Covid-19 nghiền nát ‘giấc mơ Mỹ’ của người nhập cư
Covid-19 bùng phát khiến hàng nghìn người nhập cư làm việc tại nhà máy thịt lợn Smithfield ở Sioux Falls, bang South Dakota rơi vào vòng xoáy bệnh tật và gánh nặng tài chính.
Một người nhập cư từ El Salvador (quốc gia Trung Mỹ) đã mua được căn nhà 3 phòng ngủ có tầng hầm. Một bà mẹ đơn thân từ Ethiopia (quốc gia Đông Phi) đã có tiền cho con gái học đại học. Một người tị nạn từ Sudan (quốc gia châu Phi) đã mua được giường tầng cho con trai, ghế sofa và bàn ăn mới. Tất cả những điều đó đều nhờ vào quá trình họ làm việc tại nhà máy chế biến thịt Smithfield ở thành phố Sioux Falls, bang South Dakota, Mỹ.
Trước khi nhà máy chế biến thịt lớn nhất nước Mỹ bị tấn công bởi Covid-19, với 640 ca nhiễm, đây được xem là nơi khởi đầu cho ‘giấc mơ Mỹ’ của hàng nghìn người nhập cư, từ châu Phi, Đông Á và Mỹ Latin.
Nhà máy chế biến thịt Smithfield ở thành phố Sioux Falls, bang South Dakota, Mỹ. Ảnh: New York.
Trong hơn 100 năm qua, những người chạy trốn khỏi các khu vực chiến tranh, nghèo đói đã gắn bó với nhà máy 8 tầng, hoạt động suốt 24 giờ mỗi ngày dọc theo sông Big Sioux rợp bóng cây này. Họ làm việc cạnh nhau trước băng chuyền nhanh với những con dao điện rung lắc đủ mạnh để xẻ đôi một con lợn chỉ trong 30-40 giây. Nhiều người phải chờm đá ở cổ tay vào ban đêm và dựa vào ibuprofen, một loại thuốc chống viêm khớp để theo kịp tốc độ giết mổ, chế biến và đóng gói thịt lợn để phân phối ra toàn cầu.
Đổi lại, họ nhận được tiền lương cao hơn mức tối thiểu và dịch vụ chăm sóc sức khỏe ở một tiểu bang có chi phí sinh hoạt khiêm tốn. Những người nhập cư cũng không cần bằng cấp hay thông thạo tiếng Anh để được làm việc tại nhà máy này.
Nhưng tất cả lao động này đang đối mặt với nguy hiểm, khi nhà máy trở thành ổ dịch cụm đơn lớn nhất nước Mỹ. Các công nhân làm việc tại nhà máy chiếm 44% số ca nhiễm Covid-19 ở bang South Dakota. Một nhóm chuyên gia từ Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) đã đến nhà máy để đánh giá sự bùng phát ngoài tầm kiểm soát.
Rất nhiều gia đình người nhập cư ở Mỹ và thân nhân của họ ở quê nhà trông chờ vào tiền lương mà các công nhân nhận được từ nhà máy. Nhiều người nói rằng họ muốn quay trở lại làm việc bất chấp nguy cơ lây nhiễm, bao gồm làm việc 2 ca mỗi ngày, điều mà họ thường xuyên thực hiện trong 6-7 ngày mỗi tuần. Trong thời gian nhà máy phải đóng cửa do dịch bệnh, họ được đảm bảo 80 giờ nghỉ có lương, ít hơn nhiều so với số tiền mà họ kiếm được thông qua làm thêm giờ.
Đối với nhiều lao động nhập cư, rủi ro mà họ phải đối mặt không có gì mới. Họ chạy trốn chiến tranh, nghèo đói hoặc đàn áp sắc tộc để đến Mỹ. Dù nhìn thấy nhiều đồng nghiệp bị tai nạn do máy móc chuyển động nhanh, bị ngã vì sàn nhà dính đầy dầu mỡ và da bong tróc vì chất tẩy rửa, đối với họ, công việc trong nhà máy là một “đặc quyền”.
