COVID-19 tới 6h sáng 21/5: Cảnh báo khả năng xuất hiện biến thể mới; Bắc Kinh duy trì chống dịch nghiêm ngặt
Theo trang mạng worldometer.info, trong vòng 24 giờ qua, thế giới ghi nhận trên 691.000 ca mắc COVID-19 và 1.024 ca tử vong. Tổng số ca mắc từ đầu dịch tới nay đã là 526 triệu ca, trong đó trên 6,29 triệu ca tử vong.
Ba quốc gia có số ca mắc trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Australia (49.921 ca), Mỹ (44.770 ca) và Đức (40.651 ca).
Ba quốc gia có số ca tử vong trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Đức (145 ca), Mỹ (125 ca) và Tây Ban Nha (101 ca).
Tính từ đầu đại dịch, Mỹ là quốc gia có tổng số ca mắc nhiều nhất thế giới với trên 84,8 triệu ca mắc COVID-19 và trên 1,02 triệu ca tử vong. Tiếp đó là Ấn Độ với trên 43 triệu ca mắc và trên 524.000 ca tử vong. Đứng thứ ba là Brazil với trên 30,7 triệu ca mắc và trên 667.000 ca tử vong.
CDC Châu Phi cảnh báo về khả năng xuất hiện biến thể mới
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Johannesburg, Nam Phi. Ảnh: AFP/TTXVN
Quyền Giám đốc Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh châu Phi (CDC châu Phi), Ahmed Ogwell, cảnh báo một biến thể mới của COVID-19 có thể sẽ sớm xuất hiện ở châu Phi.
Phát biểu tại cuộc họp báo hàng tuần của cơ quan này, ông Ogwell nói rằng “gia tăng số trường hợp nhiễm bệnh là một dấu hiệu rõ ràng cho thấy có khả năng rất lớn rằng một biến thể mới, dễ lây lan hơn, sẽ xuất hiện”.
Theo số liệu của CDC châu Phi, lục địa này đã chứng kiến mức tăng trung bình 36% số ca mắc mới COVID-19 mới trong 4 tuần vừa qua, với các khu vực Trung Phi và Đông Phi báo cáo mức tăng số ca mắc mới lần lượt là 113% và 54%.
Ông Ogwell cho biết: “Chúng tôi cần thực hiện nhiều thử nghiệm và giải trình tự gen để có thể hiểu được nơi bùng phát và xác định biến thể nào đang xuất hiện”. Ông cũng kêu gọi tăng cường triển khai tiêm chủng để giải quyết dứt điểm vấn đề tiêm chủng yếu kém diễn ra trên lục địa. Ông lưu ý: “Chúng tôi nhận thấy rõ ràng sự gia tăng số ca tử vong do đại dịch khi các ca bệnh gia tăng trong bốn tuần qua”.
Theo CDC châu Phi, 5 quốc gia châu Phi báo cáo số ca nhiễm mới COVID-19 được xác nhận cao nhất trong tuần qua gồm: Nam Phi 50.404 ca, Tanzania 1.482 ca, Namibia 1.054 ca, Zimbabwe 910 ca và Burundi với 817 ca.
CDC Mỹ khuyến nghị tiêm mũi tăng cường vaccine COVID-19 cho trẻ từ 5-11 tuổi
Nhân viên y tế tiêm vaccine COVID-19 cho trẻ em tại Hartford, bang Connecticut, Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN
Ngày 19/5, một ủy ban cố vấn của Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ đã bỏ phiếu nhất trí với khuyến nghị tiêm mũi vaccine tăng cường cho trẻ em độ tuổi từ 5-11, ít nhất 5 tháng sau khi hoàn thành liều vaccine cơ bản.
Các chuyên gia đưa ra khuyến nghị trên dựa vào cơ sở dữ liệu của CDC, trong đó cho thấy hiệu quả của hai mũi vaccine giảm dần theo thời gian và việc tiêm mũi tăng cường ở các nhóm tuổi lớn hơn có tác dụng giảm tỷ lệ mắc bệnh nặng và nhập viện.
Giám đốc CDC Rochelle Walensky bày tỏ ủng hộ kết quả bỏ phiếu của Ủy ban Tư vấn thực hành tiêm chủng, theo đó giúp việc tiêm mũi tăng cường vaccine ngừa COVID-19 được chấp thuận rộng rãi hơn. Bà Walensky nhấn mạnh 18 triệu liều vaccine đã được sử dụng cho nhóm tuổi này là minh chứng cho độ an toàn của vaccine, do đó cần tiếp tục hưởng ứng để nhiều trẻ em được bảo vệ hơn trước các nguy cơ từ COVID-19.
Tại cuộc họp, hãng dược phẩm Pfizer công bố dữ liệu cho thấy mũi vaccine thứ 3 giúp tạo ra phản ứng miễn dịch mạnh mẽ trước tác động của biến thể Omicron đối với trẻ em khỏe mạnh ở lứa tuổi từ 5-11. CDC cũng đưa ra dữ liệu an toàn cho thấy tỷ lệ mắc viêm cơ tim sau khi tiêm vaccine ở độ tuổi này cũng thấp hơn đáng kể so với lứa tuổi thanh thiếu niên và trưởng thành.
