Công trình xây dựng “khát” lao động thời vụ
Sau khi thành phố Hà Nội nới lỏng giãn cách xã hội, vẫn còn nhiều lao động tự do ở các địa phương khác không đủ điều kiện để cấp giấy đi đường nên việc trở lại Thủ đô làm việc gặp khó khăn.
Đây cũng là lý do khiến các chủ công trình xây dựng, dự án có nhu cầu sử dụng lao động thời vụ, lao động tự do như “ngồi trên đống lửa” vì không thể tuyển được lao động.
Nhiều công trình xây dựng trên địa bàn thành phố Hà Nội không thể tuyển được lao động theo nhu cầu.
Nhiều lao động chưa thể quay lại Hà Nội
Trong những ngày này, anh Vũ Văn Lập, sinh năm 1982 quê ở tỉnh Ninh Bình rất sốt ruột khi chủ thầu xây dựng liên tục gọi anh quay trở lại Hà Nội tiếp tục làm việc tại một công trình nhà ở còn dang dở. Anh Lập cho biết, anh về quê từ ngày 23-7. Đến nay, Hà Nội đã nới lỏng giãn cách, nhưng anh không thể lên Hà Nội được vì thực hiện thủ tục xin giấy đi đường đối với lao động tự do rất khó.
Trong khi đó, nhiều chủ công trình xây dựng nhà ở tại Hà Nội cũng đang “đứng ngồi không yên” do “khát” lao động thời vụ. Anh Nguyễn Văn Thuyết, nhà ở đường Nguyễn Khoái (quận Hai Bà Trưng) lo lắng vì công trình xây dựng nhà ở 7 tầng của gia đình đã tạm dừng thi công 2 tháng nay. Sau khi được phép xây dựng trở lại, anh Thuyết đã liên hệ với chủ thầu để thi công trở lại nhưng chỉ nhận được cái lắc đầu do cả đội thợ 7 người ở tỉnh Thanh Hóa không thể ra Hà Nội ngay vì không có giấy đi đường.
Không chỉ công trình xây dựng nhà ở đơn lẻ mà các dự án lớn của thành phố cũng gặp khó khăn trong việc tuyển lao động thời vụ. Anh Nguyễn Đức Hưng, cán bộ quản lý an toàn Công ty cổ phần Fecon, đơn vị đang thi công dự án xây dựng hầm chui Lê Văn Lương – Vành đai 3 cho biết, dự án được phép thi công trong giai đoạn thành phố thực hiện giãn cách xã hội nên công ty vẫn duy trì hơn 80 công nhân làm việc. Tuy nhiên, đối với các phần việc đơn giản, khoảng 40% lao động thời vụ đã nghỉ việc, nay thiếu hụt do phần lớn lao động chưa thể quay lại làm việc.
Liên quan đến vấn đề này, ngày 27-9, phóng viên Báo Hànộimới đã ghi nhận tại chốt kiểm dịch số 1 của thành phố trên quốc lộ 1A hướng từ tỉnh Hà Nam về Hà Nội, các trường hợp qua chốt đều phải tiến hành khai báo y tế, quét mã QR, xuất trình giấy xét nghiệm PCR âm tính có giá trị trong 3 ngày, căn cước công dân (hoặc chứng minh thư nhân dân) và giấy đi đường. Những trường hợp không đủ thủ tục thì không được vào thành phố.
Video đang HOT
Về việc khan hiếm lao động tự do ngành Xây dựng, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ – Việc làm Hà Nội (Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Hà Nội) Vũ Quang Thành chia sẻ, trái ngược với việc nhiều doanh nghiệp, hộ kinh doanh sau khi hoạt động trở lại phải đối mặt với khó khăn do dư thừa lao động, thì một số lĩnh vực như: Xây dựng, cơ khí lại có nhu cầu tuyển dụng lao động thời vụ. Tuy nhiên, do nguyên nhân khách quan nên nhiều lao động chưa thể quay lại Hà Nội làm việc, khiến thị trường lao động lĩnh vực này bị thiếu hụt.
Lực lượng chức năng kiểm tra giấy tờ của người đi đường tại chốt kiểm soát phòng dịch số 1, trên quốc lộ 1A hướng từ tỉnh Hà Nam về thành phố Hà Nội.
Đẩy mạnh kết nối cung – cầu
Theo Trung tá Nguyễn Anh Tuấn, Phó Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông số 14 ( Phòng Cảnh sát giao thông, Công an thành phố Hà Nội), Trưởng chốt kiểm dịch số 2 tuyến cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ, người lao động – thông qua các phương tiện thông tin đại chúng – cần nắm bắt kỹ thông tin, điều kiện cần để chuẩn bị đủ giấy tờ, khi vào Hà Nội sẽ nhanh chóng được qua chốt, không phải quay về.
