Covid-19 làm mòn hiệu quả doanh nghiệp niêm yết
Những con số tài chính trong báo cáo tài chính quý III/2020 cho thấy, đại dịch Covid-19 tiếp tục gây ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả kinh doanh của nhiều doanh nghiệp niêm yết, khả năng hồi phục trong quý IV cũng mới chỉ là kỳ vọng.
KHP công bố khoản lỗ hơn 40 tỷ đồng trong quý III/2020, ghi nhận quý lỗ thứ 3 liên tiếp trong năm nay.
Hàng không thiệt hại lớn
Bà Hồ Ngọc Yến Phương, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Hàng không VietJet (VJC) cho biết, theo kế hoạch, quý III/2020 đáng lẽ là quý “sung sức” của doanh nghiệp khi hoạt động khai thác các chuyến bay đã tăng rất mạnh từ đầu tháng 7/2020.
Tuy nhiên, cuối tháng 7/2020, Đà Nẵng xuất hiện bệnh nhân Covid-19 đã ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động của doanh nghiệp.
Hiện tại, VJC chưa công bố báo cáo tài chính quý, nhưng dự kiến trong quý III/2020, Công ty tiếp tục ghi nhận lỗ, mức lỗ ước dưới 1.000 tỷ đồng. Khoản lỗ này theo bà Phương đã là một sự cố gắng hết sức của Công ty khi không có các nguồn thu lớn từ hoạt động tài chính như quý II/2020.
Nhìn lại báo cáo kết quả kinh doanh hợp nhất quý II/2020 của VJC cho thấy, doanh thu vận tải hàng không đạt 1.970 tỷ đồng, giảm 54% và mức lỗ hà ng không 1.122 tỷ đồng.
6 tháng đầu năm, VJC lỗ trong hoạt động hàng không 2.111 tỷ đồng, nhưng lợi nhuận sau thuế của Công ty vẫn ghi nhận dương 73 tỷ đồng nhờ có khoản thu đáng kể từ chuyển nhượng tài sản và các khoản đầu tư tài chính.
Các nguồn thu khác đã giúp VJC ghi nhận con số lợi nhuận dương khi mảng hàng không lỗ trầm trọng.
Theo VJC, nguồn doanh thu khác chủ yếu đến từ lãi chênh lệch tỷ giá hối đoái chưa thực hiện, đạt 388,4 tỷ đồng và thu nhập tài chính khác 597,79 tỷ đồng.
Đặc biệt, khoản thu nhập khác của VJC cũng tăng mạnh trong 6 tháng đầu năm 2020, đạt mức 413 tỷ đồng, gấp 23 lần cùng kỳ.
Quý III đã qua đi, lãnh đạo VJC chia sẻ, Công ty trông chờ vào hoạt động kinh doanh quý IV/2020. “Chúng tôi đã đưa giải pháp tiết kiệm chi phí, tối ưu hóa hoạt động như chương trình bảo hiểm xăng dầu trong giai đoạn giá thấp, tăng cường đàm phán giảm giá dịch vụ từ các nhà cung cấp, tối ưu hóa nguồn lực và các giải pháp tăng nguồn thu như chuyên chở các chuyến bay cargo… để đạt nguồn thu tối đa trong quý cuối năm 2020. Với những gì đang diễn ra từ đầu tháng 10 tới nay, chúng tôi tin vào hiệu quả kinh doanh cuối năm sẽ cải thiện lớn”, bà Phương nói.
Video đang HOT
Cũng trong tình trạng “lỗ liêu xiêu” mà thị trường đã sớm hình dung, Vietnam Airlines (HVN) ước doanh thu 9 tháng đầu năm 2020 đạt 23.948 tỷ đồng, giảm 58,3% so với cùng kỳ năm 2019, dự kiến 3 hãng bay trực thuộc Công ty (Vietnam Airlines, Pacific Airlines và Vasco) lỗ hợp nhất 4.187 tỷ đồng, còn lỗ riêng lẻ của Vietnam Airlines là 3.626 tỷ đồng.
Lỗ hợp nhất trước thuế 9 tháng là 10.750 tỷ đồng, bằng 71% kế hoạch lỗ năm 2020. Riêng Vietnam Airlines lỗ 8.737 tỷ đồng, bằng 60,3% kế hoạch lỗ năm 2020.
Các doanh nghiệp liên quan đến dịch vụ hàng không cũng bị tác động lớn bởi Covid-19. Cụ thể, Công ty cổ phần Suất ăn hàng không Nội Bài (NCS) lỗ gần 26 tỷ đồng trong quý III/2020.
Lũy kế 9 tháng đầu năm 2020, NCS lỗ 43 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái lãi hơn 32 tỷ đồng. Nguyên nhân khiến NSC lỗ là do hoạt động sản xuất – kinh doanh ngưng trệ khi nhiều chuyến bay bị huỷ, không có khách thì không thể tiêu thụ được suất ăn.