Hiện chỉ khoảng 29% trẻ em tại Mỹ trong độ tuổi 5-11 đã hoàn thành liều tiêm cơ bản vaccine ngừa COVID-19. Hiện vẫn chưa có vaccine ngừa COVID-19 nào được cấp phép sử dụng cho trẻ em dưới 5 tuổi.
Nhiều công ty dược phẩm đang cân nhắc tiến hành bào chế lại vaccine ngừa COVID-19 nhằm vào các biến thể mới vào mùa Thu này. Tiến sĩ Amanda Cohn của CDC cho biết loại vaccine này sẽ không có sẵn cho trẻ em ngay vì vaccine tiêm cho trẻ em có công thức khác so với cho người lớn.
Ngày 17/5, Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) đã cấp phép sử dụng vaccine của Pfizer/BioNTech làm mũi tiêm tăng cường cho trẻ từ 5-11 tuổi.
Trung Quốc: Bắc Kinh duy trì các biện pháp phòng, chống dịch nghiêm ngặt
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Bắc Kinh, Trung Quốc, ngày 13/5/2022. Ảnh: THX/TTXVN
Ngày 20/5, giới chức thủ đô Bắc Kinh của Trung Quốc cho biết thành phố này sẽ duy trì các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 nghiêm ngặt trong bối cảnh lực lượng chức năng vẫn phát hiện các ca lây nhiễm trong cộng đồng thông qua các cuộc xét nghiệm sàng lọc.
Phát biểu với báo giới, người phát ngôn chính quyền thủ đô Bắc Kinh Từ Hòa Kiến (Xu Hejian) cho biết dịch vụ ăn, uống tại các nhà hàng vẫn bị cấm, trong khi học sinh vẫn chưa được tới trường học trực tiếp.
Trong 24 giờ, kể từ 15h00 ngày 19/5 đến 15h00 ngày 20/5, Bắc Kinh ghi nhận thêm 54 ca lây nhiễm trong cộng đồng, trong đó có 52 người được phát hiện qua các chuỗi lây nhiễm và 2 trường hợp được phát hiện qua việc xét nghiệm sàng lọc.
Chính quyền thủ đô Bắc Kinh vẫn đang nỗ lực ngăn chặn đợt bùng phát dịch từ cuối tháng 4 vừa qua, theo đó áp đặt các biện pháp hạn chế đi lại, yêu cầu người dân làm việc tại nhà và đóng cửa nhiều cửa hàng và trung tâm giải trí.
Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân nhiễm COVID-19 tới bệnh viện ở Thượng Hải, Trung Quốc, ngày 9/5/2022. Ảnh: THX/TTXVN
Còn tại thành phố Thượng Hải, đã ghi nhận một số ca mắc mới COVID-19 ngoài khu vực cách ly. Đây là những ca lây nhiễm mới phát hiện được lần đầu tiên sau 5 ngày thành phố này không có ca mắc mới nào, làm dấy lên quan ngại nhà chức trách sẽ áp đặt các biện pháp nghiêm ngặt tại khu vực có ca mắc.
Theo đó, trong ngày 19/5, thành phố 25 triệu dân này đã ghi nhận 3 ca mắc mới ngoài khu vực cách ly tại quận Thanh Phố. Cả ba ca mắc này đều là thành viên trong một gia đình, đã tiêm 3 mũi vaccine và được phát hiện là mắc bệnh khi thực hiện xét nghiệm định kỳ. Giới chức địa phương cho biết những ca mắc này không rời khỏi nơi cư trú trong 14 ngày trở lại đây, song có tới ít nhất 4 địa điểm, trong đó có một siêu thị. Hiện lực lượng chức năng đã đóng cửa toàn bộ những khu vực này để khử khuẩn. Hơn 200.000 người dân tại nơi 3 ca mắc sinh sống đã buộc xét nghiệm lại và đều có kết quả âm tính.
Việc một quận tại Thượng Hải ghi nhận ca mắc mới được cho là sẽ không ảnh hưởng đến kế hoạch mở cửa trở lại của thành phố này vào ngày 1/6 tới. Giới chức thành phố cho biết kể từ ngày 22/5 tới, các công viên tại các khu ngoại ô Thượng Hải và các tuyến tàu điện ngầm sẽ hoạt động trở lại. Tuy nhiên, các hoạt động vui chơi bên trong công viên vẫn phải tạm dừng.
Video đang HOT
Trong bối cảnh số ca mắc giảm dần, Thượng Hải đã cho phép lượng người lưu thông trên đường phố nhiều hơn. Các khu vực dân cư quản lý số người ra khỏi nhà thông qua thẻ thông hành để ra ngoài đi bộ hoặc đến các siêu thị.
Hàn Quốc cho phép học sinh mắc bệnh đến trường thi
Học sinh tới trường tại Soeul, Hàn Quốc ngày 8/6/2020. Ảnh: Yonhap/TTXVN
Trong bối cảnh tình hình kiểm soát dịch bệnh tiếp tục cải thiện, ngày 20/5, Bộ Giáo dục Hàn Quốc thông báo học sinh trung học cơ sở và trung học phổ thông bị mắc COVID-19 sẽ được phép tham gia các kỳ thi ở trường bắt đầu từ học kỳ này.
