Công Vinh: Sau thời gian thi đấu, tôi có thể học bù và thi!
Chia sẻ với PV báo, cầu thủ Công Vinh cho biết, “việc đỗ vào trường ĐH Luật Hà Nội chỉ mới là bắt đầu. Trước đây, sau mỗi buổi thi đấu, buổi tối tôi thường đi chơi, đi uống café, thì nay tôi thay vào đó là việc học mà thôi”.
Cầu thủ Công Vinh cho rằng, sẽ học để lấy thêm một số chứng chỉ khác
Chiều 6/1, một ngày sau khi nhận được giấy thông báo trúng tuyển hệ tại chức của trường ĐH Luật Hà Nội, cầu thủ Công Vinh đã chia sẻ với Báo về kế hoạch học tập trong thời gian tới.
Không bất ngờ về kết quả thi
Một cầu thủ bóng đá, thi vào trường ĐH Luật và đạt kết quả cao thứ 3 của khóa có khiến anh bất ngờ?
Tôi không cảm thấy bất ngờ bởi tôi đã ôn thi miệt mài trong 2 tháng để tham gia kì thi này. Còn nếu nói xa xôi hơn, tôi đã phải chờ đợi trong vòng 2 năm để có khóa học này và thi vào. Sau khi làm bài xong, tôi cũng có thể tạm đoán xem mình được bao nhiêu điểm.
Video đang HOT
Công Vinh làm bài thi tại trường ĐH Luật Hà Nội
Đặc trưng nghề cầu thủ thường nay đây mai đó, anh đã lên kế hoạch học tập ra sao trong thời gian sắp tới?
Tôi đã có cuộc trao đổi với Trưởng Khoa Luật hành chính và Luật Dân sự, nếu theo học đủ và đều đặn, khoảng 4 năm tôi sẽ có bằng như tất cả mọi người. Nhưng nếu vì lý do thi đấu mà phải kéo dài, có thể 5 năm hoặc lâu hơn, tôi mới có thể tốt nghiệp.
Ngày 17/1 tới, tôi sẽ làm thủ tục nhập học ở trường. Trong thời gian đầu, tôi sẽ học tập tại Hà Nội. Nhưng có một số môn trường ĐH Luật Hà Nội có dạy ở TP Hồ Chí Minh, tôi đã trao đổi với lãnh đạo khoa để có kế hoạch chuyển các môn đó về học tại TPHCM cho thuận tiện hơn.
Liệu Nhà trường có ưu tiên “đặc cách” cho một sinh viên được theo học ở cả hai cơ sở như anh mong muốn?
Ngay trước kì thi, các giáo viên của nhà trường cũng đã rất ủng hộ tôi. Bởi ngoài việc học tập, nhiều khi tôi còn làm nhiệm vụ của đội tuyển Quốc gia và tham gia thi đấu cho câu lạc bộ nên lãnh đạo khoa cho rằng, sẽ cho phép tôi bảo lưu các môn học.
Sau thời gian thi đấu, tôi có thể học bù và thi để hoàn thành việc học như tất cả mọi người. Các thầy cô ở trường trên phương diện tạo điều kiện tối đa để tôi vừa phục vụ Tổ quốc, phục vụ cho đội bóng và sắp xếp việc học sao cho phù hợp.
Cầu thủ bóng đá thường mất sức rất nhiều sau mỗi trận đấu. Liệu anh có đảm bảo được lịch: Ban ngày thi đấu bóng đá, tối lại cắp cặp đi học?
Tôi nghĩ, không hẳn cứ cầu thủ là phải “cày” như điên. Với một cầu thủ chuyên nghiệp như chúng tôi, vào thời gian thi đấu, khối lượng tập luyện cũng không phải quá nặng so với thời gian tập huấn. Với thể lực và độ tuổi 30 hiện nay, sau khi thi đấu, ăn cơm và nghỉ ngơi độ vài tiếng, cũng không đến mức khiến cho bản thân phải quá mỏi mệt hoặc kiệt sức đến mức không thể theo được việc học.
Và thậm chí tôi nghĩ, mình có thể đủ tỉnh táo để học được luôn ngay sau khi kết thúc thi đấu và ăn cơm xong. Trước đây, sau mỗi buổi thi đấu, buổi tối tôi thường đi chơi, đi uống café, thì nay tôi thay vào đó là việc học mà thôi.