Đưa ra giải pháp trước mắt, Phó Giám đốc Trung tâm dịch vụ – việc làm Hà Nội Vũ Quang Thành cho biết, Trung tâm đang đề xuất với Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Hà Nội rà soát, sàng lọc các lao động tự do được hỗ trợ khó khăn do dịch Covid-19 theo chính sách của Chính phủ, thành phố hiện đang sống trên địa bàn các quận, huyện, thị xã để có biện pháp kết nối cung – cầu lao động với các đơn vị, doanh nghiệp… có nhu cầu sử dụng lao động thời vụ, lao động tự do. Đồng thời, tiến hành khảo sát nhu cầu lao động của các doanh nghiệp, sau đó, khớp nối với nhu cầu của lao động để kết nối việc làm.
Liên quan đến vấn đề này, Trưởng phòng Lao động – Thương binh và Xã hội quận Cầu Giấy Nguyễn Quang Hồng cho biết, quận sẵn sàng phối hợp, cung cấp danh sách người lao động đã nhận tiền hỗ trợ khó khăn hiện đang sinh sống trên địa bàn quận để hỗ trợ cung – cầu lao động. Bên cạnh đó, quận tiếp tục tuyên truyền, thông báo trên các website, mạng xã hội, thông báo đến các tổ dân phố để người lao động nắm rõ tình hình các đơn vị, doanh nghiệp thiếu hụt nguồn lao động, từ đó tìm kiếm đúng nhu cầu.
Trước nguy cơ mất cân đối cung – cầu lao động trong nhiều lĩnh vực, Cục Việc làm (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) đã yêu cầu các địa phương tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để thực hiện các giao dịch về lao động, việc làm trực tuyến, đáp ứng nhu cầu tuyển dụng hiện nay.
Với những giải pháp trên, có thể hy vọng khắc phục được tình trạng thiếu hụt lao động ở một số ngành, trong đó có ngành xây dựng như hiện nay.
Sớm 'gỡ khó' để người dân hoàn thành công trình nhà ở trước mùa mưa bão
Các đơn vị quận, huyện trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đang nỗ lực hỗ trợ, giúp đỡ người dân về việc cấp giấy phép để thuận lợi trong việc thực hiện hoàn thành các công trình xây dựng một cách sớm nhất và đảm bảo an toàn phòng, chống dịch.
Theo phản ánh của nhiều hộ dân đang có công trình xây dựng nhà ở trên địa bàn thành phố Đà Nẵng: Hiện nay các công trình đang gặp nhiều khó khăn về vấn đề thủ tục giấy phép để được tiếp tục xây dựng sau khi phải tạm dừng công trình trong một thời gian dài nhằm thực hiện nghiêm các biện pháp siết chặt phòng, chống dịch COVID-19 của thành phố, trong khi mùa mưa bão năm 2021 đã đến cận kề.
Người dân gặp khó trong xây dựng nhà
Công trình nhà ở của người dân tại quận Thanh Khê vẫn chờ đợi công nhân đến tiếp tục thi công.
Chính quyền thành phố Đà Nẵng đã có thông báo từ ngày 16/9/2021 các công trình xây dựng trên địa bàn thành phố được phép hoạt động thi công (trừ những công trình nằm trong vùng đỏ). Các công trình được bố trí tối đa số người làm việc và lao động ngoại tỉnh phải thực hiện phương án "3 tại chỗ". Những cá nhân tham gia vào các hoạt động xây dựng sẽ được cấp Giấy đi đường QRCode theo quy định mới được lưu thông.
Ông Lê Văn Học ở tỉnh Quảng Nam hiện là chủ thầu đang xây dựng hai công trình nhà ở tại quận Sơn Trà (Đà Nẵng) cho biết, ngay khi biết thành phố Đà Nẵng đã cho phép thi công lại các công trình xây dựng trên địa bàn sau khi đã từng bước khống chế dịch COVID-19. Ông Học và các công nhân rất vui mừng, nhưng đội ngũ hơn chục công nhân vẫn phải "bó chân" tại quê nhà khi không được vào thành phố Đà Nẵng để tiếp tục làm việc, vì hiện nay người tỉnh khác muốn vào Đà Nẵng thì phải có giấy cho phép của UBND thành phố cấp.
Nên ông Học và các công nhân đành phải quay trở về và chờ đợi.
Ông Nguyễn Đá, chủ công trình xây dựng nhà 4 tầng tại quận Thanh Khê cho biết: Thành phố đã cho phép thi công xây dựng lại các công trình nhà ở trên địa bàn, nhưng hiện nay chủ thầu vẫn chưa thể đưa được các công nhân xây dựng trước đây về nghỉ dịch ở quê trở lại hoàn thiện các công trình; còn số công nhân ở tại thành phố Đà Nẵng thì đang chờ làm các thủ tục, chờ được duyệt cấp giấy đi đường để có thể đi đến các công trình xây dựng trên địa bàn nên công trình cũng chịu chung cảnh ngộ chờ đợi.
