Công ty nước sạch sông Đà gian dối: Ông Tốn phải chịu trách nhiệm pháp lý?
Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho biết, Viwasupco biết ngay từ đầu nhưng giấu giếm, lấy clo để át mùi dầu thải. Thậm chí, khi có kết quả quan trắc chất lượng nước không đạt yêu cầu, công ty này vẫn có biểu hiện gian dối. Vậy với hành vi gian dối trên, ông Tốn, TGĐ Viwasupco có phải chịu trách nhiệm?
Khi đề cập đến sự cố xả thải đầu độc nước sông Đà cách đây gần 1 tháng tại phiên họp Thường trực HĐND thành phố Hà Nội sáng 4/11, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, Công ty Cổ phần đầu tư nước sạch Sông Đà biết ngay từ đầu nhưng giấu giếm, lấy clo để át mùi dầu thải và nghĩ rằng clo có thể xử lý được tạp chất này. Thậm chí, khi có kết quả quan trắc chất lượng nước không đạt yêu cầu, công ty này vẫn có biểu hiện gian dối.
“Đến sáng 15/10, khi thành phố nhận kết quả từ Bộ Y tế và công khai ngay chiều 15/10 thì công ty vẫn chưa chịu thừa nhận. Trực tiếp tôi và Phó chủ tịch Nguyễn Thế Hùng phải gọi điện cho lãnh đạo cao nhất của công ty, những cổ đông chính của họ, thì lúc đó họ mới thừa nhận việc phát hiện nhiễm dầu”, Chủ tịch UBND Hà Nội nhấn mạnh.
Dư luận đặt câu hỏi, với việc gian dối trên, ông Nguyễn Văn Tốn, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần đầu tư nước sạch Sông Đà và các cá nhân liên quan sẽ phải chịu trách nhiệm pháp lý gì?
Dầu thải đổ ở khu vực thượng nguồn gần nhà máy nước sông Đà.
Trao đổi với PV Kiến Thức, luật sư Hoàng Tùng – Trưởng Văn phòng Luật sư Trung Hòa (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho rằng, nếu có hành vi gian dối, giấu diếm sự việc như lời Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung nói ở trên, ông Nguyễn Văn Tốn, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần đầu tư nước sạch Sông Đà có dấu hiệu nghi vấn đồng phạm với hành vi gây ô nhiễm môi trường.
“Bởi bản thân ông Tốn và một số cá nhân tại công ty này biết nước bị ô nhiễm vẫn cố tình xử lý, xả cấp cho một khu vực rộng lớn với khối lượng lớn phát tán nước bẩn ra môi trường trực tiếp thì có dấu hiệu vi phạm quy định tại điều 235 Bộ luật hình sự tội Gây ô nhiễm môi trường hoặc khoản 2 điều 198 Bộ luật hình sự về tội lừa dối khách hàng” – luật sư Hoàng Tùng cho biết.
Theo luật sư Hoàng Tùng, khách hàng của Công ty Cổ phần đầu tư nước sạch Sông Đà là các đơn vị bán nước sạch cấp dưới rồi các đơn vị này lại bán lại cho các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình.
“Cụ thể điều 198 Bộ luật hình sự quy định: “Người nào trong việc bán hàng hóa, dịch vụ hoặc dùng thủ đoạn gian dối khác” mà có tổ chức; dùng thủ đoạn xảo quyệt; thu lời bất chính trên 50 triệu đồng thì bị phạt tiền từ 100 đến 500 triệu đồng hoặc phạt tù từ 01 đến 5 năm, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 đến 5 năm” – luật sư Tùng cho biết.
Theo luật sư Hoàng Tùng phân tích, hành vi của ông Tốn với lỗi cố ý và điều hành hoạt động của cả một đơn vị, tổ chức là công ty Viwasupco. Do vậy, chắc chắn hành vi này còn có nhiều người cùng tham gia bàn bạc điều hành, thực hiện chi tiết cụ thể… tức có đồng phạm. Trong đó, vai trò của ông Tốn là chủ yếu quan trọng nhất.
