Công ty chứng khoán huy động vốn từ khách hàng: Rủi ro tiềm ẩn
Giới chuyên gia nhận định việc công ty chứng khoán huy động nguồn nhàn rỗi của nhà đầu tư thông qua “Hợp đồng hợp tác đầu tư” với lãi suất cao hơn ngân hàng tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Giới chuyên gia nhận định việc công ty chứng khoán huy động nguồn nhàn rỗi của nhà đầu tư thông qua “Hợp đồng hợp tác đầu tư” với lãi suất cao hơn ngân hàng tiềm ẩn nhiều rủi ro.. Ảnh minh họa: BNEWS/TTXVN
Thị trường chứng khoán sôi động khiến nhu cầu tín dụng cho lĩnh vực này tăng cao. Để đáp ứng nhu cầu vốn, nhiều công ty chứng khoán đã huy động nguồn nhàn rỗi của nhà đầu tư thông qua “Hợp đồng hợp tác đầu tư” với lãi suất cao hơn ngân hàng. Dù vậy, giới chuyên gia cho rằng, hình thức này tiềm ẩn nhiều rủi ro cho cả doanh nghiệp chứng khoán và nhà đầu tư.
Rủi ro mất vốn
Không chỉ có lãi suất cao, các công ty chứng khoán cũng đưa ra nhiều kỳ hạn cho nhà đầu tư dễ dàng tham gia, thậm chí kỳ hạn 1 tuần cũng có mức lãi suất tương đối hấp dẫn, từ 2 – 3%/năm. Trong khi đó, các ngân hàng thường chỉ áp dụng mức lãi suất dưới 0,3%/năm cho kỳ hạn ngắn ngày này.
Theo Phó Chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI), ông Nguyễn Hoàng Hải, thị trường chứng khoán đi lên suốt từ đầu tháng 4/2020 đến nay và VN- Index đã chạm lại mốc điểm lịch sử, thanh khoản tăng đột biến khiến sàn HOSE liên tiếp nghẽn lệnh. Nhu cầu tín dụng cho thị trường chứng khoán cũng tăng cao và việc sử dụng đòn bẩy tài chính được khuyến khích.
Theo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, tính tới thời điểm cuối tháng 12/2020, vốn chủ sở hữu của các công ty chứng khoán là 87.000 tỷ đồng. Trong khi đó, tính đến ngày 31/12, tổng dư nợ cho vay ký quỹ (margin) của các công ty chứng khoán là gần 81.000 tỷ đồng. Trong khi đó, theo quy định, công ty chứng khoán không được cho vay quá 2 lần vốn chủ.
Ông Phạm Hồng Sơn, Phó Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho rằng, dư nợ margin năm 2020 tăng là do thanh khoản của thị trường tăng. Theo đó, tính tới cuối năm 2020, dư nợ margin toàn thị trường đã tăng 58,6%, trong khi thanh khoản của thị trường tăng 59,3%.
Ông Nguyễn Hoàng Hải, Phó Chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) cho rằng, việc sử dụng đòn bẩy tài chính nếu thực hiện theo phương thức “bơm vốn” của các công ty chứng khoán hay từ các ngân hàng thương mại sẽ không có gì đáng nói, nhưng nếu thực hiện theo hình thức “Hợp đồng hợp tác đầu tư” sẽ gây ra những rủi ro cho cả công ty chứng khoán và nhà đầu tư cho công ty chứng khoán vay tiền.
Nếu thị trường đi lên thì bên đi vay và bên cho vay đều đạt được mục đích, nhưng trường hợp thị trường đi xuống, công ty chứng khoán làm ăn thua lỗ, hoặc có vấn đề gì đó khiến công ty chứng khoán mất vốn; trong đó có cả tiền của nhà đầu tư. Công ty chứng khoán không có khả năng trả nợ, các nhà đầu tư cho công ty chứng khoán vay sẽ mất tiền. Điều này khác với việc nhà đầu tư gửi tiền ở ngân hàng được bảo hiểm tiền gửi 100%.
