Công ty chứng khoán thời cạnh tranh khốc liệt
Thanh khoản thị trường 9 tháng đầu năm 2019 giảm 35% so với cùng kỳ, các công ty chứng khoán ( CTCK) thuộc Top 10 thị phần môi giới chứng kiến sự sụt giảm chóng mặt về lợi nhuận và cuộc cạnh tranh khốc liệt đang diễn ra.
Chín tháng qua, ngay cả các công ty đầu ngành cũng có kết quả kinh doanh suy giảm. Chẳng hạn, CTCK SSI có doanh thu hoạt động giảm 17%, lợi nhuận sau thuế giảm 39%. SSI vừa xin ý kiến Đại hội đồng cổ đông về việc điều chỉnh mục tiêu lợi nhuận trước thuế năm nay về mức 1.100 tỷ đồng (giảm 35,3% so với kế hoạch), tăng vốn điều lệ lên 6.009 tỷ đồng. CTCK HSC có doanh thu hoạt động giảm 41%, lợi nhuận sau thuế giảm 49%…
Có thể nói, các CTCK đã “ngấm đòn” từ quy định tại Thông tư 128/2018/TT-BTC của Bộ Tài chính về việc gỡ bỏ sàn phí môi giới và thị trường đang có rất nhiều yếu tố bất lợi cho ngành bên cạnh những yếu tố về vĩ mô tích cực.
Cách đây 2 năm, câu chuyện vẫn là Top 10 công ty với những cái tên quen thuộc nắm giữ 70% thị phần môi giới.
Nhưng có lẽ diễn biến trong 2 năm tới sẽ có nhiều sự khác biệt bên cạnh việc ra đời của thị trường chứng khoán phái sinh, sự cập nhật về công nghệ, sự cạnh tranh của các CTCK ngoại, đặc biệt tới từ Hàn Quốc với nguồn vốn lớn, chi phí rẻ, kinh nghiệm từ các thị trường quốc tế như Mirae Asset, Yuanta, Chứng khoán KB, KIS, Shinhan.
Vừa qua, dư nợ cho vay giao dịch ký quỹ (margin) của Mirae Asset đã vượt qua SSI và dẫn đầu thị trường.
Sự đào thải và biến động nhân sự ở các CTCK cũng đang rất cao, một số không thể thích nghi được với sản phẩm phái sinh mới, một số khác “chuyền cành” sang các CTCK ngoại có mức phí hoa hồng cao ngất ngưởng, lên tới 70 – 80%.
Có thể nói, ngành chứng khoán đang rơi vào một cuộc cạnh tranh về giá đúng nghĩa. Khi cạnh tranh về giá diễn ra thì thương hiệu và chất lượng vẫn là 2 nhân tố quan trọng nhất mà các công ty cần tập trung để cải thiện, lại là 2 vấn đề thiên về mặt định tính và không rõ ràng trong bối cảnh thị trường còn sơ khai.
Theo quan điểm của một số nhà đầu tư lâu năm, thương hiệu mạnh của một CTCK đi kèm với mạng lưới, quy trình hiệu quả và nguồn lực đáp ứng các nhu cầu của nhà đầu tư. Về chất lượng, thể hiện qua việc tư vấn và đồng hành cùng khách hàng, căn bản nằm ở chất lượng của đội ngũ tư vấn.
Quan điểm của cá nhân người viết cho rằng, các CTCK cần giải một bài toán lớn hơn thương hiệu và chất lượng tư vấn, đó là hiệu quả sinh lời thực sự cho nhà đầu tư.
Ở một thị trường sơ khai, nơi niềm tin của các cá nhân vào ý kiến tư vấn còn rất thấp thì nguồn vốn của một CTCK lại đang đem lại lợi thế cạnh tranh cho những công ty này.
Video đang HOT
Chẳng hạn, khối CTCK ngoại có nguồn giá rẻ từ tập đoàn mẹ hoặc vay USD với lãi suất rất thấp.
Trong bối cảnh vĩ mô Việt Nam ổn định, dự trữ ngoại hối dồi dào, Chính phủ có thể can thiệp nhằm giữ tỷ giá ổn định để duy trì xuất khẩu, giữ đà tăng trưởng GDP thì chênh lệch từ lãi suất cho vay mang lại đối với nhóm CTCK này sẽ cao hơn phần bị mất giá của VND so với ngoại tệ. Từ đó, tạo tiền đề cho các hoạt động khác như môi giới và ngân hàng đầu tư (IB).