“Nếu khởi tố vụ án, khởi tố bị can với hành vi “Lừa đối khách hàng” theo quy định tại điều 198 Bộ luật hình sự nêu trên thì sẽ xác định được đồng bị hại là các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình có hợp đồng mua nước với Viwasupco trực tiếp hoặc đơn vị cấp 2 mua của Viwasupco để gián tiếp bồi thường cho các đồng bị hại theo thiệt hại thực tế tổng hợp số liệu chứng minh được theo quy định pháp luật” – luật sư Hoàng Tùng cho biết.
Video đang HOT
Theo luật sư Hoàng Tùng, việc lãnh đạo Viwasupco biết trong nước chứa dầu nhưng vẫn bán cho người dân là hành vi thiếu trách nhiệm gây ra hậu quả nghiêm trọng. Tuy nhiên, để xác định có vi phạm tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” theo Điều 360 Bộ luật Hình sự thì phải căn cứ vào việc xác định thiệt hại cụ thể mới có thể khởi tố được.
“Có thể sau này khi xác định được số tiền thiệt hại cụ thể thì cơ quan tố tụng có thể thay đổi khởi tố, truy tố, xét xử tội thiếu trách nhiệm. Bởi trong hình sự phải lượng chi tiết con số chứ không phải khoảng bao nhiêu được, tức định lượng không phải định tính” – luật sư Hoàng Tùng cho biết.
Mới đây, Sở TN&MT TP Hà Nội vừa có văn bản số 9863/BC/STNMT báo cáo UBND TP Hà Nội về việc xả nước súc rửa bể trung gian ra môi trường của Công ty cổ phần đầu tư nước sạch sông Đà.
Báo cáo nêu rõ, bể chứa trung gian của Công ty cổ phần đầu tư nước sạch sông Đà tại thôn Dục, xã Yên Bình (huyện Thạch Thất) gồm 2 bể chứa số 1 và 2 (dung tích 30.000 m3/bể) để chứa nước sạch được dẫn chảy tự nhiên từ Nhà máy nước sạch sông Đà.
Ngày 9/10/2019 khi phát hiện sự cố có váng dầu vào nước, Công ty cổ phần đầu tư nước sạch sông Đà đã ngừng cấp nước vào bể trung gian.
Đến ngày 18/10/2019, sau khi có kết quả quan trắc, đánh giá chất lượng nước của tất cả các trạm của công ty do Viện Sức khỏe nghề nghiệp và môi trường – Bộ Y tế lấy mẫu, công ty đã cho xả kiệt bể số 2 của bể chứa nước trung gian và tiến hành súc rửa 2 bể trung gian để lấy nước sạch vào bể theo chỉ đạo của UBND TP Hà Nội. Việc súc rửa bể này, công ty không sử dụng hóa chất, chỉ sử dụng công nhân cọ rửa cơ học.
Công ty cổ phần đầu tư nước sạch sông Đà tiến hành quá trình súc rửa, xả nước súc rửa từ bể chứa trung gian ra môi trường là suối Đồng Bãi, thôn Dục, xã Yên Bình, huyện Thạch Thất, Hà Nội.
Trước và trong quá trình súc rửa bể chứa nước trung gian, Công ty cổ phần đầu tư nước sạch sông Đà không thông báo đến nhân dân, chính quyền địa phương (UBND xã Yên Bình, UBND huyện Thạch Thất); không xuất trình được quy trình súc rửa và xả thải nước ra môi trường. Công ty chưa xuất trình được hồ sơ thiết kế bể chứa trung gian, hồ sơ về công tác chấp hành các quy định của pháp luật bảo vệ môi trường và giấy phép xả thải. Công ty không thực hiện phân tích chất lượng nước súc xả vệ sinh bể chứa trung gian trước khi xả ra môi trường.
Xét báo cáo của Sở TN&MT, ngày 1/11 vừa qua, UBND TP Hà Nội có văn bản số 10416/VP-ĐT yêu cầu Công ty cổ phần đầu tư nước sạch sông Đà nghiêm túc thực hiện công tác quản lý, vận hành của bể chứa trung gian theo đúng quy định, đảm bảo an ninh trật tự, vệ sinh môi trường.
