộ Y tế Israel xác nhận nước này đã phát hiện ca đầu tiên nhiễm biến thể phụ AY4.2. Ca nhiễm là một bé trai 11 tuổi, được phát hiện khi xét nghiệm COVID-19 tại sân bay quốc tế Ben Gurion, ngoại ô Tel Aviv, khi vừa về nước từ Moldova.
Thành phố Melbourne (Australia) chuẩn bị dỡ bỏ đợt phong tỏa dài nhất thế giới
Một quán bar tại thành phố Melbourne, Australia chuẩn bị cho việc mở cửa trở lại, ngày 21/10/2021. Ảnh: AFP/TTXVN
Từ ngày 22/10, thành phố Melbourne, thành phố lớn thứ hai tại Australia, sẽ kết thúc 262 ngày phong tỏa, quãng thời gian phong tỏa lâu nhất trên thế giới, khi tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ của bang Victoria đạt mục tiêu 70%.
Hàng triệu người dân thành phố Melbourne đang chờ đợi đến thời điểm thành phố dỡ phong tỏa sau 24h ngày 21/10, trong khi đó các nhà hàng, quán rượu, tiệm cà phê cũng đang gấp rút chuẩn bị để mở cửa trở lại tiếp đón những khách hàng đã tiêm chủng đầy đủ. Theo quy định mới, kể từ 0h ngày 22/10, các cơ sở kinh doanh đồ uống nói trên sẽ được phép phục vụ trong nhà tối đa 20 khách đã tiêm đủ liều và 50 khách ở ngoài trời, trong khi các hiệu làm tóc được phép đón tiếp tối đa 5 người.
Thành phố Melbourne đã phải trải qua đợt phong tỏa lần thứ 6 kể từ đầu tháng 8/2021 nhằm dập tắt dịch COVID-19 bùng phát do biến thể siêu lây nhiễm Delta. Giới chức đã đẩy mạnh chiến dịch tiêm chủng trước khi nơi lỏng các quy định hạn chế tại bang.
Theo truyền thông Australia, tính đến ngày 21/10, hơn 5 triệu người dân thành phố đã thực hiện lệnh phong tỏa trong tổng cộng 262 ngày, tương đương gần 9 tháng kể từ tháng 3/2020. Đây là khoảng thời gian phong tỏa dài nhất thế giới, vượt qua thủ đô Buenos Aires của Argentina với thời gian 234 ngày. Trước đó, chính quyền bang Victoria cho biết sẽ dỡ bỏ lệnh phong tỏa khi tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ đối với người trên 16 tuổi đạt 70 %.
Ngày 21/10, Thủ tướng Australia Scott Morrison đã ghi nhận nỗ lực phòng chống dịch tại bang Victoria và cho biết sẽ thực hiện lộ trình nới lỏng các biện pháp kiểm soát dịch dựa trên tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ tại bang này, ít nhất là từ 80% trở lên.
Australia đã từ bỏ chiến lược “zero COVID-19″ và đang dần hướng tới “sống chung với COVID-19″ nhờ tỷ lệ tiêm chủng tăng cao khi làn sóng COVID-19 thứ 3 bùng phát do biến chủng Delta kể từ giữa tháng 6 vừa qua.
Đến nay, Australia ghi nhận khoảng 152.000 ca mắc COVID-19 và 1.590 ca tử vong, con số tương đối thấp so với nhiều quốc gia khác.
COVID-19 tới 6h sáng 23/8: Iran nhiều ca mắc mới nhất thế giới
Theo trang mạng worldometer.info, trong vòng 24 giờ qua, thế giới ghi nhận trên 444.000 ca bệnh COVID-19 và trên 8.100 ca tử vong. Tổng số ca bệnh từ đầu dịch tới nay đã là trên 212,5 triệu ca, trong đó trên 4,44 triệu ca tử vong.
Tiêm vaccine COVID-19 cho một cụ bà tại New York, Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN
Ba quốc gia có số ca mắc trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Iran (36.419 ca), Anh (32.253 ca) và Mỹ (trên 27.400 ca).
Ba quốc gia có số ca tử vong trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Indonesia (1.030 ca), Mexico (847 ca) và Nga (762 ca).
