Công ty chứng khoán chưa hạch toán theo giá thị trường
Theo phản ánh của các CTCK, 2 thông tư của Bộ Tài chính là Thông tư 200/2014 về chế độ kế toán DN và Thông tư 146/2014 hướng dẫn chế độ tài chính đối với CTCK, công ty quản lý quỹ, có một số quy định “vênh” nhau, chẳng hạn như nội dung về trích lập dự phòng tài chính, khiến CTCK lúng túng không biết áp dụng quy định nào.
Trước băn khoăn trên, ông Trịnh Đức Vinh, Phó Vụ trưởng Vụ Chế độ Kế toán và Kiểm toán, Bộ Tài chính, cho biết, Thông tư 200 không thay thế Thông tư 146, do đó các CTCK và công ty quản lý quỹ vẫn thực hiện theo Thông tư 146.
Một điểm thắc mắc nữa mà các CTCK nêu ra là theo quy định tại Thông tư 210/2009 của Bộ Tài chính hướng dẫn áp dụng Chuẩn mực kế toán quốc tế về trình bày báo cáo tài chính và thuyết minh thông tin đối với công cụ tài chính, là tài sản tài chính được đánh giá theo giá trị hợp lý. Thế nhưng, Thông tư này không quy định hệ thống tài khoản để hạch toán theo giá trị hợp lý. Vậy CTCK phải ứng xử như thế nào, liệu trong năm 2016, các CTCK có được phản ánh giá trị tài sản theo giá thị trường không?
Sở dĩ câu hỏi trên được nêu ra, bởi thời gian qua việc chậm trễ trong áp dụng nguyên tắc hạch toán theo giá thị trường, theo nhìn nhận của giới đầu tư đã phần nào phản ánh “méo mó” bức tranh tài chính của các tổ chức kinh doanh chứng khoán. Lý do là bởi nhiều loại tài sản đầu tư của các tổ chức này biến động hàng ngày, thậm chí hàng giờ.
Chính hạn chế này khiến cho cổ đông, NĐT khó nhận diện được sức khỏe tài chính thực của các tổ chức kinh doanh chứng khoán, dẫn đến tiềm ẩn không ít rủi ro. Do đó, nhu cầu áp dụng nguyên tắc hạch toán theo giá thị trường đang đặt ra bức thiết nhằm minh bạch hơn thông tin tài chính của các CTCK, công ty quản lý quỹ, cũng như thông tin trên TTCK.
Thực tiễn đang đòi hỏi cần sớm áp dụng nguyên tắc giá trị hợp lý là vậy, nhưng theo ông Vinh, về nguyên tắc, việc hạch toán tài sản tài chính theo giá trị hợp lý chỉ thực hiện từ sau ngày 1/1/2017 khi Luật Kế toán 2015 có hiệu lực. Do đó, khi hạch toán tài sản tài chính trong năm 2016, các CTCK chưa thực hiện theo giá thị trường, mà tạm thời hạch toán theo giá gốc.
Trả lời của ông Vinh đồng nghĩa, việc hạch toán tài sản tài chính theo nguyên tắc thị trường đối với các tổ chức kinh doanh chứng khoán sẽ tiếp tục còn phải chờ. Tuy nhiên, chờ đến bao giờ vẫn là một câu hỏi mà cơ quan quản lý còn để ngỏ, vì kinh nghiệm thực tế cho thấy để áp dụng nguyên tắc giá thị trường, cần nhiều yếu tố đồng bộ.
Video đang HOT
Ghi nhận các đề xuất, kiến nghị của các CTCK, cũng như giới đầu tư, bà Nguyễn Thị Liên Hoa, Phó Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho rằng, cần sửa đổi Thông tư 210 để phù hợp hơn với thực tiễn, tạo thuận lợi cho DN.
Đáp lại, ông Vinh cam kết, Thông tư 210 không sớm thì muộn sẽ được sửa đổi. Văn bản này đang thể hiện bất cập ở chỗ quy định chi tiết đến từng loại chứng từ, dẫn đến khi DN thực hiện có độ dày đến cả nghìn trang.
“Sự phức tạp trên không phù hợp với định hướng cải cách của chúng tôi. Do đó Bộ Tài chính đang chuẩn bị khởi động để sửa Thông tư 210. Việc này sẽ diễn ra tương đối sớm để tạo thuận lợi cho DN”, ông Vinh nói.
