Công trình nước sạch xây xong để… “ngắm”, dân vẫn phải dùng nước ô nhiễm
Gần 5 năm qua, người dân xã Quế Mỹ, huyện Quế Sơn, Quảng Nam bức xúc công trình nước sạch xây dựng hơn 5 tỷ đồng rồi bỏ hoang.
Trong khi đó, hàng ngày người dân phải sử dụng nguồn nước bị nhiễm bẩn.
Công trình xây xong cho người dân trồng hoa, chất rơm khô
Theo tìm hiểu của phóng viên, công trình nước sạch này được xây dựng vào năm 2014 tại xã Quế Cường (nay sáp nhập vào xã Quế Mỹ, huyện Quế Sơn, Quảng Nam), với tổng kinh phí đầu tư xây dựng hơn 5 tỷ đồng, do UBND xã Quế Cường (cũ) làm chủ đầu tư.
Công trình nước sạch ở xã Quế Mỹ, huyện Quế Sơn xây dựng hơn 5 tỷ đồng rồi bỏ hoang.
Từ tháng 4/2017, công trình nước sạch trên được nghiệm thu hoàn thành, tuy nhiên công trình này không thể cung cấp nước sạch cho nhân dân địa phương nên bỏ hoang từ đó cho đến nay.
Hiện tại, nhiều hạng mục công trình nước sạch ở thôn Xuân Lư đang xuống cấp nghiêm trọng, các hệ thống van bị rỉ sét, hư hỏng.
Trong khuôn viên công trình nước sạch thì cỏ, cây mọc um tùm.
Hai bể chứa xử lý nước sạch luôn trong tình trạng khô cạn, nhếch nhác. Trong khuôn viên công trình nước sạch, cây cỏ mọc um tùm. Ở một số khu vực đất trống, người dân tận dụng trồng rau. Hai căn nhà điều hành hệ thống xử lý nước sạch được người dân dùng làm nơi chứa rơm khô.
Hai bể chứa xử lý nước sạch luôn trong tình trạng khô cạn, nhếch nhác.
Ông Hà Văn Ba (SN 1967, trú tổ 5, thôn Xuân Lư, xã Quế Mỹ) cho biết, công trình nước sạch này đã hoàn thành từ nhiều năm trước, nhưng chỉ để “ngắm” mà không đưa vào hoạt động. Nguyên nhân do đường ống dẫn nước vào hệ thống xử lý bị bể, hư hỏng.
Nhiều năm qua cũng không thấy đơn vị cho người đến sửa chữa, dẫn đến công trình ngày càng xuống cấp, nhếch nhác và không thể cung cấp nước sạch cho hàng trăm hộ dân địa phương.
Video đang HOT
Các hệ thống van bị rỉ sét hư hỏng.
“Công trình đầu tư tiền tỷ mà không thể đưa vào phục vụ cho bà con, tôi thấy rất lãng phí tiền của. Người dân ở đây thấy tiếc nên tận dụng đất trống để trồng rau màu và khu nhà để chất rơm”, ông Ba nói.
Ông Hà Văn Hòa (SN 1967, trú thôn Xuân Lư, xã Quế Mỹ) cho biết, gia đình ông và một số hộ dân khác mang tiếng là sinh sống gần công trình nước sạch này nhưng lại không có nước sạch để sử dụng, đành phải dùng nguồn nước giếng đào ở khuôn viên vườn nhà.
Các đường ống dẫn nước bị cỏ, cây bao phủ.
“Công trình này được khởi công vào năm 2014, nhưng đến nay lại bỏ hoang, chưa sử dụng được một lần nào. Tôi rất bức xúc vì sao họ xây dựng lớn như vậy rồi bỏ đó. Tôi cùng nhiều người dân khác đã nhiều lần kiến nghị về sự việc này với chính quyền địa phương nhưng vẫn chưa thấy đơn vị nào giải quyết”, ông Hòa nói.
Còn ông Nguyễn Ngọc Vân (SN 1972, trú thôn Phố Cường 2, xã Quế Mỹ) phản ánh, nhiều năm qua, những hộ dân ở đây và gia đình ông phải sử dụng nguồn giếng đào bị nhiễm phèn. Muốn sử dụng được nước sinh hoạt an toàn thì phải mua máy về lọc dùng.
Trong khi đó, đơn vị thi công đã cho người lắp đặt đường ống dẫn nước vào đến tận sân nhà để sau khi công trình hoàn thành sẽ đấu nối, cung cấp nước. Thế nhưng, đã mấy năm trôi qua, đường ống thì vẫn còn đó mà nước sạch thì chẳng thấy một giọt nào.
Đã nhiều năm trôi qua, đường ống vẫn nằm đó mà nước sạch thì không thấy một giọt nào.
