Covid-19: “Nội chiến” vật tư y tế ở Mỹ
Những người trung gian mờ ám, những lô hàng ảo, giá tăng vọt theo giờ, đó là những gì các thống đốc bang ở Mỹ đối mặt khi săn lùng vật tư y tế.
Khi dự trữ liên bang ngày càng thu nhỏ và chính quyền Trump hạn chế quyền tiếp cận của các bang với số hàng còn lại, lãnh đạo các bang phải dùng đến những biện pháp đặc biệt để có được khẩu trang, máy thở, găng tay và các thiết bị cần thiết khác.
Các bang cạnh tranh với nhau và cả với chính phủ liên bang trên thị trường quốc tế, khi giá máy thở tăng gấp đôi còn khẩu trang tăng gấp 10 lần. Họ phải nhờ cậy những người bạn giàu có và doanh nghiệp. Thống đốc bang Massachusetts Charlie Baker đã nhờ tỷ phú Robert Kraft điều máy bay của đội bóng bầu dục Patriots đến Trung Quốc để lấy hơn một triệu khẩu trang.
Ở New York, tâm dịch ở Mỹ, Thống đốc Andrew Cuomo yêu cầu các bệnh viện tư chuyển máy thở cho các bệnh viện công thiếu thiết bị. “Nếu họ bất bình thì cứ để họ kiện tôi”, Cuomo nói.
Nhân viên của LifeBridge Health sản xuất khẩu trang tại Baltimore. Ảnh: LifeBridge Health.
Nhiều thống đốc kêu gọi chính quyền liên bang mua sắm tập trung nhưng Trump dường như không muốn can thiệp. Nhà Trắng tuyên bố rõ ràng trong tuần này rằng Tổng thống coi kho dự trữ liên bang là hàng dự phòng cho các bang.
“Đây là nỗi thất vọng lớn nhất”, Thống đốc Maryland Larry Hogan, đứng đầu Hiệp hội Thống đốc Quốc gia, nói. “Các bang cạnh tranh với nhau, chính phủ liên bang cạnh tranh với chúng tôi, các quốc gia khác cũng cạnh tranh với chúng tôi trong khi nguồn cung rất hạn chế”.
Hogan cho biết Cơ quan Quản lý Khẩn cấp Liên bang đã phân phối vật tư từ kho dự trữ quốc gia, nhưng chúng chỉ đáp ứng được một phần rất nhỏ nhu cầu. “Chúng tôi đã mua tất cả mọi thứ mà chúng tôi có thể trên thị trường mở, không chỉ trong nước mà trên toàn thế giới, từ Hàn Quốc, Trung Quốc và những nơi khác”, ông nói.
Các bang đôi khi phải cạnh tranh với bệnh viện của chính họ, vì các bệnh viện muốn nhanh chóng có hàng để bảo vệ nhân viên của mình thay vì chờ đợi chính quyền bang phân phối.
Video đang HOT
Bác sĩ Daniel Durand ở Maryland không thể ngờ có một ngày ông phải ráo riết tìm mua đồ bảo hộ cho bệnh viện trong một thị trường hỗn loạn. Khẩu trang N95 bình thường chỉ có giá chưa đến một USD giờ được bán với giá từ 3,7 USD trở lên. Và đó đã là giá rất hời: Nhiều người sẵn sàng trả tới 10 USD một cái.
Ông cho biết một số người trung gian dọa sẽ bán cho bệnh viện khác khi ông bắt đầu hỏi những câu cơ bản để tìm hiểu hàng. “Tôi nghe nói có người trả hàng triệu USD mà không nhận được hàng”, Durand nói. “Có những kẻ chuyên đi lừa các bệnh viện”.
Quan chức phụ trách tài chính bang Virginia Aubrey Layne, người tìm mua thiết bị y tế cho bang, nói rằng họ gặp những người bán khả nghi nhưng không có nhiều thời gian để xác định xem họ có đáng tin cậy hay không.
