Covid-19 sẽ lây theo cấp số nhân nếu người dân không ở nhà
Khi lây ra cộng đồng, nếu không tìm được bệnh nhân F0, Covid-19 sẽ tiếp tục lây cho nhiều người khác theo cấp số nhân.
Giai đoạn lây ra cộng đồng rất cao
Việt Nam đã bước vào giai đoạn 3 của cuộc chiến chống dịch Covid-19. Đặc biệt 10-15 ngày là giai đoạn sống còn, quyết định tới sự thành bại của trận chiến vì nguy cơ lây nhiễm ra cộng đồng rất cao.
Lần đầu tiên Việt Nam khuyến cáo tất cả người dân hạn chế ra ngoài, riêng người từ 60 tuổi tuyệt đối nên ở trong nhà.
Song song đó, các địa phương tạm dừng tất cả hội họp, các sự kiện tập trung trên 20 người, riêng khu vực bên ngoài công sở, trường học, bệnh viện, cấm tụ tập nhiều hơn 10 người.
Một quán nhậu trên đường Ngọc Khánh, Ba Đình, Hà Nội vẫn đông kín người bất chấp các cảnh báo của chính quyền và Bộ Y tế
Đóng của các dịch vụ không cần thiết như vũ trường, cafe, ăn uống, quán bia, vui chơi, rạp chiếu phim… hạn chế hoạt động của các phương tiện công cộng, hạn chế bay từ các thành phố lớn trong nước đến các tỉnh khác.
Quy định này bắt đầu thực hiện nghiêm ngặt từ 0h ngày 28/3.
Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp TT đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng, Việt Nam phải áp dụng nhiều biện pháp mạnh như vậy vì tại nhiều địa phương vẫn còn tình trạng tụ tập đông người ở đám ma, đám cưới, quán ăn uống, nghi lễ tôn giáo…Trong khi dịch Covid-19 nguy cơ cao lây nhiễm trong cộng đồng.
PGS Phu dẫn chứng, vừa qua đã ghi nhận một số bệnh nhân siêu lây nhiễm trong cộng đồng như bệnh nhân 17 lây cho 3 người, bệnh nhân 34 ở Bình Thuận lây 9 người, mới nhất tại BV Bạch Mai, bệnh nhân số 86 và bệnh nhân 133 chưa tìm được nguồn lây…
Video đang HOT
Hay tại Hà Nội cũng đang cách ly bệnh nhân 148, quốc tịch Pháp, đã di chuyển hàng chục điểm trong thành phố suốt 1 tuần trước khi xét nghiệm dương tính. Tại TP.HCM có bệnh nhân số 100, đã đi lễ nhà thờ đến 60 lần sau khi tham dự lễ hộ tôn giáo ở Malaysia trở về.
Tại quán Bar Buddha ở TP.HCM hiện đã cũng xác định 7 người nhiễm Covid-19 từng có mặt tại quán bar này trong khi chưa biết ai là người nhiễm bệnh đầu tiên.
“Đây là thời điểm người dân cần có ý thức tự bảo vệ bản thân và gia đình. Tại những nơi đông người như quán bar, 1 người nhiễm bệnh hắt hơi, ho có nguy cơ lây bệnh cho nhiều người khác. Môi trường càng kín, tần suất vệ sinh thấp, càng tiếp xúc gần thì khả năng lây nhiễm càng mạnh”, PGS Phu cho hay.
Ngay tại các quán cafe, quán trà đá, nếu người nhiễm Covid-19 từng uống nước tại đó nhưng cốc không được rửa bằng nước có thành phần sát khuẩn, chỗ ngồi, bề mặt bàn không được vệ sinh thường xuyên thì người đến sau cũng có nguy cơ lây bệnh.
Quan trọng nhất là giãn cách xã hội
PGS Phu cho biết, Việt Nam chưa có tổng kết 1 người lây cho bao nhiêu người khác nhưng thực tế đã có trường hợp lây nhiễm đến thế hệ thứ 3.
“Khi lây ra cộng đồng, nếu mất dấu không quản được người mắc bệnh ban đầu – F0 thì dịch Covid-19 sẽ tiếp tục lây cho nhiều người khác theo cấp số nhân. Nếu tiếp tục không khoanh được F1, F2 thì nhiều người sẽ trở thành F0 bất cứ lúc nào. Nguy hiểm là ở chỗ đó”.
