Công Phượng, Văn Hậu và giấc mơ châu Âu
Quyết định trở về Việt Nam chơi bóng của Công Phượng cho đến lúc này có thể nói là hoàn toàn chính xác, bởi chỉ trong vài tháng ngắn ngủi khoác áo CLB TP.HCM, Công Phượng hầu như đã lấy lại được tất cả những phẩm chất từng khiến anh được gọi là Messi Việt Nam.
Không chỉ như thế, quãng thời gian bôn ba từ Nhật Bản, qua Hàn Quốc rồi Bỉ đã giúp Công Phượng trưởng thành thực sự cả ở tư duy cũng như phong cách chơi bóng, và nếu LS V-League 2020 với AFC Cup 2020 không bị hoãn lại vì dịch bệnh Covid-19 thì có thể bây giờ Công Phượng sẽ còn xuất sắc hơn nữa.
Chứng kiến sự hồi sinh ngoạn mục của Công Phượng, người hâm mộ không khỏi chạnh lòng khi nhớ tới Văn Hậu, cầu thủ vẫn chưa được thi đấu phút nào cho CLB SC Heerenveen ở giải VĐQG Hà Lan, mà tất cả mới chỉ dừng lại ở 4 phút cuối cùng ở trận gặp Roda JC tại Cúp QG Hà Lan và giải đấu dành cho các cầu thủ dự bị ở Hà Lan.
Sẽ có người nói rằng việc Văn Hậu chưa được thi đấu ở giải VĐQG Hà Lan cũng chẳng sao, vì chỉ cần hậu vệ này được ăn tập trong môi trường bóng đá hàng đầu châu Âu như Hà Lan hay ra sân ở giải dự bị cũng đủ để tiến bộ hơn so với khi đá ở trong nước cho CLB Hà Nội.
Tuy nhiên, đấy chỉ là một cách nghĩ, và lịch sử bóng đá châu Á nói riêng và bóng đá thế giới nói chung chưa từng ghi nhận một trường hợp cầu thủ nào vươn lên thành ngôi sao chỉ nhờ thi đấu ở giải đấu dành cho đội hình dự bị.
Văn Hậu vẫn chưa một lần được thi đấu ở giải VĐQG Hà Lan. Ảnh: SC Heerenveen
Đội một và giải VĐQG luôn là thước đo chính xác nhất để đánh giá năng lực của từng cầu thủ, vì chỉ có ở môi trường cạnh tranh khắc nghiệt như vậy, các cầu thủ mới thể hiện được những phẩm chất hay nhất của mình.
Việc thủ môn Kawin Thamsatchanan của Thái Lan mới đây lập tức nhận lời với CLB Consadole Sapporo của J-League để chia tay với OH Leuven, CLB hạng Nhì của Bỉ, chính là một gợi ý dành cho Văn Hậu, rằng giấc mơ bóng đá châu Âu dù có huy hoàng và hứa hẹn đến thế nào thì cũng chẳng thể sánh bằng việc được ra sân hàng tuần.
2 năm của Kawin ở OH Leuven hầu như chỉ quanh quẩn với băng ghế dự bị và tổng số trận đấu là 20, con số quá ít với một cầu thủ chuyên nghiệp, và đấy cũng là một trong những nguyên nhân khiến cho Kawin đánh mất vị trí số một ở đội tuyển Thái Lan. Vì thế, chuyện Kawin quyết định chia tay OH Leuven được coi là điều phải đến đã đến.
Ở tuổi 21, Văn Hậu (sinh năm 1999) trẻ hơn rất nhiều so với cả Công Phượng (sinh năm 1995) hay Kawin (sinh năm 1990), nhưng không phải vì thế mà Văn Hậu để lãng phí tuổi thanh xuân của mình chỉ cho những trận đấu của giải dành cho đội hình dự bị ở Hà Lan.
Huy Anh
Sau Văn Hậu & Văn Lâm, cầu thủ Việt Nam xuất ngoại nên tới nước nào?
Bóng đá Việt Nam đã bắt đầu xuất khẩu cầu thủ nhưng môi trường nào được đánh giá là thuận lợi nhất cho những Quang Hải & Văn Đức, nếu họ muốn xuất ngoại?