Tính từ đầu đại dịch, Mỹ vẫn là nước có số ca nhiễm và tử vong vì COVID-19 cao nhất thế giới với 38,5 triệu ca mắc, trong đó có 645.045 ca tử vong. Brazil đứng thứ hai về số ca tử vong với 574.524 ca trong tổng số 20,5 triệu ca nhiễm. Với 434.784 ca tử vong trong tổng số 32,4 triệu ca nhiễm, Ấn Độ đứng thứ hai về số ca nhiễm và thứ ba về số ca tử vong.
Ấn Độ ghi nhận số ca đang điều trị ở mức thấp nhất trong 5 tháng
Bệnh nhân COVID-19 được hỗ trợ thở oxy tại bệnh viện dã chiến ở New Delhi, Ấn Độ ngày 27/4/2021. Ảnh: AFP/TTXVN
Bộ Y tế Ấn Độ công bố số liệu cho thấy trong 24 giờ qua có thêm 25.420 ca mới, nâng tổng số ca lên 32,4 triệu ca. Số ca tử vong cũng tăng 385 ca lên thành 434.784 ca. Ấn Độ vẫn đang điều trị cho 353.398 ca, mức thấp nhất trong 152 ngày qua.
Cũng trong 24 giờ qua, thêm 44.103 người được điều trị khỏi bệnh và xuất viện. Tỷ lệ bình phục ở bệnh nhân mắc COVID-19 tăng lên 97,57%, cao nhất kể từ tháng 3/2020.
Nhật Bản: Tokyo có trên 4.000 ca mắc mới
Nhân viên y tế tiêm vaccine COVID-19 cho người dân tại tỉnh Tokyo, Nhật Bản, ngày 12/4/2021. Ảnh: AFP/ TTXVN
Tại Nhật Bản, chính quyền thủ đô Tokyo cùng ngày thông báo có thêm 4.392 ca mắc mới COVID-19, đánh dấu ngày Chủ nhật ghi nhận số ca mắc mới cao nhất từ trước tới này. Con số này vượt qua mức 4.295 ca mắc mới được ghi nhận vào Chủ nhật tuần trước, đã giảm so với 5.074 ca mắc mới được báo cáo 1 ngày trước đó.
Theo giới chức Tokyo, tỷ lệ mắc COVID-19 trung bình trong 7 ngày qua là 4.732,9 ca/ngày, tăng 11% so với tuần trước. Số bệnh nhân mắc COVID-19 có các triệu chứng nghiêm trọng đã tăng thêm 1 người từ ngày 21/8 lên 271 người.
Bất chấp các biện pháp chống dịch được thực hiện trong khuôn khổ tình trạng khẩn cấp và gần như khẩn cấp ở các khu vực bị ảnh hưởng nặng nề bao gồm cả Tokyo, Nhật Bản đang phải chật vật đối phó với làn sóng dịch COVID-19 nghiêm trọng nhất. Trong ngày 21/8, Nhật Bản ghi nhận thêm 25.492 ca mới. Đây là ngày thứ 3 liên tiếp số ca mắc mới ở nước này ở trên ngưỡng 25.000 ca/ngày.
Đáng chú ý, có tới 9 trong tổng số 47 tỉnh, thành ghi nhận số ca mới cao kỷ lục. Mặc dù các nhà tổ chức đã thực hiện nhiều biện pháp quyết liệt để phòng chống dịch COVID-19, nỗi lo dịch bệnh vẫn đang bao trùm lên Đại hội thể thao người khuyết tật Paralympic Tokyo 2020, dự kiến sẽ khai mạc vào ngày 24/8.
Nhiều bệnh viện ở Israel quá tải
Nhân viên y tế tiêm vaccine COVID-19 cho trẻ em tại Tel Aviv, Israel ngày 6/6/2021. Ảnh: AFP/TTXVN
Lãnh đạo 7 "bệnh viện công" ở Israel ngày 22/8 khẳng định đội ngũ nhân viên y tế tại các cơ sở điều trị này đã đạt đến mức giới hạn và có thể sẽ không tiếp nhận thêm bệnh nhân COVID-19 từ ngày 23/8.
