COVID-19 tới 6h sáng 2/1: Pháp có số ca mắc mới cao nhất thế giới; WHO tin đại dịch chấm dứt trong năm 2022
Theo trang mạng worldometer.info, trong vòng 24 giờ qua, thế giới ghi nhận trên 1,1 triệu ca mắc COVID-19 và trên 3.700 ca tử vong.
Tổng số ca mắc từ đầu dịch tới nay đã là 289,6 triệu ca, trong đó trên 5,45 triệu ca tử vong.
Người dân xếp hàng chờ xét nghiệm COVID-19 tại Rome, Italy, ngày 28/12/2021. Ảnh: THX/TTXVN
Ba quốc gia có số ca mắc trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Pháp (219.126 ca), Anh (162.572 ca) và Mỹ (trên 160.000 ca).
Ba quốc gia có số ca tử vong trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Nga (847 ca), Ba Lan (505 ca) và Mỹ (257 ca).
Tính từ đầu đại dịch, Mỹ vẫn là quốc gia ghi nhận nhiều ca mắc COVID-19 nhất với trên 55,7 triệu ca, trong đó trên 847.000 ca tử vong. Tiếp đó là Ấn Độ với 34,8 triệu ca mắc và Brazil với 22,2 triệu ca mắc.
Trong bối cảnh biến thể Omicron lan rộng, có nghiên cứu cho thấy biến thể này gây bệnh nhẹ hơn so với các biến thể khác của virus SARS-CoV-2 do phổi ít bị tổn thương hơn.
Người dân chờ xét nghiệm COVID-19 tại một điểm xét nghiệm ở thành phố Đồng Nhân, tỉnh Quý Châu, Trung Quốc ngày 29/12/2021. Ảnh: THX/TTXVN
Theo một nghiên cứu trên động vật mới được tờ The New York Times đăng ngày 31/12/2021, kết quả thử nghiệm trên chuột và chuột hamster cho thấy biến thể Omicron gây ít tổn thương hơn ở mũi, họng và khí quản. Các nhà khoa học cũng cho biết chuột hamster khi nhiễm các biến thể khác của virus SARS-CoV-2 thường có các triệu chứng nặng hơn.
Một nghiên cứu khác của các nhà nghiên cứu thuộc Đại học Hong Kong, được đăng trên tạp chí Nature cho thấy bệnh nhân nhiễm biến thể Omicron có tải lượng virus trong phổi chỉ bằng 1/10 hoặc thấp hơn so với các biến thể khác. Nghiên cứu cũng cho thấy biến thể Omicron sinh sôi chậm hơn biến thể Delta.
Những kết quả trên cũng trùng với một báo cáo được công bố trên trang tin tức khoa học Live Science ngày 28/12 vừa qua, trong đó các nhà khoa học khẳng định có vẻ như biến thể Omicron “không xâm nhập vào phổi”.
WHO lạc quan về khả năng kết thúc đại dịch COVID-19 trong năm 2022
Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus. Ảnh: AFP/TTXVN
Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) lạc quan rằng đại dịch COVID-19 có thể kết thúc trong năm 2022 nếu tỷ lệ tiêm chủng vaccine toàn cầu tăng và các nước cùng hợp tác để kiềm chế dịch bệnh lây lan.
Trong một tuyên bố ngày 31/12/2021, Tổng giám đốc WHO Tedros Ghebreyesus khẳng định thế giới hiện có tất cả công cụ và nguồn lực để chấm dứt đại dịch mà ông gọi là “thảm họa”. Ông nhấn mạnh, nếu có lựa chọn đúng đắn, thế giới có thể khiến đại dịch đảo chiều,
Tuy nhiên, người đứng đầu WHO cảnh báo chủ nghĩa dân tộc và hiện tượng tích trữ vaccine của một số nước có thể phá hoại sự công bằng và đã tạo điều kiện cho biến thể Omicron xuất hiện. Chừng nào tình trạng bất bình đẳng về vaccine còn tiếp tục, càng có nguy cơ virus phát triển đến mức không thể ngăn chặn hoặc dự đoán được. Ông kêu gọi chấm dứt tình trạng bất bình đẳng vaccine để chấm dứt đại dịch, và một trong những mục tiêu của năm mới là tiêm chủng cho 70% dân số thế giới đến giữa năm 2022.