Mirae Asset đã chính thức vượt SSI để trở thành CTCK có vốn điều lệ lớn nhất ở mức 5.500 tỷ đồng.
Từng nêu quan điểm của mình về lợi thế cạnh tranh, Chủ tịch SSI nêu ý kiến đánh mạnh vào chất lượng dịch vụ nhưng “đôi lúc” cũng phải đồng hành cùng với khách hàng cho thấy sự khắc nghiệt của việc cạnh tranh và thời điểm đó đang rơi vào chính lúc này.
Khái niệm lợi thế cạnh tranh dường như đang “mông lung” và bị đảo ngược lại với bối cảnh thị trường không thuận lợi trong 2 năm qua.
Cụ thể là trước đó, các CTCK có thương hiệu lớn và được công nhận là có chất lượng dịch vụ tốt thường có mức phí giao dịch, lãi cho vay rất cao, khi thị trường diễn biến theo xu hướng đi lên, lợi nhuận nhóm này tăng rất mạnh, các CTCK nhỏ kể cả các công ty ngoại thường “lẹt đẹt” theo sau, mặc dù họ vẫn có nguồn vốn giá rẻ.
Câu chuyện cho thấy “tiền không thành vấn đề”, nhưng hiện tại “rất nhiều tiền lại đang là vấn đề”, đặc biệt cùng 1 đồng tiền nhưng giá rẻ hơn.
Thị trường đi ngang hoặc đi xuống, “chất lượng tư vấn” lại không thể hiện sự khác biệt giữa các CTCK, khi những nhà giao dịch chán nản và rút bớt tiền, hướng tới việc tự ra quyết định thì chi phí phải trả sẽ là yếu tố họ “để mắt” tới đầu tiên.
Với lãi suất cho vay chỉ khoảng 8-9%/năm so với 13-14%/năm thì chênh lệnh này cũng rất đáng để các nhà giao dịch liên tục thay đổi quyết định. Kết quả này đang thể hiện rất rõ là lợi nhuận của nhóm CTCK ngoại gia tăng mạnh mẽ khi thị trường không thuận lợi trong 2 năm vừa rồi.
Chiến lược của các CTCK rất đơn giản với nguồn vốn mạnh, đẩy mạnh cho vay ký quỹ, chấp nhận “lỗ chiến lược” mảng môi giới để hút nhân sự tiềm năng. Câu chuyện này có thể ví tương tự như Grab, Uber lấy đi thị phần của taxi truyền thống, họ sẵn sàng “đốt tiền” để giành được thị phần, người sử dụng (users) để tích hợp thêm các nền tảng công nghệ khác tạo thành một hệ sinh thái.
Nhưng điểm khác biệt là các CTCK ngoại không lỗ, mà đã có lời ngay từ chênh lệch cho vay, mảng này sẽ nuôi sống toàn bộ công ty.
Tuy nhiên, tất cả quá trình phát triển nhanh đều đem lại hệ quả từ nợ xấu do việc quản trị rủi ro không tốt, vấn đề là nếu họ chấp nhận luôn các yếu tố này là tất yếu của quá trình chiếm lĩnh thị trường, chấp nhận đốt thêm rất nhiều tiền nữa song song với việc hoàn thiện các mảng kinh doanh, thì bức tranh về ngành sẽ rất khác. Hiện các CTCK nội có quy mô nhỏ đang rất khó khăn, kể cả hội đồng quản trị, ban giám đốc đều phải nhảy vào và đi “bán hàng”.
Trong khi miếng bánh chưa kịp nở ra thì cạnh tranh lại được đẩy lên cao, số lượng tài khoản chứng khoán cá nhân tăng nhưng không có con số thống kê chính thống, vì một cá nhân có thể mở nhiều tài khoản.
Thực ra, các CTCK nội có lợi thế rất lớn là những thành viên tham gia tạo lập và xây dựng thị trường từ những viên gạch đầu tiên, họ rất am hiểu thị trường, việc cần làm hiện tại là có một chiến lược kinh doanh đúng đắn cho dài hạn.
