COVID-19 thay đổi bóng đá: Hết thời chuyển nhượng bom tấn?
Bóng đá thế giới sẽ tái cơ cấu sau đại dịch COVID-19, bắt đầu từ thị trường chuyển nhượng.
Không có bóng đá, không có doanh thu bán vé, các hợp đồng thương mại bị ảnh hưởng và nếu mùa giải Ngoại Hạng Anh không thể hoàn thành, các CLB có thể nợ đối tác truyền hình tới 960 triệu Bảng.
Những tin đồn kiểu như Borussia Dortmund đặt giá Jadon Sancho 100 triệu Bảng, hay Harry Kane rời Tottenham với giá 200 triệu Bảng vẫn được nhắc đến. Tuy nhiên theo BBC, lãnh đạo của một CLB hàng đầu giải Ngoại Hạng Anh cũng phải giật mình khi nghe đến các con số đó.
Bóng đá sẽ phải thích nghi với thực tại mới và thị trường chuyển nhượng sẽ là một trong những thành phần chịu tác động nặng nhất từ đại dịch COVID-19.
Những tin đồn như Jadon Sancho về MU với giá 100 triệu Bảng Anh khó có thể thành sự thật.
Không còn những thương vụ kỷ lục?
Viện nghiên cứu bóng đá CIES dự đoán rằng giá trị các thương vụ chuyển nhượng của năm giải đấu hàng đầu châu Âu sẽ giảm 28%, tương đương khoảng 7 tỷ Bảng vì đại dịch COVID-19. Riêng đối với các đội bóng Anh, số tiền chi ra để mua sắm cầu thủ có thể sẽ giảm 20%, khi năng lực tài chính của họ không còn mạnh như trước.
Ưu thế trong các thương vụ chuyển nhượng từ đội bán sẽ chuyển sang đội mua.
“Tôi sẽ rất ngạc nhiên nếu thị trường chuyển nhượng tiếp tục vận hành như cũ”, David Webb, Giám đốc bóng đá của CLB Huddersfield chia sẻ.
“Kể cả những CLB hùng mạnh cũng không thể cứ ra đó và trả những con số như vậy nữa. Điều này sẽ tạo ra sự thay đổi lớn trong việc chiêu mộ cầu thủ. Các đội bóng lớn cũng phải tính tới quỹ lương và không còn lũng đoạn thị trường thêm nữa”.
Theo Giám đốc kỹ thuật Mike Rigg của Burnley, thị trường chuyển nhượng sẽ hoạt động theo xu hướng thận trọng hơn. Ông cho rằng việc các đội bóng phải nói không với mức giá mà bên bán đưa ra sẽ xảy ra nhiều hơn.
Video đang HOT
Ông Mike Rigg cũng đưa ra nhận định: “Nếu không biết làm thế nào để chiêu mộ cầu thủ, các đội bóng cũng không muốn để mất người dễ dàng như trước”.
Thậm chí ngay cả khi một đội bóng có đủ năng lực tài chính để chi ra 50 triệu Bảng mua cầu thủ, họ cũng phải cân nhắc trên một góc độ khác.
Trong hoàn cảnh rất nhiều người thất nghiệp hoặc tạm thời mất việc, số người chết vì COVID-19 mỗi ngày vẫn lên tới hàng trăm, những thương vụ chuyển nhượng đắt giá như thường thấy ở giải Ngoại Hạng Anh có vẻ không phù hợp.
Các CLB có thể phải ưu tiên hơn cho việc giữ chân cầu thủ.
Adrian Bevington, cựu giám đốc truyền thông của Hiệp hội bóng đá Anh (FA) cho rằng các CLB cần thận trọng hơn trong những vấn đề liên quan đến hình ảnh, quan hệ công chúng.
“Tôi không nghĩ là việc các đội bóng chi nhiều tiền sau cơn khủng hoảng này là điều tốt. Tôi tin rằng bóng đá phải đảm bảo đi theo nhịp điệu của cả đất nước”, ông nói.
“Những CLB như Manchester United, Manchester City rất giàu có, nhưng đặt cạnh những nhân viên y tế hưởng lương 20.000 Bảng mỗi năm thì sẽ trông như thế nào? Trả lương cao cho cầu thủ là đi ngược lại những gì đã xảy ra trên khắp thế giới”, Giám đốc bóng đá CLB Huddesfield David Webb nhận định.
