Covid-19 phá nát giấc mơ của tầng lớp trung lưu Ấn Độ
Cho tới cuối tháng 3, Ashish Kumar vẫn đang sản xuất hộp nhựa đựng sôcôla cho Ferrero Rocher và thìa nhựa cho trứng Kinder Joy.
Với tấm bằng về công nghệ khuôn nhựa, chàng trai 20 tuổi đã đặt bước chân đầu tiên lên nấc thang sự nghiệp mà mình đã chọn. Trong khi em trai của Kumar là Aditya chọn nghề luật, cậu chỉ quan tâm tới nghề nhựa.
“Tôi muốn khởi nghiệp”, cậu nói, giải thích mơ ước tái chế nhựa trong chính nhà xưởng của mình.
Lệnh phong tỏa vì Covid-19 tại Ấn Độ đã khiến những kế hoạch khởi nghiệp như của Kumar xáo trộn. Được học hành đầy đủ nhưng thất nghiệp, cậu là một trong vô số người khắp thế giới bị Covid-19 ảnh hưởng, khi nền kinh tế suy thoái và khát vọng về giấc mơ khá giả mờ dần.
Ashish Kumar, 20 tuổi, ngồi trước ngôi trường tiểu học đổ nát nơi cậu từng theo học ở làng Duttar Nagar, huyện Gonda, bang Uttar Pradesh, hôm 10/8. Ảnh: Reuters
Trong nhiều năm, người dân ở vùng nông thôn Ấn Độ bắt đầu có cuộc sống đầy đủ hơn và dần chuyển sang cái mà các nhà kinh tế gọi là người tiêu dùng thuộc tầng lớp trung lưu, những người kiếm được nhiều hơn 10 USD/ngày.
Nhóm này là chìa khóa cho kế hoạch phát triển kinh tế tại quốc gia đông dân thứ hai thế giới. Tuy nhiên, theo dự báo của Quỹ Tiền tệ Quốc tế, kinh tế Ấn Độ sẽ suy giảm 4,5% trong năm nay vì đại dịch. Theo Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), ít nhất 400 triệu người Ấn Độ có nguy cơ rơi vào cảnh đói nghèo trầm trọng hơn.
Kumar là một trong khoảng 131.000 người mà chính quyền huyện Gonda, bang Uttar Pradesh, miền bắc Ấn Độ ước tính phải quay về quê vì Covid-19. Tháng 6 năm ngoái, cậu rời Gonda đi lập nghiệp. Nhưng khi Covid-19 bùng phát, khoảng 10 triệu người khắp toàn quốc đã trải qua hành trình dài và gian khổ để quay về vùng nông thôn nơi họ đã rời đi. Một số đã trở lại thành phố, nhưng đa số vẫn mắc kẹt ở nông thôn.
Khi làm việc trong một nhà máy ở Baramati tại bang miền tây Maharashtra, Kumar từng kiếm được 13.000 rupee (173 USD) một tháng, hơn gấp đôi thu nhập của bố tại chợ ngũ cốc gần nhà ở Uttar Pradesh, bang nông nghiệp rộng lớn. Chàng thanh niên thường gửi về quê 9.000 rupee, phần lớn dùng để đóng tiền học cho em trai.
Nhưng bây giờ, từ một người chu cấp cho gia đình, Ashish lại trở thành gánh nặng tài chính của cả nhà. Cậu về làng Dutta Nagar, tụ tập với bạn bè trên khoảng sân bùn đất mà họ thường gọi đùa với nhau là “văn phòng”, ngoài ngôi trường tiểu học cũ nát mà Kumar từng theo học. Ở Uttar Pradesh, khoảng 60 triệu người trong dân số hơn 200 triệu người của bang đang sống ở mức nghèo đói, theo Ngân hàng Thế giới.
Video đang HOT
Kumar đã nộp đơn xin việc ở vài nhà máy nhựa tại bang miền tây Gujarat và vài bang khác ở phía bắc Ấn Độ nhưng chưa thành công.
“Dù gì đi nữa tôi vẫn cần đi làm”, cậu nói khi ngồi gần ngôi nhà một tầng của bố mẹ nằm giữa cánh đồng lúa.
Kumar ngồi xem điện thoại trong nhà cùng bố mẹ hôm 10/8. Ảnh: Reuters.