Vì vậy, ông Hải khuyến nghị nhà đầu tư thận trọng trong việc cho công ty chứng khoán vay, lựa chọn công ty chứng khoán có khả năng quản lý tốt, tiềm lực tài chính mạnh, hoặc chỉ gửi tiền trong ngắn hạn. Trường hợp không thẩm định được năng lực tài chính, quản trị của công ty chứng khoán thì tốt nhất là gửi ngân hàng.
“Tôi nghĩ là nhà đầu tư có thể để tiền nhàn rỗi ở một ngân hàng, lúc nào cần giải ngân thì lại gửi vào vì giờ có tiết kiệm điện tử, như vậy sẽ an toàn hơn”, ông Hải nói.
Theo ông Hải, việc các công ty chứng khoán sử dụng “Hợp đồng hợp tác đầu tư” để huy động vốn tạm thời nhàn rỗi của nhà đầu tư, thực hiện cho nhà đầu tư khác vay lại, hưởng chênh lệnh lãi suất về bản chất là việc đi vay và cho vay lại. Đây thực chất là việc huy động vốn của các công ty chứng khoán.
Việc thị trường chứng khoán “bùng nổ”, giao dịch sôi động và thanh khoản mỗi phiên khớp lệnh 15.000 – 20.000 tỷ đồng, khiến nhu cầu nguồn vốn tín dụng cho chứng khoán cũng tăng lên. Các công ty chứng khoán phải huy động nguồn vốn từ nhiều nguồn khác nhau; trong đó có nguồn vay từ ngân hàng để bổ sung nguồn vốn cho thị trường.
Công ty chứng khoán huy động vốn từ nhà đầu tư và trả lãi cao hơn so với mức lãi mà nhà đầu tư gửi ngân hàng nhận được. Điều này giúp doanh nghiệp chứng khoán có thể huy động được vốn rẻ hơn so với mức vay ngân hàng.
Hiện nay việc sử dụng “Hợp đồng hợp tác đầu tư” để huy động vốn ngày càng phổ biến vì những các quy định về cho vay đối với chứng khoán của Ngân hàng Nhà nước là rất chặt chẽ.
Video đang HOT
Tại buổi gặp mặt báo chí đầu năm 2021, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Trần Văn Dũng cho biết, tỷ trọng vốn cho vay chứng khoán chỉ chiếm rất nhỏ trong tổng giá trị tín dụng của hệ thống ngân hàng, khoảng 0,3%. Tỷ lệ nợ xấu đối với cho vay chứng khoán cũng rất nhỏ.
Trong điều kiện cạnh tranh, việc tìm kiếm nguồn để trợ vốn cho nhà đầu tư quay lại giao dịch trở thành “dịch vụ” trọng điểm của doanh nghiệp chứng khoán.
Tuy nhiên, các công ty chứng khoán cho vay nhiều sẽ gây ra những rủi ro lớn, đặc biệt khi mặt bằng giá chứng khoán cao thì rủi ro ngày càng lớn. Thực tế cho thấy, nhiều năm nay câu chuyện nhà đầu tư thua lỗ vì sử dụng đòn bẩy tài chính là rất nhiều.
Giải pháp tăng vốn sở hữu
Theo Công ty cổ phần Chứng khoán SSI (SSI), dư nợ cho vay margin (giao dịch ký quỹ) sẽ tiếp tục tăng trong năm 2021, do thanh khoản cải thiện và tỷ lệ thâm nhập thị trường gia tăng.
Quan trọng hơn, các công ty chứng khoán đang đẩy mạnh tham gia vào thị trường tín dụng, mở rộng tín dụng cho các công ty dưới hình thức trái phiếu doanh nghiệp, hoặc cho vay margin, với các điều khoản linh hoạt hơn so với tín dụng ngân hàng.
So với cho vay margin truyền thống, các công ty chứng khoán còn nhiều cơ hội để mở rộng các khoản vay kinh doanh cho doanh nghiệp trên quy mô rộng hơn nhiều.