Các cơ sở y tế được gọi là "bệnh viện công" ở Israel là những tổ chức độc lập hoạt động chủ yếu bằng các khoản tài trợ, khác với hệ thống trực tiếp thuộc sở hữu và nhận tài trợ từ Chính phủ hay các quỹ y tế.
Tờ Times of Israel dẫn phát biểu của giới lãnh đạo 7 bệnh viện tại một cuộc họp báo kêu gọi tổ chức một chiến dịch trong cộng đồng để bảo đảm tài chính và có những bước đi cần thiết để hỗ trợ hệ thống y tế sau 16 tháng khủng hoảng.Tiến sĩ Ofer Marin, Giám đốc Trung tâm Y tế Shaare Zedek ở Jerusalem nêu rõ: "Trong điều kiện hiện nay, chúng tôi không thể tiếp tục hoạt động điều trị. Chúng tôi không có thiết bị, dụng cụ và tiền để trả lương cho đội ngũ nhân viên".
Tình hình dịch bệnh COVID-19 ở Israel đang ở mức đáng lo ngại. Theo số liệu của Bộ Y tế Israel, chỉ tính riêng trong 24 giờ qua, nước này đã ghi nhận 3.885 ca bệnh mới và 55 người tử vong do COVID-19. Kể từ khi dịch bệnh bùng phát đến nay, Israel đã ghi nhận tổng cộng hơn 986.000 ca lây nhiễm và số bệnh nhân sẽ nhanh chóng vượt qua mốc 1 triệu người trong vài ngày tới.
Trước tình hình đó, Chính phủ Israel đã đẩy mạnh chiến dịch tiêm vaccine ngừa COVID-19, với quyết định mới là mở rộng đối tượng được tiêm liều 3 tới những người từ 40 tuổi trở lên. Bên cạnh đó, Israel cũng đã khởi động chiến dịch xét nghiệm SARS-Cov-2 cho toàn bộ trẻ em từ 3 đến 12 tuổi trên toàn quốc, nhằm phân luồng học sinh trước ngày khai giảng. Israel đã nhập 1,7 triệu bộ xét nghiệm nhanh cho chiến dịch này, nhằm "hạn chế học sinh bị nhiễm bệnh đến trường". Các bộ xét nghiệm sẽ được gửi đến từng gia đình để cha mẹ tự làm xét nghiệm cho con.
Số ca mắc ở Thái Lan có xu hướng giảm dần
Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại một bến tàu ở Bangkok, Thái Lan ngày 26/4/2021. Ảnh: AFP/TTXVN
Ngày 22/8, Trung tâm Xử lý tình hình dịch COVID-19 Thái Lan (CCSA) cho biết, trong 24 giờ qua, nước này có thêm 19.014 ca mới và 233 ca tử vong.
Kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát vào đầu năm ngoái, đến nay Thái Lan ghi nhận tổng cộng 1.049.295 ca mắc, trong đó 839.855 ca đã khỏi bệnh và 9.320 ca không qua khỏi.
Người phát ngôn của CCSA trước đó cho biết mặc dù tình hình dịch bệnh ở nước này vẫn còn đáng lo ngại, nhưng có những dấu hiệu tích cực cho thấy số ca mới đã qua mức đỉnh và có thể sẽ tăng chậm trong thời gian tới.
Trong khi đó, Tiến sĩ Kampanat Porn-yotkrai, một bác sĩ phẫu thuật tiết niệu điều hành trang Facebook "Sarikahappymen", viết rằng làn sóng lây nhiễm COVID-19 ở Thái Lan đã vượt qua đỉnh điểm. Tuy nhiên, ông cảnh báo rằng đại dịch còn lâu mới kết thúc. Tiến sĩ Kampanat lưu ý rằng trong đợt bùng phát của biến chủng Delta, các ca lây nhiễm hàng ngày lên đến hơn 400.000 rồi mới nhanh chóng giảm lại. Thái Lan có thể đã vượt qua đỉnh 23.000 ca/ngày gần đây.
