Công tác bảo vệ môi trường sẽ đạt bước tiến lớn nếu người dân là lực lượng đi đầu
Nếu mỗi người dân đều có ý thức, đoàn kết, có quyết tâm cao và coi việc bảo vệ môi trường quan trọng giống như người dân đất nước ta hiện nay đang đoàn kết chống lại dịch COVID-19 thì công tác bảo vệ môi trường, phát triển bền vững đất nước, phát triển đất nước theo hướng thân thiện với môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu trong thời gian tới sẽ đạt được những bước tiến lớn.
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà. (Ảnh: TL)
Đó là chia sẻ của Ủy viên Trung ương Đảng khóa XIII, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà với báo chí trước thềm năm mới 2021.
Phóng viên (PV): Xin Bộ trưởng cho biết những kết quả nổi bật và khó khăn, hạn chế của ngành Tài nguyên và Môi trường trong năm vừa qua?
Bộ trưởng Trần Hồng Hà: Những năm qua, ngành Tài nguyên và Môi trường đã đứng trước những thời điểm hết sức khó khăn, sóng gió. Các lĩnh vực quản lý của ngành, nhất là môi trường luôn luôn có những điều hết sức bị động, bất ngờ. Tại nhiều địa bàn khác nhau, ở nhiều dự án khác nhau, các sự cố môi trường thường xảy ra. Đáng chú ý nhất là sự cố ô nhiễm môi trường ở 4 tỉnh miền Trung do Formosa gây ra.
Bên cạnh đó, các lĩnh vực khác như đất đai cũng thường xuyên đứng đầu trong top lĩnh vực nóng bỏng, có số lượng người dân khiếu kiện, khiếu nại rất đông. Trong lĩnh vực tài nguyên khoáng sản, tình trạng khai thác khoáng sản chưa được quản lý chặt chẽ, còn xảy ra khai thác trái phép và thiếu hiệu quả trong sử dụng; quá trình khai thác cũng gây ra các vấn đề về môi trường như bãi thải.
Trong 5 năm vừa qua, biến đổi khí hậu tác động ngày càng lớn và nghiêm trọng. Thời tiết cực đoan xảy ra trên khắp cả nước như rét đậm rét hại, sạt lở, lũ ống lũ quét ở các vùng núi cao ở phía Bắc, hạn hán ở Nam Trung bộ và Tây Nguyên và xâm nhập mặn diễn ra liên tục ở Đồng bằng sông Cửu Long do tác động “kép” của biến đổi khí hậu cũng như việc sử dụng nước ở thượng nguồn sông Mekong…
Nói như vậy để thấy các lĩnh vực mà ngành quản lý luôn đứng trước những vấn đề hết sức bị động, bất ngờ và lúng túng. Cá nhân là Bộ trưởng cũng như toàn bộ cán bộ, công chức, viên chức của ngành đều có tâm trạng hết sức lo lắng. Chính vì thế, chúng tôi đã tập trung, toàn tâm toàn ý để giải quyết các sự cố, giải quyết các vấn đề mang tính chất sự vụ để ứng phó với các vấn đề mới nảy sinh.
Tuy nhiên, trong nhiệm kỳ 2016-2020, Đảng và Nhà nước cũng đã khẳng định đây là giai đoạn chuyển tiếp – từ giai đoạn cũ với chủ trương tất cả cho các vấn đề phát triển kinh tế, huy động tất cả các nguồn lực cho phát triển và xóa đói giảm nghèo nên các vấn đề môi trường nhiều khi còn chấp nhận đánh đổi; hay nói cách khác là nhu cầu phát triển kinh tế dựa trên một mô hình là khai thác, sử dụng triệt để tài nguyên thiên nhiên – sang giai đoạn mới, phát triển thân thiện với môi trường.
Có thể thấy trong những năm qua, việc ban hành Nghị quyết về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển cũng đã làm thay đổi cơ bản về nhận thức và tư duy quản lý, trong đó lấy tiêu chí phát triển kinh tế xã hội dựa trên sự phát triển hài hòa, dựa trên nền tảng bền vững về hệ sinh thái tự nhiên. Nhiều vấn đề khác trong lĩnh vực mà ngành quản lý như tài nguyên đất đai, tài nguyên nước, khoáng sản, chúng tôi đã tập trung rà soát cùng các địa phương, lắng nghe các địa phương để thấu hiểu các vướng mắc và cùng với các địa phương bằng các văn bản để tháo gỡ khó khăn, đưa các nguồn lực vào phát triển và được sử dụng một cách tổng hợp, hiệu quả.