Các CTCK đa phần sử dụng 2 công cụ để thu hút nhà đầu tư là giá rẻ, dồi dào, hoặc tổ chức các buổi hội thảo về cơ hội đầu tư để thu hút. Người thực hiện chủ yếu là các nhân sự trong bộ phận phân tích, môi giới và đa phần là hướng tới khách hàng cá nhân.
Tuy nhiên, với lượng khách hàng doanh nghiệp sẵn có từ quá trình tư vấn cổ phần hóa, niêm yết nhưng chưa tận dụng được, các CTCK nên tư duy toàn chuỗi giá trị, xây dựng sớm một hệ sinh thái từ B2B tới B2C, phục vụ tất cả các nhu cầu. Kiếm được và khai thác được một khách hàng B2B là khó, nhưng đây sẽ là hướng đi bền vững hơn việc đưa các chính sách giá để cạnh tranh, hoặc “tra tấn” khách hàng bằng các cuộc điện thoại ngày đêm hay spam email.
Số lượng doanh nghiệp Việt còn khá ít so với các nước trong khu vực, bên cạnh quá trình cổ phần hóa bị ách tắc, khó khăn cũng là những cơ hội lớn cho những CTCK tập trung khai thác được.
Cũng cần chú ý, nguồn vốn cho bộ phận tự doanh phải được quản lý chặt chẽ và hiệu quả hơn, đây cũng là những khoản đầu tư sinh lời rất lớn cho CTCK nếu có những cơ hội thực sự tốt.
Cuối cùng, theo xu thế của thế giới, những ngành dịch vụ như chứng khoán sẽ ngày càng hướng tới việc cắt giảm hơn nữa phí giao dịch, tối ưu công nghệ và tập trung vào các nguồn thu khác, nhà đầu tư sẽ là người được hưởng lợi.
Nhưng cuối cùng, người đầu tư vào thị trường sẽ hướng tới hiệu quả sinh lời thực trên danh mục của họ qua thời gian, không chỉ nghĩ tới việc gia tăng giá trị cho khách hàng bằng cách cắt giảm chi phí, mà cần tư duy làm sao gia tăng tài sản cho khách hàng bằng việc kiếm tiền từ đầu tư trong dài hạn.
Quản trị công ty tốt cần đi kèm một chiến lược kinh doanh đúng đắn để tối ưu hóa giá trị cho cổ đông.
Theo Tinnhanhchungkhoan.vn
Vì sao dòng vốn Hàn Quốc đang đổ mạnh vào thị trường Việt Nam?
Các CTCK vốn Hàn Quốc đang tạo áp lực cạnh tranh lên các CTCK nội từ chất lượng dịch vụ, số lượng chi nhánh đến khả năng cấp margin.
Thống kê trên thị trường chứng khoán, số lượng công ty chứng khoán (CTCK) Hàn Quốc tại Việt Nam hiện đang là 6 công ty bao gồm Chứng khoán Mirae Asset, Chứng khoán KIS, Chứng khoán HFT, Chứng khoán KB Việt Nam, Chứng khoán Shinhan Việt Nam (tiền thân là Chứng khoán Nam An), Chứng khoán NH (tiền thân chứng khoán Woori CBV).
Mới đây, Chứng khoán Mirae Asset đã công bố kế hoạch tăng vốn điều lệ từ 4.300 tỷ đồng lên 5.455,5 tỷ đồng, trở thành công ty chứng khoán có vốn điều lệ lớn nhất Việt Nam sau khi được công ty mẹ rót thêm 1.155,5 tỷ đồng. Hiện SSI đang là công ty chứng khoán có vốn điều lệ lớn nhất Việt Nam, nhưng "ngôi vị" này sẽ được thay thế khi Uỷ ban Chứng khoán chấp thuận tăng vốn điều lệ cho Mirae Asset trong tháng 10 này.
Ngoài Mirae Asset, trong top 10 CTCK có vốn điều lệ lớn nhất Việt Nam còn có sự góp mặt của KIS, KBSV với vốn điều lệ lần lượt là 1.897 tỷ đồng và 1.675 tỷ đồng.
Số vốn điều lệ của KBSV là kết quả của đợt tăng vốn liên tục trong giai đoạn cuối 2018, đầu 2019 sau khi mua lại Chứng khoán Maritime.
