COVID-19 thế giới tuần qua: Hơn 2/3 dân số có kháng thể; Bình Nhưỡng, Thượng Hải dỡ phong toả
Hơn 2/3 dân số toàn cầu có thể đã có lượng kháng thể COVID-19 đáng kể; thủ đô Bình Nhưỡng của Triều Tiên và thành phố Thượng Hải của Trung Quốc được dỡ bỏ phong toả là những điểm nhấn chính trong diễn biến dịch COVID-19 tuần qua.
Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng COVID-19 cho học sinh tại Darul Imarah, gần Banda Aceh, Indonesia. Ảnh: AFP/TTXVN
WHO: Hơn 2/3 dân số thế giới đã có kháng thể COVID-19
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), hơn 2/3 dân số thế giới có thể đã có lượng kháng thể COVID-19 đáng kể, có nghĩa là đã từng mắc bệnh hoặc đã được tiêm chủng.
Trong một bản tổng hợp các nghiên cứu từ khắp thế giới, WHO cho biết tỷ lệ dân số có lượng kháng thể COVID-19 đáng kể đã tăng từ mức 16% vào tháng 2/2021 lên mức 67% vào tháng 10/2021. Với sự xuất hiện của biến thể Omicron có tốc độ lan truyền nhanh, tỷ lệ này hiện nay có thể thậm chí còn cao hơn.
Mặc dù vaccine chỉ có tác dụng phòng ngừa ở mức vừa phải đối với biến thể Omicron, WHO vẫn kêu gọi các quốc gia tăng tỷ lệ tiêm chủng, đặc biệt là đối với những người thuộc nhóm nguy cơ cao, bởi miễn dịch nhờ tiêm vaccine có hiệu quả ngăn ngừa nguy cơ bệnh chuyển nặng cao hơn so với miễn dịch có được sau lần mắc trước đó.
Hầu hết các nghiên cứu cho thấy những người vừa mắc COVID-18 vừa được tiêm chủng có khả năng phòng ngừa tốt nhất đối với nguy cơ bệnh diễn tiến nghiêm trọng, mặc dù vẫn chưa rõ kết quả này có đúng đối với các biến thể mới của virus SARS-CoV-2 hay không.
Nhân viên y tế tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho trẻ em tại Hartford, Connecticut, Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN
Dữ liệu cho thấy lượng kháng thể COVID-19 ở trẻ em từ 9 tuổi trở xuống và những người trên 60 tuổi thấp hơn so với những người ở độ tuổi 20. Tại các nước có thu nhập thấp và trung bình, phần lớn trường hợp có kháng thể là do đã từng mắc COVID-19 hơn là nhờ tiêm chủng.
WHO cho biết lượng kháng thể thường giảm dần theo thời gian và mức độ cũng như khả năng tồn tại của miễn dịch phụ thuộc vào nhiều yếu tố, do vậy, cần thực hiện thêm các nghiên cứu để xác định khả năng phòng ngừa giảm như thế nào.
Bình Nhưỡng, Thượng Hải dỡ phong toả
Ngày 29/5, hãng thông tấn Kyodo dẫn một nguồn tin cho hay Triều Tiên đã dỡ bỏ các hạn chế di chuyển liên quan đến đại dịch COVID-19 tại thủ đô Bình Nhưỡng, vài tuần sau khi nước này phát hiện trường hợp nhiễm virus SARS-CoV-2 đầu tiên.
Trẻ em đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại khu vui chơi ở Thượng Hải, Trung Quốc, ngày 17/5/2022. Ảnh: THX/ TTXVN
Cùng ngày, tại cuộc họp quan trọng do nhà lãnh đạo Kim Jong-un chủ trì, Đảng Lao động Triều Tiên đã quyết định sẽ phối hợp “các quy định và hướng dẫn chống dịch trong bối cảnh tình hình chống dịch ổn định hiện nay”.
Đến ngày 4/6, Triều Tiên ngày 29/5 đã nghi nhận 3.996.690 ca sốt và 71 ca tử vong. Số ca nhiễm mới đang trên đà giảm dần ở mức trên dưới 100.000 ca/ngày vào đầu trước, xuống trên 79.000 ca trong ngày 4/6.
