Covid-19 bùng phát mạnh, Campuchia lo ngại “vượt ranh giới đỏ”
Quan chức Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Quốc vụ khanh Bộ Y tế Campuchia đều bày tỏ lo ngại về tình hình bùng phát dịch Covid-19 hiện nay ở nước này khi số ca mắc mới và tử vong tiếp tục tăng nhanh.
Một nhân viên y tế Campuchia tiêm chủng vắc xin Covid-19 cho người dân ở Phnom Penh (Ảnh: Reuters).
“Chúng tôi rất lo ngại rằng Campuchia có thể vượt qua ranh giới đỏ nếu một số người vẫn không quan tâm đến việc tuân thủ các biện pháp phòng dịch. Chúng ta cần phối hợp hành động cấp bách và có trách nhiệm nhằm thay đổi tình hình hiện nay. Chúng ta đang phải đối mặt với nguy cơ một đợt bùng phát mạnh trong cộng đồng”, hãng tin Khmer Times dẫn bình luận của Quốc vụ khanh Bộ Y tế Campuchia Or Vandine hôm 10/7.
Bà Vandine cảnh báo thêm: “Nếu chúng ta vượt giới hạn đỏ, chúng ta sẽ phải đối mặt với nhiều vấn đề nghiêm trọng hơn hiện nay. Việc bùng phát mạnh trong cộng đồng và không thể truy vết nguồn lây sẽ làm tăng số người chết, dịch sẽ kéo dài hơn nữa và cuộc chiến ứng phó đại dịch của chúng ta càng thêm khó khăn”.
Campuchia đang trải qua một đợt bùng phát dịch Covid-19 nghiêm trọng nhất từ trước đến nay, được cho là do sự xuất hiện của biến chủng Delta và Alpha – những biến chủng dễ lây lan hơn so với các chủng trước đó. Riêng ngày 11/7, Campuchia ghi nhận thêm 981 ca mắc mới, nâng tổng số người mắc Covid-19 ở nước này lên xấp xỉ 61.000 ca. Trong ngày, Campuchia cũng có thêm 21 ca tử vong, nâng số người chết vì đại dịch ở đây lên 902 người. Số ca tử vong và mắc mới chủ yếu ghi nhận trong đợt dịch bùng phát từ khoảng tháng 5.
Bà Vandine nói rằng, dịch sẽ lây lan nhanh trong cộng đồng nếu người dân nới lỏng, lơ là các biện pháp phòng dịch quá sớm.
Trước đó, Đại diện của WHO tại Campuchia, bà Li Ailan, cũng cảnh báo, việc nới lỏng các biện pháp phòng dịch quá nhanh, hay dỡ bỏ quá sớm sẽ khiến dịch bùng phát mạnh hơn nữa. “Những thành tựu của Campuchia trong chiến dịch tiêm chủng vắc xin rất đáng ghi nhận, nhưng việc nới lỏng các biện pháp phòng Covid-19 quá sớm sẽ đánh mất một số thành tựu mà vắc xin mang lại”, bà Ailan viết trên Twitter. Đầu tháng này bà từng nói: “Campuchia đang ở lằn ranh đỏ về các ca lây nhiễm trong cộng đồng. Mọi người nên hành động có trách nhiệm, bởi nếu chúng ta vượt lằn ranh đỏ này, Campuchia có thể buộc phải tái phong tỏa”.
Video đang HOT
Campuchia đã triển khai chương trình tiêm chủng vắc xin Covid-19 cho người dân từ 18 tuổi trở lên từ tháng 2 năm nay ở thủ đô Phnom Penh và 14 tỉnh khác. Ủy ban quốc gia về tiêm chủng Covid-19 của Campuchia ngày 8/7 thông báo, thủ đô Phnom Penh đã hoàn tất chiến dịch tiêm chủng cho khoảng 2,1 triệu người. Giới chức Campuchia tin rằng có thể đạt được mục tiêu 10 triệu người tiêm vắc xin vào tháng 11 nếu nguồn cung vắc xin được đáp ứng kịp thời.