“Tôi không thể chờ đợi cho đến khi nhà máy mở cửa trở lại, vì đơn giản rằng đây là nguồn sinh kế duy nhất của gia đình tôi. Tôi rất lấy làm tiếc cho những người nhiễm virus nhưng tôi cảm thấy tốt hơn nếu được làm việc trở lại”, Achut Deng, một người tị nạn từ Sudan, đã làm việc 6 năm trong nhà máy, nói.
Achut Deng cùng ba con trai. Ảnh: NYT.
Nhiều công nhân nói rằng công việc tại nhà máy tuy vất vả, nhưng đã mang đến cho họ một cuộc sống không thể tốt hơn đối với người nhập cư và người tị nạn.
“Thật lòng mà nói cuộc sống của tôi đã cải thiện đáng kể. Đây là nơi duy nhất mà tôi có thể kiếm sống và nuôi con”, Yoli Hernandez, bà mẹ đơn thân đến từ El Salvador, người làm việc tại nhà máy từ 1999 và kiếm được 17,3 USD/giờ nói.
Sara Birhe, người nhập cư từ Ethiopia vào Mỹ năm 2001, cho biết mẹ cô đã mua một ngôi nhà bốn phòng ngủ và gửi con cô đi học đại học nhờ khoản thu nhập duy nhất từ nhà máy do cô gửi về quê nhà.
Video đang HOT
“Làm việc tại Smithfield, bạn có thể hỗ trợ cho gia đình mà không phải vật lộn với sinh hoạt phí như khi làm việc ở những nơi khác là California hay Chicago”, Birhe nói.
Tuy nhiên, số công nhân nhiễm virus cao bất thường ở Smithfield tạo nên làn sóng chỉ trích của các lãnh đạo công đoàn. Họ cho rằng chủ nhà máy đã không áp dụng các biện pháp phòng dịch kịp thời, thay vào đó khuyến khích công nhân làm thêm giờ để đáp ứng nhu cầu thịt gia tăng trong đại dịch.
Kooper Caraway, chủ tịch khu vực Sioux Falls của Liên đoàn Lao động và Đại hội các tổ chức công nghiệp Mỹ (AFL-CIO), cho biết lãnh đạo công đoàn đã gióng hồi chuông cảnh báo hơn một tháng trước, rằng nhà máy này với lượng công nhân đông đúc, thiếu thiết bị bảo hộ có thể trở thành điểm nóng bùng phát dich bệnh.
“Họ đã quyết định giữ lại những gì có lợi nhất hơn là thực sự cố gắng thực hiện các biện pháp phòng dịch. Cuối cùng thì virus đã vượt khỏi tầm kiểm soát”, ông Caraway nói.
Trong khi đó, lãnh đạo Smithfield cho biết họ đã tăng cường các biện pháp phòng dịch, khử trùng nhà máy, cung cấp thêm thiết bị bảo hộ. Họ khẳng định đã lắp đặt các tấm che, rào cản vật lý và thiết bị quét thân nhiệt để phát hiện công nhân bị sốt.
“Chúng tôi đã tập trung vào việc bảo vệ sức khỏe cho nhân viên và ngay lập tức thực hiện mọi hành động cần thiết để bảo vệ họ”, Kenneth M. Sullivan, chủ tịch kiêm giám đốc điều hành nhà máy, nói.
Còn những công nhân như Achut Deng ban đầu cho rằng virus không đáng sợ bằng những gì họ đã trải qua như chiến tranh, thảm sát hay nghèo đói. Sau nhiều giờ làm việc, họ thường tập trung quanh những chiếc bàn trong phòng ăn đông đúc, chia sẻ các món ăn truyền thống quê nhà và kể cho nhau nghe về câu chuyện ly hương đầy gian khổ.
