Covid-19 – thử thách nan giải chờ đón Biden
Một ngày trước khi đắc cử tổng thống, Biden tuyên bố ưu tiên hàng đầu của ông sẽ là giải quyết cuộc khủng hoảng y tế mang tên Covid-19.
“Tôi muốn mọi người biết rằng từ ngày đầu tiên, chúng tôi sẽ thực hiện kế hoạch nhằm kiềm chế loại virus này. Chúng tôi không thể cứu bất cứ sinh mạng nào đã mất đi, nhưng có thể cứu rất nhiều người trong những tháng tới”, Joe Biden phát biểu tối 6/11, một ngày trước khi ông được xướng tên là Tổng thống thứ 46 của Mỹ.
Biden nêu cách xử lý đại dịch trên phạm vi toàn quốc cứng rắn hơn nhiều so với Tổng thống Donald Trump, cho biết ông sẽ kêu gọi các lãnh đạo địa phương bắt buộc đeo khẩu trang nếu cần thiết, thành lập một ủy ban nhằm tăng cường xét nghiệm, cùng kế hoạch chi tiết trong việc phân phối vaccine Covid-19 cho 330 triệu người ngay khi chúng sẵn sàng.
Tuy nhiên, thử thách mà Biden phải đối mặt trong cuộc chiến với Covid-19 được đánh giá vô cùng nan giải, bởi đây là cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất kể từ Đại Khủng hoảng thập niên 1930. Hôm 6/11, Mỹ ghi nhận thêm hơn 128.000 ca nhiễm nCoV, mức tăng kỷ lục ngày thứ ba liên tiếp và là ngày thứ 8 liên tiếp số ca nhiễm mới vượt 100.000. Số ca tử vong mỗi ngày ở mức hơn 1.000, với tổng cộng gần 244.000 người chết trong hơn 10 triệu ca nhiễm.
Joe Biden tại thành phố Nashville, bang Tennessee, hôm 22/10. Ảnh: AFP.
Các số liệu dự kiến còn gia tăng trong vài tuần tới, do thời tiết lạnh hơn vào mùa đông và nhiều người ở trong nhà hơn. Theo dự báo của Viện Đo lường và Đánh giá Sức khỏe Mỹ thuộc Đại học Washington, đợt dịch tồi tệ nhất có khả năng rơi từ giữa đến cuối tháng một, thời điểm Biden dự kiến tuyên thệ nhậm chức.
Tình hình Covid-19 ở Mỹ từ nay tới lúc đó khó có thể được cải thiện, trừ khi Trump thực hiện các biện pháp chống virus tích cực hơn trong hai tháng cuối nhiệm kỳ, viễn cảnh dường như khó xảy ra. Trump đang lên kế hoạch tổ chức nhiều cuộc mít tinh đông người, trong nỗ lực gây sức ép với tòa án khi kiện tụng về kết quả bầu cử.
Chánh văn phòng Nhà Trắng Mark Meadows hôm 25/10 cũng cho biết chính quyền Trump “sẽ không kiểm soát đại dịch”, mà tập trung vào phát triển “vaccine, phương pháp điều trị và những lĩnh vực giảm thiểu khác”.
Trong bài phát biểu hôm 6/11, Biden đề cập đến việc đoàn kết đất nước và phục hồi niềm tin của công chúng vào thông điệp từ chính phủ liên bang. Ông có kế hoạch tiến hành nỗ lực này ngay lập tức, với việc thúc giục cả các thống đốc Cộng hòa và Dân chủ truyền đạt cho người dân tầm quan trọng của giãn cách xã hội, đồng thời thuyết phục họ ban hành quy định bắt buộc đeo khẩu trang, theo các nguồn tin giấu tên.
Tuy nhiên, theo bình luận viên Yasmeen Abutaleb và Laurie McGinley của Washington Post, kết quả sít sao của cuộc bầu cử cho thấy sự chia rẽ sâu sắc trong quan điểm của người dân về cách xử lý đại dịch, gây thêm cản trở cho nỗ lực áp dụng chính sách của Biden.
Một số chuyên gia y tế, bao gồm vài cố vấn cho chiến dịch của Biden, đánh giá điều quan trọng đối với Tổng thống đắc cử là có chiến lược truyền thông hiệu quả không chỉ hướng đến những người ủng hộ ông, mà còn tác động được tới những cư dân và quan chức đứng về phía Trump. Theo họ, chiến lược ở đây là phải xây dựng sự đồng thuận, thay vì dựa vào các biện pháp phòng dịch bắt buộc trên toàn quốc.
