Công ty cổ phần Bán lẻ Kỹ thuật số FPT (FRT): Cổ đông chờ kế hoạch “đảo ngược dòng tiền”
Ngày 20/3 tới, Công ty cổ phần Bán lẻ Kỹ thuật số FPT (FRT) sẽ tổ chức họp Đại hội đồng cổ đông. Một trong các nội dung được cổ đông chờ đợi là giải pháp nào để FRT cải thiện tình trạng dòng tiền hoạt động kinh doanh chính năm 2018 âm 1.387 tỷ đồng, năm 2019 âm 879 tỷ đồng.
Ảnh Internet
FRT hoạt động giống mô hình của Công ty cổ phần Đầu tư Thế giới Di động (MWG), chuyên mảng bán lẻ.
Doanh nghiệp đang vận hành 3 chuỗi: FPT Shop – bán lẻ các sản phẩm gồm điện thoại di động, máy tính bảng, laptop, phụ kiện…, với thị phần thứ hai; Long Châu – hệ thống nhà thuốc kinh doanh dược phẩm, dụng cụ y khoa…; F.Sudio By FPT – hệ thống cửa hàng được uỷ quyền chính thức của Apple tại Việt Nam, kinh doanh sản phẩm Apple.
Năm 2019, FRT đạt doanh thu 16.634 tỷ đồng, tăng 8,73%; lợi nhuận sau thuế 204 tỷ đồng, giảm 41,44% so với năm 2018; hoàn thành 93,98% kế hoạch doanh thu và 48,72% kế hoạch lợi nhuận.
Đáng lưu ý, dòng tiền hoạt động kinh doanh chính của FRT tiếp tục âm, năm 2019 âm 879 tỷ đồng, năm 2018 trước đó âm 1.387 tỷ đồng; doanh nghiệp phải huy động vốn từ bên ngoài để tài trợ, đặc biệt là vốn vay.
Kết quả kinh doanh của FRT (Đơn vị: triệu đồng).
Cuối năm 2019, FRT có 3.698 tỷ đồng nợ vay ngắn hạn, chiếm 56,1% tổng nguồn vốn, trong khi tỷ lệ nợ vay ngắn hạn cuối năm 2017 là 30,3% tổng nguồn vốn.
Nguồn vốn huy động tăng thêm của doanh nghiệp các năm qua chủ yếu chảy vào tồn kho, nếu như năm 2017 tồn kho chiếm 44,5% tổng tài sản thì tới năm 2019 lên tới 51% tổng tài sản, tương ứng 3.383,5 tỷ đồng.
Video đang HOT
Bên cạnh đó, khoản phải thu là 1.178,4 tỷ đồng, chiếm 18% tổng tài sản.
Theo nhiều đánh giá, ngành bán lẻ điện thoại có dấu hiệu bão hoà, điều này được cả MWG và FRT thừa nhận.
Theo đó, hai doanh nghiệp đi tìm động lực tăng trưởng mới, MWG hướng tới Điện máy xanh và Bách hoá xanh, còn FRT hướng tới Nhà thuốc Long Châu.
Tính tới tháng 11/2019, FRT có 593 cửa hàng FPT Shop và gần 80 cửa hàng thuốc Long Châu.
Ngoài ra, FRT có chiến lược bán thêm đồng hồ, tương tự như MWG đã làm trước đó, hiện doanh nghiệp có 5 cửa hàng bán đồng hồ ở TP.HCM theo mô hình Shop-in-shop.
Cổ phiếu FRT sau giai đoạn giảm mạnh từ vùng giá quanh 80.000 đồng/cổ phiếu (giá đã điều chỉnh) khi lên sàn chứng khoán tháng 4/2018 xuống dưới 17.000 đồng/cổ phiếu vào đầu tháng 2/2020 đã bật lên trên 22.000 đồng/cổ phiếu trong những phiên gần đây.
Được biết, giá trị sổ sách của FRT tính tới 31/12/2019 là 16.234 đồng/cổ phiếu, mức P/E hiện tại là hơn 7 lần.
Đợt hồi phục của cổ phiếu FRT vừa qua tới từ lực cầu của nhà đầu tư trong nước, trong khi khối ngoại tiếp tục xu hướng bán ròng, tháng 1 bán ròng 1 triệu cổ phiếu, tháng 2 bán ròng gần 2 triệu cổ phiếu (năm 2019 bán ròng 615.560 cổ phiếu).
Thực tế, FRT hiện chưa cho thấy dấu hiệu khởi sắc trong hoạt động kinh doanh. Doanh nghiệp công bố điểm sáng trong năm 2019 là kinh doanh phụ kiện và SIM, với mức tăng trưởng lần lượt 29% và 67%, mà không đề cập đến các mảng chính là bán lẻ điện thoại, dược phẩm.
Nếu như sắp tới, FRT không có chiến lược/kế hoạch hiệu quả giúp cải thiện biên lợi nhuận, gia tăng dòng tiền, thì chi phí tài chính tiếp tục là gánh nặng lớn.
Chi phí tài chính năm 2017 là 82 tỷ đồng, năm 2018 là 100,6 tỷ đồng, năm 2019 là 150,8 tỷ đồng.
Thậm chí, nếu không huy động được thêm vốn để tài trợ cho thâm hụt vốn, thì doanh nghiệp sẽ gặp vấn đề về thanh khoản, về dòng tiền lưu động phục vụ hoạt động kinh doanh.
Theo Tinnhanhchungkhoan.vn
Công ty CP Sametel: Mất cửa dự thầu do không trung thực
Trải qua năm 2019 với kết quả kinh doanh không thuận lợi khi doanh thu sụt giảm một nửa so với năm 2018, ngay trong đầu năm 2020, Công ty CP Sametel đã bị cấm tham gia dự thầu các gói thầu do Công ty Điện lực An Phú Đông làm chủ đầu tư bởi hành vi gian lận.