Các công ty chứng khoán đang đẩy mạnh tham gia vào thị trường tín dụng. Ảnh minh họa: BNEWS/TTXVN
Theo ông Nguyễn Duy Định, chuyên viên chăm sóc khách hàng cao cấp Công ty cổ phần Chứng khoán MB – MBS, hiện tại nhu cầu sử dụng margin của nhà đầu tư là nhiều, nhưng nhiều công ty chứng khoán có vốn chủ sở hữu thấp nên họ không thể đối ứng tài sản có để mở rộng nguồn vay cho nhà đầu tư. Vì vậy, các công ty chứng khoán đang có kế hoạch nâng vốn chủ sở hữu một cách nhanh chóng để nâng giới hạn margin được phép cho vay.
Mới đây, Công ty cổ phần Chứng khoán VNDirect ( mã chứng khoán: VND) đã thông qua phương án tăng vốn điều lệ lên gấp đôi bằng việc phát hành cổ phần cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 1:1 (cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu được mua thêm 1 cổ phiếu mới).
Mục đích sử dụng vốn của công ty là mở rộng cho khách hàng vay ký quỹ, kinh doanh nguồn trên thị trường vốn, bảo lãnh phát hành trái phiếu, phát hành và phân phối chứng quyền có bảo đảm, bổ sung vốn cho các hoạt động kinh doanh. Nếu tăng vốn thành công, vốn điều lệ của doanh nghiệp sẽ tăng lên hơn 4.400 tỷ đồng.
Trước đó, Công ty cổ phần Chứng khoán HSC (mã chứng khoán: HCM) lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản về việc phát hành cổ phiếu cho cổ đông hữu hữu để tăng vốn theo tỷ lệ 2:1 (cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu được mua thêm 1 cổ phiếu mới). Giá phát hành của công ty là 14.000 đồng/cổ phiếu. Công ty dự kiến sử dụng 2.135 tỷ đồng huy động được để cho vay ký quỹ (1.495 tỷ đồng), bổ sung vốn cho hoạt động bảo lãnh phát hành (427 tỷ đồng) và vốn cho tự doanh (213,3 tỷ đồng).
Tiếp đến, Công ty Chứng khoán Đà Nẵng (mã chứng khoán: DSC) cũng mới lên phương án chào bán cổ phiếu riêng lẻ cho nhà đầu tư chiến lược để nâng vốn điều lệ tăng từ 60 tỷ lên 1.000 tỷ đồng.
Một doanh nghiệp khác là Công ty Chứng khoán Đại Nam cũng có kế hoạch tăng vốn điều lệ từ 160 tỷ đồng lên 1.000 tỷ đồng. Hai phương thức được công ty này áp dụng là phát hành 16 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu theo tỷ lệ phát hành 1:1 với giá 10.000 đồng/cổ phiếu và bán cổ phần cho cổ đông hiện hữu theo tỷ lệ 1:2,75 hoặc chào bán riêng lẻ không quá 100 nhà đầu tư.
Mục đích tăng vốn của Công ty Chứng khoán Đại Nam là cho vay margin, tham gia thị trường chứng khoán phái sinh, kinh doanh chứng khoán phái sinh và các hoạt động khác.
Thực tế, trong bối cảnh thị trường chứng khoán tăng trưởng mạnh, các doanh nghiệp chứng khoán cũng đạt kết quả kinh doanh rất “ấn tượng”. Đặc biệt là khi dòng tiền vẫn chảy mạnh vào thị trường chứng khoán thì đây vẫn sẽ là cơ hội để các công ty chứng khoán tận dụng thời cơ để tăng vốn.
Thị trường chứng khoán luôn luôn thay đổi và doanh nghiệp chứng khoán cũng thay đổi để đáp ứng thị trường. Giới chuyên gia nhận định, giải pháp bền vững đáp ứng nhu cầu vốn cho thị trường chứng khoán vẫn là tăng cường vốn tự có của chính công ty chứng khoán./.
Nhiều câu hỏi khó cho giải pháp "chuyển ngược" sàn để chống nghẽn lệnh
Việc "chuyển ngược" sàn một số chứng khoán từ HSX sang HNX hoặc "ký gửi" giao dịch được coi là giải pháp tạm thời để chống nghẽn lệnh. Tuy nhiên vẫn có quá nhiều vấn đề chưa rõ ràng...
