Covid-19: Bộ Tài chính đề xuất tăng gói hỗ trợ tài chính từ 30.000 tỉ lên 80.000 tỉ đồng
Theo dự thảo mới nhất của Bộ Tài chính trình Chính phủ, đối tượng được gia hạn nộp thuế do ảnh hưởng dịch Covid-19 đã được mở rộng hơn trong gói hỗ trợ tăng từ 30.000 tỉ đồng theo đề xuất trước đó lên 80.000 tỉ đồng.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng vừa ký Tờ trình Chính phủ về Nghị định gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất, trong đó bổ sung thêm một số nhóm đối tượng được gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất.
Đồng thời, dự thảo Nghị định cũng nâng gói hỗ trợ các doanh nghiệp, tổ chức kinh doanh, hộ kinh doanh từ hơn 30.000 tỉ đồng như đề xuất trước đó lên hơn 80.000 tỉ đồng.
Hàng loạt cửa hàng kinh doanh buộc phải đóng cửa do dịch Covid-19
Video đang HOT
So với đề xuất trước đó, lần này Bộ Tài chính đã bổ sung thêm những ngành nghề được gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất, gồm: Giáo dục và đào tạo; y tế và hoạt động trợ giúp xã hội; hoạt động sáng tác, nghệ thuật và giải trí; hoạt động thể thao; hoạt động của các vườn bách thảo, bách thú và khu bảo tồn tự nhiên; hoạt động của các công viên vui chơi và công viên theo chủ đề; hoạt động chiếu phim.
Theo Bộ Tài chính, qua rà soát cho thấy, thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập doanh nghiệp là 2 sắc thuế chính mà các doanh nghiệp, tổ chức sản xuất kinh doanh, tất cả hộ gia đình, cá nhân kinh doanh đều thuộc đối tượng nộp thuế.
Do vậy, để đảm bảo chính sách ban hành được áp dụng rộng rãi, Bộ Tài chính trình Chính phủ áp dụng gia hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất.
Trong trường hợp doanh nghiệp, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân kinh doanh có hoạt động sản xuất, kinh doanh nhiều ngành kinh tế khác nhau trong đó có ngành kinh tế thuộc đối tượng được gia hạn thì doanh nghiệp, tổ chức được gia hạn toàn bộ số thuế giá trị gia tăng, số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp; hộ gia đình cá nhân kinh doanh được gia hạn toàn bộ thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân phải nộp.
Để đơn giản hóa thủ tục hành chính và kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân kinh doanh, người nộp thuế thì người nộp thuế chỉ gửi 1 lần Giấy đề nghị gia hạn tiền thuế, tiền thuê đất cho cơ quan thuế quản lý trực tiếp cho toàn bộ các kỳ được gia hạn và thời hạn nộp Giấy đề nghị gia hạn chậm nhất vào ngày 30-7-2020.
Theo đề xuất của Bộ Tài chính, ngoài các ngành được bổ sung nêu trên, các ngành như: Nông nghiệp và hoạt động dịch vụ có liên quan; lâm nghiệp và hoạt động dịch vụ có liên quan; khai thác, nuôi trồng thủy sản đều được gia hạn thuế. Bên cạnh đó là các ngành: Sản xuất, chế biến thực phẩm; dệt; sản xuất trang phục; sản xuất giày, dép; sản xuất sản phẩm từ cao su; sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học; sản xuất ôtô và xe có động cơ khác (trừ sản xuất ôtô chở người từ 9 chỗ ngồi trở xuống).
Ngoài ra, các doanh nghiệp, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân hoạt động kinh doanh trong các ngành kinh tế sau cũng nằm trong diện được gia hạn: Vận tải đường sắt; vận tải hành khách bằng xe buýt; vận tải đường bộ khác; vận tải đường thủy; vận tải hàng không; kho bãi và các hoạt động hỗ trợ cho vận tải. Các dịch vụ lưu trú; dịch vụ ăn uống, hoạt động của các đại lý du lịch, kinh doanh tour du lịch và các dịch vụ hỗ trợ, liên quan đến quảng bá và tổ chức tour du lịch.