Kumar bị ám ảnh với nhựa từ nhỏ. Trong một lần trò chuyện với người anh họ từng học kỹ thuật nhựa, Kumar bị cuốn hút và bắt đầu nghiên cứu về nhựa. Ở Dutta Nagar, nơi không có Internet, với số ít người sở hữu một chiếc điện thoại thông minh kết nối được Google, đó là cơ hội làm giàu.
Tham vọng của Kumar được bố ủng hộ. Ashok, 47 tuổi, làm nghề cân và định giá ngũ cốc, thường nhớ lại cảnh gia đình không đủ thức ăn, áo mặc, khi ông còn trẻ. Ashok luôn tiếc nuối vì không được học hết cấp ba.
“Tôi mong bọn trẻ không đi vào vết xe đổ của thế hệ chúng tôi. Chúng cần được khuyến khích”, ông nói.
Kumar, người chưa từng nếm thử sôcôla Ferrero Rocher, hoàn thành tấm bằng kỹ thuật ngành nhựa tại bang Gujart vào tháng 6 năm ngoái. Với tư cách là kỹ thuật viên, cậu bắt chuyến tàu đi làm tại một nhà máy thuộc sở hữu của Italy, cách nhà 1.500 km.
Nhà máy tuyển dụng Kumar do Dream Plast Ấn Độ điều hành. Đây là công ty con thuộc Gruppo Sunino SpA, một nhà sản xuất đồ nhựa của Italy có 10 công xưởng trên thế giới. “Nhà máy này thuộc đẳng cấp hạng nhất”, Kumar nói.
Theo hợp đồng, công ty hỗ trợ Kumar tiền bảo hiểm xã hội hàng tháng để anh có thể hưởng lương hưu, đồng thời có cả tiền thưởng. Công nhân được phục vụ một bữa ăn mỗi ngày, giám sát viên thân thiện, lương luôn trả đúng ngày.
6 ngày một tuần, công việc của Kumar là giám sát hai cỗ máy và vài công nhân. Cuối ngày, Kumar sẽ chơi cầu lông hoặc xem đấu vật trên YouTube để giải trí.
Thu nhập một năm qua của Kumar giúp bố mẹ cậu xây được ngôi nhà ngói 4 gian đàng hoàng, sau hàng chục năm sống trong lều lụp xụp và dột nát. Nó cũng giúp em trai Kumar học trường luật ở Bahraich, nơi cách nhà 1,5 giờ lái xe.
Thế rồi Covid-19 ập tới. Lần đầu Kumar nghe nói về Covid-19 là đầu tháng 3. Khi Ấn Độ phong tỏa buộc Dream Plast phải ngừng hoạt động nhà máy ở Baramati hôm 21/3, Kumar vẫn đủ tiền ở lại thị trấn, chờ hết phong tỏa.
Khi đại dịch càn quét Ấn Độ, khảo sát trên 5.000 công nhân hồi tháng 4 và tháng 5 cho thấy 66% bị mất việc, 77% hộ gia đình tiêu thụ ít thực phẩm hơn. Chính phủ của Thủ tướng Narendra Modi tuyên bố gói cứu trợ 20.000 tỷ rupee cung cấp gạo, lúa mì và thức ăn miễn phí cho hàng triệu người, cùng một chương trình việc làm ở khu vực nông thôn.
Với những người vẫn còn việc làm, các tổ chức công đoàn và chuyên gia lao động cho hay điều kiện lao động đang xấu đi, đặc biệt với lao động nhập cư.
Nhà máy Dream Plast nối lại hoạt động hồi đầu tháng 5, nhưng Kumar và một số công nhân khác cảm thấy môi trường làm việc chưa đủ an toàn nên không quay lại nhà máy.
Đầu tháng 6, Kumar tiêu hết số tiền dự phòng, thậm chí không có tiền mua thức ăn. Bố mẹ cậu ngày càng lo lắng.
“Tôi đã rút chút tiền ít ỏi trong ngân hàng gửi cho con để chi tiêu”, Ashok nói. “Lúc đó tôi rất sợ. Thử thách lớn nhất mà thằng bé phải đối mặt là hành trình về nhà”.
Công nhân di cư và gia đình đợi tàu về quê ở Ahmedabad, hôm 14/5. Ảnh: Reuters
Mạng lưới đường sắt của Ấn Độ tái hoạt động vào đầu tháng 5. Hôm 3/6, Kumar đã vay tiền cho hành trình về nhà dài 48 tiếng bằng tàu, xe buýt và đi chung taxi. Về tới nơi, cậu phải cách ly 14 ngày.