Năm Achut Deng 6 tuổi, bà cô bị giết hại trong một cuộc tấn công ở Sudan và cô đã phải đi bộ đến một trại tị nạn ở Ethiopia. Sau đó, cô vượt biên sang Kenya và cuối cùng đến Mỹ. Trong hành trình tìm đến ‘giấc mơ Mỹ’, Deng đã trải qua đói rét, sợ hãi trên đôi chân trần. Mãi đến năm 14 tuổi cô mới lần đầu tiên được đi giày.
Nhưng sự dũng cảm của Deng bắt đầu bị Covid-19 nghiền nát. Cô lên cơn sốt và cảm thấy có thứ gì đó đè nặng lên ngực khiến cô không thể thở được. Trong khi ba con trai đã ngủ, Deng vẫn ngồi trên ghế sofa ngoài phòng khách trong căn hộ được cô mua bằng số tiền làm việc suốt 11 giờ mỗi ngày liên tục 6 ngày/tuần tại Smithfield trong 6 năm qua. Cô nhất quyết không ngủ vì sợ sẽ không tỉnh dậy được nữa.
“Tôi nghĩ, điều này cũng giống như bất kỳ cơn ác mộng nào khác mà tôi đã trải qua. Nếu tôi chết, những đứa con sẽ lớn lên giống như tôi và đó là điều khiến tôi không thể ngẩng đầu lên được”, bà Deng nói.
Ngoài việc chu cấp tiền cho con, Deng còn gửi tiền về cho ba mẹ ở Uganda (quốc gia Đông Phi) và 2 người em trai đang là sinh viên ở quê nhà.
Smithfield cho biết các công nhân không có triệu chứng trong 3 ngày mà không dùng thuốc và được xác nhận của bác sĩ có thể trở lại làm việc, vì vậy Deng đã ngưng dùng thuốc tylenol (một loại thuốc giảm đau, hạ sốt) mà chuyển sang dùng trà và chanh với hy vọng có thể nhanh chóng quay lại làm việc.
“Công ty đã hỗ trợ rất nhiều cho chúng tôi và gia đình. Hầu hết chúng tôi đều không biết tiếng Anh, chúng tôi có thể làm gì để nuôi sống gia đình ngoài công việc này chứ”, Deng nói.
Sơn Nam
Sau điềm báo 'hoàng yến trong mỏ than', nhiều ổ dịch mới nổ ra ở Mỹ
Các điểm bùng phát mới nổi lên khắp nước Mỹ, không chỉ ở các khu vực đô thị lớn mà còn vùng đồng bằng với số ca nhiễm mới không ngừng tăng, cho thấy đại dịch vẫn còn rất phức tạp.
Khi tốc độ lây nhiễm bắt đầu chững lại ở New York và California đã thành công trong việc ngăn chặn sự bùng phát, các tiểu bang khác ở Mỹ đang bắt đầu quay cuồng với các ổ dịch mới tăng đột biến trong các cộng đồng lớn và nhỏ, South China Morning Post cho biết.
Ba tuần trước, thống đốc New York Andrew Cuomo cảnh báo rằng tiểu bang của ông là điềm báo "chim hoàng yến trên mỏ than" về sự bùng nổ trên khắp cả nước và nay một số người lo sợ điều tồi tệ nhất chỉ mới bắt đầu xảy ra. "Chim hoàng yến trong mỏ than" là thành ngữ nói về sự báo hiệu một mối nguy hiểm đang tới. Nó xuất phát từ câu chuyện thực tế về các thợ mỏ thường mang xuống mỏ than chim hoàng yến, loài chim này rất nhạy cảm với khí methane hay CO có thể rò rỉ trong mỏ. Một khi xảy ra sự rò rỉ như vậy, chim hoàng yến thường chết trước bất kỳ loài nào khác, từ đó thợ mỏ được cảnh báo và rời khỏi mỏ ngay lập tức.
Theo New York Times, tiểu bang có tỷ lệ người nhiễm Covid-19 cao nhất vẫn là New York, tỷ lệ bệnh trên đầu người cao thứ 2 là quận Blaine, tiểu bang Idaho.
