Covid-19: 5 bí ẩn chúng ta vẫn chưa biết về chủng virus corona mới
Nhiều câu hỏi cấp bách về chủng virus corona mới vẫn chưa được trả lời khi các nhà khoa học cố gắng dập tắt đại dịch Covid-19, theo Politico.
1. Bệnh nhân Covid-19 có thể tái nhiễm không?
Ban đầu, nhiều người tin rằng, bệnh nhân Covid-19 đã được chữa khỏi sẽ được hưởng miễn dịch chống lại việc tái nhiễm chủng virus corona mới. Nhưng thực ra điều này có thật không?
“Bạn không thể nói rằng vì ai đó có kháng thể mà họ miễn dịch. Hiện tại, chúng tôi thực sự không có đủ bằng chứng để khẳng định việc liệu người bệnh có được miễn dịch sau khi khỏi bệnh hay không”, ông David Cavanagh thuộc Viện nghiên cứu miễn dịch và nhiễm trùng của Đại học Edinburgh cho biết.
Ngoài ra, đã có những báo cáo từ Hàn Quốc rằng, bệnh nhân Covid-19 đã được chữa khỏi có thể bị tái nhiễm virus, vì vậy các nhà khoa học đang nỗ lực xét nghiệm kháng thể để đi đến kết luận về vấn đề này.
2. Virus lây truyền như thế nào?
Một điều rõ ràng là virus corona chủng mới lây truyền từ người sang người bởi các giọt bắn do người bệnh hắt hơi hoặc ho, phát tán virus sang người khỏe mạnh.
Tuy nhiên, các đường lây truyền khác được cho là ít rõ ràng hơn. Liệu con người có thể bị nhiễm bệnh khi chạm vào các bề mặt có virus trước khi chạm vào miệng, mũi hoặc mắt của họ hay không? Nếu có, virus có thể tồn tại bao lâu trên các bề mặt khác nhau? Đây là những câu hỏi quan trọng để đánh giá các biện pháp phòng ngừa an toàn có thể làm chậm sự lây lan của virus.
“Không chắc chắn virus gây Covid-19 tồn tại trên bề mặt bao lâu. Các nghiên cứu cho thấy chúng có thể tồn tại trên các bề mặt trong vài giờ hoặc đến vài ngày”, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) viết trên trang web chính thức của họ.
3. Virus có bị ảnh hưởng bởi thời tiết không?
Tổng thống Mỹ Donald Trump từng nhiều lần đưa ra tuyên bố cho rằng khi trời nóng lên, chủng virus corona mới sẽ biến mất.
Video đang HOT
Tuy nhiên, với việc chủng virus này vẫn đang lan truyền mạnh mẽ trên khắp thế giới, đặc biệt là ở các khu vực có khí hậu “mùa hè” như Úc và Iran, niềm tin rằng, nhiệt độ ấm hơn thì virus corona sẽ biến mất hoặc giảm bớt giờ đây đang lung lay mạnh mẽ.
“Khi các quốc gia đang ở có khí hậu “mùa hè” như Úc và Iran cũng đang chứng kiến sự lây lan nhanh chóng của virus, thì không nên đưa ra giả thiết, tăng độ ẩm và nhiệt độ sẽ làm giảm các ca bệnh”, các nhà khoa học của Viện Khoa học, Kỹ thuật và Y học Quốc gia viết trong một báo cáo đầu tháng này.
4. Đối tượng dễ tử vong vì Covid-19 là ai?
Virus gây tử vong nhiều hơn ở người già và những người có tình trạng sức khỏe tiềm ẩn, nhưng chính xác lý do tại sao vẫn chưa được các nhà khoa học chỉ rõ.
Về vấn đề này, WHO viết: “Dù chúng tôi vẫn đang tìm hiểu về ảnh hưởng của Covid-19 đến mọi người ở các lứa tuổi, nhưng người già và người mắc bệnh mãn tính (như huyết áp cao, bệnh tim, bệnh phổi, ung thư hoặc tiểu đường) thường phát triển bệnh nghiêm trọng hơn những nhóm người khác”.