Tin-ảnh: Minh Chiến
Thực hiện xử lý nợ không còn khả năng nộp NSNN
Bộ Tài chính đã ban hành Chỉ thị số 03/CT-BTC ngày 19/3/2020 về việc triển khai thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về khoanh nợ tiền thuế, xoá nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp đối với người nộp thuế không còn khả năng nộp Ngân sách Nhà nước (NSNN).
Chỉ thị số 03/CT-BTC nêu rõ, Nghị quyết của Quốc hội là văn bản quy phạm pháp luật, cơ sở pháp lý cho việc thực hiện xử lý nợ không còn khả năng nộp NSNN. Việc xoá nợ phải căn cứ vào đối tượng, đáp ứng các điều kiện cụ thể về hồ sơ, thủ tục và đặc biệt liên quan đến nhiều đối tượng nộp thuế (đã chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự, giải thể, phá sản, không còn sản xuất kinh doanh, không còn khả năng nộp NSNN), nên công tác tổ chức, triển khai phải có sự tham gia, phối hợp chặt chẽ của các cơ quan, ban ngành, chính quyền các cấp.
Thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về khoanh nợ tiền thuế, xoá nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp đối với người nộp thuế không còn khả năng nộp NSNN
Để triển khai hiệu quả, thống nhất trong cả nước, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng yêu cầu, trong tháng 4 Tổng cục Thuế chủ trì, phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ thành lập Ban chỉ đạo triển khai thực hiện Nghị quyết xử lý nợ tại Tổng cục Thuế (BCĐ Tổng cục Thuế) do Tổng cục trưởng làm trưởng ban. BCĐ Tổng cục có trách nhiệm xây dựng chương trình, kế hoạch, tiến độ và các biện pháp để triển khai thực hiện Nghị quyết; hướng dẫn, kiểm tra các cục thuế thực hiện; phát hiện và chủ động xử lý theo thẩm quyền hoặc đề xuất trình Bộ Tài chính các vướng mắc phát sinh trong quá trình triển khai. Hàng quý, BCĐ Tổng cục tổng hợp tình hình thực hiện của các cục thuế, chủ động hoặc đề xuất Bộ Tài chính xử lý các vướng mắc phát sinh...
Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng giao cục trưởng cục thuế các tỉnh, thành phố trong tháng 4 thành lập BCĐ triển khai thực hiện Nghị quyết xử lý nợ ở địa phương do Cục trưởng làm trưởng ban. BCĐ có trách nhiệm tham mưu, đề xuất UBND địa phương chỉ đạo triển khai thực hiện Nghị quyết và chỉ thị này; triển khai thực hiện nghiêm các chương trình, kế hoạch và hướng dẫn của BCĐ Tổng cục Thuế, bảo đảm đúng tiến độ, nội dung. Trước ngày 1/7/2020, BCĐ tại các cục thuế chỉ đạo thực hiện rà soát, phân loại nợ theo từng địa bàn, từng đối tượng, bảo đảm chính xác; lập văn bản xác nhận giữa cơ quan thuế với UBND xã về việc người nộp thuế không còn hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký.
Chỉ thị cũng yêu cầu cục thuế các địa phương trình UBND tỉnh, thành phố ban hành văn bản chỉ đạo, triển khai Nghị quyết, trong đó giao nhiệm vụ cụ thể cho các đơn vị, đảm bảo phối hợp thống nhất với cơ quan thuế trong việc lập hồ sơ, xác nhận và xử lý nợ.
P.V
Khó khăn "bủa vây" mọi lĩnh vực hoạt động của PVN, doanh thu mất hàng tỷ USD, xem xét nhập khẩu dầu giá thấp Tìm kiếm, khai thác dầu khí đến sản xuất kinh doanh xăng dầu, tiêu thụ phân ure, NPK, dịch vụ kỹ thuật dầu khí... của PVN đều đang bị ảnh hưởng. Theo TGĐ PVN đây là "một trong những thời điểm khó khăn nhất". Khai thác dầu khí tại mỏ Cá Tầm Covid-19, giá dầu sụt giảm, hạn mặn tác động tiêu cực...