Ngày 12/5 vừa qua, Triều Tiên đã ghi nhận trường hợp đầu tiên mắc COVID-19 kể từ khi đại dịch bùng phát, buộc nhà lãnh đạo Kim Jong-un chỉ thị giới chức thực hiện phong tỏa cả nước. Ông Kim khioó yêu cầu “tất cả thành phố và huyện trên toàn bộ đất nước phong tỏa triệt để các khu vực của mình”. Ngoài ra, các nhà máy, doanh nghiệp và nhà cửa cần được phong tỏa và tái tổ chức để ngăn chặn hoàn toàn sự lây lan của virus”.
Nhân viên phun khử trùng tại Bình Nhưỡng, Triều Tiên trong bối cảnh dịch COVID-19 lây lan, ngày 18/5/2022. Ảnh: AFP/TTXVN
Video đang HOT
Trong khi đó, tại Trung Quốc, siêu thành phố Thượng Hải đã nới lỏng các biện pháp hạn chế về ra vào khu dân cư, nối lại dịch vụ giao thông công cộng và nới lỏng quy định lưu thông trên đường đối với ô tô tư nhân.
Quy định mới có hiệu lực từ ngày 1/6 trong bối cảnh tình hình dịch tại đây đã được kiểm soát hiệu quả. Thông báo nêu rõ sẽ không có bất cứ hạn chế nào đối với việc ra vào khu dân cư, ngoại trừ những khu vực có nguy cơ cao hoặc trung bình và những khu vực vẫn đang áp dụng các biện pháp chống dịch. Bên cạnh đó, Thượng Hải cũng sẽ nối lại các dịch vụ giao thông công cộng, bao gồm xe buýt, tàu hỏa và phà, trong khi taxi và các dịch vụ gọi xe trực tuyến cũng sẽ được hoạt động trở lại. Ô tô tư nhân cũng được phép lưu thông trên đường, ngoại trừ những khu vực có nguy cơ cao hoặc vẫn đang triển khai các biện pháp phòng dịch.
Chốt chặn được dựng trên một tuyến phố tại Thượng Hải, Trung Quốc khi các biện pháp hạn chế được áp dụng do dịch COVID-19, ngày 19/5/2022. Ảnh: Kyodo/TTXVN
Tại thủ đô Bắc Kinh, hàng nghìn cư dân đã phải cách ly sau khi một người đàn ông mắc COVID-19 phớt lờ quy định phòng dịch và liên tục ra vào khu vực này. Cảnh sát sau đó đã mở cuộc điều tra về vụ việc.
Trong 5 tuần qua, thủ đô Bắc Kinh đã yêu cầu hàng trăm nghìn người dân ở nhà để khống chế đợt bùng phát lớn nhất kể từ khi dịch COVID-19 xuất hiện.
Bắc Kinh đã ghi nhận hơn 1.700 ca nhiễm kể từ khi bùng phát đợt dịch mới nhất do biến thể Omicron gây ra vào cuối tháng 4. Số ca nhiễm đã giảm mạnh trong tuần qua. Trong bối cảnh dịch bệnh đã được kiểm soát, thủ đô Bắc Kinh đã bắt đầu nới lỏng các biện pháp chống dịch khi mở lại các công viên, bảo tàng và rạp chiếu phim.
Người dân quét mã QR để khai báo y tế trước khi vào một trung tâm thương mại ở Thượng Hải, Trung Quốc, ngày 28/5/2022. Ảnh: THX/TTXVN
Đức cảnh báo làn sóng dịch mới COVID-19 vào mùa Thu
Thủ tướng Đức Olaf Scholz ngày 2/6 đã có cuộc họp với các thủ hiến bang nhằm thảo luận về đại dịch COVID-19 và một số vấn đề khác. Trước khi diễn ra cuộc họp, đại diện các bang đã kêu gọi sửa đổi luật phòng chống lây nhiễm trước nguy cơ một làn sóng COVID-19 mới có thể xảy ra vào mùa Thu.
Theo phóng viên TTXVN tại Berlin, Thủ hiến bang Nordrhein-Westfalen (NRW) Hendrik Wst nhấn mạnh “đại dịch vẫn chưa kết thúc”, do đó để tránh lặp lại việc phong tỏa cần phải có sự chuẩn bị ngay từ bây giờ. Luật phòng chống lây nhiễm của Đức sẽ hết hạn vào ngày 23/9 tới. Hiện Đức đã nới lỏng nhiều biện pháp hạn chế để chống dịch COVID-19 trong những tháng qua. Tuy nhiên, vẫn còn một số quy tắc đang được áp dụng, trong đó đeo khẩu trang trên các phương tiện giao thông công cộng và cách ly đối với người mắc COVID-19 là những biện pháp bắt buộc.
