COVID-19 tới 6h sáng 13/12: Thế giới vượt 270 triệu ca mắc; Thêm nhiều nước có biến thể Omicron
Theo trang mạng worldometer.info, trong vòng 24 giờ qua, thế giới ghi nhận trên 417.000 ca mắc COVID-19 và trên 3.800 ca tử vong. Tổng số ca mắc từ đầu dịch tới nay đã vượt 270 triệu ca, trong đó trên 5,32 triệu ca tử vong.
Nhân viên y tế tiêm vaccine COVID-19 cho người dân tại Moskva, Nga ngày 9/10/2020. Ảnh: AFP/TTXVN
Ba quốc gia có số ca mắc trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Anh (48.854 ca), Pháp (43.848 ca) và Mỹ (trên 38.000 ca).
Ba quốc gia có số ca tử vong trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Nga (1.132 ca), Ukraine (238 ca) và Mexico (235 ca).
Trong bối cảnh danh sách các nước phát hiện những trường hợp nhiễm biến thể Omicron tiếp tục dài thêm, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ngày 12/12 cho biết những dữ liệu ban đầu cho thấy biến thể Omicron dễ lây hơn chủng Delta và làm giảm hiệu quả của vaccine ngừa COVID-19, nhưng lại gây ra ít triệu chứng nghiêm trọng hơn.
Giám đốc Viện Nghiên cứu Sức khỏe châu Phi của Nam Phi, ông Willem Hanekom, cũng cho rằng biến thể Omicron gây các triệu chứng bệnh nhẹ hơn so với các biến thể như Delta và Beta, dù tốc độ lây lan của biến thể này rất nhanh.
Tính đến ngày 9/12, biến thể Omicron đã xuất hiện tại 63 quốc gia, trong đó tốc độ lây lan nhanh hơn được ghi nhận tại Nam Phi, nơi chủng Delta ít phổ biến hơn, và tại Anh, nơi Delta là chủng chủ đạo của các các lây nhiễm COVID-19.
Thổ Nhĩ Kỳ phát hiện ca nhiễm biến thể Omicron đầu tiên
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ ngày 10/4/2021. Ảnh: AFP/TTXVN
Bộ trưởng Y tế Thổ Nhĩ Kỳ ngày 11/12 thông báo nước này đã phát hiện 6 ca nhiễm Omicron đầu tiên.
Theo hãng thông tấn Thổ Nhĩ Kỳ Anadolu, trong số 6 ca nhiễm này có 5 ca tại thành phố Izmir và 1 ca tại thành phố Istanbul. Hiện cả 6 trường hợp nhiễm đều không cần nhập viện điều trị.
Anh ghi nhận ngày có số ca nhiễm Omicron cao nhất
Nhân viên y tế tiêm vaccine COVID-19 cho người dân tại London, Anh ngày 4/12/2021. Ảnh: AFP/TTXVN
Video đang HOT
Ngày 11/12, giới chức y tế Anh xác nhận có thêm 633 ca nhiễm Omicron. Đây là ngày Anh ghi nhận số ca nhiễm Omicron tăng cao nhất kể từ khi biến thể mới này xuất hiện tại quốc gia châu Âu này. Hiện tổng số bệnh nhân nhiễm Omicron được biết đến tại Anh đã lên tới 1.898 ca.
Trong khi đó, các chuyên gia y tế cảnh báo đến cuối tháng 4/2022, Omicron có thể cướp đi sinh mạng của 25.000 đến 75.000 người tại vùng England của Anh nếu giới chức nước này không tăng cường các biện pháp phòng dịch.
Cơ quan an ninh y tế của Anh (UKHSA) cho rằng nếu biến thể Omicron tiếp tục lây lan tại Anh như hiện tại, đến giữa tháng 12/2022, Omicron sẽ trở thành biến thể lây nhiễm chủ đạo tại đây, chiếm hơn 50% số ca mắc COVID-19 tại nước này. Với tốc độ gia tăng số ca nhiễm Omicron như vậy, đến cuối tháng 12 này, Anh được dự báo sẽ ghi nhận hơn 1 triệu ca nhiễm Omicron.