Trong thời gian chờ đến thời điểm nguyên tắc giá thị trường được áp dụng, có ý kiến cho rằng, liên quan đến công cụ tài chính, trong phần thuyết minh báo cáo tài chính, các cơ quan quản lý, tổ chức kiểm toán độc lập nên tăng cường giám sát, thúc đẩy các tổ chức kinh doanh chứng khoán cần thuyết minh rõ ràng, chi tiết hơn các thông tin trọng yếu để thông tin tài chính được minh bạch, tạo được niềm tin trong công chúng đầu tư.
Ông Vinh nhìn nhận, nếu trong quá trình lập báo cáo tài chính mà DN coi trọng thuyết minh đầy đủ, chi tiết các thông tin theo quy định hiện hành, thì đáp ứng được các yêu cầu về cải thiện minh bạch thông tin DN như mong muốn của UBCK.
Hữu Đạo
Theo_Tin Nhanh Chứng Khoán
Nhiều chuẩn mới với hoạt động của công ty chứng khoán
Tại phiên bản 2 dự thảo Thông tư sửa đổi Thông tư 210/2012 của Bộ Tài chính hướng dẫn thành lập và hoạt động CTCK, mà Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) đang lấy ý kiến rộng rãi, có đề xuất nhiều nội dung mới, nhằm nâng chuẩn hoạt động của khối CTCK theo hướng an toàn, lành mạnh và minh bạch hơn.
Thuê ngân hàng quản lý tài khoản
Để tăng tính chuyên nghiệp trong cung cấp dịch vụ, cũng như góp phần làm minh bạch hơn nữa trong quản lý tài sản khách hàng, lần đầu tiên UBCK đề xuất giải pháp mới tại dự thảo Thông tư sửa đổi Thông tư 210/2012 là CTCK được lựa chọn, hoặc chỉ định một ngân hàng lưu ký (ngân hàng quản lý tài khoản) đồng thời là thành viên thanh toán của Trung tâm Lưu ký (VSD) để thực hiện quản lý, vận hành tài khoản cho khách hàng của mình.
Để quy định chặt chẽ trách nhiệm của ngân hàng quản lý tài khoản và CTCK, UBCK định ra nguyên tắc: hai bên ký hợp đồng phối hợp cung cấp dịch vụ giao dịch, thanh toán bù trừ chứng khoán. Trong đó nêu rõ quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của ngân hàng và của CTCK; cơ chế phối hợp, chia sẻ thông tin để cung cấp dịch vụ cho khách hàng, bảo đảm an toàn cho hoạt động thanh toán, bù trừ và giao dịch chứng khoán của khách hàng và của thị trường. Ngân hàng mở tài khoản thanh toán riêng cho từng khách hàng của CTCK để quản lý tách biệt tài sản của khách hàng.
Ngoài chịu trách nhiệm thanh toán cho mọi lệnh giao dịch của khách hàng đã được thực hiện, ngân hàng còn có trách nhiệm bảo đảm khách hàng có đủ nguồn vốn để thực hiện giao dịch. CTCK chịu trách nhiệm tiếp nhận, thực hiện lệnh giao dịch và thông báo cho ngân hàng về nghĩa vụ thanh toán của khách hàng. Ngân hàng không được ủy quyền lại cho bên thứ ba để thực hiện các dịch vụ này, trừ trường hợp bị đình chỉ hoạt động, tạm ngừng hoạt động, bị rút giấy phép thành lập và hoạt động, bị thanh lý, giải thể... hoặc bị VSD đình chỉ, tạm ngừng, chấm dứt tư cách thành viên.
Tuy vẫn cho phép CTCK thiết lập tài khoản tổng sau khi đã tách bạch tài khoản tới tận chân từng NĐT tại ngân hàng, hoặc đã thuê ngân hàng lưu ký quản lý tách bạch tài khoản của NĐT, nhưng để đảm bảo đúng chức năng của CTCK, điểm mới đáng chú ý tại dự thảo Thông tư là thay vì hiện hành quy định: CTCK không được nhận ủy quyền của khách hàng thực hiện chuyển tiền nội bộ giữa các tài khoản của các khách hàng, thì UBCK đề xuất quy định chặt hơn: CTCK không được chuyển tiền nội bộ giữa các tài khoản của các khách hàng...
Vấn đề này hiện thường phát sinh tại các CTCK thực hiện quản lý tiền giao dịch chứng khoán của NĐT theo hình thức tài khoản tổng. Khi đó, thông qua việc thực hiện bút toán chuyển tiền giữa các tài khoản trên cơ sở đề nghị của khách hàng, CTCK lại trở thành một đơn vị bù trừ tiền cho khách hàng?