Công tác quản lý tài nguyên và môi trường đã chuyển biến từ bị động, bất ngờ sang chuẩn bị bài bản, đồng bộ các cơ chế chính sách; nhận thức của người dân về môi trường được nâng lên rất cao. Nhờ đó đã xác định được các phương pháp quản lý, xác định mô hình về kinh tế xanh, tăng trưởng xanh, kinh tế cacbon thấp và kinh tế tuần hoàn là nhiệm vụ hết sức chủ đạo, góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng bền vững hơn. Tức là thay đổi từ kinh tế “nâu,” năng lượng “nâu” sang năng lượng “xanh” và kinh tế tuần hoàn siêu bền vững.
Trong vòng 5 năm qua, trên 950.000 tỷ đồng đã đóng góp vào thu ngân sách. Riêng năm 2020, thu từ đất đai đã gấp 2 lần so với năm 2015. Tôi khẳng định rằng việc thu từ đất hiện nay đã được tính toán dựa trên những vấn đề về hiệu quả sử dụng đất đai. Khoảng 230.000 hécta đất đã được chuyển sang để phục vụ phát triển kinh tế, gần 1 triệu hécta đất trước đây chưa sử dụng đã được đưa vào sử dụng để phát triển rừng; hàng trăm nghìn hécta đất trước đây ở các dự án chậm sử dụng hoặc sử dụng kém hiệu quả cũng đã được đưa vào phát triển nguồn lực hiệu quả.
Video đang HOT
Các quyết sách về ứng phó với biến đổi khí hậu được chủ động đề xuất, thúc đẩy triển khai có hệ thống với tầm nhìn chiến lược; công tác dự báo khí tượng thủy văn được tập trung hiện đại hóa, nâng cao chất lượng, góp phần giảm thiểu thiệt hại do thiên tai…
PV : Một trong những nội dung rất quan trọng của Nghị quyết Đại hội Đảng là phát triển theo mô hình kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn. Xin Bộ trưởng cho biết những giải pháp mà Bộ đã thực hiện trong thời gian qua?
Bộ trưởng Trần Hồng Hà: Hiện nay, các Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương đã tạo ra một nền tảng hết sức quan trọng để chúng ta chuyển đổi mô hình phát triển kinh tế đi theo chiều sâu và chất lượng. Theo đó, ngành tài nguyên và môi trường cũng đã phải định hình, chuyển đổi các chính sách của mình thông qua Chủ trương của Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương.
Theo đó mô hình kinh tế xanh, kinh tế tuần hoànthể hiệntrong mọi bài toán về kinh tế đều phải có tính đến môi trường. Trong các chi phí về phát triển kinh tế đều phải bao gồm chi phí về bảo vệ môi trường. Kinh tế nước ta cần phải chuyển đổi từ một nền “kinh tế nâu” sang nền “kinh tế xanh,” phải chuyển từ việc sử dụng các nguyên liệu hóa thạch sang các nguyên liệu thân thiện với môi trường, phải giữ được không gian sống xanh cho con người. Tư duy cần chuyển sang kinh tế tuần hoàn, hay nói cách khác, một nền kinh tế mà mọi nguồn tài nguyên thiên nhiên đều phải được xử lý một cách hiệu quả, tiết kiệm.
Trong quá trình phát triển, việc hoạch định tài nguyên thiên nhiên là đầu vào, là một nguồn lực, trong nguồn lực đó nguồn lực hữu hạn không thể tái tạo thì cần phải phân định để làm sao tính toán, giải quyết được bài toán về môi trường, bài toán bền vững trong tương lai, cũng như phân bổ được cho các thế hệ… Trên cơ sở đó, chuyển sang kinh tế tuần hoàn mà mọi tài nguyên thiên nhiên được khai thác có tính toán và sử dụng lâu bền, hiệu quả nhất; tiến tới chất thải ít nhất.