Ông Khuong Sreng, một quan chức Campuchia cho biết, mặc dù số ca nhiễm chưa giảm, vẫn có trung bình 200 ca mỗi ngày ở Phnom Penh, nhưng tiêm chủng giúp giảm mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng bệnh, đặc biệt là giảm nguy cơ tử vong ở bệnh nhân Covid-19.
Người Việt ấn tượng với chiến dịch tiêm vaccine ở Campuchia
Nhanh, liên tục và thuận lợi với người nước ngoài là những cảm nhận của người Việt về chiến dịch tiêm chủng vaccine Covid-19 ở Campuchia thời gian qua.
Anh Nguyễn Tiến, nhân viên viễn thông ở Phnom Penh, là một trong nhiều người Việt đang sinh sống và làm việc tại Campuchia hoàn thành chương trình tiêm chủng vaccine Covid-19.
"Tôi đã tiêm đủ hai mũi Sinovac cách đây một tháng", anh Tiến chia sẻ với VnExpress . "Chiến dịch tiêm chủng ở Phnom Penh rất tốt. Họ triển khai nhanh, liên tục và tích cực hỗ trợ người nước ngoài".
Anh Tiến cho biết việc tiêm vaccine của anh ở Campuchia do cơ quan hỗ trợ đăng ký và hoàn toàn miễn phí. "Sau khi tiêm đủ hai mũi, bạn sẽ nhận được thẻ chứng nhận tiêm chủng", anh nói.
Chương trình tiêm chủng ở Campuchia khởi động từ ngày 10/2, ban đầu tập trung vào nhóm dễ lây nhiễm như nhân viên y tế tuyến đầu và sĩ quan quân đội. Tiếp đến, người trên 60 tuổi sẽ tiêm vaccine và sau đó mở rộng dần sang các nhóm khác.
Một điểm tiêm chủng tại vùng đỏ ở thủ đô Phnom Penh hôm 1/5. Ảnh: Reuters.
Campuchia, quốc gia hơn 16 triệu dân, đã tiêm gần 8,3 triệu liều vaccine và gần 22% dân số tiêm đủ liều. Riêng thủ đô Phnom Penh đã hoàn thành chiến dịch tiêm chủng vào ngày 8/7, theo Ủy ban quốc gia về tiêm chủng Covid-19 của Campuchia.
"Campuchia tập trung triển khai vaccine ở thủ đô Phnom Penh trước, tăng cường tiêm chủng cho một số khu công nghiệp tập trung đông công nhân. Sau đó, họ mở rộng chiến dịch ra các vùng đỏ, vàng và cam", ông Sim Chy, Chủ tịch Hội Khmer Việt Nam tại Campuchia, cho hay.
Ông Chy nói thêm sau khi thủ đô Phnom Penh hoàn thành chiến dịch tiêm chủng, Campuchia giờ chuyển sang các tỉnh thành khác có khu công nghiệp và có tỷ lệ lây nhiễm cao.
"Cách tổ chức chiến dịch tiêm chủng của Phnom Penh rất tốt. Họ sử dụng tất cả các trung tâm y tế ở các quận, phường làm nơi tiêm chủng cho người dân. Ngoài ra, họ còn tổ chức các điểm tiêm chủng ở trường học, xưởng may. Quân đội cũng được huy động để hỗ trợ chiến dịch tiêm chủng cho tất cả người dân ở thủ đô", ông Chy nói về chiến lược giúp Phnom Penh nhanh chóng hoàn thành tiêm chủng.
Cộng đồng người gốc Việt tại Campuchia hiện có gần 30.000 người, chủ yếu tập trung tại các quận Chbar Ampov, Russey Keo và Prek Pnov ở thủ đô Phnom Penh. Ông Chy cho biết ban đầu việc tiêm vaccine cho người Việt ở đây gặp khó khăn, khi giới chức yêu cầu phải có giấy chứng minh, hộ chiếu Campuchia. Tuy nhiên, Hội Khmer Việt Nam tại Campuchia đã gửi kiến nghị tới 25 tỉnh thành để xem xét cho người Việt sinh sống hợp pháp tại Campuchia được tiêm chủng.