Thủ hiến bang Saarland, Anke Rehlinger cho rằng người dân Đức “có thể cùng nhau tận hưởng mùa Hè, nhưng không nên chủ quan với những dự báo vào mùa Thu”. Bà Rehlinger nêu rõ: “Luật phòng chống lây nhiễm hiện nay sẽ hết hạn vào tháng 9. Song cho đến nay, vẫn chưa có một quy định mới nào được đưa ra. Vì vậy chúng ta phải chuẩn bị để phản ứng với tình huống lây nhiễm tồi tệ hơn có thể xảy ra vào mùa Thu”. Bà Rehlinger cảnh báo các trung tâm xét nghiệm nhanh COVID-19 ở Đức cũng sẽ ngừng hoạt động vào cuối tháng 6 này. Bà Rehlinger kêu gọi chính phủ duy trì hoạt động xét nghiệm miễn phí sau thời điểm này, nếu không muốn một lần nữa mở lại vào tháng 9.
20% bệnh nhân COVID-19 nặng nhập viện có các tổn thương về thận
Các nhà nghiên cứu Australia cho rằng hàng triệu bệnh nhân COVID-19 trên thế giới có thể đã không được chẩn đoán nguy cơ mắc bệnh về thận nguy hiểm chết người.
Nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân COVID-19 tại bệnh viện ở Barcelona, Tây Ban Nha. Ảnh: AFP/TTXVN
Tổn thương thận nghiêm trọng (AKI) xảy ra khi cơ quan này bỗng dưng không lọc máu nữa, đôi khi dẫn tới cơ thể suy nhược hoặc thậm chí tử vong. Trường hợp này thường có nguyên nhân là các biến chứng của các bệnh nghiêm trọng khác.
Nghiên cứu sinh Tiến sĩ tại Đại học Queensland cũng là chuyên gia về thận, Marina Wainstein cho biết các số liệu hiện có cho thấy khoảng 20% bệnh nhân mắc COVID-19 nặng phải nhập viện đã có các tổn thương AKI và con số này là 40% đối với những người phải điều trị tích cực.
Kết quả nghiên cứu được công bố trên tạp chí Y khoa PLOS ngày 3/6. Bà Wainstein cho biết: “Các bác sĩ nghiên cứu mẫu nước tiểu của bệnh nhân và mức creatinine trong máu, các chất này sẽ tăng khi thận không hoạt động tốt. Tuy nhiên, nếu lượng creatinine tăng trước khi bệnh nhân nhập viện, chúng ta bỏ lỡ chẩn đoán AKI và không xử lý bệnh một cách phù hợp”. Theo chuyên gia trên, khi lượng creatinine giảm, thường là sau một đợt tăng ban đầu, tỷ lệ chẩn đoán AKI ở bệnh nhân COVID-19 tăng gấp đôi. Ngoài ra, ngay cả khi lượng AKI bắt đầu được cải thiện trong thời gian bệnh nhân nằm viện, nghiên cứu cũng cho thấy các bệnh nhân này có khả năng tử vong cao hơn so với các bệnh nhân không có AKI.
Theo bà Wainstein, điều trị AKI có thể đơn giản như kiểm tra mức độ hydrat hóa và ngừng các loại thuốc có thể gây hại thận.
Giảng viên cấp cao về vật lý y khoa của Đại học Queensland, Sally Shrapnel cho biết việc thu thập và phân tích dữ liệu cho dự án trong thời đại dịch là thách thức rất lớn, khi các nhân viên y tế phải làm việc trong điều kiện rất khó khăn. Theo bà Shrapnel, nghiên cứu này bao gồm cả dữ liệu từ các nước “có ít nguồn lực”, nơi AKI khá phổ biến. Bà nói: “Những người này ít được tiếp cận với hệ thống chăm sóc y tế và thường đến viện khi bệnh đã đến giai đoạn cuối”.
Nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân COVID-19 tại bệnh viện ở Hartford, Connecticut, Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN
Số ca tử vong ở châu Phi năm 2022 dự kiến giảm 94%
Văn phòng Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại châu Phi ngày 2/6 đã công bố phân tích mới nhất cho thấy số ca tử vong do COVID-19 ở lục địa này trong năm 2022 dự kiến sẽ giảm gần 94% so với năm 2021.