Tuy nhiên, đã có những báo cáo về việc các thanh thiếu niên, người trẻ khỏe, không mắc các bệnh lý mãn tính trước khi mắc Covid-19 cũng tử vong vì căn bệnh này.
Tại sao họ lại tử vong trong khi hầu hết chỉ có các triệu chứng nhẹ (hoặc không có triệu chứng của bệnh) đến nay vẫn là câu hỏi chưa có lời giải đáp.
5. Virus giết chết bệnh nhân bằng cách nào?
Tuổi già và sức khỏe yếu khiến bệnh nhân Covid-19 có nhiều nguy cơ tử vong hơn như WHO đã nêu nhưng cũng có suy đoán về các yếu tố khác.
Một số nhà khoa học tin rằng lượng virus mà một người tiếp xúc trong khi nhiễm bệnh có thể đóng vai trò lớn trong việc quyết định cá nhân đó có bị bệnh nặng hay không. Những nhà khoa học khác lại đề cập đến vấn đề di truyền có thể đóng quan trọng trong vấn đề này.
“Rất có khả năng một số người trong chúng ta có thể có một kiểu di truyền đặc biệt khiến chúng ta có khả năng phản ứng tồi tệ với chủng virus corona này”, nhà virus học Michael Skinner nói với Guardian.
Minh Nhật
7 lý do để tin tưởng thế giới sẽ kiểm soát tốt COVID-19
COVID-19 rõ ràng là đại dịch, là một vấn đề nghiêm trọng toàn cầu. Trong chưa đầy hai tháng, COVID-19 đã lan ra nhiều quốc gia, mang lại lo âu, sợ hãi cho cộng đồng quốc tế. Tuy nhiên, 7 lý do sau để chúng ta tin "Thế giới sẽ kiểm soát tốt COVID-19".
1. Biết sớm nguyên nhân và bộ gene virus gây COVID-19
Trước đây, các dịch do virus gây bệnh hô hấp phải mất nhiều thời gian để xác định nguyên nhân và tìm ra bộ gene của virus, có thể đến 1 - 2 năm.
Riêng với COVID-19, các trường hợp viêm phổi nặng đầu tiên ở Trung Quốc được báo cáo ngày 31/12/2019, nguyên nhân được xác định chỉ một tuần sau đó. Bộ gene của virus được công bố ngày 10/1/2020 chỉ sau 10 ngày. Nguyên nhân gây bệnh COVID-19 là do chủng virus corona mới từ nhóm 2B, cùng họ với SARS, được gọi là SARS-CoV-2.
Virus SARS-CoV-2
2. Ra đời "siêu nhanh" các bộ kít xét nghiệm phát hiện virus gây COVID-19.
Trong thời gian ngắn, nhiều quốc gia công bố sản xuất được bộ kít xét nghiệm phát hiện virus gây COVID-19.
Chỉ sau 2 tuần có trường hợp viêm phổi nặng đầu tiên ở Trung Quốc được báo cáo (ngày 31/12/2019), ngày 13/1/2020 đã có xét nghiệm giúp chẩn đoán xác định bệnh nhân bị COVID-19. Việc có thể xác định nhanh và sớm những trường hợp nghi nhiễm COVID-19 là "chỉ điểm" vô cùng quan trọng cho việc cách ly, điều trị và khống chế sự lây lan của dịch một cách có hiệu quả.
Nhiều quốc gia đã nhanh chóng nghiên cứu thành công và cho ra đời bộ kít xét nghiệm phát hiện virus gây COVID-19 và càng ngày càng rút ngắn thời gian cho kết quả xét nghiệm. Đây là mấu chốt quan trọng giúp phát hiện sớm, chính xác virus gây COVID-19, từ đó có các chiến lược kiểm soát tốt dịch bệnh COVID-19.
