COVID-19 thế giới 29-11: Biến thể đáng lo Omicron ‘chui ra’ từ đâu?
Một số nhà khoa học cho rằng biến thể đáng lo ngại Omicron đã xuất hiện ở vùng Hạ Sahara vốn có tỉ lệ tiêm chủng thấp và sau đó đi vào Nam Phi.
Có thể đây là “hậu quả tự nhiên của việc thế giới tiêm chủng quá chậm”.
Hiện nay thế giới đang trong tình trạng cảnh giác cao độ về biến thể Omicron – Ảnh minh họa: DW/ZUMA PRESS
“Nhiều nước giàu nhất thế giới đã dành cả năm qua để tích trữ vắc xin COVID-19, mua số liều vắc xin gấp vài lần dân số của họ và liên tục không thực hiện lời hứa chia sẻ vắc xin với các nước đang phát triển. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) nói rằng cách tiếp cận này là “tự chuốc lấy thất bại” và “vô đạo đức”.
Và điều đó có thể đang bắt đầu có tác động nghiêm trọng. Một biến thể mới của virus SARS-CoV-2 có khả năng lây nhiễm cao hơn có thể đã nổi lên từ một khu vực có tỉ lệ tiêm chủng thấp” – Đài CNN (Mỹ) mở đầu bài viết dẫn lời các nhà khoa học để giải thích về sự xuất hiện của biến thể Omicron đăng ngày 28-11.
Biến thể Omicron (ban đầu được gọi là B.1.1.529) lần đầu tiên được báo cáo cho WHO từ Nam Phi vào ngày 24-11. Sau đó, hôm 26-11, WHO đã đặt tên cho biến thể mới là Omicron (theo bảng chữ cái Hy Lạp) và phân loại biến thể này là “biến thể đáng lo ngại”. Biến thể này được cho là có 32 đột biến trong protein gai.
Tuy nhiên, không rõ liệu biến thể này thật ra bắt nguồn tại Nam Phi hay “nhập khẩu” vào quốc gia này từ những nơi khác trong khu vực.
Theo CNN, điều mà các nhà khoa học biết được chính là: nhiều khả năng virus đã biến đổi ở những nơi có tỉ lệ tiêm chủng thấp và có mức độ lây nhiễm của virus cao.
Hành khách xếp hàng tại quầy làm thủ tục trong sân bay quốc tế OR Tambo ở thành phố Johannesburg (Nam Phi) hôm 27-11, sau khi vài quốc gia cấm các chuyến bay từ Nam Phi vì biến thể Omicron – Ảnh: AFP
“Có thể biến thể này đã xuất hiện ở một quốc gia khác và sau đó được phát hiện ở Nam Phi – quốc gia có năng lực giải trình tự gene rất tốt.
Đây có thể là hậu quả của một đợt bùng phát dịch, có khả năng đã xảy ra ở một số khu vực thuộc vùng Hạ Sahara (phía nam sa mạc Sahara) của châu Phi – vùng không có số lượng lớn hoạt động giám sát bộ gene của virus đang diễn ra và có tỉ lệ tiêm chủng thấp” – ông Michael Head, nhà nghiên cứu cao cấp về y tế toàn cầu tại Đại học Southampton (Anh), nhận định.
Ông Head cho biết sự xuất hiện của các biến thể mới là “hậu quả tự nhiên của việc thế giới tiêm chủng quá chậm”.
“Vẫn còn số lượng lớn dân số thế giới chưa được tiêm phòng, chẳng hạn tại vùng Hạ Sahara của châu Phi, và họ rất dễ bị các đợt bùng phát lớn” – ông Head nói.
Truyền thông quốc tế đưa tin về biến thể Omicron – Video: NBC News (Mỹ)
Ông Head nói thêm, các biến thể mới của virus SARS-CoV-2 từng gây ra nhiều vấn đề cho thế giới trước đây đều xuất hiện từ “những nơi trải qua các đợt bùng phát lớn và không kiểm soát”. Chẳng hạn trường hợp biến thể Alpha lần đầu được phát hiện ở Anh vào tháng 12-2020 hay biến thể Delta lần đầu tiên được ghi nhận ở Ấn Độ vào tháng 2-2021.
Tính đến ngày 29-11, biến thể này đã được phát hiện tại nhiều quốc gia, trong đó có Nam Phi, Botswana, Úc, Anh, Đức, Ý, Bỉ… và đặc khu hành chính Hong Kong (Trung Quốc).
Nhiều quốc gia trên thế giới đã phản ứng với biến thể mới bằng việc nhanh chóng đóng cửa biên giới với khách đến từ các quốc gia trong khu vực phía nam châu Phi, bao gồm Nam Phi, Botswana, Zimbabwe, Namibia, Lesotho, Eswatini, Mozambique, và Malawi.
Các nhà khoa học và các chuyên gia y tế cộng đồng đã cảnh báo rằng khoảng cách lớn giữa các quốc gia phát triển và đang phát triển xét về tỉ lệ tiêm chủng có thể là nguyên nhân dẫn tới xuất hiện biến thể mới.
Ông Jeremy Farrar, giám đốc quỹ từ thiện Wellcome Trust (Anh) chuyên nghiên cứu y tế, cho biết sự xuất hiện của biến thể mới cho thấy tại sao thế giới cần đảm bảo khả năng tiếp cận công bằng hơn đối với vắc xin COVID-19 và các công cụ y tế công cộng khác.