Chúng tôi cho rằng cần phải xác định môi trường là một ngành. Đầu tư vào nguồn vốn tự nhiên, cải thiện chất lượng môi trường, phục hồi các hệ sinh thái tự nhiên – đó là một ngành. Trong xu thế phát triển, kinh tế số cũng là giải pháp, là động lực để ngành quản trị, lượng hóa và hạch toán được, cũng như giảm việc sử dụng tài nguyên, có thời gian để phát triển kinh tế đầu tư vào vốn tự nhiên, tạo ra công ăn việc làm và ổn định xã hội.
PV : Bộ trưởng có thể cho biết năm 2021 ngành tài nguyên và môi trường sẽ có giải pháp gì để quản lý và phát triển ngành vững mạnh hơn?
Bộ trưởng Trần Hồng Hà : Trước khi nói đến năm 2021, cũng phải nhìn nhận rằng những việc chúng tôi đã thực hiện được trong thời gian qua mới chỉ là xây dựng những nền tảng ban đầu, mà không phải tất cả các lĩnh vực đều làm được.
Đối với lĩnh vực môi trường, chúng ta đã có Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương, đã có những chủ trương quan trọng được đưa vào các Văn kiện được công bố tại Đại hội XIII của Đảng. Chúng ta cũng đã có Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 có hiệu lực từ tháng 1/2022 nên đối với môi trường – một trong 3 trụ cột quan trọng của phát triển bền vững, chúng tôi sẽ tập trung triển khai thực hiện Luật Bảo vệ môi trường, trong đó lấy người dân làm lực lượng nòng cốt, người dân phải là người thực hiện, tham gia nhưng đồng thời cũng là người giám sát về môi trường.
Nếu mỗi người dân đều có ý thức, đoàn kết, có quyết tâm cao và coi việc bảo vệ môi trường quan trọng giống như người dân đất nước ta hiện nay đang rất đoàn kết chống lại dịch COVID-19 thì công tác bảo vệ môi trường, phát triển bền vững đất nước, phát triển đất nước theo hướng thân thiện với môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu trong thời gian tới sẽ đạt được những bước tiến lớn.
Trong lĩnh vực ứng phó với biến đổi khí hậu và khí tượng thủy văn, biến đổi khí hậu đang ngày càng trở nên cực đoan và khó đoán định. Vì thế, vấn đề đặt ra trong thời gian tới là làm sao tăng cường khả năng dự báo một cách chính xác hơn, đưa ra những cảnh báo kịp thời hơn, cũng như đánh giá được sự biến đổi của khí hậu để từ đó có thể đưa ra được những quy hoạch tổng thể, kịp thời, chuyển từ bị động ứng phó sang chủ động thích ứng.
Để đáp ứng được yêu cầu trên, đòi hỏi chúng ta cần phải tổng hợp rất nhiều lĩnh vực khoa học của các ngành, địa phương và có đánh giá cụ thể từng khu vực, nhất là các tai biến địa chất, xây dựng thiết lập mạng lưới quan trắc dày hơn liên quan đến khí tượng và thủy văn ở đó, thậm chí xây dựng hệ thống giám sát trực tiếp.
PV : Xin cảm ơn Bộ trưởng!
Đại hội XIII sẽ có quyết sách, chủ trương lớn về lĩnh vực tài nguyên môi trường
Với kết tinh của trí tuệ, niềm tin, sự gửi gắm từ nhân dân, Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng sẽ có quyết sách về những chủ trương lớn về lĩnh vực tài nguyên và môi trường.
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà. (Ảnh: Khương Trung)
Đó là chia sẻ của Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Ban Cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Trần Hồng Hà, đại biểu tham dự Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
Phóng viên (PV): Những ngày này, cả nước đang hân hoan chào đón sự kiện chính trị đặc biệt Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Cùng với cả nước, trong nhiệm kỳ vừa qua, Đảng bộ Bộ TN&MT đã quán triệt sâu sắc Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng, hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ chính trị được giao. Với ý nghĩa trên, Bộ trưởng có thể chia sẻ về kinh nghiệm xây dựng phát triển tổ chức Đảng, tạo nên dấu ấn trong nhiệm kỳ qua và những thành công trong việc thực hiện các quyết sách về lĩnh vực TN&MT ?
Bộ trưởng Trần Hồng Hà: Trong nhiệm kỳ qua, đất nước ta đã gặp nhiều khó khăn, thách thức. Nhưng dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị và sự quản lý, điều hành của Quốc hội, Chính phủ, sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị và sự nỗ lực phấn đấu của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân và cộng đồng doanh nghiệp, chúng ta đã đạt được nhiều thành tựu rất quan trọng, khá toàn diện, tạo nhiều dấu ấn nổi bật.