Doanh nghiệp ngành điện thua lỗ
Nếu như quý II/2020, trong số 20 doanh nghiệp thủy điện niêm yết có 12 đơn vị chứng kiến lợi nhuận đi xuống, 6 doanh nghiệp báo lỗ và 2 công ty gia tăng lợi nhuận so với cùng kỳ năm ngoái thì số doanh nghiệp ngành này ghi nhận thua lỗ đã tăng lên trong quý III/2020.
Nguyên nhân chủ yếu là do sản lượng điện thương phẩm và giá bán đều xuống dốc, doanh thu giảm mạnh.
Báo cáo quý III/2020 của Công ty cổ phần Điện lực Khánh Hòa (KHP) một lần nữa gây thất vọng với cổ đông khi công bố khoản lỗ hơn 40 tỷ đồng, ghi nhận quý lỗ thứ 3 liên tiếp trong năm nay.
Trong quý vừa qua, KHP có doanh thu thuần gần 1.283 tỷ đồng, giảm 18% so với cùng kỳ. Đáng chú ý, biên lãi gộp trong kỳ chỉ đạt 0,6% (quý III/2019 đạt hơn 10%), lãi gộp chỉ thu được hơn 8 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Cao Ký, Tổng giám đốc KHP cho biết, Công ty lỗ trong quý vừa qua là do gánh nặng chi phí (chi phí vận hành, chi phí lãi vay…).
Ngoài ra, tác động của đại dịch Covid-19 cùng với chính sách miễn, giảm tiền điện cho khách hàng khiến doanh thu tiền điện 9 tháng đầu năm giảm hơn 539 tỷ đồng so với cùng kỳ, chưa kể khoản lỗ chênh lệch tỷ giá gần 21 tỷ đồng trong kỳ khiến kết quả chung thua lỗ.
Tính đến cuối tháng 9/2020, KHP ghi nhận lỗ lũy kế gần 271 tỷ đồng. Mặc dù vậy, theo ông Ký, với việc Việt Nam đã kiểm soát được đại dịch Covid-19, doanh thu bán điện của Công ty bắt đầu ổn định lại từ đầu tháng 10/2020. Ông tin tưởng rằng, lợi nhuận quý IV/2020 sẽ là số dương.
Khác với những doanh nghiệp thua lỗ triền miên đến mức chưa công bố thì nhà đầu tư cũng dự báo được, có những doanh nghiệp gây bất ngờ khi lần đầu tiên công bố khoản lỗ kể từ khi niêm yết.
Báo cáo tài chính quý III/2020 của Công ty cổ phần Điện lực Dầu khí Nhơn Trạch 2 (NT2) cho thấy, doanh thu trong quý đạt 1.153 tỷ đồng, giảm 34% so với cùng kỳ, lợi nhuận âm 6 tỷ đồng, đánh dấu quý lỗ đầu tiên kể từ năm 2013.
Nguyên nhân dẫn đến kết quả này là do Công ty tạm dừng Nhà máy điện Nhơn Trạch 2 để trùng tu mở rộng định kỳ tại 75.000 giờ vận hành tương đương đầu tiên (EOH) trong tháng 9/2020.
Việc này khiến doanh thu sản xuất điện sụt giảm, trong khi các chi phí cố định như khấu hao, lãi vay… không biến động nhiều.
Nhiệt điện Quảng Ninh (QTP) ghi nhận lỗ hơn 60 tỷ đồng trong quý III/2020. Mặc dù doanh thu trong kỳ đạt 1.748 tỷ đồng, giảm 23% so với cùng kỳ, song chi phí giá vốn chiếm 1.735 tỷ đồng.
Tương tự NT2, trong quý III/2020, QTP đã thực hiện sửa chữa lớn, dẫn đến sản lượng điện thấp, trong khi chi phí vẫn phải duy trì.
Tổng sản lượng điện sản xuất trong quý đạt 110 triệu KWh, giảm 45,23 triệu KWh; sản lượng điện thương phẩm đạt 98,6 triệu KWh, giảm 41,98 triệu KWh so với cùng kỳ.
Tại Nhiệt điện Cẩm Phả (NCP), doanh thu quý III tăng 35% so với cùng kỳ, nhưng chi phí lãi vay cao do các khoản vay nợ lớn khiến Công ty lỗ hơn 52,8 tỷ đồng trong quý III/2020.
Nhóm thủy điện của ghi nhận kết quả kinh doanh bết bát không kém. Đến cuối tuần qua, Thủy điện Vĩnh Sơn – Sông Hinh (VSH) chưa công bố báo cáo tài chính quý, nhưng theo chia sẻ của lãnh đạo Công ty, quý III/2020 là một quý rất khó khăn, thậm chí khó khăn chồng chất khó khăn khi Công ty đối diện với thực tế là dòng tiền trong tình trạng âm.
Ông Võ Thành Trung, Chủ tịch Hội đồng quản trị VSH cho biết, dòng tiền của Công ty từ nay đến cuối năm 2020 có thể âm tới 901,8 tỷ đồng.