Mỹ ghi nhận trên 160.000 ca mắc mới
Video đang HOT
Với trên 160.000 ca mắc mới trong 24 giờ qua, số ca mắc mới ở Mỹ đã giảm so với mức vài trăm nghìn ca cách đây vài ngày.
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 tại New York, Mỹ. Ảnh: THX/TTXVN
Trước đó, số liệu do báo chí tổng hợp ngày 30/12/2021 cho thấy ít nhất 18 bang và vùng lãnh thổ hải ngoại Puerto Rico ghi nhận số ca bệnh mới lên đến mức đỉnh điểm đúng vào đợt gia tăng hoạt động đi lại nhân dịp Năm mới và các kỳ nghỉ lễ liên quan, trong khi các trường học sẽ đón học sinh trở lại sau khi kỳ nghỉ Đông.
Tiến sĩ Michael Osterholm – một chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Đại học Minnesota dự báo “tháng tới sẽ là một trận bão tuyết về virus”, qua đó tạo ra áp lực rất lớn đối với toàn xã hội Mỹ. Trong khi đó, Tiến sĩ Peter Hoetz thuộc Đại học Y Baylor cho rằng cần tránh tâm lý “quá chủ quan” đối với biến thể Omicron.
Biến thể Delta vẫn chiếm đa số các ca nhiễm COVID-19 tại Italy
Điều trị cho bệnh nhân COVID-19 tại Rome, Italy ngày 30/12/2021. Ảnh: AFP/TTXVN
Báo cáo mới nhất, do Viện Y tế Quốc gia (ISS) công bố ngày 31/12/2021, cho biết biến thể Delta vẫn chiếm đa số ở Italy với 79% số ca mắc mới, trong khi Omicron có khả năng lây nhiễm cao nhưng ít nghiêm trọng hơn chiếm 21%. Báo cáo cũng cho biết trong toàn bộ 20 vùng của Italy, sự khác biệt dao động từ 3%-65%.
Trong 24 giờ qua, Italy có 141.262 ca mắc mới.
Theo số liệu tính đến ngày 31/12/2021, khoảng 5,5 triệu người Italy vẫn chưa tiêm vaccine phòng COVID-19. Chiếm tỷ lệ cao nhất là những người trong độ tuổi 5-19 (có tới 49% chưa tiêm vaccine). Tuy nhiên, một phần lý do là trẻ trong độ tuổi 5-11 mới được tiêm vaccine đại trà từ ngày 16/12.
Cùng ngày, Thứ trưởng Bộ Y tế Italy Andrea Costa đã khuyến khích mở rộng diện áp dụng quy định “siêu thẻ xanh”, giấy chứng nhận giấy hoặc trực tuyến cho thấy người sở hữu đã tiêm chủng hoặc khỏi COVID-19 trong vòng 6 tháng. Ông nhấn mạnh tình hình dịch bệnh vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ và mọi người cần có ý thức tiếp tục phòng chống dịch một cách hết sức thận trọng, với tinh thần trách nhiệm cao và tôn trọng các quy định.
Pháp ghi nhận số ca mắc mới cao
Người dân đeo khẩu trang phòng COVID-19 tại Paris, Pháp, ngày 29/12/2021. Ảnh: THX/TTXVN
Số ca mắc mới tại Pháp trong 24 giờ qua cao nhất thế giới. Tổng số ca mắc COVID-19 tại nước này đã vượt mốc 10 triệu ca.