"Hiện tại, khoảng 70% người Việt ở Campuchia đã được tiêm chủng", ông nói.
Campuchia là một trong những nước có tỷ lệ tiêm chủng hàng đầu ở Đông Nam Á. Ngay từ đầu, nước này đã nỗ lực đảm bảo nguồn cung vaccine, khi chính phủ hoan nghênh động thái giúp đỡ từ tất cả các nước, miễn vaccine đủ tiêu chuẩn an toàn theo quy định của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Campuchia nhận được sự hỗ trợ vaccine lớn từ Trung Quốc và Australia.
"Tôi thấy tốc độ tiêm chủng của họ khá nhanh, có thể do có nguồn cung lớn từ Trung Quốc nên có đủ lượng vaccine cho tất cả người dân, chứ không chỉ cho riêng nhân viên y tế hay các nhân viên tuyến đầu", Huỳnh Trinh, người Việt sống ở Phnom Penh, nhận xét về chiến dịch tiêm chủng của Campuchia.
Đăng ký tiêm chủng ở Campuchia hiện tại khá dễ dàng, khi mọi người chỉ cần mang theo giấy tờ tùy thân tới đăng ký tại cơ sở y tế, theo Trinh. Cô cho biết trước đó, mọi người phải đăng ký qua ứng dụng rồi đợi tin nhắn xác nhận lịch tiêm. Tuy nhiên, việc đăng ký qua ứng dụng mất nhiều thời gian chờ đợi, nên giờ mọi người thường lựa chọn đăng ký trực tiếp tại cơ sở y tế.
"Thủ tướng, các đảng và báo đài Campuchia liên tục vận động người dân tiêm chủng. Ngay cả khi bạn gọi điện thoại, âm chờ cũng là lời kêu gọi mọi người tiêm vaccine", Trinh kể.
Trinh chia sẻ cô cũng đã tiêm đủ hai mũi vaccine Sinopharm cách đây hai tháng. "Tôi thấy yên tâm khi đã tiêm vaccine, vì bác sĩ cho biết dù không may bị nhiễm, nguy cơ bị bệnh nặng và tử vong sẽ thấp hơn", cô nói.
Tuy nhiên, Huỳnh Trinh cho rằng sẽ cần thêm thời gian để khẳng định chiến dịch tiêm chủng ở Campuchia có thực sự hiệu quả hay không, bởi hiện tại số ca nhiễm trên khắp cả nước vẫn tương đối cao.
"Tổng số ca nhiễm mỗi ngày trên cả nước chưa thấy thuyên giảm, khi liên tục ghi nhận hơn 800-900 ca. Số ca tử vong cũng dao động 20-30 người mỗi ngày", Trinh nói.
Sau thời gian hạ nhiệt vào giữa tháng 5, số ca nhiễm tăng mạnh, đặc biệt trong hai tuần gần đây. Tới nay, Campuchia đã báo cáo 59.978 ca nhiễm và 881 ca tử vong kể từ đầu dịch. Riêng ngày 10/7, quốc gia này ghi nhận 933 ca nhiễm mới và 26 ca tử vong.
Thái Lan thêm gần 10.000 ca COVID-19, WHO quan ngại về dịch bệnh ở Campuchia Biến thể Delta vẫn tiếp tục khiến nhiều quốc gia ở Đông Nam Á vất vả đối phó. Tại các nước này, bên cạnh các biện pháp giãn cách tùy mức độ là đẩy mạnh tiêm vắc xin COVID-19 cho người dân. Người gặp khó khăn ở Malaysia treo cờ trắng bên ngoài nhà để báo hiệu mình cần thực phẩm. Trong ảnh...