Công thức “bia kèm lạc” lấy tiền của phụ huynh khi bán sách giáo khoa
Sách bổ trợ chắc phải đổi thành sách “nỗi sợ” cho phụ huynh mỗi dịp vào năm học mới.
Chương trình mới năm 2020-2021 mới đưa vào từ lớp 1, dư luận rất lo lắng lại xảy ra chuyện “ bán bia kèm lạc”; thế nhưng chuyện này đã có từ … rất lâu trong giáo dục nước ta.
Có nơi hiệu trưởng bất bình đã đưa thông tin cho phóng viên[1], nhưng phần đa hiệu trưởng không dám hay không muốn công khai chuyện này; không muốn công khai vì sợ “tai bay vạ gió”, cũng vì mình nằm trong nhóm lợi ích đó nên đành ngậm bồ hòn để ăn “hoa hồng”.
“Bán bia kèm lạc” đã có rất lâu trong giáo dục nước ta?
Bộ sách lớp 1 cũ chỉ có 6 cuốn cơ bản, giá 54.000 đồng/bộ; thế nhưng học trò lớp 1 đều mua đủ bộ 14 cuốn; 97.600 đồng/14 cuốn.
[Bia: 1. Tiếng Việt - Tập 1, 2. Tiếng Việt - Tập 2, 3. Toán, 4. Tự Nhiên Xã Hội, 5. Tập Viết - Tập 1, 6. Tập Viết - Tập 2]
[Lạc: 7. Vở Bài Tập Toán - Tập 1, 8. Vở Bài Tập Toán - Tập 2, 9. Vở Bài Tập Tiếng Việt - Tập 1, 10. Vở Bài Tập Tiếng Việt - Tập 2, 11. Vở Tập Viết, 12. Vở Bài Tập Tự Nhiên Và Xã Hội,, 13. Vở Bài Đạo Đức, 14. Tập Bài Hát.]
Như vậy “lạc” đã chiếm 43.600 đồng trong giá “bia” bộ sách lớp 1 cũ; tính theo tỷ lệ % là 81%!
Vấn đề sách giáo khoa mới được nhiều người quan tâm. (Ảnh minh hoạ: VTV)
Tại sao phụ huynh phải mua nhiều sách đến thế?
Giáo viên yêu cầu học sinh dùng Vở bài tập để sử dụng trong buổi học thứ hai, nên học sinh không mua cũng … không được.
“Bán bia kèm lạc” chắc chắn … có trong chương trình mới!
Video đang HOT
Tại sao người viết khẳng định như thế? Nhìn vào bảng kê số sách lớp 1 của 5 bộ sách giáo khoa được duyệt đều không có Tập viết!
Lớp 1 mà không có Tập viết thì làm sao học viết?
Khẳng định 100% phụ huynh lớp 1 mới phải mua thêm Tập viết, Luyện viết; hay Vở thực hành Tiếng Việt trong Sách bổ trợ của các bộ sách mới.
Như vậy, không thể tránh khỏi “bán bia kèm lạc” trong chương trình mới; phụ huynh học sinh lại è cổ gánh thêm sách bổ trợ để đủ bộ sách giáo khoa cho con học; ít nhất là thêm sách Tập viết.
Với sách bổ trợ, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã có danh sách 10 đầu sách; nếu vì lý do nào đó, phụ huynh phải mua đủ 10 đầu sách bổ trợ, mỗi học sinh lớp 1 mới lại cõng cái cặp “quá khổ” đi học, hàng triệu gia đình lại vất vả vào năm học mới.
Sách bổ trợ chắc phải đổi thành sách “nỗi sợ” cho phụ huynh mỗi dịp vào năm học mới.
Để tránh “bán kèm bia với lạc”, cơ quan chức năng phải quy định số đầu sách cần có của mỗi lớp; tuyệt đối cấm nhà trường đòi hỏi sách bổ trợ, bán sách bổ trợ; phụ huynh nào mua thì cứ ra nhà sách mua.
Nghiêm cấm giáo viên tuyệt đối không được yêu cầu học sinh dùng sách bổ trợ để sử dụng trong buổi học thứ hai. Quy định sách bổ trợ, học trò chỉ được dùng ở nhà.
Chặt đứt mối quan hệ “cung-cầu” trong nhà trường, may ra học sinh, phụ huynh mới giảm gánh nặng đầu năm, trò bia với lạc mới không còn trong giáo dục mới.
Tài liệu tham khảo:
[1] giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/nhieu-hieu-truong-tiet-lo-phu-huynh-phai-e-co-ganhsach-giao-khoa-post208396.gd
Lê Mai
Phân hóa như... chọn sách giáo khoa mới
Để tránh lãng phí, tăng cường khai thác sách giáo khoa cũ, không gì hơn các trường trong tỉnh có chung một bộ sách giáo khoa lớp 1 ngay trong năm học 2020-2021
Bên cạnh dịch viêm phổi cấp do chủng mới của vi rút Corona gây ra (Covid-19), việc chọn sách giáo khoa lớp 1 cho năm học 2020-2021 đang nhận được sự quan tâm của thầy cô giáo được phân dạy khối 1 nói riêng và giáo viên tiểu học nói chung.
