COP27: Thêm hàng chục quốc gia tham gia hiệp ước cắt giảm khí methane
Ngày 17/11, Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) thông báo trên 150 quốc gia và vùng lãnh thổ đã ký hiệp ước Cam kết Methane toàn cầu nhằm giảm khí methane, tăng khoảng 50 quốc gia tham gia so với thời điểm sáng kiến này được công bố tại Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 26 Các bên tham gia công ước khung của Liên hợp quốc (COP26) ở Glasgow ( Scotland, Anh) vào năm ngoái.
Toàn cảnh Hội nghị lần thứ 27 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu ( COP27) tại Sharm el-Sheikh, Ai Cập, ngày 6/11/2022. Ảnh: THX/TTXVN
Trả lời phỏng vấn hãng tin Reuters trước thông báo trên, phó đặc phái viên Mỹ về vấn đề biến đổi khí hậu, ông Rich Duke, cho biết tính đến nay, đã có 95% quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới ký cam kết cắt giảm khí methane. Tuy nhiên, Trung Quốc và Ấn Độ, 2 quốc gia phát thải lớn, vẫn chưa tham gia hiệp ước này. Ông Duke bày tỏ hy vọng Trung Quốc sẽ ký kết hiệp ước Cam kết Methane toàn cầu trước khi diễn ra Hội nghị thượng đỉnh COP28 ở Dubai vào năm tới.
Cho đến nay, 50 trong số các nước ký hiệp ước này đã công bố các chiến lược chi tiết nhằm giảm khí methane.
Video đang HOT
Dự kiến, trong ngày 17/11, tại COP27 đang diễn ra ở thành phố Sharm el Sheikh (Ai Cập), Mỹ và EU sẽ công bố các sáng kiến khác theo Cam kết Methane toàn cầu nhằm giải quyết vấn đề phát thải trong các lĩnh vực dầu mỏ, khí đốt, nông nghiệp và chất thải. Trong số các sáng kiến này có nỗ lực nhằm giúp các nông dân sản xuất nhỏ lẻ tại Việt Nam, Kenya, Rwanda, Tanzania, Uganda, Costa Rica, Uruguay, Colombia và Pakistan giảm khí thải methane trong hệ thống chăn nuôi và sản xuất sữa bò của họ. Một chương trình khác hướng đến việc hỗ trợ 70 triệu USD cho hoạt động nghiên cứu lên men ruột – quá trình tiêu hóa trong đó một số động vật tạo ra khí đốt và nguồn khí phát thải methane lớn nhất trong ngành nông nghiệp.
Mỹ và EU cũng cho biết tổ chức phi lợi nhuận Carbon Mapper chuyên theo dõi khí methane bằng vệ tinh sẽ lập một bản đánh giá cơ bản khí thải methane toàn cầu từ các bãi chôn lấp và các bãi rác.
Cam kết cắt giảm 30% khí methane gây hiệu ứng nhà kính trong thập kỷ này được xem là một tiêu chí quan trọng trong số các nỗ lực toàn cầu nhằm duy trì mức tăng nhiệt của Trái Đất không vượt quá 1,5 độ C – ngưỡng nhiệt độ mà các nhà khoa cho khuyến nghị cần phải duy trì để tránh những tác động tiêu cực nhất do biến đổi khí hậu.
COP27: Vẫn chia rẽ về vấn đề then chốt, bất mãn với sự điều hành thiếu rõ ràng của Chủ tịch
Hội nghị COP27 dự kiến sẽ kết thúc sau 24 giờ nữa, nhưng các bên vẫn chia rẽ về một số vấn đề then chốt, đặc biệt nhiều quốc gia không hài lòng với các bước điều hành thiếu rõ ràng sau khi xem xét dự thảo văn bản do Chủ tịch COP27 đề xuất.