Theo Cơ quan y tế công cộng Pháp, trong 5 ngày trở lại đây, 62,4% số ca dương tính với virus SARS-CoV-2 là các trường hợp mắc Omicron. Giới chức trách Pháp đã phải yêu cầu các bệnh viện trì hoãn các cuộc phẫu thuật không cần thiết để nhường giường bệnh cho các bệnh nhân COVID-19.
Trong bài phát biểu mừng Năm mới, Tổng thống Emmanuel Macron cho biết Pháp đang có điều kiện thuận lợi hơn để đối mặt với đại dịch COVID-19 so với một năm trước vì số lượng người đã được tiêm chủng vaccine phòng COVID-19, đồng thời ông kêu gọi bất kỳ người nào chưa được chủng ngừa hãy tiêm phòng vaccine. Ông khẳng định đất nước cần nỗ lực hết mình để tránh phải áp đặt các biện pháp hạn chế mới.
Anh tiếp tục có ca mắc mới cao
Trong 24 giờ qua, số ca mắc mới ở Anh là 162.572, nâng tổng số ca mắc từ đầu dịch lên 13,1 triệu ca.
Ngày 31/12/2021, Văn phòng Thống kê Quốc gia của Anh công bố dữ liệu cho thấy tính đến tuần kết thúc vào ngày 23/12, cứ 25 người tại Anh thì có 1 người mắc COVID-19, tăng so với tỷ lệ 1/35 của tuần trước. Riêng tại thủ đô London tỷ lệ này là 1/15. Thống kê của cơ quan trên ước tính cũng vào khoảng thời gian trên, Anh đã ghi nhận khoảng 2,3 triệu ca mắc COVID-19, tăng 1,4 triệu ca so với tuần trước đó.
Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại London, Anh ngày 26/12/2021. Ảnh: THX/TTXVN
Theo thống kê, số ca mắc mới gia tăng tại khắp các vùng của Anh do biến thể Omicron. Không chỉ trở thành biến thể chủ đạo tại Anh và Scotland, Omicron đang lây lan với tốc độ nhanh tại Bắc Ireland và xứ Wales. Số ca mắc gia tăng ở tất cả độ tuổi, trong đó nhóm tuổi học sinh và thanh thiếu niên ghi nhận tỷ lệ lây nhiễm cao nhất.
Ngày 1/1, Bộ trưởng Y tế Anh Sajid Javid cho rằng, những biện pháp hạn chế mới ở nước này nhằm làm chậm tốc độ lây lan dịch bệnh COVID-19 sẽ chỉ được áp dụng khi không còn phương sách nào khác, đồng thời nhấn mạnh mặc dù số ca nhập viện tăng lên, song số lượng bệnh nhân trong khoa chăm sóc tích cực vẫn ở mức ổn định.
Ông Javid nhấn mạnh, mặc dù sự gia tăng các ca mắc biến thể Omicron đánh dấu một khoảng thời gian đáng lo ngại, song nước Anh đã bắt đầu năm mới ở vị thế vững chắc hơn so với 12 tháng trước đó, nhờ vào tỷ lệ tiêm chủng phòng COVID-19 cao. Bộ trưởng Y tế Anh viết: “Số lượng bệnh nhân ở khoa chăm sóc tích cực ở mức ổn định và không đi theo quỹ đạo mà chúng ta chứng kiến vào thời điểm này năm ngoái giữa làn sóng dịch Alpha”, đồng thời thúc giục người dân làm mọi thứ có thể để tự bảo vệ mình.
Số ca mắc mới tại Bồ Đào Nha vẫn cao
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Cascais, Bồ Đào Nha, ngày 22/12/2021. Ảnh: THX/TTXVN
Số ca mắc tại Bồ Đào Nha là 23.290 ca trong vòng 24 giờ qua. Con số này đã giảm so với kỷ lục ngày trước đó.