Video đang HOT
“Biden cần hiểu rõ sự chia rẽ ở đất nước này. Ông ấy nên dành ba tháng tới để cố gắng tìm ra cách thuyết phục phía bên kia chiến tuyến, bao gồm những người không đồng tình với ông ấy”, Walid Gellad, phó giáo sư y khoa tại Đại học Pittsburgh, cho hay.
Một yếu tố khác khiến kế hoạch chống dịch của Biden dường như cần phụ thuộc phần lớn vào việc thuyết phục người dân thay đổi hành vi, là vaccine Covid-19 dự kiến tới giữa hoặc cuối năm 2021 mới có thể được đưa vào sử dụng rộng rãi. Nhiệm vụ đó giờ đây thêm mờ mịt, bởi hàng triệu người Mỹ vẫn chưa chấp nhận kết quả bầu cử, sau khi Trump cáo buộc có “gian lận phiếu bầu” nhưng không đưa ra bằng chứng.
Triển vọng thực hiện kế hoạch chống Covid-19 của Biden còn phụ thuộc vào kết quả bầu cử quốc hội, bởi phần lớn ngân sách để thực hiện các biện pháp chống dịch cần được quốc hội thông qua. Hai bên đều đang nắm 48 ghế tại Thượng viện, kết quả bầu thượng nghị sĩ ở Georgia, bang từng được cho là “thành trì” của đảng Cộng hòa, sẽ quyết định phe nào nắm quyền kiểm soát cơ quan này.
Hai sáng kiến kiểm soát đại dịch của Biden, bao gồm tăng cường đáng kể năng lực xét nghiệm của đất nước và nỗ lực truy vết tiếp xúc, đều cần số tiền lớn từ quốc hội. Tuy nhiên, khả năng quốc hội thông qua được bất cứ gói chi tiêu y tế và cứu trợ kinh tế mới nào trong năm sau vô cùng bất định.
Lãnh đạo phe đa số tại Thượng viện Mitch McConnell, người có lẽ vẫn giữ ghế nếu đảng Cộng hòa tiếp tục giành quyền kiểm soát Thượng viện, cho biết ông muốn thông qua một số biện pháp hỗ trợ Covid-19 mới, bao gồm cấp tiền cho những doanh nghiệp nhỏ, trường học và bệnh viện, có thể thêm trợ cấp dành cho các chính quyền địa phương. Theo McConnell, công tác xét nghiệm, điều trị, phát triển và phân phối vaccine cũng cần đầu tư thêm.
Tuy nhiên, chưa rõ liệu phe Dân chủ có ủng hộ kế hoạch của McConnell hay không. Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi đã bắt đầu hướng đến năm sau, với hy vọng đảng Dân chủ nắm được Thượng viện. Kết hợp cùng ghế tổng thống của Biden, bà được cho là mong muốn thông qua một gói ngân sách lớn hơn nhiều so với kế hoạch của McConnell.
Các đồng minh của Biden chỉ ra rằng Tổng thống đắc cử từng thể hiện khả năng đàm phán tốt với McConnell khi ông còn làm “phó tướng” của Barack Obama. Tuy nhiên, cục diện chính trị được cho là đã thay đổi nhiều kể từ khi Trump vào Nhà Trắng.
Bên cạnh đó, với việc Trump không ngừng gieo nghi ngờ về kết quả bầu cử, đội ngũ của Biden còn phải chuẩn bị cho tình huống ông chủ Nhà Trắng sẽ ngăn nhóm chuyển giao quyền lực của Tổng thống đắc cử tiếp cận với các nguồn lực phục vụ cuộc chiến chống Covid-19 của chính phủ theo quy định của pháp luật.
Không ít người đã đặt ra giả thuyết rằng chính quyền Trump có thể “xé tan toàn bộ tài liệu về Chiến dịch Thần tốc, nỗ lực phát triển vaccine Covid-19 trong thời gian ngắn nhất”, trước khi ông rời khỏi Nhà Trắng và chuyển giao quyền lực cho Biden.
Chiến dịch của Biden đã bắt đầu thảo luận về những ứng viên tiềm năng đảm nhiệm vị trí trong các cơ quan khoa học và y tế, dù họ nhấn mạnh chưa có quyết định nào được đưa ra. Ron Klain, cố vấn cấp cao trong chiến dịch của Biden, từng làm “thủ lĩnh” nhóm phản ứng với đại dịch Ebola dưới thời Obama, được cho là sẽ dẫn dắt công tác chống Covid-19. Jake Sullivan, cố vấn chính sách hàng đầu của Biden, cũng được đánh giá sẽ phụ trách vấn đề y tế.
Tuy nhiên, Angela Rasmussen, nhà virus học tại Trường Y tế Cộng đồng Mailman thuộc Đại học Columbia, cho rằng với một loạt chướng ngại vật trước mắt, Biden “sẽ gặp vô cùng nhiều thách thức để hiện thực hóa một số kế hoạch ứng phó đại dịch tham vọng mà ông vạch sẵn”.