PGS.TS Trần Đắc Phu
Tại Mỹ, đầu tháng 3 chỉ có 100 trường hợp nhiễm Covid-19 nhưng hiện đã tăng lên đến hơn 68.000 ca mắc. Quốc gia này cũng chỉ mất 3 ngày để số ca mắc tăng lên gấp đôi. Đây là bài học đắt giá cho Việt Nam.
Do đó, việc quan trọng nhất lúc này là cần giãn cách xã hội để hạn chế dịch lây lan. Khi phát hiện được ca nhiễm, địa phương sẽ cách ly, quây gọn để dập dịch triệt để.
“Khi dịch ở cộng đồng, chúng ta sẽ rất khó xác định ai là F0, ai là F1 nên việc cách ly chủ động, hạn chế giao tiếp xã hội sẽ giúp những người mắc bệnh hạn chế lây nhiễm cho những người khác. Việc tự cách ly 14 ngày cũng giúp những người có triệu chứng thoáng qua hoặc không có triệu chứng khỏi bệnh”, PGS Phu nói.
Cũng theo PGS Phu, khi người dân thực hiện hạn chế đi lại tốt, số ca lây nhiễm trong cộng đồng sẽ giảm, giảm áp lực lên hệ thống y tế, để các bác sĩ có thời gian tập trung điều trị cho những bệnh nhân nặng.
Có thể nói, đến nay chưa có một dịch bệnh nào người đứng đầu Chính phủ và lãnh đạo các địa phương quyết liệt như vậy.
Với phương châm “chống dịch như chống giặc”, Việt Nam đã huy động toàn bộ hệ thống chính trị vào cuộc, giờ là là lúc toàn dân cùng tham gia chống “giặc” Covid-19.
Tính đến ngày 26/3, Việt Nam đã ghi nhận 148 ca mắc Covid-19, trong đó chỉ tính riêng từ ngày 6/3 đến nay có 132 trường hợp.
Thúy Hạnh
Cần tiếp thêm sức mạnh cho các thầy thuốc nơi tuyến đầu
Đã có hai nhân viên y tế đầu tiên tại Việt Nam mắc Covid-19. Đây là điều đã được dự tính từ trước. Vì thế, ngay lúc này, Bộ Y tế kêu gọi cộng đồng đoàn kết, ủng hộ tinh thần và tiếp thêm sức mạnh để các thầy thuốc - những người chiến sĩ đang ở tuyến đầu tiếp tục đứng vững trong cuộc chiến phòng, chống dịch Covid-19.
(Ảnh minh họa).
Cố gắng hạn chế đến mức thấp nhất lây cho nhân viên y tế
Ngày 20-3, Bộ Y tế cho biết đã có hai nhân viên y tế đầu tiên là điều dưỡng tại Bệnh viện Bạch Mai mắc Covid-19. Một nhân viên điều dưỡng của Phòng khám ngoại trú HIV, Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai và một điều dưỡng làm việc tiếp đón tại khu cách ly Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai. Họ là những cán bộ y tế thực hiện nhiệm vụ tiếp đón, sàng lọc bệnh nhân có triệu chứng ho, cảm, sốt trong thời gian qua.
Các chuyên gia cho rằng, với diễn biến dịch bệnh Covid-19 hiện tại ở nước ta, nhân viên y tế là đối tượng có nguy cơ lớn lây bệnh. Hằng ngày, các bệnh viện đang phải thực hiện khám sàng lọc cho nhiều người nhiễm hoặc nghi nhiễm, do vậy nguy cơ lây nhiễm cho nhân viên y tế rất cao nếu không tuân thủ các biện pháp phòng ngừa và kiểm soát lây nhiễm.
PGS, TS Trần Đắc Phu, Cố vấn Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 cho rằng, tình hình dịch Covid-19 đang có những diễn biến phức tạp cả ở thế giới và Việt Nam. Có điều, chúng ta phải làm sao giữ cho dịch được kiểm soát, không để bị bùng lên. Với các nhân viên y tế, họ phải đối mặt với nguy cơ do phải tiếp đón, khám sàng lọc cho nhiều người dân vào viện khám. Do đó, nguy cơ với nhân viên y tế là hiện hữu. Với kịch bản mà số ca mắc nhiều hơn thì chắc chắn nhân viên y tế cũng không thể nào tránh được.