Năm 2019, quy mô trúng thầu của Công ty CP Sametel đạt hơn 55 tỷ đồng, tăng so với mức 29 tỷ đồng năm 2018
Bất ngờ báo lỗ
Thành lập vào ngày 20/10/2006, Công ty CP Sametel (tên cũ là Công ty CP Vật liệu điện và Viễn thông Sam Cường) được cổ phần hóa từ Xí nghiệp Vật liệu viễn thông - đơn vị thuộc Công ty CP Cáp và Vật liệu viễn thông (SACOM). Công ty hiện có vốn điều lệ khoảng 54 tỷ đồng, hoạt động chính trong lĩnh vực sản xuất và thương mại thiết bị, vật tư cho ngành viễn thông và điện.
Theo Báo cáo tài chính quý IV/2019, Công ty đạt 230,8 tỷ đồng doanh thu trong năm 2019, bằng một nửa so với năm 2018. Tương ứng với sụt giảm doanh thu, lợi nhuận gộp của Công ty cũng chỉ bằng một nửa so với con số của năm 2018, đạt 41,4 tỷ đồng.
Hoạt động tài chính của Công ty gần như không có sự biến động. Cụ thể, doanh thu tài chính ở mức 0,04 tỷ đồng, trong khi chi phí tài chính vẫn được giữ ở mức 4,4 tỷ đồng.
Đáng chú ý, sau khi trừ đi chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp, lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh chính của Công ty âm 8,7 tỷ đồng. Đây là lần đầu tiên Công ty báo lỗ trong 10 năm trở lại đây. Trong giai đoạn 2016 - 2018, Công ty luôn duy trì doanh thu bán hàng trên 300 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế bình quân ở mức 12,6 tỷ đồng.
Tại thời điểm cuối năm 2019, tổng tài sản của Công ty đạt 213,5 tỷ đồng. Trong đó, phần lớn tài sản tập trung ở hàng tồn kho (87 tỷ đồng) và các khoản phải thu ngắn hạn (87 tỷ đồng). Ở phía bên kia bảng cân đối kế toán, nợ phải trả chiếm 65% tổng tài sản.
Gia tăng quy mô trúng thầu
Công ty CP Sametel là một trong các nhà thầu tham gia dự Gói thầu 15-20 Thùng bảo vệ máy cắt các loại (quy mô 0,396 tỷ đồng) và Gói thầu 10-20 Máy cắt các loại (quy mô 3,56 tỷ đồng) thuộc Dự án Mua sắm, kế hoạch lựa chọn nhà thầu các gói thầu thuộc kế hoạch mua sắm vật tư thiết bị năm 2020 do Công ty Điện lực An Phú Đông làm chủ đầu tư.
Trong quá trình tham gia đấu thầu, Sametel cung cấp các tài liệu về việc vận hành thành công cho các vật tư thuộc Hợp đồng số 87/HĐKT-TTHPC-VT ngày 27/1/2016 với Công ty Điện lực Thừa Thiên Huế. Tuy nhiên, sau khi xác minh, Chủ đầu tư cho biết, Sametel đã cung cấp tài liệu không trung thực. Đây là hành vi vi phạm Điểm C Khoản 4 Điều 89 Luật Đấu thầu. Do đó, Sametel bị cấm tham gia dự thầu các gói thầu do Điện lực An Phú Đông làm chủ đầu tư trong vòng 3 năm, kể từ tháng 2/2020.
Được biết, bên cạnh các khách hàng lớn hoạt động trong lĩnh vực công nghệ, viễn thông như FPT, Viettel và VNPT, một lượng lớn sản phẩm của Sametel được cung cấp tới các thành viên của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) thông qua hoạt động đấu thầu.
Theo dữ liệu của Báo Đấu thầu, trong giai đoạn 2017 - 2019, Công ty được công bố trúng tổng cộng 87 gói thầu mua sắm thiết bị ngành điện, với tổng giá trúng thầu khoảng 143 tỷ đồng.
Đáng chú ý, dù doanh thu bán hàng giảm mạnh, nhưng quy mô trúng thầu trong năm 2019 của Công ty tăng đáng kể, từ mức 29 tỷ đồng năm 2018 lên hơn 55 tỷ đồng.
Trong đó, gói thầu lớn nhất mà Công ty được công bố trúng trong năm 2019 là Gói thầu số 2-2019 Tủ phân phối hạ thế các loại thuộc Dự án Kế hoạch khai thác vật tư thiết bị năm 2019 do Ban Quản lý dự án lưới điện phân phối TP.HCM làm chủ đầu tư. Giá trúng thầu là 27,3 tỷ đồng, đạt tỷ lệ tiết kiệm 3%. Tham gia gói thầu này với Công ty còn có "ông lớn" trong ngành cung cấp thiết bị điện - Công ty CP Đầu tư EPT.
Kể từ đầu năm 2020 đến nay, Công ty được công bố trúng 5 gói thầu với quy mô chỉ khoảng 9 tỷ đồng.
Thế Anh
Theo baodauthau.vn
Trước giờ giao dịch 21/2: Ngân hàng tích lũy chặt là dấu hiệu tốt Ngòi nổ tại nhóm Ngân hàng (VCB) sẽ có thêm thời gian tích lũy chặt chẽ hơn nhờ sự hồi phục kịp thời của VIC hôm qua Ảnh minh họa. Quốc tế Chỉ số Dow Jones giảm hơn 128 điểm sau nhịp bán tháo bất ngờ trong phiên, khoảng 0,4% về mức 29.219,98 điểm. Chỉ số SP500 giảm 0,4% về mức 3.373,23 điểm....