Theo thông báo của Bộ trên, học sinh đã mắc COVID-19 sẽ vẫn bị cấm đến trường. Tuy nhiên, nếu muốn thi, những em này sẽ được phép đến trường và dự thi nhưng phải tuân theo hướng dẫn nghiêm ngặt.
Các trường trung học cơ sở và trung học phổ thông trên khắp Hàn Quốc dự kiến sẽ tổ chức kỳ thi cuối kỳ từ cuối tháng 6 đến đầu tháng 7. Bộ Giáo dục cho biết các trường học được yêu cầu chuẩn bị các phòng thi riêng biệt, xác định những thí sinh nhiễm virus SARS-CoV-2 và báo cáo danh sách cho cơ quan y tế một ngày trước kỳ thi. Các trường học cũng phải thực thi các quy tắc về giãn cách nghiêm ngặt, bao gồm đeo khẩu trang, ăn riêng và ngồi so le, để ngăn dịch bệnh lây lan.
Kể từ tháng 4 vừa qua, dư luận đã kêu gọi nới lỏng quy định hạn chế tham gia thi cử đối với các học sinh bị mắc COVID-19, khi biến thể Omicron làm tăng mạnh số bệnh nhân là học sinh trước thềm kỳ thi giữa kỳ. Tuy nhiên, Bộ Giáo dục vẫn giữ nguyên chính sách này, viện dẫn lý do vấn đề công bằng với những học sinh đã bỏ lỡ kỳ thi do bị ốm trong các học kỳ trước. Bộ cho biết có thể gỡ bỏ lệnh cấm nếu các cơ quan y tế thay đổi quy định tự cách ly đối với bệnh nhân mắc COVID-19.
Trong ngày 20/5, Chính phủ Hàn Quốc đã quyết định gia hạn quy định tự cách ly bắt buộc 7 ngày ngày đối với bệnh nhân COVID-19 thêm 4 tuần, cho đến ngày 20/6. Bộ Giáo dục cho biết chính phủ vẫn đưa ra một ngoại lệ, theo đó tạo điều kiện cho phép học sinh đến trường thi trong thời gian diễn ra kỳ thi.
Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA) cho biết tính đến sáng 20/5, Hàn Quốc đã ghi nhận 25.125 ca mắc mới COVID-19, nâng tổng số ca bệnh từ khi bùng phát dịch lên 17.914.957 ca. Theo KDCA, số lượng ca mắc COVID-19 theo ngày đã giảm đều đặn trong tuần này và ở mức dưới 30.000 ca. Làn sóng lây nhiễm do biến thể Omicron ở Hàn Quốc đã đạt đỉnh vào giữa tháng 3 với số lượng ca mắc hằng ngày lên tới hơn 620.000 ca. Hàn Quốc hiện đã dỡ bỏ hầu hết các quy định liên quan đến phòng chống dịch COVID-19 trong lộ trình khôi phục đời sống thường nhật cho người dân.
Đức đưa quy định tiêm chủng bắt buộc đối với nhân viên y tế vào Hiến pháp
Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân tại Munich, Đức. Ảnh: AFP/TTXVN
Tòa án Hiến pháp CHLB Đức đã phán quyết rằng việc tiêm vaccine ngừa COVID-19 là bắt buộc đối với nhân viên làm việc trong lĩnh vực y tế và chăm sóc sức khỏe, và điều này được quy định trong Hiến pháp Đức.
Tòa án Hiến pháp Đức đã bác bỏ các khiếu nại đối với quy định tiêm chủng bắt buộc, khẳng định rằng việc bảo vệ những người dễ bị tổn thương được đặt lên hàng đầu. Phán quyết của tòa án nêu rõ các nhân viên y tế làm việc trong bệnh viện, nhà dưỡng lão cũng như các phòng khám, dịch vụ cấp cứu, trung tâm phẫu thuật và cơ sở cho người khuyết tật đều phải thực hiện quy định này.
Tòa án thừa nhận rằng với luật vừa được chính thức ban hành, những người làm việc trong các lĩnh vực y tế hoặc chăm sóc sức khỏe mà không muốn tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 sẽ phải tự giải quyết vấn đề bằng cách đổi việc làm hoặc nghề nghiệp. Tuy nhiên, việc tiêm chủng bắt buộc đối với nhân viên y tế hoặc chăm sóc sức khỏe là biện pháp duy nhất để bảo vệ người cao tuổi và người bệnh, nhóm có nhiều nguy cơ mắc COVID-19 và có nhiều khả năng bị bệnh nặng hoặc tử vong.
Bộ trưởng Y tế Đức Karl Lauterbach đã hoan nghênh phán quyết trên của Tòa án Hiến pháp và cảm ơn các cơ sở chăm sóc sức khỏe đã thực hiện nhiệm vụ tiêm chủng trên toàn quốc. Ông khẳng định: “Chính phủ có nghĩa vụ bảo vệ các nhóm người dễ bị tổn thương”.
Trên thực tế, từ giữa tháng 3 vừa qua, các nhân viên y tế và chăm sóc sức khỏe ở Đức đều phải chứng minh đã tiêm vaccine ngừa COVID-19 hoặc chứng nhận mới khỏi bệnh, nếu không muốn đối mặt với hình thức phạt tiền, thậm chí cấm làm việc.