Quận Blaine với dân số hơn 22.000 người, nơi đây nổi tiếng với khu nghỉ mát trượt tuyết Sun Valley, nơi thu hút rất nhiều người trượt tuyết, những người đam mê giải trí ngoài trời và nơi được ví là ngôi nhà thứ 2 của nhiều người trên khắp nước Mỹ.
Giờ đây, quận Blaine đang trở thành nơi có tỷ lệ nhiễm Covid-19 trên đầu người cao nhất thế giới.
Nguy cơ cao với khu vực nông thôn
Tính đến ngày 14/4, một trong những ổ dịch cụm lớn nhất vùng Great Plains là bang South Dakota, nơi có 300 công nhân trong nhà máy chế biến thịt nhiễm bệnh. Dù số ca nhiễm có vẻ ít đáng báo động so với các thành phố lớn, nhưng đối với các thị trấn nhỏ, virus có thể tàn phá hệ thống chăm sóc sức khỏe và áp đảo nền kinh tế mong manh của địa phương.
Các nhân viên y tế tại khu xét nghiệm Odyssey House, tiểu bang Louisiana. Ảnh: Reuters.
Nhiều thị trấn nhỏ phụ thuộc vào một số người nhất định và khi họ đóng cửa hiệu ứng có thể là thảm họa. Ở bang miền nam Louisiana đặc biệt khó khăn, với Giáo xứ Orleans, thành phố New Orleans đang chiến đấu với mức độ lây nhiễm lớn thứ 8 trong cả nước.
Ba quận nông thôn ở Georgia chiếm phần còn lại trong danh sách 10 quận có số ca nhiễm cao nhất, một lời nhắc nhở rõ ràng rằng không chỉ các khu vực đô thị lớn mới có nguy cơ cao.
Trong khi các số liệu cho thấy biểu đồ số ca nhiễm mới và tử vong ở bang Louisiana đã giảm, thì thực tế vẫn còn rất nan giải. Hôm 14/4, cơ quan y tế tiểu bang đã báo cáo 884 ca tử vong trong số 21.016 ca nhiễm ở bang. Đặc biệt là virus đã xuất hiện ở 64 giáo xứ trên khắp tiểu bang.
Bang Georgia cũng đang quay cuồng với 14.223 ca nhiễm và 501 ca tử vong, trong số đó 71 ca tử vong đến từ hạt Dougherty, nơi có dân số chưa đầy 100.000 người.
Thống đốc Ron DeSantis của bang Florida phải đối mặt với những chỉ trích vì chậm đóng cửa các doanh nghiệp và bãi biển trong kỳ nghỉ xuân đã trở thành một tâm chấn.
Vùng Đông Bắc
Cùng với New York, New Jersey - tiểu bang láng giềng vốn là nơi sinh sống của nhiều người ở New York cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Hôm 12/4, các quan chức tiểu bang xác nhận 3.219 ca nhiễm mới, tăng 4% mỗi ngày, nhưng vẫn là số phần trăm thấp nhất kể từ khi dịch bệnh bắt đầu, một dấu hiệu cho thấy đỉnh dịch đã đi qua.
Các nhân viên Sở cứu hỏa Chicago trong lễ tang một nhân viên cứu hỏa. Ảnh: AP.
Ở phía bắc New York, Massachusetts là bang có số ca nhiễm Covid-19 cao thứ 3 nước Mỹ, với 26.867 ca nhiễm tính đến ngày 14/4. Thị trưởng Boston Marty Walsh nói rằng thành phố của ông đang đối mặt với sự gia tăng số bệnh nhân nhập viện.
Số ca bệnh đã tăng gấp đôi so với tuần trước. Cuối tuần qua, thành phố đã chuyển đổi trung tâm triển lãm thành bệnh viện dã chiến quy mô 500 giường cho người vô gia cư và 500 giường để chống quá tải cho các bệnh viện.