ADVERTISING
X
Tới nay, Bồ Đào Nha ghi nhận trên 1,4 triệu ca mắc, trong đó trên 18.976 ca tử vong.
Thống kê của Cơ quan y tế Bồ Đào Nha cho thấy biến thể Omicron chiếm tới 82,9% số ca dương tính tại nước này.
Ấn Độ lo ngại làn sóng Omicron khi số ca mắc COVID-19 tăng cao
Giới chức Ấn Độ cho biết biến thể Omicron hiện chiếm hơn 50% số ca COVID-19 mới, trong bối cảnh lây nhiễm ở Ấn Độ lên mức cao nhất trong 7 tháng trở lại đây.
Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân COVID-19 tới bệnh viện Guru Teg Bahadur ở New Delhi, Ấn Độ, ngày 24/4/2021. Ảnh: REUTERS/TTXVN
Giới chuyên gia y tế nhận định làn sóng lây nhiễm COVID-19 thứ ba có thể đã bắt đầu xuất hiện tại một số thành phố ở Ấn Độ, trong bối cảnh số ca mắc mới tính theo ngày đã tăng gấp đôi chỉ sau một tuần. Người đứng đầu lực lượng đặc nhiệm chống COVID-19 của chính phủ Ấn Độ, Tiến sĩ V. K. Paul, đã cảnh báo tình hình đang thay đổi khi biến thể Omicron lây lan và không nên chủ quan cho rằng biến thể mới chỉ gây bệnh nhẹ.
Ấn Độ trong ngày 1/1 có 26.404 ca mắc mới, tăng vọt so với các ngày trước. Quốc gia đông dân thứ hai thế giới này cũng đã ghi nhận 1.270 ca nhiễm Omicron kể từ ca đầu tiên được phát hiện hôm 2/12/2021.
Bang chịu ảnh hưởng mạnh nhất hiện nay là Maharashtra. Bang miền tây này cũng từng là điểm nóng nhất về dịch bệnh trong làn sóng lây nhiễm thứ hai, với giai đoạn đỉnh điểm từ tháng 4 đến tháng 5/2021. Maharashtra ghi nhận 6,6 triệu ca trên tổng số 35 triệu ca nhiễm COVID-19 trên toàn quốc, cùng với đó là 142.000 ca tử vong.
Số ca mắc theo ngày cũng tăng mạnh ở thủ đô New Delhi, nơi mà giới chức y tế nhận định một nửa số ca là do biến thể Omicron.
Lào thêm du khách 14 nước vào danh sách được phép nhập cảnh
Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao Lào vừa bổ sung danh sách công dân các quốc gia được phép nhập cảnh nước này theo Chương trình “Vùng xanh du lịch”.
Theo đó, sẽ có thêm công dân từ 14 nước được phép nhập cảnh vào Lào theo chương trình du lịch nói trên, gồm Brunei, Indonesia, Philippines, Na Uy, Thụy Sĩ, Phần Lan, Israel, Ireland, Hungary, Áo, New Zealand, Ba Lan, Đan Mạch và Bỉ.
Trước đó, Lào đã công bố danh sách công dân 17 quốc gia được nhập cảnh nước này từ đầu năm 2022, trong đó có Việt Nam.
Theo kế hoạch mở cửa 3 giai đoạn của Lào, khách du lịch sẽ được phép đi lại trong hai khu vực là Khu du lịch xanh và các Tuyến đường du lịch xanh (Green Travel Trails).
Trong Giai đoạn 1, từ ngày 1/1 đến ngày 30/3/2022, du khách có thể đến thăm thủ đô Viêng Chăn, tỉnh Luang Prabang và huyện Vang Vieng thuộc tỉnh Viêng Chăn. Trong khi đó 5 tỉnh sẽ được cấp phép thuộc các Tuyến đường du lịch xanh gồm: Oudomxay, Xayaboury, Xieng Khouang,
Trong Giai đoạn 2, các Khu du lịch Xanh sẽ bao gồm 9 tỉnh là thủ đô Viêng Chăn, tỉnh Viêng Chăn, Luang Prabang, Oudomxay, Xayaboury, Xieng Khouang, Khammouane, Savannakhet và Champasack.