Bỉ không bắt buộc đeo khẩu trang trên phương tiện giao thông công cộng
Kể từ ngày 23/5, việc đeo khẩu trang không còn bắt buộc trên các phương tiện giao thông công cộng ở Bỉ như tàu điện, tàu điện ngầm, xe buýt, tàu hỏa, xe taxi.
Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại Brussels, Bỉ . Ảnh: AFP/TTXVN
Tại cuộc họp ngày 20/5, Ủy ban Tham vấn quốc gia về COVID-19 (CODECO) quyết định người dân chỉ bắt buộc phải đeo khẩu trang tại các phòng khám, bệnh viện, nhà thuốc và tại các cơ sở chăm sóc sức khỏe. Tại các phòng mạch tư như nha khoa, trị liệu, tâm lý, nếu không thể đảm bảo khoảng cách 1,5 m, thì người dân vẫn được khuyến nghị đeo khẩu trang.
ADVERTISING
Bên cạnh đó, CODECO cũng quyết định bãi bỏ tất cả hạn chế đi lại, theo đó các biện pháp còn lại liên quan đến cách ly, tiêm chủng, xét nghiệm cũng được dỡ bỏ, ngoại trừ những người trở về từ một quốc gia – nơi biến thể đáng lo ngại vẫn hoành hành. CODECO cũng thông báo ngừng triển khai phong vũ biểu – công cụ cung cấp hiệu lực của các biện pháp mới trong trường hợp số ca lây nhiễm vượt quá mức nhất định.
Đây là những biện pháp hạn chế cuối cùng mà Chính phủ Bỉ dỡ bỏ. Điều này là cho thấy một cuộc sống hoàn toàn bình thường đã quay trở lại quốc gia châu Âu này như trước khi xảy ra đại dịch COVID-19.
Các biện pháp mà CODECO vừa đưa ra dựa trên những số liệu về dịch bệnh. Hiện Bỉ chỉ còn chưa đầy 300 bệnh nhân phải điều trị tích cực, tỷ lệ lây nhiễm của virus dưới 1 và trên hết là 79% số dân số (9,1 triệu người) đã được tiêm ít nhất một mũi vaccine ngừa COVID-19 và 60% số dân số (7,1 triệu người) đã tiêm 2 mũi vaccine.
Gần 30% người trưởng thành Canada đã nhiễm biến thể Omicron
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Toronto, tỉnh Ontario, Canada. Ảnh: GETTY IMAGES/TTXVN
Trong nghiên cứu được công bố mới đây trên tạp chí Tạp chí Y học New England, các nhà khoa học của viện Angus Reid thuộc Đại học Toronto (Canada) đã tiến hành phân tích hơn 5.000 mẫu máu của người trưởng thành Canada trong khoảng thời gian từ ngày 15/1 đến ngày 15/3.
Kết quả cho thấy ước tính có khoảng 9 triệu người trong số 29,7 triệu người trưởng thành Canada mắc COVID-19 trong làn sóng lây nhiễm biến thể Omicron vào đầu năm nay, trong khi con số này trong 4 đợt lây nhiễm trước đó chỉ 10%. Trong số những ca mắc đó có 1 triệu người trong số 2,3 triệu dân số trưởng thành chưa được tiêm vaccine ngừa COVID-19, chiếm 40% tổng số người trưởng thành chưa được tiêm phòng.
Tuy nhiên, nghiên cứu cũng cho thấy mỗi mũi tiêm vaccine ngừa COVID-19 và lần nhiễm bệnh trước đó đều giúp tăng khả năng miễn dịch. Những người trưởng thành đã tiêm 3 mũi vaccine hoặc từng mắc COVID-19 có khả năng được bảo vệ cao nhất.
Trao đổi với báo giới, Tiến sĩ Patrick Brown, một nhà thống kê sinh học tại Trung tâm Nghiên cứu sức khỏe toàn cầu và Đại học Toronto, cho biết Canada đã giữ cho mức độ lây nhiễm tự nhiên nói chung ở mức thấp – có lẽ dưới 10% dân số trưởng thành trước khi biến thể Omicron xuất hiện. Do đó, Canada phải dựa vào tiêm chủng, đặc biệt người trưởng thành cần tiêm đủ 2 mũi cơ bản và 1 mũi vaccine tăng cường ngừa COVID-19. Tuy nhiên, tỷ lệ người trưởng thành tiêm vaccine mũi tăng cường vẫn thấp hơn mức lý tưởng.
Theo thống kê của trang worldometers.info, đến nay, Canada đã ghi nhận hơn 3,8 triệu ca mắc COVID-19, trong đó có hơn 40.600 bệnh nhân không qua khỏi vì căn bệnh này.
Indonesia lạc quan chuyển sang giai đoạn bệnh đặc hữu
Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ em tại Bandung, Tây Java, Indonesia. Ảnh: THX/TTXVN
Bộ trưởng Điều phối phát triển con người và văn hóa Indonesia Muhadjir Effendy khẳng định rằng quốc gia này “rất lạc quan” chuyển từ giai đoạn đại dịch COVID-19 sang giai đoạn bệnh đặc hữu.