Cùng với cả nước, những kết quả mà Đảng bộ Bộ TN&MT đạt được trong nhiệm kỳ Đại hội vừa qua có ý nghĩa quan trọng. Có được kết quả này, nhờ có sự lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời của Trung ương, Chính phủ, cấp ủy, chính quyền các địa phương và đặc biệt là sự nhất trí, đồng lòng, hưởng ứng cao của cán bộ, đảng viên trong toàn ngành.
Cụ thể, thời gian vừa qua, Đảng bộ Bộ TN&MT đã thực hiện một cách nhuần nhuyễn giữa hoạt động của ban lãnh đạo, Ban Chấp hành Đảng ủy trong quá trình triển khai thực hiện các Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng. Đặc biệt, Đảng bộ đã đổi mới nội dung và hình thức để việc sinh hoạt Đảng trở thành một công việc mà người Đảng viên nhận thức là cần thiết, chứ không phải định kỳ.
Đặc biệt Đảng bộ luôn quán triệt, định hướng xây dựng lực lượng kế cận tham gia vào Đảng. Cụ thể, Đảng bộ chú trọng từ quá trình xây dựng, bồi dưỡng, đào tạo từ Đoàn Thanh niên, từ cán bộ chưa phải là đảng viên. Làm sao cho họ thấy khi tham gia vào Đảng họ sẽ làm được nhiều hơn, có trách nhiệm hơn, được rèn luyện trong những môi trường tốt hơn. Có như vậy công tác Đảng mới phát triển toàn diện.
Đặc biệt, để có được kết quả nhiệm kỳ qua, nhiệm vụ đầu tiên được Đảng bộ luôn coi trọng là công tác xây dựng và phát triển Đảng viên. Đây được coi là một nhiệm vụ quan trọng, từ đó góp phần thực hiện tốt các nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội, huy động, tập hợp được công tác lãnh đạo, chỉ đạo để hoàn thành được các nhiệm vụ chính trị, chuyên môn.
Tôi cho rằng việc thể chế hóa các chủ trương của Đảng cần phải trở thành một việc hết sức quan trọng. Bởi nếu có chủ trương, có đường lối mà không thể chế hóa, không quy định được thì công tác quản lý không thể hiệu quả được. Một điểm quan trọng mà tôi muốn nhấn mạnh là phải đổi mới nội dung và hình thức công tác sinh hoạt đảng. Đây là một hoạt đông, là trách nhiệm của Đảng viên.
Về lĩnh vực chuyên môn, với tinh thần kiến tạo thời gian qua, Bộ TN&MT đã lắng nghe từ thực tiễn, cơ sở, từ đó giải quyết các khó khăn vướng mắc bằng thể chế để giải phóng, sử dụng hiệu quả các nguồn lực tài nguyên, môi trường cho phát triển đất nước.
Có thể kể đến các Nghị định số 01/2017/NĐ-CP; số 148/2020/NĐ-CP cởi những nút thắt về đất đai cho phát triển hay Nghị định số 40/2019/NĐ-CP thiết lập cơ sở pháp lý cho chủ động kiểm soát, bảo vệ môi trường.
Cùng với đó, nhiều chủ trương, chính sách lớn mang tầm chiến lược đã được xây dựng, trình ban hành để giải quyết hài hòa giữa phát triển kinh tế, xã hội với bảo vệ môi trường, quản lý, sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu cho phát triển bền vững như Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045; các Kết luận số 36-KL/TW ngày 06/9/2018 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 (Khóa XI) về tiếp tục đổi mới chính sách pháp luật đất đai trong thời kỳ đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, tạo nền tảng để đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại; Kết luận số 56-KL/TW ngày 23/8/2019 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa XI về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường; Luật Đo đạc và bản đồ, Luật Bảo vệ môi trường 2020; Nghị quyết số 120-NQ/CP của Chính phủ về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long...
Cùng với hoàn thiện thể chế, sự phối hợp gắn kết hiệu quả từ Trung ương đến địa phương, toàn ngành đã tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ trong công tác quản lý tài nguyên và môi trường; chuyển từ bị động, bất ngờ sang chủ động.