Mặc dù những cầu thủ HAGL như Công Phượng và Xuân Trường xuất ngoại thất bại nhưng tín hiệu tích cực từ Văn Lâm và phần nào là Văn Hậu cho thấy cơ hội thi đấu bên ngoài lãnh thổ vẫn là không ít cho các cầu thủ Việt Nam. Tin đồn Quang Hải và Phan Văn Đức được CLB Consadole Sapporo tại Nhật Bản liên hệ cho thấy điều đó.
Đang có tin đồn Văn Đức được mời sang Nhật chơi bóng
Dù vậy những trường hợp được xuất ngoại sang tận châu Âu như Văn Hậu là rất hiếm hoi và không phải CLB nào cũng dễ dàng trao cơ hội cho các ngoại binh châu Á, nhất là ở những giải VĐQG có quy chế ngoại binh khắt khe. Chính giải Eredivisie có những quy định nhằm buộc các CLB phải trọng dụng cầu thủ nội, do vậy mà cơ hội của Văn Hậu trụ lại ở Heerenveen không phải là lớn.
Vậy những giải đấu nước ngoài nào không những sẽ đón chào cầu thủ Việt Nam mà còn có quy chế ngoại binh thuận lợi? Các giải đấu châu Âu khi tuyển mộ cầu thủ châu Á thường nhìn vào các giải VĐQG chất lượng chuyên môn cao như J-League hay K-League nên cơ hội đi châu Âu của cầu thủ Việt Nam thực ra chỉ cao khi đã trải nghiệm các giải này, và đó lại là hai giải đang có quy chế ngoại binh ưu ái cho các nước Đông Nam Á.
Hồi tháng 4/2019, giải K-League công bố kể từ năm 2020 họ sẽ cho phép các CLB sử dụng 5 ngoại binh trong đó có 1 suất cho cầu thủ ASEAN. Trong khi đó J-League không giới hạn ngoại binh nhưng đội hình đăng ký thi đấu mỗi trận chỉ được chọn 5 cầu thủ.
Tuy nhiên những ai đến từ 9 quốc gia đối tác của giải đấu (Việt Nam, Thái Lan, 5 nước Đông Nam Á khác, Iran và Qatar) sẽ không bị tính là ngoại binh (tức về lý thuyết một CLB J-League có thể tung ra đội hình không có người Nhật nào nếu các cầu thủ đều đến từ Việt Nam, Thái Lan, Malaysia, Myanmar hay Qatar).
Chanathip Songkrasin trong màu áo Consadole Sapporo. Anh là cầu thủ ASEAN nhưng thực tế không bị tính là ngoại binh ở J-League
Ngoài Hàn Quốc và Nhật Bản thì chỉ có 2 giải VĐQG khác ưu ái ngoại binh ASEAN vì đều ở Đông Nam Á. Thai League cho các CLB tới 4 suất cầu thủ Đông Nam Á và hiện 16 CLB ở giải này đang có trong biên chế của họ 24 cầu thủ ASEAN. Giải còn lại, Liga Super Malaysia, chỉ có 1 suất cho cầu thủ ASEAN và còn yêu cầu chỉ các cầu thủ ASEAN đã chơi tối thiểu 30 trận cho ĐTQG mới được tự do ký hợp đồng, số còn lại phải trình lên cho Hiệp hội bóng đá Malaysia xem xét.
Do vậy mà hiện ở châu Á chỉ có giải J-League, K-League và Thai League là những giải VĐQG có quy chế để các CLB tích cực tuyển mộ cầu thủ Việt Nam. Đây là những giải đấu tốt hơn V-League về quy mô và tài chính, nên nếu chưa thể vươn tới trời Âu thì đó sẽ là những điểm đến không tồi cho các ngôi sao Việt Nam muốn xuất ngoại.
Theo Q.D (Khám Phá)
Hà Nội FC chưa quyết định tương lai Văn Hậu "Tôn trọng hợp đồng cùng đối tác là tinh thần của lãnh đạo Hà Nội FC vào thời điểm này về những vấn đề liên quan đến Đoàn Văn Hậu ở CLB SC Heerenveen (Hà Lan)". Chủ tịch HĐQT Cty CP thể thao T&T Nguyễn Quốc Hội khẳng định như thế về thông tin cho rằng Đoàn Văn Hậu có thể trở về...