Trước khi xả thải, công ty phải có thông báo gửi chính quyền địa phương biết và giám sát, tránh gây hoang mang cho dư luận, nhân dân trong khu vực. Chất lượng nước xả thải phải đạt tiêu chuẩn môi trường cho phép.
UBND thành phố đề nghị đơn vị nghiên cứu, thay đổi phương án xả thải; không xả thải ra suối Đồng Bãi, thôn Dục, xã Yên Bình, huyện Thạch Thất. Căn cứ kết quả phân tích các mẫu nước xả thải tại phòng thí nghiệm, nếu các thông số ô nhiễm vượt tiêu chuẩn, UBND thành phố giao UBND huyện Thạch Thất lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính theo đúng quy định.
Tâm Đức
Theo kienthuc
Viwasupco chưa xin lỗi, than là nạn nhân lớn: Thiếu trách nhiệm?
Viwasupco với tư cách là người bán hàng mà có thái độ ứng xử như thời gian vừa qua là có lỗi với khách hàng.
Vụ nước sông Đà nhiễm dầu đang gây xôn xao dư luận không chỉ bởi thông tin bắt được hai nghi can liên quan vụ đổ dầu thải vào nguồn nước mà con xôn xao bởi cách ứng xử của phía Công ty cổ phần Đầu tư nước sạch sông Đà (Công ty Viwasupco) từ khi xảy ra sự việc đến nay.
Nói về cách ứng xử này, ngày 18/10, trao đổi với báo Đất Việt, bà Bùi Thị An, nguyên ĐBQH TP Hà Nội khóa XIII cho rằng, đối với trách nhiệm người bán hàng khi phát hiện nguồn nước cung cấp cho người dân sử dụng bị nhiễm dầu thải thì trước hết phải ngừng cung cấp nước và thông báo tới toàn bộ khách hàng đang sử dụng đồng thời lấy mẫu đi phân tích.
"Số lượng người dân dùng nước của Công ty Viwasupco lên đến hàng vạn người nên phía công ty ứng xử như thời gian qua là không đúng tư cách của người bán hàng. Người bán hàng mà thiếu trách nhiệm như vậy là có lỗi với khách hàng.
Đáng ra, khi sự việc đã xảy ra như này, khách hàng đang thiếu nước sử dụng thì Công ty Viwasupco phải tự liên hệ với các công ty nước sạch khác để cung cấp nước tạm thời cho người dân trong thời gian chờ đợi, khắc phục lại hệ thống lọc nước.
Nước là một nhu cầu thiết yếu của cuộc sống, Công ty Viwasupco ứng xử như vậy làm ảnh hưởng sức khỏe của người dân, chưa kể các bệnh viện nếu sử dụng nguồn nước của Công ty Viwasupco sẽ còn nguy hại ngay đến tính mạng của người bệnh. Chưa hiểu Viwasupco vì lý do gì mà lại ứng xử như thế, tư cách người bán hàng như vậy là có vấn đề", bà An chia sẻ thêm.
Nước từ khe suối này sẽ chảy vào kênh dẫn nước của nhà máy nước sạch Sông Đà - đơn vị cung cấp nước sạch cho các hộ dân ở Hà Nội. Ảnh: NLĐ
Còn về phát ngôn Công ty Viwasupco là nạn nhân lớn nhất trong việc này, bà An cho rằng, việc phát ngôn như vậy là quyền của họ. Việc đúng hay sai đã có cơ quan chức năng vào cuộc.
Trong khi đó, cùng ngày, ông Lê Như Tiến, ĐBQH khóa XII-XIII, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho rằng, phía Công ty Viwasupco nói như vậy là chưa chuẩn vì Công ty nhận nguồn nước ở đâu thì phải thẩm định nguồn nước ở đó xem có đảm bảo an toàn để cung cấp cho người dân hay không, đủ tiêu chuẩn lấy nước vào không.