Học hoặc đọc sách là điều không bao giờ thừa
Nếu sau khi giải nghệ và có một đơn vị nào đó mời làm huấn luyện viên với mức lương hấp dẫn hơn, anh sẽ chọn theo sự học hay làm huấn luyện?
Hiện tại tôi chưa có suy nghĩ gì về điều này. Tôi đang muốn tập trung toàn bộ cho việc học. Trước mắt, tôi cố gắng thi đấu trong 2 năm nữa để kết thúc sự nghiệp một cách thành công. Sau đó, tôi quyết học để lấy tấm bằng ĐH Luật cho xong. Sau đó, đương nhiên tôi sẽ học tiếp các chứng chỉ của FiFa hoặc liên quan đến bóng đá.
Việc học thêm gì là tùy vào thực tế lúc đó nhưng thâm tâm tôi luôn nghĩ, kết thúc sự nghiệp bóng đá, tôi cần phải có kiến thức. Nếu bước ra làm bất cứ việc gì, cho dù là làm nhà nước, làm quảng cáo, hay làm marketing… đều cần phải nắm rõ luật và cân đo đong đếm sao cho không ảnh hưởng đến quyền lợi của đối tác bên kia. Vì thế, tôi đã chọn vào trường ĐH Luật.
Hiện tại anh là một cầu thủ hot trên sân cỏ, việc nhận được nhiều lời mời giao lưu hoặc thi đấu thường xuyên có khiến anh suy nghĩ đến chuyện phải gác việc học lâu dài?
Đặc trưng của việc học này là buổi tối. Vì thế, nếu thi đấu ban ngày, buổi tối tôi sẽ theo học cũng là thuận tiện cho bản thân. Kể cả lúc tôi ra tập cho đội tuyển Quốc gia tại Hà Nội, tôi sẽ lại theo học ở trường như bình thường. Đặc biệt, năm 2017 tôi cũng chính thức giã từ sự nghiệp sân cỏ nên sẽ có thời gian chuyên tâm cho việc học hơn.
Tôi nghĩ, học là một điều tốt và cần thiết. Dù mệt nhưng nếu chúng ta tiếp thu được kiến thức thì chúng ta sẽ có hành trang tốt để vào đời. Học hoặc đọc sách là điều không bao giờ thừa với mọi người cả. Không phải bây giờ mà từ trước đến nay, ở nhà tôi vẫn thường đọc sách Phật pháp, thường đọc những cuốn về quản lý nhân lực, marketing hoặc các CEO thành công trên thế giới.
Liệu học tập có phải là con đường anh bước tiếp để đỡ hụt hẫng hơn sau khi giải nghệ ?
Điều đó cũng có thể xảy ra (cười). Thực ra, trước khi chọn vào ĐH Luật, tôi đã được một người anh thân thiết, hiện đang làm trong một cơ quan nhà nước tư vấn cũng như hướng dẫn để tôi thi vào đây. Bản thân anh này trước đó cũng từng tốt nghiệp trường Luật nên định hướng cho tôi rất nhiều thứ. Và tôi ngẫm thấy anh ấy nói rất đúng, cộng với sự động viên tinh thần từ vợ, từ những người thân trong gia đình,tôi đã quyết tâm lựa chọn.
Tôi nghĩ cầu thủ Việt Nam nên học hỏi một số cầu thủ nước ngoài. Ngoài việc đá bóng, các cầu thủ chuyên nghiệp ở nước ngoài đều có một tấm bằng ĐH nào đó, đặc biệt là các cầu thủ ngoại hạng Anh. Cầu thủ Việt Nam cũng cần có một bước tiến như thế.
Tôi nghĩ, không hẳn cứ đá bóng xong thì giải nghệ là làm huấn luyện viên. Cầu thủ cần phải có hành trang khác để có bước tiến nhằm đỡ hụt hẫng hơn sau khi chúng ta nghỉ đá bóng. Tôi nghĩ, thế hệ cầu thủ bây giờ hoặc thế hệ sau nữa, cần biết phấn đấu trong việc học để ngoài điều kiện “có”, phải kèm theo cả điều kiện “đủ” để có hành trang tốt. Để nhiều người thấy được, nghề bóng đá là một nghề rất hữu ích và sau này phụ huynh sẽ đồng tình cho con cái đi theo nghiệp đó.
Trân trọng cám ơn anh !
Theo VNE