May mắn hơn những người khác, anh Lê Đức Nhã chủ công trình nhà ở quận Liên Chiểu cho biết, công trình của anh vừa được thông báo tiếp tục được xây dựng sau khi trải qua nhiều công đoạn xin giấy tờ, chữ ký để hoàn tất các thủ tục đăng ký cho công nhân làm việc "3 tại chỗ" tại công trình. Do dịch COVID-19 nên công trình đã phải tạm dừng hơn 2 tháng trong khi mới khởi công xây dựng được 1 tháng. Một số thợ xây mắc kẹt lại trong thời gian giãn cách của thành phố đã ở lại tại công trình của gia đình nên sau khi thành phố cho xây dựng lại thì anh tranh thủ làm thủ tục để được nhanh chóng thi công trở lại. Những thợ xây khác trở về quê tránh dịch thì vẫn chưa được vào thành phố để đi làm trở lại, nên thiếu thợ làm dẫn đến việc xây dựng rất chậm.
Anh Đào Đức Mãnh là chủ thầu đang xây dựng ngôi nhà 5 tầng quận Ngũ Hành Sơn cho biết, để tiếp tục xây dựng được các công trình nhà ở cho người dân như thành phố cho phép cũng gặp nhiều khó khăn vì hiện nay số lượng thợ xây tại Đà Nẵng có ít và việc đi lại giữa các quận, huyện và các tỉnh lân cận cũng đang bị hạn chế nên không thuê được thợ để làm. Trước khi thành phố thực hiện giãn cách, anh Mãnh đã cho 12 người thợ trở về quê Bình Định để tránh dịch. Hiện nay thì Đà Nẵng vẫn chưa mở cửa cho người ngoại tỉnh được vào nên không có thợ để tiếp tục xây dựng công trình.
Hiện, nhiều chủ đầu tư, chủ thầu của các công trình xây dựng tại Đà Nẵng cũng đang rất lo lắng khi mùa mưa bão đã đến cận kề; cùng với đó là các công trình nhà ở đang chịu cảnh ngộ phơi mưa, phơi nắng, các trụ sắt vừa được dựng chưa kịp đổ bê tông đã hoen rỉ theo thời gian giãn cách. Những cơn bão đầu tiên cũng đã ảnh hưởng đến thành phố trong những ngày giữa tháng 9 càng gây bất an hơn cho người dân khi phải đi ở phòng trọ, nhà thuê để chờ đợi xây xong nhà.
Mặc dù thành phố đã cho triển khai xây dựng các công trình trên địa bàn, tuy nhiên vẫn chưa cho lực lượng lao động ngoại tỉnh vào thành phố, trong khi lao động tại chỗ vẫn chưa đáp ứng đủ để thay thế và việc xin cấp giấy phép đi đường, vận chuyển vật liệu xây dựng vẫn còn nhiều khó khăn...
Sớm gỡ khó cho người dân
Theo các chủ thầu xây dựng thì việc đăng ký giấy đi đường của Đà Nẵng chỉ dành cho các doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức còn người lao động tự do ngoại tỉnh thì không có và việc xin giấy của Ủy ban thành phố để vào làm việc thì chưa có hướng dẫn nào cho người dân ngoại tỉnh.
Chủ thầu xây dựng Lê Văn Học chia sẻ, sau hơn một tháng rưỡi ở nhà phòng, chống dịch theo quy định, đến nay Đà Nẵng đã cho phép các hoạt động xây dựng trở lại, ông Học hy vọng chính quyền thành phố Đà Nẵng sớm mở cửa hay có những giải pháp, hướng dẫn cụ thể để người lao động ở các tỉnh, thành khác có thể trở lại làm việc tại Đà Nẵng đảm bảo hoàn thành sớm các công trình nhà ở cho người dân và công nhân được đi làm trở lại để có thu nhập lo cho gia đình.
Chị Ngọc Vi ở quận Sơn Trà lo lắng chia sẻ, hiện nay đang vào mùa mưa bão nên chị rất lo nếu công trình nhà ở tiếp tục bị chậm trễ do nhà ở khu vực gần biển, ngôi nhà đang vào giai đoạn hoàn thiện cơ bản và phải tạm ngưng hơn một tháng rưỡi nay để công nhân nghỉ về quê tránh dịch. Cả nhà đang phải ở nhà thuê tạm nên cũng không an toàn và đảm bảo các điều kiện học tập cho hai con nhỏ. Chị Vi mong muốn thành phố sớm có các biện pháp thích hợp để giúp các hộ dân đang xây nhà sớm hoàn thiện các công trình để có nhà ở trước mùa mưa bão năm nay.
Hiện, các đơn vị quận, huyện trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đang nỗ lực hỗ trợ, giúp đỡ người dân về việc cấp giấy phép để thuận lợi trong việc thực hiện hoàn thành các công trình xây dựng một cách sớm nhất và đảm bảo an toàn phòng, chống dịch.
Xe bồn náo loạn phố cấm Hà Nội: Bất lực hay ngó lơ? Xe bồn bê tông vẫn ngang nhiên náo loạn phố cấm Hà Nội tiềm ẩn nguy cơ ùn tắc và TNGT dù đã được dư luận và truyền thông lên tiếng cảnh báo. Xe trộn bê tông diễu phố cấm, thậm chí gây náo loạn không gian phố đi bộ Hồ Gươm, phục vụ thi công dự án xây dựng tại địa chỉ...