Ông Kampanat cho biết chương trình tiêm chủng của Thái Lan đóng một vai trò quan trọng dù rằng vẫn còn những bất cập. Hiện tại, một phần tư dân số, tương đương 18 triệu người, đã tiêm mũi vaccine đầu tiên và Thái Lan chuẩn bị đạt mức tiêm 500.000 mũi vaccine mỗi ngày.
Theo Tiến sĩ Kampanat, chiều đi lên của đường cong dịch tễ mất từ hai đến ba tháng, vì vậy cũng sẽ mất từ hai đến ba tháng đối với chiều đi xuống. Thái Lan có thể sẽ thấy số ca nhiễm hàng ngày giảm từ 19.000 xuống 18.000 xuống 17.000 cho đến khi đường cong dịch tễ bằng phẳng. Tiến sĩ dự báo sẽ có khoảng 300.000-400.000 ca nhiễm mới trong xu hướng giảm. Dựa trên số liệu thống kê, số người tử vong sẽ đạt đỉnh sau hai tuần, vì vậy có thể có 2.000-3.000 trường hợp tử vong nữa trước khi làn sóng dịch này kết thúc.
Chính phủ Thái Lan đang cố gắng đảm bảo có nhiều vaccine hơn và đẩy nhanh việc triển khai tiêm chủng để tạo được miễn dịch cộng đồng. Nước này đặt mục tiêu tiêm chủng cho khoảng 70% dân số gần 70 triệu người vào cuối năm nay.
Theo CCSA, tính đến ngày 21/8, Thái Lan đã thực hiện tiêm chủng hơn 26,7 triệu liều vaccine, với 8,5% dân số đã được tiêm chủng đầy đủ.
Số ca mắc mới ở Philippines cao thứ 3 ASEAN
Tiêm vaccine COVID-19 cho người dân tại Manila, Philippines ngày 15/7/2021. Ảnh: AFP/TTXVN
Ngày 22/4, Bộ Y tế Philippines (DOH) thông báo ghi nhận thêm 16.044 ca mắc mới COVID-19, nâng tổng số ca mắc trên cả nước lên 1.839.635 ca.
Cũng theo DOH, số người tử vong vì COVID-19 cũng tăng lên 31.810 người sau khi có thêm 215 không qua khỏi.
Trước đó, ngày 20/4, Philippines đã ghi nhận 17.231 ca mắc mới, mức tăng cao nhất được ghi nhận trong 1 ngày cho đến nay. Quốc gia với dân số khoảng 110 triệu dân này đã xét nghiệm cho gần 17 triệu người kể từ khi dịch bệnh bùng phát vào tháng 1/2020.
Lào ghi nhận trên 300 ca mắc mới trong một ngày qua
Người dân tập thể dục tại Viêng Chăn, Lào, ngày 5/7/2021. Ảnh: THX/TTXVN
Bộ Y tế Lào ngày 22/8 cho biết, trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận 305 ca mắc mới COVID-19; trong đó ngoài 224 ca nhập cảnh được cách ly ngay, còn có 81 ca cộng đồng. Tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp. Đáng chú ý là số ca lây nhiễm trong cộng đồng tiếp tục tăng cao; trong đó, Savanankhet là tỉnh ghi nhận nhiều ca cộng đồng nhất với 52 ca.
Trước tình hình trên, Ủy ban chuyên trách trung ương về phòng chống dịch COVID-19 của Lào đã chỉ đạo các địa phương tăng cường hoạt động giám sát đường biên giới để ngăn chặn việc nhập cảnh trái phép có nguy cơ mang theo dịch bệnh vào trong nước, đồng thời tăng cường giáo dục nhận thức về dịch bệnh cho người lao động đang được điều trị hoặc đang ở trong các khu cách ly.
Chính phủ Lào cũng kêu gọi người dân theo dõi và báo cáo trường hợp nhập cảnh bất hợp pháp hoặc vi phạm biện pháp phòng chống dịch để có hình thức xử lý kịp thời.
Đến nay, tổng số ca nhiễm COVID-19 tại Lào đã lên tới 12.469 ca, trong đó có 11 người tử vong.