Phóng viên TTXVN tại châu Phi dẫn kết quả phân tích được công bố trong tuần này trên tạp chí khoa học Lancet Global Health dự báo đến cuối năm nay sẽ có khoảng 23.000 ca tử vong nếu các biến thể hiện tại và động lực lây nhiễm không đổi, trong khi số ca bệnh ước tính cũng giảm hơn 25% trong năm nay.
Theo phân tích, khu vực châu Phi có 113.102 ca tử vong do COVID-19 được báo cáo qua các kênh chính thức trong năm 2011, tuy nhiên, khoảng 1/3 trường hợp tử vong đã bị bỏ sót và số bệnh nhân không qua khỏi trên thực tế là khoảng 350.000 người.
Giám đốc WHO khu vực châu Phi Matshidiso Moeti nêu rõ: “Phân tích mới nhất của chúng tôi cho thấy ước tính, số trường hợp tử vong ở khu vực châu Phi sẽ giảm xuống còn khoảng 60 ca một ngày vào năm 2022″. Bà Moeti cũng cho biết số người chết dự kiến thấp hơn trong năm nay là minh chứng cho nỗ lực của các quốc gia và đối tác.
Dòng phụ mới của Omicron vẫn chiếm phần lớn ca mắc mới COVID-19 ở Mỹ
Dữ liệu của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ cho thấy gần 60% số ca mắc mới COVID-19 ở nước này trong 7 ngày vừa qua là do nhiễm BA.2.12.1, dòng phụ mới của biến thể Omicron.
BA.2.12.1, tiến hóa từ BA.2, được cho là lây lan nhanh hơn so với tất cả các dòng phụ trước đó của Omicron. Cuối tháng 3, dòng phụ biến thể Omicron này chỉ chiếm 3,4% số ca mắc mới COVID-19 ở Mỹ. Tuy nhiên, theo CDC Mỹ, tỷ lệ này đã tăng lên 31,8% vào cuối tháng 4 và 59,1% vào cuối tháng 5.
Mỹ hiện ghi nhận trung bình hơn 100.000 ca mắc mới COVID-19. Các chuyên gia y tế cảnh báo số ca mắc mới sẽ tăng mạnh sau kỳ nghỉ Lễ Tưởng niệm kéo dài 4 ngày ở nước này, vốn là dịp đánh dấu sự khởi đầu mùa du lịch Hè bận rộn.
Cuba nới lỏng quy định bắt buộc đeo khẩu trang
Ngày 31/5, nhà chức trách Cuba thông báo đã nới lỏng quy định bắt buộc đeo khẩu trang áp dụng suốt 2 năm qua, trong bối cảnh số ca mắc mới COVID-19 tại quốc gia này giảm mạnh và không có thêm ca tử vong vì căn bệnh này trong gần 3 tuần qua.
Theo đó, quy định đeo khẩu trang hiện chỉ còn áp dụng với những người làm việc trong bệnh viện và những người mắc bệnh mạn tính hoặc những bệnh liên quan nhiễm trùng đường hô hấp.
Bộ trưởng Y tế Cuba José Ángel Portal cho biết chiến dịch tiêm vaccine ngừa COVID-19 trên diện rộng đã giúp cải thiện tình hình dịch bệnh tại nước này, tạo điều kiện để chính phủ đi đến quyết định nới lỏng quy định đeo khẩu trang.
Cuba đã tự phát triển loại vaccine ngừa COVID-19 của riêng mình và trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới triển khai tiêm vaccine trên diện rộng cho trẻ em dưới 2 tuổi. Tại đảo quốc Caribe, hơn 90% dân số đã được tiêm đầy đủ các mũi cơ bản (3 mũi) với các loại vaccine nội địa là Abdala, Soberana 02 và Soberana Plus.
Người dân di chuyển trên đường phố tại La Habana, Cuba. Ảnh: AFP/TTXVN
Số ca mắc mới COVID-19 ở Cuba đã giảm trong 9 tuần liên tiếp, với số ca mắc mới trong hai tuần cuối tháng 5 ở dưới 100 ca/ngày. Trong khi đó, trong cả tháng 5, Cuba chỉ ghi nhận 2 trường hợp tử vong vì COVID-19.
Cảnh báo về các virus bất thường do đại dịch COVID-19
Các nhà khoa học thuộc Đại học Sydney (Australia) đã tiến hành nghiên cứu, qua đó chỉ ra cách đại dịch COVID-19 đã làm thay đổi các loại virus thường gây bệnh trong mùa Đông ở nước này, đồng thời có thể dẫn đến sự xuất hiện của các biến thể virus “trái mùa” độc đáo khác.
Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nature Communications ngày 31/5 cho thấy mô hình của virus hợp bào hô hấp (RSV) – một loại virus phổ biến vào mùa Đông – đã bị gián đoạn trong đại dịch COVID-19 do các lệnh phong tỏa và đóng cửa biên giới.
RSV giống như một loại virus gây cảm lạnh thông thường. Tuy nhiên, RSV có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới phổi của bệnh nhi, ví dụ như bệnh viêm phổi.
Trưởng nhóm nghiên cứu – nhà khoa học John-Sebastian Eden thuộc Viện các bệnh truyền nhiễm của Đại học Sydney cho biết: “Chúng ta cần phải cảnh giác – một số loại virus có thể đã biến mất hoàn toàn, nhưng có khả năng sẽ bùng phát trở lại trong tương lai gần, có thể vào những thời điểm bất thường và với tác động mạnh hơn”.
Cảnh vắng vẻ tại một tuyến phố ở Bình Nhưỡng, Triều Tiên khi các hạn chế di chuyển được áp dụng liên quan đến đại dịch COVID-19, ngày 27/5/2022. Ảnh: AFP/TTXVN
Các hệ thống y tế của Australia phải chịu áp lực rất lớn trong những tháng mùa Đông, do các virus gây bệnh vào mùa Đông và đại dịch COVID-19 hoành hành trong cộng đồng. New South Wales – bang đông dân nhất Australia – đã ghi nhận 1.140 trường hợp nhiễm RSV trong tuần kết thúc vào ngày 21/5, tăng từ mức 766 trường hợp của tuần trước. Trong khi đó, 493 người sống tại bang này đã phải nhập viện điều trị COVID-19 và 150 người bị cúm mùa Đông.
Ông Eden cảnh báo Australia cần chuẩn bị cho những đợt bùng phát lớn của RSV ngoài thời gian theo mùa bình thường và hệ thống y tế luôn phải đặt trong tư thế chuẩn bị sẵn sàng ứng phó.
Trung - Hàn điện đàm cấp cao về quan hệ song phương và vấn đề Triều Tiên
Trung - Hàn điện đàm cấp cao về quan hệ song phươngNgày 2/6, Trung Quốc và Hàn Quốc đã tiến hành cuộc điện đàm cấp cao thảo luận quan hệ song phương và tình hình bán đảo Triều Tiên.
Người dân theo dõi qua màn hình tivi ở nhà ga Seoul, Hàn Quốc về vụ phóng thử được cho là tên lửa đạn đạo của Triều Tiên, ngày 25/5/2022. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN
Theo truyền thông hai nước, ông Dương Khiết Trì - Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban Công tác ngoại vụ Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc - đã điện đàm với Cố vấn an ninh quốc gia Hàn Quốc Kim Sung-han.
Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc cho biết trong cuộc hội đàm, hai bên đánh giá tích cực về các cuộc tham vấn cấp cao và nhất trí tăng cường hợp tác thực chất giữa hai nước.
Đối với vấn đề Triều Tiên, ông Kim Sung-han kêu gọi Trung Quốc đóng vai trò tích cực và mang tính xây dựng nhằm thuyết phục Bình Nhưỡng kiềm chế các động thái gây căng thẳng và trở lại bàn đàm phán.
Về phần mình, ông Dương Khiết Trì bày tỏ lo ngại về tình hình trên bán đảo Triều Tiên, đồng thời xác nhận vai trò của Trung Quốc trong việc thúc đẩy quan hệ liên Triều.
Hai nhà ngoại giao hàng đầu của Trung Quốc và Hàn Quốc cũng nhất trí gặp trực tiếp vào một thời điểm thích hợp nhằm tăng cường quan hệ song phương.
Cuộc điện đàm diễn ra trong bối cảnh năm nay Trung Quốc và Hàn Quốc kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao.
Số ca sốt tại Triều Tiên tiếp tục xuống dưới 100.000 ca/ngày Ngày 2/6, Hãng thông tấn Trung ương Triều Tiên (KCNA) đưa tin trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận hơn 96.000 ca sốt. Đây là ngày thứ ba liên tiếp, số ca sốt theo ngày tại nước này giảm dưới mức 100.000 ca. Nhân viên y tế phun khử khuẩn phòng chống dịch COVID-19 tại một cửa hàng ở Bình Nhưỡng, Triều...