Thành phố Boston đang cố gắng tăng tốc độ xét nghiệm để sàng lọc bệnh nhân. Thị trưởng Walsh hứa sẽ xét nghiệm cho mọi cư dân thành phố. Tại bang Pennsylvania cũng đang nổi lên như một ổ dịch lớn, với hơn 25.000 ca nhiễm.
Nhưng đó cũng là lý do để hy vọng. Số ca nhiễm mới đã giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 2 tuần, cho thấy tốc độ lây nhiễm có thể đã được kiểm soát. Tuy số ca nhiễm mới giảm, số ca tử vong lại tăng. Số ca tử vong trong ngày được báo cáo vào ngày 14/4 là 60 ca, một sự gia tăng đột biến so với 27 ca tử vong được báo cáo vào ngày 12/4 và 13/4.
Khu vực Trung và Tây
Các khu vực đô thị và ngoại ô ở hầu hết các bang ở miền trung và tây nước Mỹ phần lớn không áp dụng các biện pháp phòng dịch trong những tuần đầu tiên, khi virus lây lan đã bị ảnh hưởng nặng nề trong những tuần gần đây.
Ổ dịch bên trong nhà máy chế biến thịt lớn nhất nước Mỹ đe dọa nguồn cung thực phẩm cả nước. Ảnh: New York Times.
Tại bang Indiana, hơn 120 ca tử vong được báo cáo tại thành phố Indianapolis, thủ phủ của bang. Tại bang Wisconsin, ít nhất 1.700 ca nhiễm đã được xác nhận tại Milwaukee County, thành phố lớn nhất của bang.
Bang Michigan đã báo cáo 25.635 ca nhiễm và 1.602 ca tử vong, trong đó, 11.648 ca nhiễm và 760 ca tử vong tại quận Wayne, thành phố Detroit. "Những gì chúng ta có là rất nhiều tin buồn", thị trưởng Detroit, Mike Duggan cho biết vào cuối tuần trước.
Hôm 14/4, hình ảnh từ bệnh viện Sinai-Grace cho thấy thi thể được chất đầy trong nhà xác. Detroit là một trong những thành phố bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Tỷ lệ tử vong ở đây lên tới 5%. Cư dân ở đây được xếp vào nhóm nguy cơ cao, vì nhiều người không được chăm sóc sức khỏe toàn diện, ngay cả trước khi xảy ra khủng hoảng.
Tại thành phố Chicago, tiểu bang Illinois, thành phố lớn thứ 3 nước Mỹ, gần đây đã được ca ngợi vì phản ứng với virus, nhưng đang hết máy thở và gấp rút chuyển đổi trung tâm hội nghị thành bệnh viện dã chiến.
Theo các quan chức thành phố, Chicago đang đối mặt với tốc độ lây nhiễm tồi tệ, với 9.113 ca nhiễm và 308 ca tử vong được báo cáo hôm 14/4.
Một số bang ở nông thôn như Nebraska và Kansas, North Dakota và South Dakota tiếp tục đấu tranh về việc có nên ban hành lệnh cách ly xã hội hay không. Thống đốc Laura Kelly của bang Kansas đã cấm các cuộc tụ họp trên 10 người.
Tuy vậy, thống đốc bang South Dakota vẫn từ chối đề nghị cách ly xã hội của cấp dưới và một số người dân, dù bang này đang có ổ dịch cụm lớn nhất nước Mỹ.
Trung Hiếu
Giáo viên dạy học qua cửa kính Thầy Chris Waba, sống tại thành phố Madison, bang South Dakota, giảng bài cho học sinh Rylee Anderson qua tấm cửa kính để hạn chế nguy cơ lây nhiễm nCoV. Trường học của Rylee Anderson, 12 tuổi, đã đóng cửa phòng Covid-19, chuyển sang học trực tuyến và tự học tại nhà. Vì không biết cách vẽ đồ thị hàm số, Rylee đã...