Giải pháp tạm thời để chống nghẽn lệnh trên HSX là chuyển bớt một số mã cổ phiếu sang HNX
Một số mã chứng khoán đang niêm yết trên Sở Giao dịch Chứng khoán Tp.Hồ Chí Minh (HSX) có thể sẽ được chuyển sang giao dịch trên hệ thống của Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX).
Đây là giải pháp "tình thế" nhằm khắc phục tình trạng quá tải, nghẽn lệnh khá thường xuyên trên HSX từ cuối năm 2020 trở lại đây, đang được HNX tổ chức khảo sát lấy ý kiến từ công ty chứng khoán thành viên.
"MƯỢN" HỆ THỐNG CỦA HNX: GIẢI PHÁP TÌNH THẾ
Việc thanh khoản tăng quá nóng trong thời gian gần đây với nhiều phiên đạt trên 15.000 tỷ đồng cộng với làn sóng nhà đầu tư F0 gia nhập thị trường đã dẫn đến hiện tượng thị trường thường xuyên "nghẽn lệnh".
Nhiều giải pháp chống "nghẽn" ngắn hạn cho thị trường chứng khoán đã được các chuyên gia đề xuất. Chẳng hạn như: Nâng lô giao dịch từ 100 cổ phiếu, chứng chỉ quỹ lên 1.000 cổ phiếu, chứng chỉ quỹ; Nâng bước giá giao dịch sàn HSX lên 100 đồng; Chuyển một số doanh nghiệp niêm yết từ HSX về HNX...
Và việc chuyển các mã cổ phiếu từ HSX về HNX đang được HNX thực hiện lấy ý kiến các công ty chứng khoán thành viên, dự kiến sẽ hoàn thành trước 01/03/2021.
Theo đó, ý kiến mà HNX muốn khảo sát các công ty chứng khoán là: thời gian công ty chứng khoán cần để thực hiện chỉnh sửa hệ thống phần mềm tại các công ty chứng khoán nhằm đáp ứng trường hợp chuyển một số chứng khoán hiện đang giao dịch trên HSX sang giao dịch trên HNX.
Các mã cổ phiếu "bị" buộc "chuyển ngược" sàn này sẽ được giao dịch tại một Bảng mới trên hệ thống của HNX, nhưng vẫn giữ nguyên các quy định giao dịch như của HSX (biên độ, kết cấu phiên, bước giá...). Tuy nhiên, tại hệ thống của Trung tâm lưu ký (VSD), các mã này có thể được đổi định danh thành chứng khoán thuộc HNX hoặc giữ nguyên là thuộc HSX.
Theo ý kiến của một số nhà đầu tư, về bản chất, các mã cổ phiếu này giống như đi ở tạm nhà trên sàn HNX trong thời gian chờ đợi hệ thống giao dịch của HSX được nâng cấp, để phù hợp với thanh khoản thị trường đã tăng vọt lên 4 - 5 lần so với giai đoạn trước.
Hiện hệ thống của HSX chỉ xử lý được tối đa khoảng 900.000 lệnh/phiên, và đã được đưa vào vận hành hơn 20 năm. Từ cuối năm 2020, khi thanh khoản thị trường tăng vọt lên trên 10.000 tỷ đồng/phiên, cộng với lượng tài khoản mới được mở liên tục đạt kỷ lục, hệ thống giao dịch của HSX liên tục bị nghẽn. Bảng điện tử không hiển thị trạng thái giao dịch kịp thời, ảnh hưởng không nhỏ tới giao dịch cũng như tâm lý đầu tư. Hệ thống giao dịch mới đang được nghiên cứu, và sớm nhất đưa vào vận hành cuối năm 2021 hoặc đầu năm 2022. Do đó, giải pháp tình thế hiện nay trong khi chờ hệ thống mới là "mượn tạm nhà" ở HNX cho cổ phiếu của HSX.
CỔ PHIẾU NÀO SẼ BỊ "CHUYỂN NGƯỢC" SÀN?