“Ai cũng nói rằng họ quen ai đó có thể móc nối với ai đó ở Trung Quốc”, ông cho biết.
Đầu tuần này, Trump thừa nhận kho dự trữ liên bang đã gần cạn kiệt, báo hiệu rằng các bang sẽ phải “tự thân vận động” khi số người chết tăng cao mỗi ngày. Nhiều thống đốc phàn nàn trong nhiều tuần rằng họ đã không nhận được các lô hàng mà họ yêu cầu từ chính quyền liên bang.
Những người trung gian và các nhà cung cấp đang lợi dụng tình thế: Các máy thở nhỏ vốn được bán với giá 11.000 – 14.000 USD giờ có giá 20.000 – 30.000 USD, theo Christian Mitchell, phó thống đốc Illinois. Các mẫu cao cấp hơn vốn có giá 45.000 USD giờ đội lên thêm 20.000 USD.
Các bang lớn như California có lợi thế hơn các bang khác vì sức mua lớn hơn. Thống đốc California Gavin Newsom nói rằng ông không muốn đòn bẩy đó làm tổn thương các bang nhỏ hơn như Washington, Illinois hay New Jersey. Ông đề xuất họ thiết lập quan hệ đối tác để mua sắm tập trung.
“Những lời đồn các bạn nghe thấy về thị trường hỗn loạn là đúng sự thật. Tình hình giờ như thể ‘miền Tây hoang dã’ vậy”, Newsom nói.
Các bang nhỏ như New Hampshire lâm vào thế bất lợi. “Tôi xin lỗi, New Hampshire không đủ sức để cạnh tranh với New York hay Illinois”, Brendan Williams, chủ tịch Hiệp hội Y tế New Hampshire, đại diện cho các viện dưỡng lão của bang, nói.
Một số bang hợp tác với các nhà sản xuất tư nhân để chuyển đổi các tòa nhà nhằm tự sản xuất thiết bị y tế.
LifeBridge Health, tổ chức điều hành các bệnh viện ở Maryland, chuyển đổi một tòa nhà ở ngoại ô Baltimore thành nhà máy sản xuất khẩu trang. Người phụ trách chuyên khoa ung thư của LifeBridge giờ đây trở thành người đào tạo 40 nhân viên cách may khẩu trang. “Như thể nhà máy may tích hợp với phòng phẫu thuật vậy”, Durand nói.
Phương Vũ
Bác sĩ Australia: 'Chúng tôi không đói, chỉ cần khẩu trang'
Bác sĩ tuyến đầu chống Covid-19 nói họ nhận được thư cảm ơn, pizza, nhưng điều thực sự cần lúc này là khẩu trang để thay cho thiết bị tự chế.
"Mỗi ngày chúng tôi nhận được rất nhiều thư cảm ơn, một số người mang bánh pizza cho chúng tôi. Nhưng tôi chỉ muốn bước đến đó và nói rằng chúng tôi không đói. Chúng tôi chỉ cần khẩu trang thôi", một bác sĩ chia sẻ.
Trong khi các bác sĩ và y tá ở một số bệnh viện Australia phải xoay sở để có được khẩu trang N95, rất nhiều người đi bộ trên đường phố sở hữu loại khẩu trang này. "Nếu bạn đi một vòng, bạn sẽ thấy nhiều người đeo khẩu trang N95 trong khi chúng không có đủ dùng trong bệnh viện", bác sĩ cấp cứu ở bang New South Wales (NSW) - nơi chiếm gần một nửa số ca nhiễm của đất nước, với hơn 5.700 ca - chia sẻ.
Nhân viên y tế mặc đồ bảo hộ, đeo khẩu trang và kính. Ảnh: AP.
Các bác sĩ cấp cứu và đại diện công đoàn y tế cho biết họ đã được giới chức đảm bảo có kho dự trữ thiết bị bảo hộ cá nhân (PPE) và đang nỗ lực sản xuất thêm mặt hàng này.