Do đó, ông Phu nhấn mạnh, chúng ta phải tích cực phòng hơn nữa để nhân viên y tế không bị lây bệnh. "Tại Trung Quốc, có tới hàng nghìn nhân viên y tế mắc Covid-19, chúng ta cũng không thể tránh mà chỉ hạn chế đến mức thấp nhất, không để con số đó trở nên nhiều hơn", ông Phu cho hay.
Theo con số cập nhất mới nhất của Bộ Y tế, đến nay Chương trình toàn dân ủng hộ phòng, chống dịch Covid-19 đã thu được 27 tỷ đồng. Đây là sự ủng hộ rất lớn cho công tác phòng, chống dịch đang phải đối mặt với nhiều diễn biến phức tạp của Việt Nam hiện nay. Bộ Y tế tiếp tục kêu gọi sự ủng hộ của cộng đồng để tiếp thêm sức mạnh cho các y, bác sĩ nơi tuyến đầu chống dịch.
Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 cũng đã có công văn gửi các đơn vị cần phải tăng cường phòng, chống lây nhiễm cho nhân viên y tế bằng các biện pháp như: phải bố trí đầy đủ phương tiện phòng hộ cá nhân đạt tiêu chuẩn cho tất cả nhân viên y tế; Thực hiện tiếp nhận, phân luồng, sàng lọc, cách ly người bệnh theo quy định; Tăng cường kiểm tra, giám sát tuân thủ các quy định về phòng và kiểm soát lây nhiễm Covid-19 của nhân viên y tế.
Cố gắng khống chế tốt tránh lây lan trong cộng đồng
Theo các chuyên gia, sự khác biệt của dịch bệnh nước ta ở giai đoạn hiện nay là những ca mắc bệnh nhiều, trong đó bao gồm cả ca bệnh xâm nhập lẫn những ca lây ra cộng đồng. Số ca tăng vì số lượng được xét nghiệm nhiều, đặc biệt đối là những người trở về nước từ các quốc gia khác.
PTS, TS Trần Đắc Phu phân tích, thế giới đang bùng phát dịch. Việt Nam cũng xác định phải đối mặt với tình huống hơn 10 nghìn ca mắc và chúng ta cũng đã dự trù các phương án này. Điều mà Việt Nam đang nỗ lực là làm chậm, ngăn để dịch không bùng lên mạnh mẽ như Trung Quốc, Hàn Quốc hay châu Âu. Bởi vì, nếu để bùng dịch, sẽ gây ra gánh nặng y tế, Việt Nam sẽ khó đáp ứng được điều trị nếu số ca mắc lớn và những người có bệnh lý nền như huyết áp, tiểu đường, tim mạch, ung thư... sẽ phải đối mặt với tử vong.
Các chuyên gia dịch tễ cũng nhấn mạnh, tại những thành phố lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh cũng đang có những thay đổi về phòng, chống dịch như khoanh vùng khu trú hơn, nhận định lên danh sách cách ly tốt hơn, công nghệ thông tin tốt... nhưng nguy cơ vẫn là rất lớn.
Do đó, hiện nay, Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 đang thực hiện các biện pháp chống dịch quyết liệt hơn. Trong đó, bên cạnh việc tiến hành xét nghiệm sớm, cách ly, khoanh vùng để kiểm soát dịch bệnh thì chúng ta cũng đang có các biện pháp khác như cấm tụ tập nơi đông người, khai báo y tế, vận động cách ly, tuyên truyền cho người dân về cách phòng bệnh như thường xuyên rửa tay, sát khuẩn, đeo khẩu trang nơi công cộng...
THIÊN LAM
Chuyên gia chỉ ra 3 điều mà người dân cần làm ngay để chống dịch Covid-19 "Các biện pháp phòng bệnh dù chúng ta đã nói nhiều nhưng phải biết cách hơn. Thực tế là nhiều người dân đã làm nhưng làm không chuẩn" - PGS.TS Trần Đắc Phu nhận định. PGS.TS Trần Đắc Phu, cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam khẳng định, trong cuộc chiến chống...