Có nhiều lo ngại việc tác động của quyền lực... đến chọn sách giáo khoa, chọn vì quan hệ, chọn vì gợi ý... của cấp trên..
Khi tâm thế chọn sách vì phù hợp với mình và học trò, phù hợp thực tế giáo dục địa phương, đã có sự phân hóa lớn trong kết quả chọn sách của các trường hiện nay.
Người viết lấy số liệu tổng hợp của một địa phương, vì lý do tế nhị nên không có tên địa phương, tên sách giáo khoa, chỉ có tên bộ sách viết tắt.
Bảng tổng hợp kết quả chọn sách giáo khoa lớp 1 của một số trường tiểu học (Ảnh do tác giả cung cấp)
Trong cùng địa phương, có điều kiện kinh tế xã hội khá tương đồng, cơ sở vật chất rất tốt; đều chọn sách theo tiêu chí của địa phương quy định, thế nhưng kết quả không hề giống nhau.
Kết quả chọn sách nói lên không có sự tác động của "thế lực" nào lên các hội đồng chọn sách; không có trường nào chọn các đầu sách cùng một bộ; không có trường nào giống nhau hoàn toàn.
Kết quả chọn sách phân hóa như vậy có thuận lợi gì?
Thuận lợi đầu tiên phải nói đến là bộ sách được chọn phù hợp với giáo viên sẽ dạy lớp 1, học sinh và điều kiện cụ thể của trường học.
Kết quả chọn sách giáo khoa kịp thời để thông báo cho phụ huynh, học sinh chuẩn bị cho năm học mới.
Kết quả chọn sách phân hóa cũng thể hiện tính dân chủ của quá trình chọn sách, không bị ai tác động hay điều khiển.
Kết quả chọn sách phân hóa như vậy có khó khăn gì?
Năm học 2021-2022, mỗi tỉnh sẽ chọn 1 bộ sách giáo khoa chung, tất nhiên sẽ dẫn đến khả năng sách khoa năm 2020-2021 không trùng với bộ sách mới, chắc chắn sẽ xảy ra sự lãng phí.
Bộ sách năm học 2021-2022 sẽ khó lòng thỏa mãn, phù hợp với tất cả giáo viên và học sinh các trường trong tỉnh.
Giải pháp nào tránh lãng phí, đáp ứng nhiều nhất cho giáo viên, học sinh?
Để tránh lãng phí, tăng cường khai thác sách giáo khoa cũ, không gì hơn các trường trong tỉnh có chung một bộ sách giáo khoa lớp 1 ngay trong năm học 2020-2021.
Bộ sách giáo khoa lớp 1 năm học 2020-2021 cũng là bộ sách lớp 1 năm học 2021-2022.
Muốn vậy phải có sự đồng thuận cao nhất của giáo viên, hội đồng chọn sách trong các trường học hiện nay.
Để làm được điều này, Sở Giáo dục và Đào tạo cần thống kê kết quả chọn sách lớp 1 của các trường trên toàn tỉnh; lấy kết quả chung nhất của cả tỉnh về mỗi đầu sách dựa trên lựa chọn nhiều nhất của các trường tiểu học trong tỉnh làm bộ sách lớp 1 của tỉnh vào năm học 2021-2022.
Vì năm học 2021-2022 tỉnh cũng phải chọn 1 bộ sách lớp 1 chung, làm như thế vừa giảm công tác phải chọn lựa sách giáo khoa lớp 1, vừa khai thác tận dụng được trí tuệ tập thể của rất nhiều giáo viên trong địa phương trong chọn sách giáo khoa.
Thông báo kết quả chọn lựa bộ sách giáo khoa lớp 1 năm học 2021-2022 đến từng trường, đề nghị các trường tham khảo; nghiên cứu lại bộ sách 2021-2022 đã được chọn lựa; nếu vẫn phù hợp với trường mình thì chọn lựa, trên cơ sở tuyệt đối tôn trọng quyết định chọn sách của trường học.
Nếu giáo viên, nhà trường thấy chưa phù hợp với mình nhưng khắc phục được, nên chọn bộ sách chung này, vì học trò, vì phụ huynh.
Năm học 2021-2022 khi tiến hành chọn sách giáo khoa theo luật giáo dục mới, hội đồng chọn sách của tỉnh chỉ phải chọn sách giáo khoa lớp 2.
Làm như thế sẽ giảm thiểu tối đa sự lãng phí sách năm học 2020-2021; kết quả chọn sách giáo khoa 2021-2022 đáp ứng tiêu chí phù hợp với giáo viên trên địa phương nhiều nhất.
Sơn Quang Huyến
Theo giaoduc.net
Quảng bá sách giáo khoa mới: Cạnh tranh cũng cần minh bạch, công bằng Thời điểm này, các nhà xuất bản đang chạy đua để giới thiệu sách giáo khoa mới đến với các địa phương trên cả nước. Theo chuyên gia giáo dục TS Lê Thống Nhất, việc quảng bá, giới thiệu sách giáo khoa tới mọi người dân là việc làm cần thiết. Tuy nhiên không nên dùng quá nhiều mỹ từ để khen bộ...