Dịch bệnh ở Brunei tiếp tục nóng hơn
Brunei đã gia hạn phong tỏa toàn quốc một phần thêm 2 tuần. Ảnh: BORNEO BULLETIN
Sau khi ghi nhận 122 ca nhiễm mới ngày 21/8, Brunei tiếp tục có 314 ca mắc mới trong ngày 22/8, nâng tổng ca nhiễm lên 1.769. Ngày 22/8 là ngày thứ tư liên tiếp ca nhiễm mới tại Brunei vượt 100.
Số ca nhiễm đã tăng mạnh tại Brunei sau nhiều tháng nước này kiểm soát dịch thành công nhất khu vực, với số ca nhiễm chỉ ở mức 1 con số.
Trước sự kiện phát hiện 7 ca nhiễm cộng đồng hôm 7/8, Brunei đã lập kỷ lục khi không có ca nhiễm cộng đồng trong 457 ngày. Đối mặt với ổ dịch mới và tình hình đại dịch phức tạp do biến thể mới, quốc gia này đã áp dụng những biện pháp kiểm soát nghiêm ngặt nhất trong 2 ngày, kể từ 21/8. Chính phủ Brunei đã quyết định gia hạn các biện pháp phong toả toàn quốc một phần thêm 2 tuần.
Bên cạnh đóng cửa các cơ sở tôn giáo, trường học, nhà hàng ăn tại chỗ và các cơ sở thể thao, giải trí, Brunei cũng cấm hầu hết các cuộc tụ tập, yêu cầu người lao động ngành không thiết yếu làm ở nhà và cấm toàn bộ cư dân rời khỏi nhà mà không có lý do quan trọng.
Australia duy trì chiến lược chống dịch hiện tại
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại bang Victoria, Australia ngày 19/8/2021. Ảnh: AFP/TTXVN
Thủ tướng Australia Scott Morrison đã chỉ thị chính quyền các bang và vùng lãnh thổ của nước này tiếp tục theo đuổi lộ trình chống dịch COVID-19 hiện tại trong bối cảnh số ca mắc mới tăng cao nhất từ trước đến nay.
Ngày 22/8, Australia ghi nhận 914 ca mắc mới COVID-19, mức cao kỷ lục trong ngày thứ hai liên tiếp, chủ yếu ở bang New South Wales. Tuy nhiên, Thủ tướng Morrison cùng ngày hối thúc chính quyền các bang và vùng lãnh thổ bắt đầu nới lỏng các biện pháp hạn chế khi 70% dân số trưởng thành đã tiêm phòng đầy đủ.
Nội các Australia vào tháng 7 vừa qua đã thông qua lộ trình chống dịch COVID-19 gồm 4 giai đoạn, theo đó các biện pháp phong tỏa sẽ dần được dỡ bỏ khi đạt tỷ lệ tiêm chủng ở mức 70% dân số trưởng thành. Ông Morrison nhấn mạnh việc ngăn chặn sự lây lan của virus SARS-CoV-2 cần được thực hiện mạnh mẽ nhất trong giai đoạn A của kế hoạch chống dịch, các giai đoạn sau đó cần chuyển sang tập trung điều trị các ca nhập viện, ca bệnh nặng và ca nguy kịch. Ông khẳng định, với tỷ lệ tiêm chủng đạt 70-80%, Australia có thể thoát khỏi dịch COVID-19.
Tính đến ngày 22/8, khoảng 50% dân số Australia ở các bang New South Wales, Victoria và Vùng lãnh thủ thủ đô Australia (ACT) vẫn đang trong giai đoạn phong tỏa vì dịch COVID-19.
COVID-19 tại ASEAN hết 14/10: Toàn khối thêm 487 ca tử vong; Ca mắc mới ở Thái Lan cao nhất Theo trang thống kê worldometers.info, trong ngày 14/10, 9 quốc gia thành viên ASEAN ghi nhận 35.478 ca mắc COVID-19 và 487 ca tử vong. Tổng số người mắc bệnh tại ASEAN từ đầu dịch đã là 12.691.612 ca, trong đó 270.861 người tử vong. Người dân xếp hàng chờ tiêm vaccine phòng COVID-19 tại Selongor, Malaysia ngày 12/9/2021. Ảnh: THX/TTXVN Trong ngày...