Hãng thông tấn chính thức Antara dẫn lời Bộ trưởng Muhadjir nhắc lại rằng Tổng thống Indonesia Joko Widodo mới đây đã cho phép người dân không mang khẩu trang, đặc biệt là ở các địa điểm ngoài trời. Trong 3 tuần qua, số ca mắc COVID-19 ở Indonesia đã giảm về tổng thể, dù còn tăng ở một số thành phố như Jakarta. Tuy nhiên, sự gia tăng này không theo “cấp số nhân”.
Trước đó, Bộ trưởng Y tế Budi Gunadi Sadikin cho rằng mức độ nhận thức cao của cộng đồng đối với các quy định y tế là yếu tố thúc đẩy chính phủ quyết định nới lỏng các hạn chế phòng chống COVID-19. Ông Budi cho biết bước đầu tiên trong quá trình chuyển đổi từ giai đoạn đại dịch COVID-19 sang giai đoạn bệnh đặc hữu là bãi bỏ quy định bắt buộc đeo khẩu trang tại các không gian mở không đông người. Tuy nhiên, người dân vẫn được khuyến cáo đeo khẩu trang khi tham gia các hoạt động trong nhà, cũng như khi sử dụng các phương tiện giao thông công cộng. Các đối tượng dễ bị tổn thương và những người có các triệu chứng mắc COVID-19 cũng được khuyến cáo đeo khẩu trang.
Ngoài bãi bỏ quy định đeo khẩu trang trong các hoạt động ngoài trời, Chính phủ Indonesia cũng đã hủy bỏ yêu cầu trình kết quả xét nghiệm PCR hoặc antigen đối với du khách trong nước và quốc tế đã được tiêm phòng đầy đủ.
Theo số liệu của Lực lượng đặc nhiệm đối phó với COVID-19, tính đến ngày 20/5, Indonesia đã ghi nhận tổng cộng 6.052.100 ca mắc COVID-19, trong đó có 156.513 ca tử vong.
COVID-19 tới 6h sáng 19/5: Thế giới thêm 1.346 ca tử vong; Số trẻ em mắc bệnh tăng mạnh ở Mỹ
Theo trang mạng worldometer.info, trong vòng 24 giờ qua, thế giới ghi nhận trên 719.000 ca mắc COVID-19 và 1.346 ca tử vong. Tổng số ca mắc từ đầu dịch tới nay đã là 524,5 triệu ca, trong đó trên 6,29 triệu ca tử vong.
Ba quốc gia có số ca mắc trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Đức (64.582 ca), Mỹ (63.257 ca) và Australia (56.259 ca).
Ba quốc gia có số ca tử vong trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Mỹ (177 ca), Đức (166 ca) và Italy (136 ca).
Tính từ đầu đại dịch, Mỹ là quốc gia có tổng số ca mắc nhiều nhất thế giới với trên 84,5 triệu ca mắc COVID-19 và trên 1,02 triệu ca tử vong. Tiếp đó là Ấn Độ với trên 43 triệu ca mắc và trên 524.000 ca tử vong. Đứng thứ ba là Brazil với trên 30,7 triệu ca mắc và trên 665.000 ca tử vong.
Số ca mắc mới COVID-19 ở trẻ em tăng mạnh tại Mỹ
Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ em tại Southfield, Michigan, Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN
Theo dữ liệu cập nhật mới nhất của Viện Hàm lâm Nhi khoa Mỹ (AAP) và Hiệp hội Bệnh viện Nhi của Mỹ, gần 13,2 triệu trẻ em tại nước này có kết quả xét nghiệm dương tính với COVID-19 kể từ khi đại dịch bùng phát.
Trong tuần kết thúc vào ngày 12/5, Mỹ ghi nhận hơn 93.000 trẻ em mắc COVID-19, tăng 76% so với hai tuần trước đó, đưa tổng số trẻ mắc mới COVID-19 lên hơn 246.000 ca trong 4 tuần trở lại đây và gần 5,3 triệu ca từ đầu năm đến nay. Đây là tuần thứ 5 liên tiếp số ca mắc mới COVID-19 ở trẻ em tăng cao ở Mỹ.
AAP nhấn mạnh sự cần thiết phải thu thập thêm dữ liệu về độ tuổi của các ca mắc COVID-19 liên quan đến các biến thể mới để đánh giá mức độ nghiêm trọng của đại dịch đối với trẻ em cũng như các tác động lâu dài về thể chất, tinh thần và các vấn đề xã hội đối với thế hệ trẻ.
Trong khi đó, người phát ngôn Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Mỹ xác nhận Bộ trưởng Xavier Becerra đã có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2 trong lúc đang thực hiện hành trình tới Berlin (Đức) để tham dự Hội nghị Bộ trưởng Y tế Nhóm các nền công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7).
Theo người phát ngôn trên, Bộ trưởng Becerra đã được chủng ngừa đầy đủ và được tiêm mũi tăng cường. Hiện nay, ông chỉ có các triệu chứng nhẹ và sẽ tiếp tục làm việc từ xa.
Lần gần nhất mà Bộ trưởng Becerra đến Nhà Trắng là 1 tuần trước đây và theo định nghĩa của các cơ quan y tế Mỹ, Tổng thống Joe Biden không bị coi là có "tiếp xúc gần" với quan chức này.
