Công ty Mỹ quyết tâm đưa người lên sao Hỏa trong 39 ngày
Với công nghệ tên lửa tiên tiến nhất hiện nay, một công ty tại Mỹ hy vọng rằng họ có thể đưa người lên sao Hỏa trong gần 6 tuần.
NASA hy vọng tên lửa Vasimr sẽ tạo nên sự đột phá trong mục tiêu đưa người lên sao Hỏa. Ảnh: tgdaily.com
Ad Astra Rocket – một công ty tại thành phố Webster, bang Texas, Mỹ – vừa ký hợp đồng với Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) để chế tạo một loại tên lửa đẩy có khả năng tạo nên cuộc cách mạng trong hoạt động thám hiểm vũ trụ, RT đưa tin.
Franklin Chang-Diaz, giám đốc điều hành công ty, từng là phi hành gia. Ông đã tham gia 7 chuyến bay của tàu con thoi Mỹ. Công ty gọi loại tên lửa mới là Vasimr.
Video đang HOT
“Vasimr không giống bất kỳ loại hỏa tiễn nào mà các bạn biết. Nó là tên lửa plasma, không tham gia quá trình phóng tàu mà chỉ phục vụ những phi thuyền trên vũ trụ”, Franklin phát biểu trong một video quảng cáo sản phẩm.
Tên lửa Vasimr hoạt động bằng cách đốt nóng plasma – hỗn hợp khí mang điện tích – tới mức nhiệt độ rất cao nhờ sóng radio. Sau đó các trường điện từ mạnh đưa luồng plasma ra khỏi động cơ, tạo ra lực đẩy khiến tên lửa di chuyển. Với công nghệ mới, Franklin hy vọng tên lửa Vasimr sẽ đưa tàu vũ trụ tới sao Hỏa trong 39 ngày.
Plasma là trạng thái thứ tư của vật chất (các trạng thái khác là rắn, lỏng, khí), trong đó vật chất bị ion hóa mạnh khiến đa số phân tử hay nguyên tử chỉ còn lại hạt nhân. Các electron trong plasma chuyển động tương đối tự do giữa các hạt nhân. Plasma không phổ biến trên địa cầu, song 99% vật chất mà chúng ta có thể thấy trong vũ trụ tồn tại dưới dạng plasma. Vì thế, trong 4 trạng thái vật chất, giới khoa học coi plasma là dạng đầu tiên của vũ trụ.
Các quan chức NASA đánh giá cao công nghệ động cơ tên lửa plasma nên quyết định tài trợ cho Ad Astra Rocket để họ tiếp tục phát triển công nghệ. Bản hợp đồng là một phần trong mục tiêu tìm kiếm 12 công nghệ phục vụ hoạt động thám hiểm vũ trụ trong tương lai của NASA.
“Mối quan hệ hợp tác với NASA sẽ đưa giúp chúng tôi đưa tên lửa Vasimr tới gần mục tiêu phục vụ chuyến bay vũ trụ”, tuyên bố của công ty nêu rõ.
Trong vòng 3 năm tới, NASA sẽ trao cho công ty 10 triệu USD để chế tạo hoàn chỉnh phiên bản thử nghiệm của động cơ tên lửa Vasimr. Nếu phiên bản thử nghiệm có khả năng hoạt động liên tục trong hơn 100 giờ, NASA sẽ xem xét khả năng đưa tên lửa vào các chuyến bay tới sao Hỏa trong tương lai.
Theo Tri Thức
NASA và Boeing chế tạo tên lửa lớn nhất thế giới
Cơ quan vũ trụ Mỹ (NASA) đã ký hợp đồng trị giá 2,8 tỷ USD với tập đoàn Boeing để phát triển tên lửa khổng lồ giúp đưa con người lên Mặt Trăng và mở đường cho sứ mệnh đưa con người tới sao Hỏa.
"Các nhóm của chúng tôi đã nỗ lực hết sức để đảm bảo tên lửa lớn nhất từ trước tới nay, Space Launch System (SLS), sẽ được chế tạo an toàn, đảm bảo chất lượng và đúng thời gian", Virginia Barnes, giám đốc chương trình SLS của tập toàn Boeing, cho biết. "Chúng tôi rất tâm huyết với sứ mệnh khám phá không gian xa của NASA."
Dự án phát triển tên lửa SLS là một dấu mốc quan trọng trong phát triển thiết bị phóng tàu vũ trụ có người lái tới những địa điểm xa trong không gian. Năm 1961, Mỹ đã phát triển tên lửa đẩy Saturn V để đưa phi hành gia lên Mặt Trăng.
Ảnh mô phỏng tên lửa SLS của NASA
Tên lửa SLS được thiết kế linh hoạt và theo hướng mở để đáp ứng yêu cầu khác nhau của sứ mệnh chở hàng hay phi hành gia. Cuộc thử nghiệm đầu tiên dự kiến sẽ diễn ra vào năm 2017. Nếu thành công, tên lửa sẽ được sử dụng để đưa các phi hành gia lên Trạm không gian quốc tế (ISS) và giúp con người khám phá những vị trí xa hơn trong Hệ Mặt trời.
Trong lần thử nghiệm đầu tiên, tên lửa SLS dự kiến mang theo khoảng 77 tấn hàng hóa lên quỹ đạo thấp của Trái đất. Lượng hàng hóa này nặng gấp 3 lần lượng hàng hóa mà tàu con thoi có thể mang theo. Sau đó, SLS sẽ được cấu hình để có thể vận chuyển được 143 tấn hàng hóa.
"Trong khi nhiều người nghĩ rằng SLS chỉ phục vụ cho các sứ mệnh khám phá không gian của con người, tên lửa này có thể ứng dụng trong nhiều lĩnh vực khác, bao gồm cả khoa học không gian", Steve Creech, phó giám đốc chương trình SLS, cho biết.
Theo Khampha