“Mùa khô nơi đây không có nước, phải đi gánh nước ở nơi khác về để sinh hoạt. Còn mùa mưa thì nguồn nước bị nhiễm bẩn. Chúng tôi nấu thức ăn, giặt giũ quần áo từ nguồn nước này nên rất lo sợ bị bệnh. Lo lắng vậy nhưng không sử dụng nguồn nước này thì biết lấy nước đâu để sinh hoạt”, ông Vân chia sẻ.
Có dấu hiệu sai phạm
Mới đây, UBND huyện Quế Sơn đã có cuộc thanh tra đột xuất việc chấp hành các quy định của pháp luật về quản lý đầu tư xây dựng công trình nước sạch này.
Một số khu vực đất trống người dân tận dụng trồng rau màu.
Qua kết quả thanh tra, UBND huyện nhận thấy công tác quản lý đầu tư xây dựng của UBND xã Quế Cường – chủ đầu tư và các đơn vị, cá nhân liên quan có nhiều sai sót, vi phạm.
Cụ thể, công tác khảo sát thiết kế, lập dự toán chưa chính xác dẫn đến sai số về khối lượng dự toán làm tăng mức đầu tư. Về trình tự, thủ tục thực hiện đầu tư xây dựng công trình còn nhiều tồn tại, thiếu hồ sơ pháp lý, quá trình thi công một số hạng mục công việc chưa đúng bản vẽ thiết kế; công tác giám sát thiếu chặt chẽ, việc tổ chức tổ chức nghiệm thu khối lượng hoàn thành không đảm bảo quy định…
Hai căn nhà điều hành hệ thống xử lý nước sạch được người dân dùng làm nơi chứa rơm khô.
Sau khi tổ chức nghiệm thu hoàn thành công trình (ngày 7/4/2017) cho đến thời điểm sáp nhập xã Quế Cường và xã Phú Thọ thành xã Quế Mỹ (tháng 2/2020), công trình không được quản lý, vận hành và bảo trì, nhiều hạng mục bị xuống cấp có dấu hiệu hư hỏng, các hệ thống van điều áp (xả khí, xả thải) bị hỏng do gỉ sét. Công trình hệ thống nước sạch đã được nghiệm thu, bàn giao cho chủ đầu tư nhưng không vận hành đưa vào sử dụng.
Công trình xây xong nhưng không hoạt động, người dân đành phải sử dụng nguồn nước giếng đào bị nhiễm bẩn.
Kết luận thanh tra cũng chỉ rõ trách nhiệm chính trước hết thuộc về ông Nguyễn Hữu Sơn – Chủ tịch UBND xã Quế Cường (cũ), đại diện chủ đầu tư. Các cá nhân liên quan sai phạm gồm ông Nguyễn Văn Công – nguyên kế toán phụ trách xây dựng, cơ bản nông thôn mới; các thành viên trong Ban giám sát công trình UBND xã Quế Cường (cũ) cùng Giám đốc đơn vị thi công và tư vấn giám sát đã để xảy ra nhiều sai sót, vi phạm.
Người dân lo sợ sử dụng nguồn nước này lâu ngày sẽ bị bệnh.
Trao đổi với PV Dân trí về vụ việc này, ông Nguyễn Phước Sơn – Chủ tịch UBND huyện Quế Sơn – xác nhận ông đã ký công văn chuyển vụ việc này đến cơ quan Công an tỉnh Quảng Nam để tiếp tục điều tra và xử lý những sai phạm ở công trình hệ thống cấp nước tại thôn Xuân Lư, xã Quế Mỹ.
“Hiện tại, tôi chưa nhận được kết quả của cơ quan điều tra từ Công an tỉnh Quảng Nam. Khi có kết luận điều tra của Công an thì xem mức độ sai phạm như thế nào thì xử lý đến đó. Sau khi có kết quả xử lý thì chúng tôi sẽ khắc phục và đưa công trình đi vào hoạt động”, ông Sơn thông tin.
Ăn bún giò, cụ bà 67 tuổi bị xương lợn dài 1,5 cm lọt vào phế quản
Các bác sĩ khoa Nội hô hấp - Miễn dịch dị ứng (Bệnh viện Đà Nẵng) vừa gắp thành công mảnh xương lợn dài 1,5 cm nằm hơn một tháng trong phế quản của một cụ bà.
Bệnh nhân là bà Đ.T.H. (67 tuổi, trú xã Quế Mỹ, huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam).
Trước đó, ngày 8/11, bà H. vào Bệnh viện Đà Nẵng trong tình trạng ho nhiều, khạc đờm, tức ngực, khàn tiếng.