Trước đó cùng ngày, người phát ngôn Nhà Trắng Karine Jean-Pierre thông báo Tổng thống Biden không bị xem là có tiếp xúc gần với con gái Ashley Biden, vốn vừa được xác định mắc COVID-19.
Bà Jean-Pierre cho biết lần gần đây nhất Tổng thống Mỹ gặp con gái là "một vài ngày" trước đó.
Theo kế hoạch ban đầu, bà Ashley, 40 tuổi, sẽ lên đường tới Trung Mỹ cùng Đệ nhất phu nhân Jill Biden, trong chuyến thăm khởi hành vào chiều 18/5 (theo giờ Washington). Tuy nhiên, con gái của Tổng thống Biden sẽ không còn tham gia chuyến đi nói trên sau khi mắc COVID-19.
PAHO cảnh báo số ca mắc COVID-19 mới gia tăng tại châu Mỹ
Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân COVID-19 tại bệnh viện ở Mendoza, Argentina. Ảnh: AFP/TTXVN
Ngày 18/5, Tổ chức Y tế liên Mỹ (PAHO) cho biết số ca mắc COVID-19 mới ở khu vực châu Mỹ đang có xu hướng tăng trở lại trong bối cảnh nhiều nước đã chấm dứt các biện pháp bắt buộc đeo khẩu trang và giãn cách xã hội và tỷ lệ tiêm vaccine ở một số nước vẫn chưa đạt yêu cầu.
Phát biểu trong cuộc họp báo, Giám đốc PAHO Carissa Etienne thông báo, trong tuần qua số ca mắc COVID-19 đã tăng 27,2% so với tuần trước đó. Trong tổng số 918.000 ca mắc COVID-19 mới được ghi nhận ở khu vực châu Mỹ trong tuần qua, có tới 33% số ca là ở Mỹ. Đáng chú ý là việc số ca bệnh mới đã tăng tới 80% ở khu vực Trung Mỹ, trong khi tại Brazil, quốc gia đông dân thứ hai ở khu vực, số ca mắc mới tăng 9%.
Bà Etienne cũng bày tỏ lo ngại việc chính phủ nhiều nước trong khu vực đã bãi bỏ nhiều các biện pháp phòng chống dịch, mở cửa trở lại các cửa khẩu biên giới sau một thời gian số ca mắc mới giảm mạnh, có thể là một trong những nguyên nhân khiến cho tình trạng lây nhiễm tăng trở lại.
Giám đốc PAHO khẳng định việc sử dụng khẩu trang và giãn cách xã hội là các biện pháp hữu hiệu phòng chống việc lây bệnh ngay từ khi đại dịch bùng phát và chính phủ các nước cần phải luôn sẵn sàng để áp dụng các biện pháp này khi số ca nhiễm bệnh hoặc tử vong tăng cao.
Theo bà Etienne, hiện nay số người phải đối mặt với rủi ro mắc COVID-19 vẫn rất cao vì mới chỉ có 14 trong tổng số 51 quốc gia và vùng lãnh thổ ở châu Mỹ đã đạt được mục tiêu tiêm chủng cho ít nhất 70% dân số mà Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đưa ra. Bà cũng nhấn mạnh, trên thực tế COVID-19 dường như đang tạo ra một làn sóng mới ở châu Mỹ chứ không biến mất sớm như kỳ vọng.
Chủ tịch Triều Tiên kêu gọi nỗ lực hơn để đẩy lùi dịch bệnh
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un chủ trì cuộc họp tại Bình Nhưỡng, ngày 17/5/2022. Ảnh: YONHAP/TTXVN
Ngày 18/5, truyền thông nhà nước Triều Tiên đưa tin nhà lãnh đạo nước này Kim Jong-un đã chủ trì cuộc họp của đảng Lao động Triều Tiên cầm quyền nhằm thảo luận về các biện pháp chống dịch trên toàn quốcc và hối thúc các quan chức ổn định tình hình dịch bệnh sau khi Triều Tiên ghi nhận ca mắc COVID-19 đầu tiên vào tuần trước.
Theo Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA), tại cuộc họp, nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã phê bình một số đơn vị đã không đưa ra phản ứng thích hợp trước sự bùng phát dịch COVID-19 trong giai đoạn đầu. Theo ông, "sự non nớt" trong việc đương đầu với dịch bệnh từ giai đoạn đầu và phản ứng thiếu nhạy bén của các đơn vị đã bộc lộ "những điểm yếu" trong công tác chống dịch. Ông kêu gọi các quan chức nỗ lực hơn nữa để ổn định cuộc sống của người dân, đồng thời nhấn mạnh sự cần thiết phải "tổ chức công việc chặt chẽ hơn để đáp ứng điều kiện sống và cung cấp nhu yếu phẩm hàng ngày" cho người dân.
Theo thông tin từ cơ quan phòng chống dịch bệnh khẩn cấp Triều Tiên, tính đến 18h ngày 17/5, nước này đã ghi nhân thêm hơn 232.880 người có triệu chứng sốt, nâng tổng số người bị sốt kể từ cuối tháng 4 lên 1.715.950 người. Trong số đó, đã có hơn 1.024.720 bệnh nhân bình phục và vẫn còn ít nhất 691.170 người đang được điều trị. Nước này cũng ghi nhận thêm 6 ca tử vong liên quan dịch bệnh này, nâng tổng số bệnh nhân không qua khỏi lên 62 người.