Vẫn chưa có tiêu chí cụ thể về các cổ phiếu sẽ phải "chuyển sàn". Tuy nhiên, một số doanh nghiệp cho rằng việc khảo sát chỉ cho có yếu tố khách quan, và khả năng các cổ phiếu "trà đá" (dưới mệnh giá) sẽ được "ưu tiên" chọn lựa để tạm dời nhà từ HSX sang HNX.
Một số các thành viên thị trường cho rằng, đây là giải pháp tốt nhất trong bối cảnh hiện nay, khi mà hệ thống giao dịch mới để đáp ứng dung lượng lớn hơn của thị trường còn phải mất nhiều tháng nữa mới có thể đưa vào hoạt động. Giải pháp này thuần túy mang tính chất kỹ thuật nhằm tận dụng tải trọng của hệ thống HNX, nhằm gánh bớt tình trạng quá tải trên HSX.
Tuy nhiên, cũng có công ty chứng khoán cho rằng giải pháp này mang tính "ép buộc" hơi cao. Theo văn bản lấy ý kiến, HNX sẽ lập một Bảng riêng cho các mã cổ phiếu từ HSX chuyển sang, như vậy việc chuyển sàn này có thể hiểu chỉ là tạm thời, doanh nghiệp đang niêm yết trên HSX thì vẫn là thuộc HSX, cũng tức là biến động giá của những cổ phiếu đó vẫn tính vào VN-Index. Nói thẳng ra là "cổ phiếu trên HSX sẽ đi ở tạm nhà của HNX"
Ngoài ra, HNX chỉ khảo sát ý kiến các công ty chứng khoán, thậm chí thu hẹp trong phạm vi "làm được hay không", mà không hỏi ý kiến các công ty niêm yết, cho thấy rõ ràng họ đang tính đến biện pháp kỹ thuật đặc thù và hơi "cưỡng ép". Tương tự với công ty chứng khoán, các công ty này chỉ có thể trả lời "Yes" or "No" và nhiều khả năng là phải trả lời "Yes".
Về câu hỏi khảo sát "thời gian công ty chứng khoán cần để thực hiện chỉnh sửa hệ thống phần mềm...", lãnh đạo một số công ty chứng khoán cho rằng sẽ phải mất 6 - 8 tuần để chỉnh sửa hệ thống giao dịch, sau khi phương án "di cư" chờ hệ thống mới được cơ quan quản lý thông qua. Các công ty chứng khoán sẽ phải làm việc với nhà cung cấp hệ thống, và sẽ tốn một khoản chi phí không nhỏ.
Tuy nhiên, phía các công ty chứng khoán cho rằng, nếu tốn kém và giúp thị trường giao dịch thông suốt thì vẫn đáng làm.
Dưới góc độ nhà đầu tư tổ chức, đại diện một công ty quản lý quỹ lớn trên thị trường cho rằng, việc sắp xếp lại cổ phiếu sẽ "dễ dàng" hơn cho nhà đầu tư, khi mà thị trường có sự phân hóa rõ ràng: các cổ phiếu niêm yết trên HSX là những cổ phiếu đáp ứng chuẩn giao dịch cao hơn; trong khi các cổ phiếu nhỏ được niêm yết trên HNX và UPCoM. Việc sắp xếp này cũng phù hợp với định hướng sát nhập các Sở Giao dịch Chứng khoán thành một Sở Giao dịch trong tương lai.
CÓ GÌ BẢO ĐẢM HỆ THỐNG THÔNG SUỐT?
Việc "chuyển ngược" cổ phiếu từ sàn HSX sang HNX, hay tạm gọi dân dã là "mượn tạm" nhà HNX để ở được cho là giải pháp tạm thời để chống "nghẽn lệnh". Tuy vậy, câu hỏi đặt ra là hệ thống của HNX có sẵn sàng cho việc "ký gửi" này hay không.
Một công ty chứng khoán đặt vấn đề: Liệu việc chuyển một số cổ phiếu từ HSX sang HNX có thật sự giải quyết được tình trạng nghẽn hệ thống giao dịch? Việc "chuyển sàn" như vậy sẽ dẫn tới hệ thống của HNX tăng tải, và liệu có tình trạnh quá tải và "đơ" như ở HSX có tái diễn tại HNX hay không? Liệu HNX có dám cam kết rằng hệ thống server của họ sẽ không bị "đơ"? Nếu gặp tình trạng "đơ", liệu có tình trạng chuyển sàn tiếp qua UPCoM hay không?