Những nhóm ngành tăng trưởng
Thống kê của FiinPro cho biết, nếu không tính khoản lỗ của Vietnam Airlines thì lợi nhuận quý III/2020 của 347 doanh nghiệp phi tài chính ghi nhận tăng 7,4% so với cùng kỳ năm ngoái, tương đương với mức tăng trưởng giai đoạn trước khi dịch Covid-19 bùng phát. Điều này cho thấy hoạt động kinh doanh cốt lõi của các doanh nghiệp có sự cải thiện sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát tại Việt Nam.
Đặc biệt, doanh nghiệp trong một số ngành ghi nhận sự tăng trưởng mạnh cả về doanh thu và lợi nhuận, như tài nguyên cơ bản, ô tô, phụ tùng và bán lẻ.
Riêng ngành bán lẻ có doanh thu quý III/2020 gấp 7 lần quý II/2020, lợi nhuận sau thuế tăng 30,2%. Cùng chung đà tăng trưởng, doanh nghiệp ngành tài chính ghi nhận kết quả kinh doanh tốt.
Cụ thể, doanh thu quý III/2020 của doanh nghiệp ngành tài chính tăng 7,1% so với cùng kỳ, cao hơn mức tăng của quý II. Lợi nhuận tuy tăng chậm, ở mức 4,5%, nhưng trong bối cảnh nền kinh tế gặp khó do Covid-19 thì đây vẫn là một kết quả đáng khích lệ.
Bên cạnh đó, nhóm dịch vụ tài chính duy trì tăng trưởng cao, trong khi lợi nhuận các ngân hàng tăng chậm hơn. Lợi sau thuế 9 tháng của nhóm ngân hàng tăng trưởng 7%, còn dịch vụ ngân hàng chạm mức 18,2%.
Theo FiinPro, 8/19 ngành đã duy trì tăng trưởng EPS trong quý III/2020, trong đó, nhóm tài nguyên cơ bản dẫn đầu. Giá cổ phiếu ngành này tăng 16,2% trong 1 tháng qua và tăng 48,5% từ đầu năm.
Gần 75% doanh nghiệp vật liệu xây dựng bi quan tình hình kinh doanh
Ngày 3-6, CTCP Báo cáo Đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) chính thức công bố Top 10 công ty uy tín ngành xây dựng - vật liệu xây dựng năm 2020.
Kết quả khảo sát của Vietnam Report cho thấy phần lớn doanh nghiệp cho rằng năm 2020 kinh doanh sẽ khó khăn hơn (73,9%), chỉ có 13% doanh nghiệp lạc quan kỳ vọng ngành XD-VLXD sẽ tăng trưởng hơn so với năm trước, 4,3% cho rằng ngành XD-VLXD sẽ tiếp tục duy trì tăng trưởng ổn định như năm 2019.
Đáng chú ý, khoảng 8,7% số doanh nghiệp được hỏi cho rằng thị trường sẽ "trầm lắng" trong 6 tháng đầu năm, và sẽ trở lại sôi động trong 6 tháng cuối năm sau khi dịch kết thúc, và các gói kích cầu của Chính phủ bắt đầu có hiệu quả.
Theo thống kê của FiinPro, trong quý 1-2020, ngành XD-VLXD đã ghi nhận mức giảm 9,5% đối với doanh thu và 10,2% đối với lợi nhuận sau thuế. Kết quả khảo sát của Tổng cục Thống kê thực hiện trong quý 1-2020 cũng cho thấy có đến 47,5% số doanh nghiệp kinh doanh khó khăn hơn, 33,7% số doanh nghiệp giữ được ổn định và 18,8% số doanh nghiệp kinh doanh tốt hơn.
Theo Vietnam Report, hiện nay, ngành xây dựng sử dụng khoảng 4,3 triệu lao động trên 15 tuổi, phần lớn là lao động thời vụ, tỷ lệ lao động đã qua đào tạo chỉ đạt 13,1%. Nhân công chỉ chiếm 20% chi phí xây dựng nhưng là yếu tố quyết định khả năng và chất lượng thi công của doanh nghiệp. Vì vậy, ưu tiên số một của các DN vẫn là phải nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
Ngoài ra, trong bối cảnh suy giảm kinh tế toàn cầu do tác động của dịch Covid-19, hầu hết các doanh nghiệp đều lựa chọn gia tăng khả năng chịu đựng trong khủng hoảng thông qua việc tăng cường năng lực quản trị tài chính.
Khi chuỗi cung ứng bị gián đoạn, người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu, các doanh nghiệp cần ưu tiên tối đa hóa dự trữ tiền mặt, tập trung vào đánh giá khả năng thanh khoản, xây dựng các kịch bản ứng phó với các tình huống diễn biến của dịch với các điểm kích hoạt tương ứng cũng như các phương án ổn định kinh doanh, chuẩn bị cho giai đoạn phục hồi...
Ngân hàng trở thành quán quân phát hành trái phiếu tháng 8/2020 Công ty chứng khoán MB (MBS) dẫn số liệu thống kê của FiinPro cho thấy có khoảng 11.200 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp được huy động với kỳ hạn bình quân 3,3 năm trong tháng 8/2020. Trong đó, ngân hàng tiếp tục là nhóm có khối lượng phát hành trái phiếu lớn nhất trong tháng với gần 8.200 tỷ đồng. Tiếp đó...