Tiền gửi giao dịch chứng khoán của khách hàng được CTCK quản lý trên tài khoản chuyên biệt không được sử dụng vào mục đích nào khác ngoại trừ thanh toán giao dịch cho khách hàng, hoặc hoàn trả lại cho khách hàng. Trường hợp CTCK giải thể, phá sản, khoản tiền này phải hoàn trả cho khách hàng, không được sử dụng để xử lý tài chính cho cổ đông, thành viên góp vốn, chủ nợ...
Như vậy, ngoài hai phương thức tách bạch tài khoản như quy định hiện hành là: tách bạch đến tận chân tài khoản tiền của NĐT tại ngân hàng (bắt buộc) và tách bạch ở dạng tài khoản tổng (chỉ được thực hiện khi đã tách bạch tài khoản theo phương thức bắt buộc), thì nay, UBCK đề xuất thêm một phương thức thứ ba là CTCK có thể ký kết hợp tác với ngân hàng lưu ký để thuê tổ chức này quản lý, vận hành tài khoản cho khách hàng của mình.
Một số ý kiến nhìn nhận, giải pháp mới này có khả thi và chấp nhận được. Tuy nhiên về lâu dài, cần tính đến hình thành một định chế chuyên biệt thuộc mô hình tổ chức, hoạt động của TTCK như kinh nghiệm trên thế giới, để quản lý tiền gửi của NĐT, thay vì vẫn phải đi "vay mượn" các tổ chức tín dụng như hiện nay, dẫn đến rủi ro pháp luật, bởi trong lĩnh vực chứng khoán không phải trong mọi trường hợp đều có thể điều chỉnh hoạt động của các tổ chức này.
Thúc đẩy "xóa tên" các CTCK ốm yếu
Để đẩy nhanh quá trình tái cấu trúc CTCK, ngoài bổ sung các quy định nhằm chuẩn hóa quy trình đình chỉ, giải thể... CTCK, tại dự thảo Thông tư, lần đầu tiên UBCK đề xuất giải pháp mới là CTCK sẽ bị đình chỉ hoạt động khi hết thời hạn cảnh báo quy định tại Điều 74 Luật Chứng khoán, nhưng vẫn không khắc phục được tình trạng cảnh báo (không thực hiện kiểm toán BCTC hoặc không cung cấp báo cáo tỷ lệ an toàn tài chính đã được kiểm toán và các tài liệu chứng minh đã khắc phục được tình trạng cảnh báo) và có lỗ gộp đạt 50% vốn điều lệ hoặc có vốn chủ sở hữu (tại thời điểm BCTC đã được kiểm toán hoặc soát xét gần nhất) thấp hơn vốn pháp định theo các nghiệp vụ kinh doanh được cấp phép.
Nếu quy định mới trên được đưa vào áp dụng, căn cứ vào BCTC soát xét 6 tháng đầu năm 2015 đã được công bố, ước có khoảng 1/3 trong tổng số 100 CTCK đang tồn tại đứng trước áp lực phải tăng vốn nếu không muốn bị "xóa tên" do không đáp ứng được yêu cầu về vốn.
Ngoài bổ sung các quy định mới về quản trị công ty áp dụng đối với CTCK cho phù hợp với quy định mới tại Luật Doanh nghiệp, một điểm mới nữa tại dự thảo là lần đầu tiên UBCK đề xuất nội dung hướng dẫn về hoạt động đầu tư ra nước ngoài dưới hình thức lập chi nhánh hoặc văn phòng đại diện. Theo đó, CTCK muốn lập chi nhánh, văn phòng đại diện, đầu tư ra nước ngoài phải được UBCK chấp thuận trên cơ sở đáp ứng các yêu cầu: có dự án lập chi nhánh, văn phòng đại diện, đầu tư ra nước ngoài đã được ĐHCĐ, HĐQT, chủ sở hữu chấp thuận bằng văn bản; đáp ứng quy định về an toàn tài chính sau khi trừ đi vốn cấp cho chi nhánh, chi phí thành lập văn phòng đại diện, vốn đầu tư ra nước ngoài...
Hữu Hòe
Theo_Tin Nhanh Chứng Khoán
Sửa đổi thông tư 36: Thị trường bất động sản được gì, mất gì? Việc sửa đổi thông tư 36 của Ngân hàng Nhà nước sẽ giúp thị trường bất động sản cân đối cung, cầu hợp lý hơn. Sáng 15/3, tại Thành phố Thành phố Hồ Chí Minh, diễn ra hội thảo: Sửa đổi thông tư 36, thị trường bất động sản được gì, mất gì? Tham gia hội thảo có đại diện Ngân hàng Nhà...