Bốn tỉnh sẽ được cấp phép cho Tuyến đường du lịch xanh trong Giai đoạn 2, bao gồm: huyện Houay Xay ở tỉnh Bokeo, tỉnh Luang Namtha, tỉnh Sekong và tỉnh Salavanh.
Liên quan đến tình hình dịch bệnh, Bộ Y tế Lào ngày 1/1 cho biết trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận 1.023 ca mắc mới COVID-19 đều là lây nhiễm trong cộng đồng tại 17 tỉnh, thành phố và 2 ca tử vong do COVID-19. Thủ đô Viêng Chăn tiếp tục đứng đầu cả nước với 374 ca cộng đồng trong một ngày.
Đến nay, tổng số ca nhiễm COVID-19 tại Lào đã lên tới 112.023 ca, trong đó có 374 người tử vong.
Lào: Tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho trẻ 6-11 tuổi từ tháng 1/2022
Từ tháng 1/2022 tới, Chính phủ Lào sẽ bắt đầu triển khai tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho trẻ em từ 6-11 tuổi trên phạm vi toàn quốc.
Nhân viên y tế làm việc tại một điểm tiêm vaccine phòng COVID-19 ở Viêng Chăn, Lào. Ảnh tư liệu: THX/TTXVN
Theo phóng viên TTXVN tại Viêng Chăn, Bộ Y tế Lào cho biết đã chỉ đạo các cơ quan y tế cấp tỉnh và huyện thống kê số lượng trẻ em trong độ tuổi từ 6-11 và trẻ em thuộc nhóm tuổi này sẽ được tiêm vaccine phòng COVID-19 của hãng Pfizer/BioNTech. Cũng theo bộ trên, để giúp người dân hiểu và đưa con đi tiêm, các nhân viên y tế sẽ thông báo cho phụ huynh về tầm quan trọng của việc tiêm chủng và khuyến khích họ đăng ký tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ. Trẻ chỉ được tiêm khi có sự đồng ý của cha mẹ.
Việc tiêm chủng cho trẻ em từ 6-11 tuổi sẽ bắt đầu ở thủ đô Viêng Chăn, nhưng các tỉnh đã sẵn sàng triển khai chương trình này cũng có thể tiến hành tiêm chủng trước.
Bộ Y tế Lào cũng cho biết sẽ đánh giá thành công của chương trình tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho trẻ em từ 12-17 tuổi sau khi việc triển khai tiêm chủng cho nhóm tuổi này kết thúc vào cuối tháng sau.
Chính phủ Lào kỳ vọng nếu số lượng trẻ em được tiêm chủng ở mức đủ, các trường học sẽ được coi là an toàn và được phép mở cửa trở lại. Để đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng cho người dân, hướng tới việc sớm mở cửa đất nước, Bộ Y tế Lào cũng chỉ đạo các cơ quan chức năng mở thêm các điểm tiêm chủng tại các trạm y tế và các bản trên toàn quốc để tạo điều kiện tiếp cận dễ dàng hơn cho người dân địa phương.
Dịch COVID-19 tại Hàn Quốc và Lào tiếp tục diễn biến phức tạp Hàn Quốc ghi nhận số lượng bệnh nhân COVID-19 trở nặng ở mức cao chưa từng thấy trong ngày 16/11 khi số ca nhiễm mới hằng ngày dao động hơn 2.000 trong ngày thứ bảy liên tiếp trong bối cảnh các biện pháp chống dịch được nới lỏng tại nước này. Người dân xếp hàng chờ xét nghiệm COVID-19 tại Seoul, Hàn Quốc,...