Các bộ kít xét nghiệm phát hiện virus gây COVID-19 r a đời "siêu nhanh"
3. Các kết quả nghiên cứu liên quan virus gây ra COVID-19 được công bố với tốc độ "siêu nhanh" và chia sẻ ngay cho cộng đồng quốc tế, trong thời đại 4.0
Chỉ trong vòng 2 tháng, có hàng trăm tác giả trên thế giới vào cuộc và hàng trăm bài nghiên cứu được đăng trên các tạp chí y học nổi tiếng và uy tín quốc tế. Đó là các bài nghiên cứu chẩn đoán, điều trị, theo dõi, dịch tễ học, di truyền, điều chế vaccin, kít xét nghiệm, các kinh nghiệm kiểm soát dịch... liên quan COVID-19. Nhờ thông tin được chia sẻ, nhiều quốc gia đã rút ngắn thời gianxác định nguyên nhân, xác lập nhanh phác đồ điều trị, hoàn tất nhanh việc cho ra đời các bộ kít xét nghiệm, rút ngắn thời gian cho ra đời vaccin...liên quan kiểm soát bệnh COVID-19.
4. Khoa học tìm ra nhiều cách để tiêu diệt nhanh virus gây ra COVID-19 trên các bề mặt
Virus gây ra COVID-19 có thể bị tiêu diệt hoặc làm sạch khỏi các bề mặt bằng dung dịch ethanol (cồn 62-71%), hydro peroxide (0,5% hydro peroxide) hoặc natri hypochlorite (chất tẩy 0,1%) chỉ trong một phút. Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng diệt khuẩn thông thường dưới vòi nước chảy tối thiểu 20 giây là cách hiệu quả nhất để tránh lây nhiễm cho cá nhân và cộng đồng.
5. Trong thời đại 4.0, các thông tin liên quan COVID-19 được chia sẻ như "tia chớp" bằng một cú bấm trên bàn phím hay điện thoại thông minh
Từ đầu năm 2020 đến nay, thông tin liên quan COVID-19 luôn luôn là chủ đề nóng trên tất cả phương tiện truyền thông chính thống và mạng xã hội và được chia sẻ với tốc độ chóng mặt. Cả xã hội và mọi gia đình đều luôn được cung cấp nhanh và đầy đủ các thông tin cần thiết giúp phòng, chống hiệu quả COVID-19.
Đó chính là "vũ khí" sắc bén và vô cùng lợi hại giúp mọi người chung tay kiểm soát tốt dịch bệnh.
6. Thống kê cho thấy hơn 80% ca nhiễm bệnh COVID-19 ở thể nhẹ, riêng trẻ em có tỷ lệ nhiễm COVID-19 thấp
Thống kê ở nhiều quốc gia cho thấy, 81% bệnh nhân không có triệu chứng hoặc có triệu chứng nhẹ. Chỉ 14% có thể bị viêm phổi nặng và 5% có thể nguy kịch hoặc tử vong, chủ yếu tập trung vào người già và người lớn có bệnh lý nền đi kèm (bệnh tim mạch, bệnh rối loạn chuyển hóa...). Riêng trẻ em có tỷ lệ nhiễm COVID-19 thấp.
7. Một số nước đang trên đà kiểm soát thành công COVID-19
Vũ Hán - Trung Quốc, ổ dịch lớn nhất thế giới đã được kiểm soát hiệu quả. Số trường hợp mắc COVID-19 ở Trung Quốc đều giảm rõ từng ngày.
Tại Hàn Quốc, theo dõi dịch tễ học trong các ngày qua cho thấy xu hướng giảm dần các ca bệnh mới theo ngày, làm tăng hy vọng về việc dịch bệnh tại Hàn Quốc đang chậm lại và sẽ sớm được kiểm soát.
TS.BS. Lê Thanh Hải (Giám đốc BV Bệnh Phổi Thừa Thiên-Huế)
Covid-19: Chuyện dạy, học và phạt - nhìn từ Singapore Bộ Lao động Singapore đã thông báo với lao động người nước ngoài nếu quay trở lại nước này thì phải gửi báo cáo y tế cho bộ 10 ngày trước khi nhập cảnh Vậy là bắt đầu từ thứ hai tuần sau, con trai tôi và các học sinh ở Singapore bắt đầu bước vào học kỳ II năm học 2020. Một...