Số ca trẻ em mắc COVID-19 ở Đức phải nhập viện giảm nhờ tiêm chủng
Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ em ở Berlin, Đức, ngày 8/1/2022. Ảnh: AFP/TTXVN
Làn sóng dịch bệnh do biến thể Omicron gây ra tại Đức đã vượt qua giai đoạn đỉnh. Số liệu thống kê của Viện Robert Koch (RKI) cho thấy tỷ lệ mắc COVID-19 đã giảm từ mức kỷ lục gần 1.600 ca/100.000 người xuống hơn 300 ca/100.000 người. Đặc biệt, sau khi triển khai chiến dịch tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 ở hai nhóm trẻ em từ 12-18 tuổi và mới nhất là 5-11 tuổi, tỷ lệ mắc bệnh ở những đối tượng này đã giảm đáng kể so với mức cao chưa từng có được ghi nhận hồi tháng 2 vừa qua là hơn 3.000 ca/100.000 trẻ em.
Theo dõi về tốc độ lây nhiễm trong trẻ em và thanh thiếu niên, ông Jakob Armann - bác sĩ cấp cao về chăm sóc nhi khoa tại Bệnh viện Đại học Kỹ thuật ở Dresden và ông Jrg Dtsch - Giám đốc nhi khoa và trẻ vị thành niên tại Bệnh viện Đại học Cologne nhận xét biến thể Omicron gây ra tình trạng gia tăng mạnh số mắc COVID-19, song không tác động đến số ca nhập viện.
Cùng với tuyên bố của các hiệp hội nhi khoa Đức chỉ ra rằng biến thể Omicron gây ra những triệu chứng bệnh ở mức độ nhẹ hơn nhiều so với biến thể Delta, ở tất cả các nhóm tuổi, nghiên cứu của Bác sĩ Armann cũng cho thấy quyết định triển khai chiến dịch tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho trẻ em đã đạt được hiệu quả cao, khi số ca nhập viện hàng ngày tại các bệnh viện nhi giảm hẳn, chỉ còn trung bình 1 ca/1 cơ sở y tế/ngày.
Trong khi đó, Giám đốc nhi khoa và trẻ vị thành niên tại Bệnh viện Đại học Cologne khẳng định với việc báo cáo của Tập đoàn dược phẩm Pfizer (Mỹ) và Công ty Công nghệ sinh học BioNTech (Đức) chỉ ra rằng 2 mũi tiêm vaccine Pfizer/BioNTech đạt hiệu quả chống hội chứng COVID-19 kéo dài hoặc viêm đa hệ ở trẻ em (PIMS) tới 91% đối với nhóm 12-18 tuổi, thì chiến dịch tiêm chủng là cần thiết. Ông Dtsch khuyên tất cả trẻ em và thanh thiếu niên trên 12 tuổi nên tiêm chủng. Ngoài nhóm đối tượng này, Ủy ban thường trực về tiêm chủng của Đức (StiKo) cũng khuyến nghị tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho trẻ em từ 5-11 tuổi, trong đó, ngoài những trường hợp mắc bệnh nền, có thể tiêm theo nguyện vọng với những em có điều kiện sức khỏe tốt. Theo Bác sĩ Armann, trẻ em từ 5-11 tuổi thậm chí dung nạp vaccine tốt hơn so với thanh thiếu niên.
Trước đó, từ tháng 12/2021, Thủ tướng Đức Olaf Scholz ngay sau khi nhậm chức cũng đã thành lập nhóm cố vấn cho chính phủ trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19, với thành phần gồm các chuyên gia, các nhà nghiên cứu dịch tễ học, xã hội học và tâm lý học.
Với phương châm nâng cao tỷ lệ tiêm chủng và giảm tỷ lệ mắc bệnh, đặc biệt là trong nhóm đối tượng trẻ em và thanh thiếu niên, Thủ tướng Đức đã kêu gọi các nhà hoạch định chính sách ưu tiên hàng đầu cho lợi ích của trẻ em.
Theo các chuyên gia, đại dịch COVID-19 gây ra gánh nặng đặc biệt lớn cho trẻ em và thanh thiếu niên. Không chỉ lây nhiễm, dịch bệnh còn để lại những hậu quả tiềm ẩn đối với trẻ từ những tác động gián tiếp của đại dịch như phong tỏa, các vấn đề gia đình như căng thẳng, sợ hãi, bệnh tật, tử vong hoặc mất kế sinh nhai, mất tương tác với xã hội..., vì vậy, chính sách đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng để giảm tỷ lệ mắc bệnh và những hậu quả đáng tiếc ở trẻ em là hết sức cần thiết.