Anh đã nâng cảnh báo từ mức 3 lên mức 4 trong thang cảnh báo dịch COVID-19 gồm 5 cấp do số ca nhiễm biến thể Omicron tại đang tăng nhanh.
Nhật Bản phát hiện ca nhiễm Omicron đầu tiên vượt qua kiểm tra y tế khi nhập cảnh
Hành khách tại một sân bay ở Tokyo, Nhật Bản ngày 1/12/2021. Ảnh: AFP/TTXVN
Bộ Y tế Nhật Bản cho biết đã phát hiện ca đầu tiên nhiễm biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2 vượt qua cuộc kiểm tra y tế khi nhập cảnh. Đây là ca nhiễm biến thể Omicron thứ 13 được ghi nhận ở Nhật Bản.
Thông báo của Bộ Y tế cho biết, bệnh nhân là nam giới khoảng 40 tuổi, người nước ngoài sống tại tỉnh Gifu. Ông đến từ Sri Lanka, nhập cảnh tại sân bay quốc tế Narita gần thủ đô Tokyo, ngày 4/12, có xét nghiệm âm tính trong một cuộc kiểm tra y tế khi nhập cảnh.
Bệnh nhân đã tiếp xúc gần với 4 trường hợp đến từ Nigeria được Nhật Bản xác nhận nhiễm biến thể Omicron ngày 8/12, trong đó có hai người đi cùng chuyến bay tới Narita. Bệnh nhân đã được nhập viện sau khi có triệu chứng sốt trong thời gian tự cách ly tại nhà ở tỉnh Gifu. Giới chức tỉnh Gifu cho rằng đây không phải là một ca lây nhiễm trong cộng đồng.
Theo quy định của Nhật Bản, tất cả người nhập cảnh đến từ các nước miền Nam châu Phi và một số nước khác phải tự cách ly từ 3-10 ngày tại các cơ sở cách ly được chỉ định. Nhưng Sri Lanka không nằm trong danh sách này. Vì vậy, người đàn ông trên đã về nhà sau khi nhập cảnh. Ông bắt đầu sốt từ ngày 7/12 và hết triệu chứng vào ngày 11/12.
Brazil xác nhận ca nhiễm biến thể Omicron đầu tiên trong cộng đồng
Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân tại bang Sao Paulo, Brazil ngày 30/3/2021. Ảnh: AFP/TTXVN
Bộ Y tế Brazil thông báo nước này đã phát hiện trường hợp đầu tiên nhiễm biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2 trong cộng đồng tại bang Sao Paolo đông dân nhất ở quốc gia Nam Mỹ này.
Đây là ca nhiễm biến thể Omicron thứ 7 được xác định tại Brazil, trong đó có 4 trường hợp tại Sao Paolo. Điểm đáng chú ý là trường hợp nhiễm bệnh mới nhất này là một người chưa từng đi ra nước ngoài, trong khi các ca trước đó đều là những người trở về từ châu Phi. Bệnh nhân là một người đàn ông 67 tuổi, hiện sinh sống tại Sao Paolo và chưa thực hiện một chuyến đi ra nước ngoài nào trong những tháng gần đây. Bệnh nhân này cũng đã hoàn tất phác đồ tiêm vaccine ngừa COVID-19 và đã tiêm mũi tăng cường. Bệnh nhân có một số triệu chứng nhẹ và có kết quả xét nghiệm dương tính với COVID-19 hôm 7/12, sau đó mẫu thử được kiểm tra trình tự gene và khẳng định là biến thể Omicron.
Mặc dù chưa thể khẳng định biến thể Omicron đã bắt đầu lây nhiễm trong nội địa, song giới chức y tế cho rằng trường hợp này là một lời cảnh báo về khả năng bùng phát của biến thể Omicron tại Brazil, một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất từ đại dịch COVID-19.