Toàn cảnh Hội nghị lần thứ 27 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP27) tại Sharm el-Sheikh, Ai Cập, ngày 6/11/2022. Ảnh: THX/TTXVN
Theo phóng viên TTXVN tại Cairo, Ngoại trưởng Ai Cập Sameh Shoukry ngày 17/11 kêu gọi các bên cần nỗ lực hơn nữa trong thời gian còn lại của Hội nghị lần thứ 27 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP27), đang diễn ra tại thành phố Sharm El-Sheikh, để đạt được sự đồng thuận về một cơ chế hỗ trợ thỏa đáng nhằm giúp giải quyết "tổn thất và thiệt hại" do biến đổi khí hậu gây ra.
Trong cuộc họp báo chung với Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres bên lề Hội nghị COP27 ở thành phố Sharm El-Sheikh, ông Shoukry nói rằng mặc dù hội nghị đã đạt được những tiến bộ đáng kể về một số vấn đề lớn trong những ngày qua, nhưng ở giai đoạn cuối của hội nghị, các bên vẫn có những quan điểm khác nhau trong một một số vấn đề then chốt. Ngoại trưởng Ai Cập, đồng thời là Chủ tịch COP27, cho hay vấn đề quan trọng nhất trong các vấn đề nêu trên là tăng cường hỗ trợ tài chính đầy đủ để giải quyết vấn đề "tổn thất và tiệt hại" tại các nước đang phát triển.
Ông Shoukry nói thêm: "Các kết quả đầy tham vọng về vấn đề tài chính vẫn chưa thành hiện thực và các bên đang né tránh đưa ra các quyết định chính trị khó khăn". Theo ông, các cuộc thảo luận về giảm thiểu và thích ứng cũng không đạt được kết quả như mong đợi. Ông Shoukry lưu ý: "Chương trình làm việc về giảm thiểu vẫn chưa đạt được kết quả mong muốn. Thích ứng vẫn bị cản trở bởi các vấn đề về thủ tục. Trong khi một số cuộc thảo luận đều mang tính xây dựng và tích cực, thì các cuộc thảo luận khác lại không phản ánh thiện chí cùng nhau hành động để giải quyết mức độ nghiêm trọng và cấp bách của khủng hoảng khí hậu".
Chủ tịch COP27 cho biết thêm, với nhiệm vụ và trách nhiệm của mình, ông đang tích cực làm việc để đảm bảo đạt được kết quả, đồng thời hối thúc tất cả các bên nỗ lực hơn nữa để thực hiện các bước đi cần thiết nhằm giải quyết những vấn đề nói trên.
Về phần mình, Tổng thư ký LHQ António Guterres đã kêu gọi các nhà lãnh đạo thế giới tìm ra giải pháp và đạt được thỏa thuận về vấn đề tài trợ nhằm giải quyết vấn đề "tổn thất và thiệt hại". Ông Guterres nói: "Chúng ta đang ở thời điểm đàm phán căng thẳng. Hội nghị COP27 dự kiến sẽ kết thúc sau 24 giờ nữa, nhưng các bên vẫn chia rẽ về một số vấn đề then chốt". Theo Tổng thư ký LHQ, rõ ràng là có sự rạn nứt về lòng tin giữa các nền kinh tế phát triển và các nền kinh tế mới nổi.
Những căng thẳng đã nổi lên do dự thảo văn bản dài 20 trang của Chủ tịch COP27 không đề cập đến bất kỳ bước đi hay thủ tục pháp lý nào về vấn đề tài trợ cho "tổn thất và thiệt hại" cũng như các vấn đề hành động khí hậu khác. Nhiều quốc gia tham gia COP27 bày tỏ sự không hài lòng với các bước điều hành thiếu rõ ràng sau khi xem xét dự thảo văn bản do Chủ tịch COP27 đề xuất được lưu hành vào sáng sớm 17/11.
EU cam kết tài trợ châu Phi hơn 1 tỷ USD để chống biến đổi khí hậu Theo phóng viên TTXVN tại Ai Cập, Liên minh châu Âu (EU) ngày 16/11 khẳng định sẽ dành hơn 1 tỷ USD tài trợ khí hậu để giúp các quốc gia ở châu Phi tăng cường khả năng chống chịu trước tác động ngày càng tăng của hiện tượng nóng lên toàn cầu. Cảnh khô hạn tại hô Chilwa ở khu vực Zomba,...