Thêm nữa, việc chuyển sàn về lý, đòi hỏi phải có sự đồng thuận từ cả công ty niêm yết, trong khi hiện tại HNX mới khảo sát ý kiến công ty chứng khoán. Nếu công ty niêm yết không đồng ý chuyển sàn thì sao?
Chưa kể, khi niêm yết trên HSX, doanh nghiệp và nhà đầu tư cũng gửi gắm rất nhiều kỳ vọng. Nay bị "ép" chuyển ngược thì giá trị kỳ vọng, ai sẽ bù đắp cho doanh nghiệp và nhà đầu tư? Và tiêu chí nào cho các cổ phiếu bị chuyển sàn? Liệu có công bằng cho các doanh nghiệp niêm yết?
Lãnh đạo một công ty chứng khoán khác cũng nêu câu hỏi: Trường hợp chỉ có một công ty chứng khoán báo cáo rằng hệ thống/phần mềm của họ sẽ gặp vấn đề, thì việc chuyển sàn có thực hiện được hay không? Nếu công ty chứng khoán đó bị thiệt hại, ai chịu trách nhiệm? Chuyển bao nhiêu mã cổ phiếu từ HSX sang HNX thì mới thực sự giảm tải cho HSX?
Giả sử hệ thống của HSX vẫn trục trặc trong khi HNX thông suốt, các mã của HSX trên HNX vẫn được khớp, thì khi đó VN-Index sẽ được xác định như thế nào? Liệu có công bằng cho các nhà đầu tư? Nếu hệ thống của HNX cũng nghẽn thì sao?
Và tại sao không nhân lúc này, giữa HSX và HNX "tái cơ cấu hàng loạt" công ty niêm yết, để trên HSX chỉ gồm các công ty lớn, còn HNX đảm nhiệm giao dịch các công ty nhỏ hơn. Như thế việc chuyển sàn trở thành thực chất luôn chứ không phải đi "ở tạm" nhà như hiện tại.
Nhân vụ "chuyển ngược" sàn, một công ty chứng khoán cũng nêu: HSX và HNX nên xem xét lại các quy định về cơ chế giao dịch, cụ thể tại sao không đồng nhất các quy định về biên độ giá, về bước lệnh, bước giá...?
Các công ty chứng khoán trả phí thành viên cho HSX, thuê đường truyền kết nối với HSX. Giờ chuyển một số cổ phiếu từ HSX sang HNX thì bài toán chi phí này sẽ được xử lý như thế nào? Dù các công ty chứng khoán sẵn sàng gánh chi phí để chỉnh sửa hệ thống công nghệ thông tin cho phù hợp, nhưng về các chi phí vận hành, thì cơ quan quản lý cũng cần phải rõ ràng và đảm bảo công bằng với chính công ty chứng khoán. Vì xét cho cùng, việc lỗi hệ thống giao dịch, không thể thiếu trách nhiệm của cơ quan quản lý khi đã không có một cái nhìn chiến lược, dài hơi về phát triển thị trường.
Giải pháp chuyển một số cổ phiếu từ HSX sang HNX mới đang dừng ở bước lấy ý kiến khảo sát và sẽ phải chờ quyết định cuối cùng từ cơ quan quản lý. Trong lúc chờ đợi, nhà đầu tư dù không muốn vẫn phải "thích nghi" với hệ thống bảng điện lỗi, ngay cả khi thanh khoản chưa chạm mức 14.000 - 15.000 tỷ đồng.
Tạm thời nên ngừng bán tháo và cũng không nên dùng đòn bẩy Giới thiệu nhận định và khuyến nghị đầu tư của một số công ty chứng khoán về diễn biến thị trường ngày 9/2/2021... Theo đánh giá của BSC, VNIndex có thể sẽ không có sự giảm mạnh như hôm nay và tiềm năng giằng co tại khu vực 1070-1080 vào phiên tới. VnEconomy giới thiệu nhận định và khuyến nghị đầu tư của...