Những đội bóng như Huddesfield không ở trong tình trạng phải bán cầu thủ để có tiền hoạt động. Nhưng với những CLB có triển vọng tài chính mờ mịt đến mức phải ưu tiên bán cầu thủ thì sao?
Theo David Webb, các đội bóng mạnh bắt đầu hướng mục tiêu về những CLB khác trong tình trạng rất cần tiền. Các CLB Ngoại Hạng Anh sẽ không còn chịu cảnh mục tiêu chuyển nhượng bị đẩy giá quá cao.
“Họ biết ai cần tiền và có đủ khả năng để thao túng tình hình để làm lợi cho mình bằng việc nhắm đến cầu thủ tốt nhất của đội đó”, vị giám đốc của CLB Huddersfield phân tích.
Định hình lại nền bóng đá
Tháng 8 năm ngoái, CLB Bury ở League Two (hạng tư) phải rút khỏi hệ thống thi đấu chuyên nghiệp. Hàng loạt CLB Championship (hạng hai) báo lỗ. Mark Palios, Chủ tịch CLB Tranmere, từng là giám đốc điều hành FA, cảnh báo rằng số đội bóng Anh rơi vào cảnh vỡ nợ có thể lên đến hàng chục.
Khi bóng đá có quá nhiều bất ổn, thay đổi là xu hướng tất yếu. Sự cấp thiết của việc tái cơ cấu về mặt tài chính trong bóng đá càng tăng lên nhờ đại dịch COVID-19.
Đại dịch COVID-19 tái cơ cấu bóng đá thế giới.
“Bóng đá, cũng giống như nhiều thành phần khác trong xã hội, có cơ hội để nhấn nút tạm dừng và tái khởi động”, cựu giám đốc truyền thông FA Bevington bình luận.
“Điều đó có nghĩa là chúng ta sẽ không tiếp tục làm việc theo cách trước đây nữa. Mức lương mà các cầu thủ nhận được đã tăng lên trong suốt 25 năm qua kể từ khi giải Ngoại Hạng Anh được thành lập, nhưng liệu con số đó có tiếp tục được giữ ở mức như những năm gần đây hay không? Có lẽ là không”.
Ông Bevington cho rằng sự “tái khởi động” đã diễn ra từ mùa hè năm ngoái ở các giải hạng thấp. Những đội bóng ngoài giải Ngoại Hạng Anh bắt đầu giảm quỹ lương và ít thực hiện các thương vụ đắt giá. Đại dịch COVID-19 khiến xu hướng này trở thành bắt buộc.
“Điều đó không có nghĩa là sẽ không có những thương vụ bom tấn, nhưng chúng phải được thực hiện theo một cách nào đó mà các CLB không bị tổn hại”, ông nói.
David Webb và Mike Rigg đồng tình rằng các CLB buộc phải sáng suốt hơn trong việc chiêu mộ cầu thủ. Truyền thông và cổ động viên có thể ảnh hưởng tới các thương vụ chuyển nhượng, nhưng lãnh đạo các đội bóng sẽ phải tính toán kỹ lưỡng hơn.
“Vấn đề là tạo ra sự cân bằng. Bóng đá không bị đổ vỡ, nhưng mô hình hoạt động cần được sắp xếp lại”, David Webb kết luận.
TIỂU CƯỜNG
Football League giải cứu CLB mùa Covid-19: Khoản cứu trợ ý nghĩa
Tác động của dịch Covid-19 không chỉ giới hạn ở 20 CLB Premier League, mà còn lan xuống cả các hạng đấu thấp hơn của nước Anh. Điều này buộc Hiệp hội bóng đá Anh (English Football League-EFL) phải ra tay bằng một khoản cứu trợ ngắn hạn.
Cụ thể, EFL vừa quyết định chi khoản tiền lên tới 50 triệu bảng để giải cứu các CLB hạng dưới của Anh chống chọi lại với tác động từ Covid-19. Khoản tiền này bao gồm đợt đầu tiên trong khoản tiền thưởng dành cho các CLB tham dự, cũng như khoản cho vay không lấy lãi.
Số tiền quý giá
Một số tiền không thấm tháp là bao so với ngân sách của một đội bóng tham dự Premier League, nhưng nó lại có ý nghĩa cho những đội hạng dưới vốn phần lớn không sở hữu ngân sách dư dả.