Bà H. cho biết, bà bị ho nên đi khám bác sĩ tư ở địa phương, có chụp X - Quang phổi và uống thuốc viêm phổi 2 tuần nhưng không đỡ. Sau đó, bệnh nhân tiếp tục uống thuốc nam thêm 2 tuần cũng không đỡ ho, có sốt từng đợt.
Bệnh nhân đến khám tại Bệnh viện Bình An được chụp CT phát hiện có dị vật trong phổi và chuyển Bệnh viện Điện Bàn (tỉnh Quảng Nam), sau đó chuyển đến Bệnh viện Đà Nẵng.
Nhấn để phóng to ảnh
Mảnh xương lợn dài 1,5 cm được gắp ra khỏi phế quản của bệnh nhân Đ.T.H (Ảnh: Đ.Q).
Qua khai thác, bệnh nhân cho biết có ăn bún giò trước đó hơn một tháng, có ho sặc nhưng sau đó không khó thở mà ho kéo dài.
Bệnh nhân được chẩn đoán bị viêm thùy dưới phổi phải và dị vật ở phế quản trung gian phải kèm bệnh đái tháo đường túyp 2.
Các bác sĩ Bệnh viện Đà Nẵng đã tiến hành nội soi phế quản bằng ống soi mềm gây tê gắp dị vật. Sau hơn một giờ gắp được dị vật là một mảnh xương lợn dài 1,5 cm nằm trong lòng phế quản phải của bệnh nhân. Hiện tại, sức khỏe bệnh nhân đã ổn định và chuẩn bị ra viện.
Thạc sĩ, bác sĩ Hoàng Thị Tâm - Phó trưởng khoa Nội hô hấp - Miễn dịch dị ứng (Bệnh viện Đà Nẵng) - cho biết, bệnh nhân bị dị vật có kích thước khá lớn nằm hơn một tháng trong lòng phế quản nên phổi của bệnh nhân đã xuất hiện viêm phổi hậu tắc và tổ chức hạt mọc ra nhiều xung quanh dị vật.
Hiện sức khỏe của bệnh nhân Đ.T.H. đã ổn định và chuẩn bị xuất viện (Ảnh: Đ.Q).
Nếu gia đình không đưa bệnh nhân tới viện điều trị kịp thời, dị vật có thể bám chắc và sâu hơn, gây ra nhiễm trùng đường hô hấp dưới, nặng hơn có thể xuất hiện áp xe phổi, tràn mủ màng phổi, giãn phế quản do dị vật bỏ quên lâu ngày. Lúc đó việc điều trị sẽ khó khăn hơn.
Bên cạnh đó, bệnh nhân mắc bệnh đái tháo đường nên làm nặng thêm tình trạng nhiễm trùng. Việc gắp bỏ dị vật giúp điều trị nhiễm trùng đường hô hấp triệt để và ngăn ngừa các đợt nhiễm trùng tái phát.
Theo bác sĩ Tâm, thông thường khi bị hóc xương, đa số mọi người thường cố gắng khạc, dùng tay móc, nuốt miếng thức ăn to hoặc chữa mẹo dân gian để lấy xương ra... Tuy nhiên, những điều này sẽ làm cho niêm mạc họng bị trầy xước, chảy máu, dễ nhiễm trùng, dị vật có thể bị mắc sâu hơn và rơi vào những vị trí nguy hiểm.
Những biểu hiện của dị vật bị bỏ quên trong đường thở thường không rõ ràng nên trong nhiều trường hợp bệnh nhân chỉ điều trị viêm phổi. Vì vậy người bệnh cần để ý và cung cấp đầy đủ thông tin cho để bác sĩ nắm bắt các khả năng có thể xảy ra và đưa ra hướng chẩn đoán, điều trị kịp thời.
"Trong khi ăn uống mọi người không nên ăn vội vàng, vừa ăn vừa nói hay cười đùa, nhất là đối với người già và trẻ nhỏ. Những thức ăn có hạt trơn láng như mãng cầu, nhãn... cần lấy hạt ra trước rồi hãy ăn. Cần tập trung ăn uống, nhai kỹ để hạn chế tình trạng dị vật lọt vào đường ăn, đường thở. Khi không may hóc kèm những biểu hiện bất thường như: khó thở, ho nhiều, tức ngực cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám và điều trị kịp thời", bác sĩ Tâm khuyến cáo.
Nội soi gắp thành công mảnh xương nằm hơn một tháng trong phế quản Ngày 17/11, thông tin từ Bệnh viện Đà Nẵng, các bác sĩ Khoa Nội hô hấp - Miễn dịch dị ứng của bệnh viện vừa gắp thành công mảnh xương lợn dài 1,5 cm nằm hơn một tháng trong phế quản của nữ bệnh nhân Đinh Thị H. (67 tuổi), ngụ xã Quế Mỹ, huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam. Hình ảnh chụp...