Trump có 'đốn hạ' được Biden bằng tranh luận?
Tổng thống Trump đã có màn "so găng" cuối kỷ luật và tốt hơn, nhưng nhiều chuyên gia nhận định nó khó tạo cú hích tranh cử.
Trước cuộc tranh luận cuối, nhiều nhà phân tích đã nhận thấy tình thế bất lợi trong các cuộc thăm dò của Tổng thống Trump có điểm tương đồng với rủi ro cao mà cựu tổng thống Barack Obama phải đối mặt trước cuộc tranh luận thứ hai năm 2012. Nhưng bước vào tranh luận, Obama đã đưa ra những lời phản biện đối thủ Mitt Romney một cách sắc bén và uy lực hơn so với cuộc tranh luận trước và nhanh chóng lấy lại vị thế trong các cuộc thăm dò. Nhiều người ủng hộ nhìn nhận màn trình diễn của Tổng thống Trump hôm 22/10 theo cách này, theo giới quan sát.
Một số ca ngợi phần tranh luận của Tổng thống Mỹ đơn giản vì ông không liên tục ngắt lời đối thủ như trong lần đầu tiên. " Khả năng tự chủ của ông Trump rất ấn tượng", Allie Beth Stuckey, một nhà văn bảo thủ, nói.
Tổng thống Donald Trump (trái) và ứng viên Dân chủ Joe Biden tại cuộc tranh luận cuối tại tại Đại học Belmont, thành phố Nashville, bang Tennessee hôm 22/10. Ảnh: AP.
David Brody, nhà phân tích chính trị hàng đầu của Christian Broadcasting Network, nhận định trên Twitter rằng Tổng thống Trump "tung đòn" hiệu quả khi hỏi ứng viên Biden "Joe, ông đã làm được gì trong suốt thời gian ở thủ đô Washington? Ông nói mà không đi đôi với làm". Brody cho rằng đây là một thông điệp "có sức hút".
Tuy nhiên, giới quan sát không chắc phần thể hiện của hai ứng viên trong cuộc tranh luận cuối sẽ ảnh hưởng nhiều tới quỹ đạo của cuộc đua vào Nhà Trắng năm nay, dù một số cử tri vẫn chưa quyết định. Nó chỉ có thể giúp khẳng định lại những gì mà hầu hết mọi người nghĩ về hai ứng viên.
Những người ủng hộ Tổng thống Trump tin rằng họ đã có được khoảnh khắc đáng mơ ước về một cuộc tranh luận: 20 giây đối thủ của họ hớ hênh trong cuộc so găng, giúp phe Cộng hòa có thể triển khai một quảng cáo tấn công trong suốt chặng cuối cuộc đua.
Trong cuộc tranh luận, Tổng thống Mỹ cáo buộc đối thủ không có quan điểm nhất quán về khai thác dầu từ đá phiến, cho rằng Biden sẽ cấm hoạt động khai thác loại nhiên liệu hóa thạch này. Biden bác bỏ, khẳng định sẽ không làm như vậy và thậm chí thách thức Trump tung video cho thấy ông từng tuyên bố cấm sử dụng hình thức khai thác này.
Trump và phe Cộng hòa đã không bỏ lỡ cơ hội, nhanh chóng tung lên Twitter bằng chứng cho thấy Biden từng nói "sẽ loại bỏ" công nghệ khai thác dầu từ đá phiến và cáo buộc ứng viên Dân chủ "nói dối".
"Tôi không chắc có điều gì thay đổi hoặc có thể xảy ra vào thời điểm này của cuộc đua năm nay, nhưng nếu có, những bình luận về dầu khí sẽ là điều ám ảnh ông ấy", Mary Katharine Ham, nhà phân tích bảo thủ, cho hay.
Nhiều chiến lược gia Cộng hòa cũng cảm thấy hài lòng với câu trả lời của Trump về cách ông dự định xử lý Covid-19. Ari Fleischer, cựu trợ lý của tổng thống Bush, cho rằng nhiều người dân Mỹ sẽ tìm thấy hy vọng trong thông điệp mà Tổng thống, ngược lại sẽ thấy bi quan vì lời nói của Biden.
" Tổng thống Trump đã đúng về việc phải học cách sống chung với virus", Fleischer nói. "Chúng ta có thể và phải chiến đấu với virus, đồng thời tiếp tục cuộc sống của mình. Tôi nghĩ rằng thông điệp sống chung với dịch của Tổng thống Trump sẽ đánh bại thông điệp chết vì dịch của Biden".