Sự xuất hiện của biến thể Omicron, được cho là có khả năng lây lan mạnh hơn các biến thể trước đó, đã buộc chính quyền nhiều thành phố ở Brazil phải áp dụng trở lại các biện pháp hạn chế, cũng như hủy bỏ các lễ hội đón chào năm mới truyền thống. Ngoài ra, chính quyền Brazil cũng yêu cầu tất cả các du khách nhập cảnh phải có kết quả xét nghiệm PCR âm tính và có giấy chứng nhận tiêm vaccine.
Theo thống kê chính thức, đến nay Brazil đã ghi nhận khoảng 22,2 triệu trường hợp mắc COVID-19, trong đó có gần 619.770 ca tử vong.
Tín hiệu khả quan về dịch COVID-19 tại Nga
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Moskva, Nga ngày 19/11/2021. Ảnh: THX/TTXVN
Ban chỉ đạo phòng chống đại dịch COVID-19 của Nga cho biết tính đến sáng 12/12, trong vòng 24 giờ qua tại nước này ghi nhận 29.929 ca mới nhiễm virus SARS-CoV-2, và là ngày đầu tiên kể từ 13/10 số ca nhiễm tại nước này dưới 30.000 trường hợp, tuy nhiên tổng số người nhiễm COVID-19 tính từ đầu đại dịch đã vượt quá con số 10 triệu người. Trước đó, trong ngày 11/12, Nga ghi nhận 30.288 ca mới nhiễm COVID-19 và tổng cộng kể từ đầu đại dịch nước này đã nghi nhận 10.016.896 người nhiễm virus corona.
Theo số liệu sáng 12/12, trong 24 giờ qua cũng ghi nhận 1.132 người tử vong do COVID-19, đưa tổng số người tử vong kể từ đầu đại dịch lên 289.483 trường hợp, trong 24 giờ qua có 31.391 người khỏi bệnh được xuất viện, đưa tổng số người hồi phục lên 8.741.355 người. Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm virus corona nhiều nhất trong ngày là thủ đô Moskva – 2.862 ca, tỉnh Moskva – 2040, thành phố St. Petersburg – 2012, tỉnh Krasnodar – 736.
Tiêm phòng vẫn là hình thức bảo vệ đáng tin cậy nhất. Theo Bộ trưởng Y tế Nga Mikhail Murashko, số lượng người đã tiêm vaccine nhiễm bệnh chỉ chiếm chưa tới 4% tổng số bệnh nhân, các trường hợp nặng rất ít.
Chuyên gia y tế Séc ủng hộ sắc lệnh tiêm phòng bắt buộc
Một điểm tiêm vaccine phòng COVID-19 tại tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc ngày 3/6/2021. Ảnh: AFP/TTXVN
Chủ tịch Hiệp hội Y học truyền nhiễm Séc Pavel Dlouhý đã bày tỏ ủng hộ Sắc lệnh áp dụng tiêm chủng bắt buộc ngừa COVID-19 đối với các nhóm nghề nghiệp được lựa chọn và những người trên 60 tuổi. Theo ông, đây là biện pháp cần thiết để giảm bớt ảnh hưởng của đại dịch đối với sức khỏe và cuộc sống của người dân.
Theo Hiệp hội Y học truyền nhiễm Séc, người cao tuổi là nhóm dễ bị tổn thương nhất, họ thường mắc COVID-19 thể nặng và có tỷ lệ tử vong cao. Số liệu thống kê cho thấy những người chưa được tiêm chủng ở độ tuổi 60-69 thường xuyên phải nhập viện gấp 6,7 lần so với những người khác và phải chăm sóc đặc biệt gấp 11,4 lần so với những người được tiêm chủng .
Ngoài nhóm người trên, Bộ trưởng Y tế Séc Adam Vojtěch cũng đề xuất tiêm chủng bắt buộc cho các chuyên gia y tế, bao gồm sinh viên y khoa, nhân viên của các cơ sở y tế. Theo ông Vojtěch, việc tiêm chủng bắt buộc này cũng nên áp dụng cho cả nhân viên xã hội, nhân viên cứu hỏa, tình nguyện viên, binh sĩ quân đội, cảnh sát, nhân viên hải quan.