Thông báo này được đưa ra sau cuộc họp của ban lãnh đạo EFL nhằm đánh giá tác động của virus corona đến các đội bóng thuộc hiệp hội. Đó không chỉ là việc tất cả các trận đấu thuộc mọi hạng đấu do EFL quản lý phải hoãn đến đầu tháng Tư, mà còn bao gồm trận chung kết cúp Football League Trophy (hay gọi theo tên của nhà tài trợ là Leasing.com Trophy) giữa Portsmouth và Salford City dự kiến diễn ra vào ngày 5/4 cũng phải dời lại.
Mỗi CLB ở giải hạng Nhất Anh (Championship) đã được nhận số tiền 800 nghìn bảng từ phía EFL hôm thứ Năm vừa rồi. Ngoài ra, 24 CLB này còn được vay số tiền 584 nghìn bảng không lấy lãi. Con số này cho những CLB ở giải hạng Nhì Anh (League One) lần lượt là 250 nghìn bảng tiền thưởng và 183 nghìn bảng tiền vay không lấy lãi, trong khi các đội ở giải hạng Ba Anh (League Two) nhận được 164 nghìn bảng tiền thưởng và khoản vay 120 nghìn bảng. Một khoản tiền khác cũng được giải ngân cho các CLB thuộc EFL là 1 triệu bảng tiền quỹ EFL Futures, vốn được dành để thưởng cho những đội bóng có thành tích nổi bật trong việc trao cơ hội ra sân cho những cầu thủ tự mình đào tạo. Số tiền này sẽ được chia theo tỷ lệ cho từng CLB.
Khoản tiền 50 triệu bảng được EFL kỳ vọng sẽ hỗ trợ các CLB ở ba hạng đấu chuyên nghiệp của nước Anh trụ vững trước dịch Covid-19
Quyết tâm của EFL
Tương tự như Premier League, các CLB thuộc ba hạng đấu chuyên nghiệp còn lại của Anh cũng tỏ rõ quyết tâm muốn hoàn tất toàn bộ các trận đấu mùa này nhằm bảo vệ tính thống nhất của giải đấu. 47 CLB chơi ở các giải hạng Nhì Anh và hạng Ba Anh khẳng định họ có thể phải đối mặt với khoản thua lỗ tài chính lên tới 50 triệu bảng nếu mùa giải hiện tại không thể kết thúc vào mùa hè này. Tương tự, các CLB ở giải hạng Nhất cũng thể hiện quyết tâm đi hết 46 vòng đấu trong một cuộc họp trực tuyến hôm thứ Ba vừa rồi.
Tuyên bố của phía EFL có đoạn: "Chúng tôi đã lắng nghe tất cả những ý kiến và sự chú ý từ các CLB của EFL, trước khi thảo luận hàng loạt vấn đề bao gồm tình hình tài chính hiện tại, mối liên quan giữa các CLB, những vấn đề về luật lệ, bảo hiểm, phát sóng trên truyền hình. Trọng tâm của các cuộc thảo luận nằm ở việc giảm tác động về tài chính đến các CLB. Trong lúc vẫn chưa có một giải pháp đồng nhất, trước mắt sẽ có một khoản tiền 50 triệu bảng để trợ giúp trong ngắn hạn".
EFL cũng đã quyết định thành lập một nhóm chuyên trách sẽ tiếp tục nghiên cứu mối đe dọa từ Covid-19 đến các CLB cũng như kế hoạch tổ chức các giải đấu trong thời gian tới. Khả năng các hạng đấu của nước Anh quay trở lại vào đầu tháng Tư vẫn là một dấu hỏi, bởi tình hình dịch Covid-19 tại xứ sở sương mù vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.
Theo Thethaovanhoa.vn
Wayne Rooney và đồng đội từ chối đề nghị chậm lương của Derby Wayne Rooney đang là cầu nối trong cuộc đàm phán tiền lương giữa các cầu thủ Derby và ban lãnh đạo đội bóng. Wayne Rooney và đồng đội từ chối đề nghị chậm lương của Derby. (Ảnh: Getty) Theo tờ Daily Mail, Wayne Rooney và các cầu thủ Derby không chấp nhận đề nghị chậm lương 50% mà ban lãnh đạo đội bóng...