Brad Todd, chiến lược gia đảng Cộng hòa, cũng đồng tình với quan điểm này khi cho rằng nhiều người Mỹ đang chán ngán các biện pháp đóng cửa nghiêm ngặt. "Biden nói về các gói cứu trợ và đóng cửa, trong khi Trump nói về mở cửa trở lại. Sự trái ngược này tốt cho Tổng thống và ông ấy nên nắm lấy điểm này", Todd nói.
Tuy nhiên, Tony Fratto, người từng làm việc cho chính quyền tổng thống Bush, đã cảnh báo vê "gót chân Achilles" của Trump, đó là tỷ lệ ủng hộ giảm trong nhóm cử tri cao tuổi. "Tiếp tục nhấn mạnh thực tế rằng người trẻ ít có nguy cơ chết vì Covid-19 không giúp ông ấy thu hẹp khoảng cách với những người cao tuổi", Fratto nói.
Người dân Mỹ ở Haddonfield, bang New Jersey theo dõi buổi tranh luận cuối giữa Trump và Biden hôm 22/10. Ảnh: NYTimes.
Những người ủng hộ Biden dường như cũng dự đoán tỷ lệ ủng hộ cho Tổng thống Trump có thể tăng lên sau cuộc tranh luận cuối, nhưng không tin Trump có thể "thay đổi hình ảnh" trong thời gian dài.
"Tôi từng xem nhiều cuộc tranh luận của Trump hơn bất kỳ ai", Ron Klain, trợ lý của Biden, người giúp chuẩn bị các cuộc tranh luận, nói. "Hình ảnh mới của Trump sẽ không bao giờ kéo dài quá 40 phút".
Tim Miller, chiến lược gia Cộng hòa ủng hộ Joe Biden, nói rằng khả năng thể hiện sự tự chủ của Tổng thống Trump không nên bị đánh đồng với một chính sách tốt. Nói về phản ứng của Trump khi bị đối thủ Biden hỏi về cách ứng phó với đại dịch, Miller đặt câu hỏi "nhiệm vụ của tổng thống ở đây là thuyết phục người Mỹ rằng ông ấy có kế hoạch xử lý đại dịch hay thuyết phục họ ông ấy có thể cư xử như người có kỷ luật trong 4 phút?"
Giới quan sát cho rằng Biden đã "ghi điểm" khi lật lại câu hỏi về báo cáo thuế cá nhân của Tổng thống Trump, trong lúc ông bị "bủa vây" với các cáo buộc về công việc kinh doanh của con trai Hunter ở Trung Quốc và nhiều nơi khác. Họ cho rằng Tổng thống Mỹ bị đẩy vào thế phòng thủ khi phải dành thời gian giải thích lý do ông chưa công bố báo cáo thuế.
"Biden đã có chiến lược khôn ngoan khi chuyển sự chú ý về các cáo buộc của Hunter sang vấn đề thuế và tài khoản ngân hàng của Trump. Và nó đã hiệu quả", Rich Lowry, biên tập viên của National Review, nhận định.
Ezra Klein, biên tập viên của Vox, nói rằng Tổng thống Mỹ đã bị đánh lạc hướng bởi phản ứng của Biden. "Thật ngạc nhiên khi Tổng thống Trump dễ dàng bị đánh lạc hướng khỏi cuộc tấn công mà ông ấy chuẩn bị cho tối nay, bằng việc đề cập tới vấn đề tài chính và thuế. Sự mất tập trung đó thật đáng buồn cười, ngoại trừ việc chính nó đã nói lên nhiệm kỳ tổng thống của ông ấy", Klein nói.
Giới quan sát nhận định tuy khó phân định thắng thua, cuộc tranh luận tổng thống cuối cùng đã diễn ra ôn hòa hơn so với lần đầu tiên, không có những phát ngôn phỉ báng gay gắt hay những lần ngắt lời liên tiếp. Tổng thống Trump không "tự thiêu" chính mình và Biden cũng vậy. Tuy nhiên, những điều này khó có thể là cú hích cho chặng nước rút.
"Không có gì thay đổi", Matthew Dowd, cựu trợ lý hàng đầu của tổng thống George W. Bush, nói với ABC News. "Ông ấy không phải là người vụng về. Nhưng điều đó không có nghĩa ông ấy đã thắng trong cuộc tranh luận này".
Cuộc so găng Trump - Biden hé lộ tương lai Mỹ - châu Á Trung Quốc chiếm phần lớn thời lượng khi Trump và Biden tranh luận về chính sách đối ngoại hôm 22/10, trong khi Triều Tiên, Ấn Độ cũng được đề cập. Xuyên suốt cuộc tranh luận cuối cùng kéo dài một tiếng rưỡi tại thành phố Nashville, bang Tennessee, Tổng thống Mỹ Donald Trump và ứng viên đảng Dân chủ Joe Biden liên tục...