Cũng theo Hiệp hội Y học truyền nhiễm Séc, cần tiêm chủng bắt buộc đối với chuyên gia chăm sóc sức khỏe và nhân viên xã hội được giao trách nhiệm chăm sóc người bệnh, người già và người dễ bị tổn thương. Việc tiêm phòng cho những đối tượng trên là cần thiết để duy trì hoạt động.của các dịch vụ này.
Trung Quốc có thể đạt miễn dịch cộng đồng vào cuối năm 2021
Một điểm tiêm vaccine phòng COVID-19 tại tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc ngày 3/6/2021. Ảnh: AFP/TTXVN
Ông Chung Nam Sơn – nhà dịch tễ học hàng đầu của Trung Quốc nhận định với chương trình tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 đạt tỷ lệ cao như hiện nay, Trung Quốc có thể đạt miễn dịch cộng đồng vào cuối năm 2021.
Phát biểu tại một diễn đàn khoa học tổ chức tại Quảng Châu, tỉnh Quảng Đông Trung Quốc ngày 11/12, ông Chung Nam Sơn cho biết tính đến nay đã có 1,15 tỷ người ở nước này hoàn thành tiêm chủng và đây là nền móng vững chắc để nước này đạt miễn dịch cộng đồng.
Theo ước tính của ông, tỷ lệ người hoàn thành tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 ở Trung Quốc đến nay đạt 81,9% và đến cuối năm năm 2021, con số này có thể lên tới 83% – tỷ lệ an toàn để khẳng định Trung Quốc đạt miễn dịch cộng đồng.
Nhận dịp này, ông cũng kêu gọi nỗ lực chung của các nhà khoa học Trung Quốc và quốc tế nhằm phát triển các loại vaccine ngừa Omicron khi biến thể này đang tạo ra nhiều thách thức trong cuộc chiến chống COVID-19 toàn cầu.
Ông khẳng định tiêm phòng là ưu tiên hàng đầu để ngăn chặn virus khi giới khoa học còn biết rất ít về biến thể Omicron, từ nguồn gốc, quy luật lây truyền và cơ chế gây bệnh cho đến mục tiêu điều trị của virus.
Trung Quốc đại lục ngày 11/12 đã ghi nhận 49 ca lây nhiễm trong cộng đồng, trong đó 38 ca tập trung tại Chiết Giang. Hiện tổng số ca COVID-19 tại Trung Quốc từ đầu dịch đến nay là 99.679 ca, trong đó có 4.636 bệnh nhân không qua khỏi.
Singapore ghi nhận thêm 2 ca nhiễm biến thể Omicron
Bộ Y tế Singapore cho biết nước này ghi nhận thêm hai ca nhiễm Omicron khi quá cảnh ở sân bay Changi trước khi tiếp tục di chuyển đến Úc và Malaysia.
Ngày 3-12, Bộ Y tế Singapore cho biết nước này ghi nhận thêm hai trường hợp nhiễm biến thể Omicron khi quá cảnh ở sân bay Changi trước khi tiếp tục di chuyển đến Úc và Malaysia, hãng tin Reuters đưa tin.
Hành khách tại Ga số 2, sân bay Changi, Singapore. Ảnh: ISTOCK
Theo Bộ Y tế Singpaore, cả hai trường hợp đều khởi hành từ TP Johannesburg, Nam Phi, và không nhập cảnh vào Singapore cũng như không có tương tác trong cộng đồng.
Theo đó, hiện vẫn chưa ghi nhận bất kỳ ca nhiễm cộng đồng nào liên quan hai trường hợp này. Đến hiện tại, Singapore đã ghi nhận 4 ca nhiễm liên quan tới biến thể Omicron.
COVID-19 tới 6h sáng 3/12: Đức phong toả toàn quốc với người chưa tiêm vaccine; Mỹ phát hiện nhiều ca Omicron Trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận trên 633.000 ca nhiễm và 6.426 ca tử vong. Đức thực hiện phong toả toàn quốc với người chưa tiêm vaccine, trong khi Mỹ và một loạt nước khác phát hiện thêm nhiều ca nhiễm biến thể Omicron. Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân COVID-19 bằng máy bay của quân đội, tại sân bay...