Sự hiện diện của các CTCK vốn Hàn Quốc đã tạo ra áp lực cạnh cạnh tranh lớn đối với các CTCK nội từ chất lượng dịch vụ, số lượng chi nhánh, đặc biệt là khả năng cung cấp nguồn vốn cho vay (margin).
Số liệu cuối quý II/2019 cho thấy, dư nợ cho vay margin của Mirae Asset đã lên đến 5.000 tỷ đồng, trong khi dư nợ cho vay của SSI khoảng 6.300 tỷ đồng. Các CTCK Hàn Quốc khác như KIS, KBSV cũng đều có dư nợ cho vay lên tới hơn 2.000 tỷ đồng, bám sát các tên tuổi trong nước như HSC, VND, MBS...
Vậy điều gì khiến dòng vốn từ xứ sở Kim Chi tìm đến Việt Nam và liên tục gia tăng trong thời gian vừa qua?
Thứ nhất có thể kể đến việc Việt Nam đang là một trong những điểm sáng về kinh tế trong khu vực và trên thế giới với tăng trưởng GDP khởi sắc trong năm 2018, tăng trưởng kinh tế đạt mức 7,08% - cao nhất trong 11 năm. GDP 9 tháng đầu năm 2019 tăng 6,98% so với cùng kỳ năm trước, thể hiện đà tăng trưởng của kinh tế Việt Nam, đi ngược với xu hướng chung đã và đang ám ảnh trên toàn cầu.
TTCK Việt Nam mặc dù còn trẻ, nhưng đã đạt tốc độ phát triển tương đối nhanh. Vốn hóa thị trường cổ phiếu đã tăng gần 17 lần trong vòng 10 năm qua từ mức 22,7% GDP năm 2006 lên mức 78,5% GDP tính đến cuối tháng 6 năm 2019. Tính đến hết quý II/2019, mức vốn hóa thị trường đạt trên 189 tỷ USD, tăng 9,8% so với cuối năm 2018, tương đương 78,5% GDP.
Thứ hai, về phía Hàn Quốc, Hàn Quốc xác định Việt Nam là đối tác ưu tiên hàng đầu trong chính sách hướng nam mới, Chính phủ Hàn Quốc ưu tiên thúc đẩy mối quan hệ hợp tác toàn diện với Việt Nam, đưa Việt Nam trở thành trung tâm kết nối với Đông Nam Á, châu Âu, châu Mỹ. Do đó, trong đầu tư, vốn của Hàn Quốc cũng đổ vào Việt Nam khá mạnh từ vốn đầu tư trực tiếp đến vốn đầu tư gián tiếp thông qua các thương vụ góp vốn, mua cổ phần doanh nghiệp hay gia tăng vốn góp vào các CTCK Việt Nam.
Thứ ba, việc đồng KRW của Hàn Quốc mất giá 8,2% so với USD có thể cũng là nguyên nhân khiến dòng tiền từ Hàn Quốc tìm đến các thị trường khác trú ẩn trong đó có Việt Nam, thị trường có tính ổn định cao.
Bên cạnh đó, lãi suất cơ bản tại Hàn Quốc khá thấp, khoảng 1,5% trong khi đó, lãi suất tại tại Việt Nam hấp dẫn hơn nhiều. Lãi suất gửi ngân hàng hiện xoay quanh 8%/năm, lãi suất cho vay margin tại các CTCK dao động từ 12 - 14%/năm. Đây là yếu tố góp phần khiến dòng vốn Hàn Quốc đổ mạnh vào Việt Nam, đặc biệt trong lĩnh vực chứng khoán...
NGUYỄN THẢO
Theo Bizlive.vn
'Chốt' tăng vốn điều lệ lên trên 6.000 tỷ, SSI chặn cửa soán ngôi của 'đại gia gốc Hàn' Mirae Asset Sau khi hoàn tất các thủ tục phát hành cổ phiếu để trả cổ tức tỷ lệ 16%, SSI sẽ tăng vốn điều lệ lên trên 6.009 tỷ đồng. Như vậy, dù Mirae Asset có nhận được lượng vốn "khủng" từ công ty mẹ ở Hàn Quốc, giúp tăng vốn điều lệ lên 5.455 tỷ đồng, cũng không đủ để soán "ngôi vương"...