Theo số liệu cập nhật của Chính phủ Đức, quốc gia châu Âu này đến nay đã tiêm vaccine ngừa COVID-19 đầy đủ cho 19,5% nhóm trẻ 5-11 tuổi và 66,7% cho nhóm trẻ 12-17 tuổi. Riêng nhóm trẻ 12-17 tuổi đã có 31% được tiêm mũi tăng cường thứ nhất. Trên toàn quốc, nhóm đối tượng 18-59 tuổi đạt tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ là 82%, trong đó 63,4% đã tiêm mũi tăng cường thứ nhất; nhóm trên 60 tuổi đạt 90,9%, trong đó 79,9% tiêm mũi tăng cường thứ nhất. Hiện nay, Đức đứng thứ 17 trên thế giới về tỷ lệ tiêm chủng toàn dân.
Chuyên gia y tế Australia kêu gọi áp đặt trở lại quy định đeo khẩu trang bắt buộc
Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Melbourne, Australia. Ảnh: AFP/TTXVN
Các bác sĩ và chuyên gia y tế của Australia kêu gọi chính phủ và chính quyền địa phương ở nước này khẩn trương áp đặt trở lại quy định đeo khẩu trang bắt buộc, trong bối cảnh dịch COVID-19 có nguy cơ bùng phát trở lại ở một số địa phương.
Chủ tịch Hiệp hội Y khoa Australia (AMA), Giáo sư Omar Khoshid, cho biết hệ thống y tế của bang Tây Australia sẽ không thể ứng phó với nguy cơ 25.000 ca mắc mới COVID-19/ngày, căn cứ tình hình lây lan dịch bệnh thực tế hiện nay.
Trong khi đó, Chủ tịch AMA tại bang Victoria, Tiến sĩ Roderick McRae cho biết Australia đang bước vào mùa Đông với dịch cúm thường xuất hiện rộng khắp. Theo đánh giá của các chuyên gia y tế, mùa cúm năm nay có thể tồi tệ hơn so 2 năm trước, do các lệnh hạn chế đi lại đã được nới lỏng và người dân có nguy cơ tiếp xúc nhiều hơn với các loại virus cùng các biến thể khác nhau, bao gồm cả virus cúm thường và virus gây bệnh COVID-19.
Tại bang Victoria, AMA khuyến nghị chính quyền tái áp đặt quy định đeo khẩu trang bắt buộc trên các phương tiện công cộng, taxi, tại sân bay, bệnh viện, tòa án, trung tâm chăm sóc người cao tuổi và một số khu vực công cộng. Tiến sĩ McRae cũng khuyến nghị người dân nên tự bảo vệ sức khỏe bản thân bằng các biện pháp hết sức đơn giản, như đeo khẩu trang khi ra khỏi nhà.
Theo Giáo sư Adrian Esterman, một nhà dịch tễ học và thống kê sinh học tại Đại học Nam Australia, dịch COVID-19 vẫn đang bùng phát mạnh ở Australia, với số ca mắc lên tới vài chục nghìn ca/ngày.
Mặc dù là một trong những quốc gia có độ phủ vaccine ngừa COVID-19 cao nhất thế giới, nhưng rõ ràng virus SAR-CoV-2 vẫn đang khiến nhiều người dân Australia mắc bệnh, thậm chí tử vong, đặc biệt với một số người có vấn đề về sức khỏe.
Giáo sư Esterman thừa nhận người dân giờ đây có thể không muốn áp dụng trở lại các biện pháp phòng dịch như trước kia bởi dịch bệnh đã kéo dài trong một thời gian dài. Tuy nhiên, Giáo sư nhấn mạnh đó là điều cần thiết vì lợi ích sức khỏe của mỗi cá nhân và cộng đồng.
Tỷ lệ mắc COVID-19 bình quân trên đầu người của Australia hiện vẫn rất cao, với trung bình hơn 40.000 ca mắc mới/ngày, theo đó nước này nằm trong nhóm các quốc gia có số ca mắc COVID-19 cao nhất thế giới.
AMA dự báo số ca mắc COVID-19 có khả năng sẽ tăng đột biến trong những tháng tới, khi thời tiết chuyển sang mùa Đông. Tại bang Victoria, ngày 16/5 đã có 20 người tử vong do COVID-19, trong khi tại bang New South Wales có 16 người tử vong.
Các bang của Australia hiện đã dỡ bỏ gần như hoàn toàn mọi quy định bắt buộc liên quan dịch bệnh COVID-19. Bộ trưởng Y tế Australia Grey Hunt tháng 3 vừa qua tuyên bố đã đến lúc nước này quay trở lại trạng thái bình thường. Do đó, ngày càng ít người dân Australia tự giác đeo khẩu trang tại các nơi công cộng.
Theo số liệu của Cơ quan Thống kê Australia (ABS), tuần trước, khoảng 78% người có mặt tại các khu vực công cộng ở nước này đeo khẩu trang, ít hơn đáng kể so với tỷ lệ 90% trong tháng 3.
COVID-19 tới 6h sáng 18/5: Lo ngại nhiều biến thể mới ở Triều Tiên; Dự báo dịch kéo dài ít nhất 5 năm nữa Trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận trên 785.000 ca mắc và 1.347 ca tử vong. WHO lo ngại nguy cơ xuất hiện nhiều biến thể mới ở Triều Tiên, trong khi giới chuyên gia dự báo 3 kịch bản diễn biến của đại dịch. Phun thuốc khử trùng nhằm ngăn chặn sự lây lan của COVID-19 tại nhà ăn của một...