"Có hai tiêu chuẩn là tiêu chuẩn quốc gia và tiêu chuẩn quốc tế. Phải khẳng định rằng, có đủ tiêu chuẩn quốc gia nhưng cao hơn vẫn phải đảm bảo tiêu chuẩn quốc tế với tất cả các hàm lượng và tinh chất của nước. Việc Công ty Viwasupco nói mình là nạn nhân lớn nhất của việc này là đổ lỗi cho người nhận nước, chối bỏ trách nhiệm. Đổ cho người khác như vậy là không được", ông Tiến nói.
Cũng theo ông Tiến, việc Công ty Viwasupco cung cấp nước nhiễm dầu khiến rất người dân của các quận, huyện ở Hà Nội không thể ăn uống được là đang gây hại không chỉ một thế hệ mà nhiều thế hệ.
"Tôi đã biết, cơ quan chức năng bắt được hai nghi can liên quan đến việc đổ chất thải vào sông Đà và còn đang tiếp tục truy cứu tiếp.
Sau khi xảy ra sự việc, phía Công ty Viwasupco, mới đây, đã thông báo nguồn nước đã sử dụng được nhưng chỉ để tắm giặt, còn ăn uống thì khuyến cáo chưa nên dùng. Vậy thì xin hỏi, vòi nước nào được tắm giặt, vòi nước nào được ăn uống?
Bởi vậy qua việc này tôi cũng đề nghị phải bổ sung thêm luật an ninh nguồn nước vì chỉ cần một kẻ phá hoại là có thể hại nhiều thế hệ người Việt Nam", ông Lê Như Tiến nhấn mạnh.
Trong một diễn biến mới liên quan đến sự việc, chiều ngày 18/10, Công an tỉnh Hòa Bình xác nhận đã tạm giữ khẩn cấp 2 nghi can liên quan đến vụ đổ dầu thải vào nguồn nước sông Đà gây chấn động dư luận trong hơn một tuần qua.
Hai đối tượng đã bị bắt giữ tên Nguyễn Chương Đại (quê ở Bắc Ninh) và Hoàng Văn Thám (quê ở tỉnh Lạng Sơn).
Trước đó, chiều 17/10, UBND tỉnh Hòa Bình cho biết Cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện Kỳ Sơn đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự về tội gây ô nhiễm môi trường.
Cơ quan chức năng xác định vụ đổ dầu thải tràn từ mặt đường xuống khe suối Trầm, theo suối Trầm dẫn vào hồ Đầm Bài - khu vực trữ nguồn nước đầu vào cho nhà máy tại huyện Kỳ Sơn, tỉnh Hòa Bình tiếp tục chảy vào nguồn nước qua hệ thống xử lý nước của nhà máy.
Nguồn nước sau đó chảy vào hệ thống phân phối đến người dân ở các vùng thuộc quận Hà Đông, Hoàng Mai, Thanh Xuân của thủ đô Hà Nội.
Hiện ở một số vị trí trên con suối, nước vẫn còn có dầu. Ảnh: NLĐ
Tuy chưa có thống kê chính thức, ước lượng có khoảng 1,4 triệu dân thủ đô Hà Nội bị ảnh hưởng sau vụ đổ dầu thải vào nguồn nước Nhà máy sông Đà.
Kết quả xét nghiệm cho thấy theo quy chuẩn Việt Nam 01:2009 của Bộ Y tế ban hành về chất lượng nước ăn uống, hàm lượng styren trong nước đã cao hơn mức quy định tối đa 20g/l từ 1,3-3,65 lần.
Công ty nước sạch Sông Đà (Viwasupco) đã tạm dừng cấp nước trong hai ngày 15 và 16/10 để xử lý bước đầu, và vừa cung cấp nước trở lại cho khu vực tây nam Hà Nội vào tối 16/10.
Thanh Giang
Theo baodatviet
Từ sự cố nước sạch sông Đà: Dầu thải mua bao nhiêu cũng có Hàng trăm lít dầu nhớt thải được các đội quân thu mua từ những cửa hàng sửa chữa xe máy, ô tô cho vào thùng phuy, tập kết ngay cổng làng Yên Lũng, An Khánh, Hoài Đức (Hà Nội), gây ô nhiễm môi trường, tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ. Dầu thải tại các cửa hàng sửa chữa xe máy, ô tô được...