Hôm 25/6, Dream Plast gửi email cho Kumar, yêu cầu cậu quay lại làm việc trong vòng 4 ngày hoặc đối mặt với việc chấm dứt hợp đồng. Kumar quyết định nghỉ việc hôm 20/7.
Bố mẹ cậu lo sợ khi nghĩ về cảnh con trai rời nhà đi lần nữa, dù thừa nhận nếu không có tiền lương của Kumar, em trai cậu sẽ không thể tốt nghiệp trường luật. Kumar vẫn chưa sẵn sàng từ bỏ giấc mơ về nhà máy nhựa của riêng mình.
“Tôi chắc chắn sẽ mở nhà máy của riêng mình”, cậu nói. “Dù sao chăng nữa, tôi chắc chắn sẽ hoàn thành giấc mơ của mình”.
Thủ hiến Australia xin lỗi về cụm dịch từ du thuyền
Thủ hiến bang NSW xin lỗi vì không ngăn người nhiễm nCoV từ du thuyền Ruby Princess xuống Sydney hồi tháng ba, gây ra đợt bùng dịch nghiêm trọng.
"Bài học đã không được rút ra kịp thời. Một lần nữa, tôi chân thành xin lỗi thay cho tất cả những cá nhân và cơ quan đã phạm phải sai lầm", Thủ hiến bang New South Wales (NSW) Gladys Berejiklian nói với các phóng viên ở Sydney hôm 17/8.
Cuộc điều tra về đợt bùng phát Covid-19 liên quan tới du thuyền Ruby Princess tuần trước kết luận rằng giới chức NSW đã mắc sai lầm "không thể bào chữa" khi cho phép khoảng 2.700 hành khách, trong đó 120 người cảm thấy không khỏe, rời du thuyền vào trung tâm thành phố Sydney hôm 19/3. Giới chức NSW khi đó cho rằng du thuyền Ruby Princess có rủi ro nCoV thấp, trước khi phát hiện một số hành khách và thủy thủ nhiễm virus.
Cuộc điều tra cũng cho thấy khoảng 914 ca nhiễm ở NSW có thể liên quan tới cụm dịch từ du thuyền Ruby Princess, chủ yếu là từ các hành khách. Thủ hiến Berejiklian đặc biệt gửi lời xin lỗi tới 62 người bị lây nCoV từ một du khách trên thuyền.
"Tôi không thể tưởng tượng sẽ ra sao khi bạn hoặc người thân yêu của bạn tiếp tục bị ảnh hưởng và chịu tổn thương từ hậu quả của sự việc này", bà Berejiklian nói thêm.
Thủ hiến bang New South Wales (NSW) Gladys Berejiklian tại Sydney hôm 23/2. Ảnh: Reuters.
Giới chức Australia hồi tháng 3 đã kêu gọi 2.700 khách trên du thuyền Ruby Princess tự cách ly và sớm liên lạc với chính quyền sau khi phát hiện 4 người dương tính với nCoV.
Lãnh đạo cơ quan y tế bang New South Wales Brad Hazzard khi ấy cho biết việc Ruby Princess xuất hiện ca nhiễm rất đáng lo ngại. "Mối lo ngại rất lớn là những hành khách đó đã rời Ruby Princess mà không biết gì về các ca dương tính nCoV trên du thuyền họ đi", Hazzard nói.
Australia hiện ghi nhận hơn 23.500 ca nhiễm và 421 ca tử vong do nCoV, ít hơn rất nhiều so với các nước phát triển khác. Sau khi mắc sai lầm trong xử lý cụm dịch trên Ruby Princess, Australia tiếp tục có những sai sót trong quản lý khách sạn dành cho người cách ly ở Victoria, khiến nước này trải qua làn sóng lây nhiễm thứ hai.
Viện phát triển vaccine Covid-19 ít được biết đến của Nga Khi Nga cấp phép vaccine Covid-19 đầu tiên trên thế giới, nhiều sự chú ý đổ dồn về Viện Gamaleya - cơ sở điều chế vaccine. Một số người bày tỏ nghi ngờ về tốc độ của Nga, chỉ ra rằng các công ty dược phẩm của Nga tương đối nhỏ, Viện Nghiên cứu Dịch tễ học và Vi sinh vật học Gamaleya...