Tuy nhiên nhân viên tại một số bệnh viện quá tải ở bang NSW đang phải đối mặt với những hạn chế nghiêm ngặt trong việc sử dụng khẩu trang N95 và phải dùng những tấm chắn mặt làm từ nhựa và cao su để giữ an toàn. "Một số thậm chí đang sử dụng thiết bị lặn", Andrew Miller - Chủ tịch Hiệp hội Y khoa Australia tại bang Tây Australia cho biết. "Một số bác sĩ và y tá đã bị kỷ luật vì cố gắng đeo khẩu trang tại nơi làm việc. Đó là một tình huống đầy mâu thuẫn và khó hiểu", ông nói.
Các nhân viên y tế cho biết các hướng dẫn sử dụng PPE được ban hành khi Australia chỉ có vài trường hợp Covid-19 không còn khả thi vì Covid-19 đã lan rộng khắp cộng đồng, bao gồm cả những người không có triệu chứng.
Ông Miller cho biết có rất nhiều PPE được lưu trữ trên khắp Australia nhưng hiện không được cung cấp cho các nhân viên y tế tuyến đầu. "Nhân viên y tế tuyến đầu của chúng tôi không tin tưởng rằng PPE sẽ có sẵn khi họ cần bởi họ đã thấy tình trạng này ở các quốc gia khác, nhân viên y tế chết vì thiếu PPE", ông nói.
Sự thiếu hụt toàn cầu về khẩu trang N95 và các thiết bị bảo hộ làm dấy lên sự tức giận và phản đối của các nhân viên y tế ở Mỹ và nhiều nơi khác. Các nhân viên y tế Australia đã gửi đơn kiến nghị tới Thủ tướng Scott Morrison, yêu cầu quyền tiếp cận PPE. Bản kiến nghị đã thu thập được hơn 155.000 chữ ký vào 5/4.
Nhân viên y tế đeo khẩu trang và mặc đồ bảo hộ. Ảnh: AP.
Bộ trưởng Y tế Australia, Greg Hunt cho biết chính phủ sẽ phát hành ngay 10 triệu khẩu trang cho nhân viên y tế. "Một số lượng đáng kể găng tay, áo choàng, kính bảo hộ cũng sẽ được gửi đi", Hunt nói với đài truyền hình Nine News .
Cơ quan y tế của NSW cho biết các bệnh viện công trên toàn tiểu bang có đủ PPE, bao gồm khẩu trang và dung dịch sát khuẩn tay. Giới chức bang Queensland cho biết một công ty địa phương sẽ bắt đầu sản xuất 60.000 khẩu trang N95 mỗi ngày.
Theo báo cáo của ABC, cơ quan y tế bang South Australia đang xem xét một phương pháp chưa được thử nghiệm là thu thập khẩu trang N95 đã sử dụng, khử trùng và tái sử dụng chúng.
Gerard Hayes - Chủ tịch Health Service Union - cho biết các nhà chức trách cần phải minh bạch về số lượng PPE có sẵn và liệu nó có đủ dùng nếu nhu cầu tăng cao hơn. "Khi nhu cầu và áp lực đối với các dịch vụ y tế tăng lên, sẽ rất tốt nếu nắm được rõ ràng về kho dự trữ và cách thức phân phối. Điều đó sẽ mang lại niềm tin cho các nhân viên của chúng tôi. Hiện họ chưa có sự tin tưởng đó", Hayes nói.
Huyền Anh
Quốc gia là kho dự trữ khẩu trang lớn nhất châu Âu, ung dung xài trong dịch Covid-19 Không giống như những quốc gia khác cùng khu vực, quốc gia này chưa bao giờ ngừng trữ thiết bị y tế kể từ sau Thế chiến II và giờ họ có một kho vật tư y tế khổng lồ để ứng phó với dịch Covid-19, thậm chí còn xuất khẩu. Trong khi nhiều quốc gia trên thế giới vẫn đang "đỏ mắt"...