PV : Dự thảo Văn kiện Đại hội XIII của Đảng có nhấn mạnh về việc quản lý môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu để phát triển bền vững. Bộ trưởng có thể cho biết giải pháp và phương hướng phát triển của ngành đối với sự phát triển của đất nước trong thời gian qua như dự thảo Văn kiện Đại hội đề cập?
Bộ trưởng Trần Hồng Hà : Quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu được xác định là những vấn đề có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, có tầm ảnh hưởng lớn, quan hệ, tác động qua lại, cùng quyết định sự phát triển bền vững của đất nước; là cơ sở, tiền đề cho hoạch định đường lối, chính sách phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và an sinh xã hội.
Lĩnh vực tài nguyên và môi trường vừa là một trong những lĩnh vực kinh tế quan trọng, quản lý tài sản quốc gia, là nguồn lực, nguồn vốn tự nhiên đặc biệt quan trọng của đất nước vừa là một trong ba trụ cột của phát triển bền vững.
Do đó, đây là một trong trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của cả hệ thống chính trị; là trách nhiệm và nghĩa vụ của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và cộng đồng dân cư, trong đó Nhà nước giữ vai trò chủ đạo, dưới sự lãnh đạo của Đảng và sự tham gia, giám sát của toàn xã hội.
Chính vì vậy, nội dung về quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu là một trong những nội dung quan trọng trong các dự thảo văn kiện trình Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, được Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước hết sức quan tâm; có sự đóng góp trí tuệ không chỉ của ngành tài nguyên và môi trường mà còn có tâm huyết, gửi gắm của các nhà khoa học và nhân dân.
Dự thảo các văn kiện là những chủ trương lớn mang tầm thời đại để hướng tới mục tiêu phát triển bền vững đất nước dựa trên quan điểm phát triển hài hòa giữa kinh tế, xã hội và môi trường; lấy bảo vệ sức khỏe nhân dân làm mục tiêu hàng đầu, ứng xử hài hòa với thiên nhiên, theo quy luật tự nhiên, coi đầu tư cho bảo vệ môi trường là đầu tư cho phát triển bền vững; chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu trong mối quan hệ toàn cầu; coi đây không chỉ là thách thức mà còn tạo cơ hội thúc đẩy chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng phát triển bền vững...
Chúng tôi mong muốn với kết tinh của trí tuệ, niềm tin, sự gửi gắm từ nhân dân, Đại hội sẽ có quyết sách về những chủ trương lớn về tài nguyên và môi trường.
Cùng với Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII được thông qua, các nghị quyết có liên quan của Trung ương sẽ định hình hướng phát triển đối với ngành tài nguyên và môi trường.
PV : Dự thảo Văn kiện Đại hội XIII có đề cập tới công tác cán bộ. Theo Bộ trưởng, về công tác cán bộ, việc luân chuyển, bồi dưỡng cán bộ có ý nghĩa như thế nào để tạo nguồn cán bộ kế cận của Đảng và việc này được thể hiện ở như thế nào ở Đảng bộ Bộ TN&MT?
Bộ trưởng Trần Hồng Hà: Tôi hết sức tâm đắc về vấn đề này. Đối với cán bộ của ngành TN&MT nếu không có sự luân chuyển, không ở địa phương sẽ không nắm được vấn đề, không hiểu được công tác xây dựng Đảng. Nếu không có sự luân chuyển sẽ không nắm đựơc cơ sở, không hiểu được thực tế, không hiểu được tâm tư nguyện vọng người dân thì rất khó hoàn thành nhiệm vụ.
Bởi vậy, cho dù bất cứ ai nếu được đi bồi dưỡng bằng hình thức này hay hình thức khác ở các cơ sở là cần thiết. Theo tôi, ở lĩnh vực TN&MT rất cần phải có luân chuyển và bồi dưỡng cán bộ.
PV : Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!
Bão số 9 giật cấp 15 khi vào đất liền, "quần thảo" rồi mới suy yếu Dự báo 10 giờ ngày 28/10 tâm bão số 9 ngay trên đất liền từ Quảng Nam đến Bình Định, sức gió mạnh nhất cấp 11-12, giật cấp 15. Đáng lưu ý, sau khi đổ bộ, bão đi sâu vào đất liền và "quần thảo" rồi mới suy yếu. Trước diễn biến phức tạp của bão số, chiều 27/10, Bộ trưởng Bộ Tài...