Theo WHO, chỉ mới 7,5% người dân ở các nước thu nhập thấp đã được tiêm ít nhất một liều vắc xin COVID-19. Trên 8 quốc gia ở phía nam châu Phi bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi lệnh cấm đi lại liên quan đến biến thể Omicron, tỉ lệ dân số đã tiêm ít nhất một liều vắc xin COVID-19 dao động từ 5,6% ở Malawi đến 37% ở Botswana. Trong khi đó, 63,9% người dân ở các nước có thu nhập cao đã được tiêm ít nhất 1 liều vắc xin COVID-19.
Một số thông tin đáng chú ý liên quan biến thể Omicron ngày 29-11:
- Từ ngày 29-11, Mỹ chính thức bắt đầu cấm nhập cảnh với hầu hết khách từ 8 quốc gia phía nam châu Phi, gồm Nam Phi, Botswana, Zimbabwe, Namibia, Lesotho, Eswatini, Mozambique và Malawi.
- Theo Hãng tin Bloomberg, Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ ( OPEC) sẽ dời thời gian diễn ra hai cuộc họp kỹ thuật để các ủy ban có thêm thời gian đánh giá tác động của biến thể Omicron.
- Cơ quan An ninh y tế Vương quốc Anh (UKHSA) cho biết Anh đã ghi nhận ca thứ 3 mắc biến thể Omicron. Người này có liên quan tới hoạt động đi lại đến phía nam châu Phi. Đức cũng ghi nhận ca thứ 3 mắc biến thể Omicron.
- Philippines siết chặt hơn nữa biên giới để ngăn biến thể Omicron. Lực lượng đặc nhiệm chống COVID-19 của Philippines đã đưa Áo, Cộng hòa Czech, Hungary, Hà Lan, Thụy Sĩ, Bỉ và Ý vào “danh sách đỏ” cho đến ngày 15-12, theo đó cấm nhập cảnh với khách từ các quốc gia này.
- Từ ngày 29-11, Morocco cấm tất cả các chuyến bay chở khách quốc tế đi vào nước này trong hai tuần do lo ngại về biến thể Omicron.
- Từ ngày 29-11, Indonesia sẽ cấm nhập cảnh với khách đã đến 8 quốc gia châu Phi (Nam Phi, Botswana, Namibia, Zimbabwe, Lesotho, Mozambique, Eswatini, Nigeria) trong 14 ngày qua. Nước này cũng kéo dài thời gian cách ly với du khách quốc tế đến Indonesia từ 3 ngày lên 7 ngày để hạn chế sự lây lan của biến thể Omicron.
Đến lượt Mỹ cảnh giác, rốt ráo đề phòng siêu biến thể mới
Mỹ sẽ sớm áp đặt hạn chế đi lại với 8 nước châu Phi nhằm ngăn chặn nguy cơ siêu biến thể SARS-CoV-2 được phát hiện lần đầu tiên tại Nam Phi mới đây.
Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân tại Đông London, Nam Phi ngày 1/11/2021. Ảnh: THX/TTXVN
Theo thông báo được Tổng thống Joe Biden đưa ra ngày 26/11, quyết định mới sẽ có hiệu lực từ ngày 29/11, áp dụng với du khách đến từ 8 nước là Nam Phi, Botswana, Zimbabwe, Namibia, Lesotho, Eswatini, Mozambique và Malawi. Chính sách này sẽ miễn trừ với công dân Mỹ và thường trú nhân Mỹ.
Nhà Trắng cho biết, hạn chế mới này là bước đi cẩn trọng mang tính đề phòng, được triển khai theo khuyến cáo của giới chuyên gia y tế trong chính quyền cũng như đội đặc trách xử lý khủng hoảng COVID-19 của chính quyền.
"Biện pháp hạn chế mới này là giải pháp phòng ngừa. Với cộng đồng thế giới, thông tin về sự xuất hiện của siêu biến thể mới là lời nhắc nhở rằng đại dịch sẽ chưa chấm dứt chừng nào chúng ta chưa hoàn tất tiêm chủng toàn cầu", Tổng thống Biden phát biểu, đồng thời hối thúc các nước giàu đẩy nhanh việc viện trợ, cung ứng vaccine cho các nước nghèo, thu nhập thấp.
Cùng ngày, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã đặt lại tên cho biến thể mới B.1.1.529 của virus SARS-CoV-2 là Omicron, đồng thời tuyên bố đây là biến thể đáng quan ngại. Tuyên bố của WHO nêu rõ: "Dựa trên những bằng chứng cho thấy có sự thay đổi bất lợi trong dịch tễ học về dịch COVID-19... WHO coi B.1.1.529 là biến thể đáng quan ngại và đặt tên là Omicron". Cũng theo WHO, các công cụ phát hiện virus SARS-CoV-2 bằng phương pháp PCR hiện tại có thể phát hiện biến thể này.
Thái Lan, Oman cấm nhập cảnh người đến từ nhiều nước châu Phi Theo phóng viên TTXVN tại Bangkok, Thái Lan sẽ cấm nhập cảnh đối với những người đến từ 8 quốc gia châu Phi mà nước này đưa vào danh sách có nguy cơ cao do biến thể Omicron, tương tự như danh sách mà Mỹ vừa công bố lệnh cấm. Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại sân bay Suvarnabhumi...