Công Phượng lên tiếng về tương lai trước tin đồn ở lại TP.HCM
Tương lai của tiền đạo Công Phượng đang nhận được sự quan tâm đặc biệt của người hâm mộ, sau khi hợp đồng của anh với CLB TP.HCM hết hiệu lực vào cuối năm nay.
Theo bản hợp đồng cho mượn đã ký với TP.HCM, tiền đạo Công Phượng sẽ phục vụ cho đội bóng này nốt 2 vòng đấu nữa. Như vậy, ngay khi V-League 2020 hạ màn, Công Phượng sẽ không nằm trong quân số của đội bóng Sài thành.
Trong thời gian qua, đã có không ít tin đồn về việc Công Phượng sẽ tiếp tục ở lại thi đấu cho TP.HCM, thậm chí là ở lại lâu dài vì tiền đạo người Nghệ An sắp lấy vợ ở thành phố. Cũng có nhiều thông tin cho rằng bầu Đức sẽ gọi lại Công Phượng để tăng cường sức mạnh hàng công cho HA Gia Lai mùa tới.
Công Phượng (phải) thi đấu cho TP.HCM theo dạng cho mượn từ HA Gia Lai ở mùa giải 2020
Về phần mình, Công Phượng cho biết đến thời điểm hiện tại anh chưa chắc ở lại TP.HCM hay về HA Gia Lai: “Phượng vẫn chưa biết ở lại CLB TP.HCM hay trở lại HA Gia Lai. Mặc dù ở đội bóng nào thì Phượng vẫn phải nỗ lực, cống hiến hết khả năng để mang lại những điều tốt nhất cho đội bóng”.
Công Phượng đã thi đấu rất tốt trước khi dính chấn thương ngón chân phải nghỉ dài hạn. Tiền đạo sinh năm 1995 chia sẻ: “Theo tôi để nói đây là mùa giải thành công cũng không đúng mà thất bại cũng không phải. Bởi vì, các cầu thủ đã nỗ lực hết sức mình, nhưng trong bóng đá thì không biết trước được điều gì nên chúng tôi đã có những kết quả không như mong đợi”.
“Bản thân Phượng đã rất nỗ lực để khẳng định bản thân. Tôi muốn giúp đội bóng có thành tích tốt, giành được huy chương. Nhưng từ khi bóng đá trở lại sau dịch Covid-19, Phượng và toàn đội đã gặp một chút khó khăn. Sau đó, tôi lại dính chấn thương, đó là điều không may mắn nên không thể giúp đội”, Công Phượng nhấn mạnh.
Ở những buổi tập gần đây, Công Phượng đã xuất hiện trên sân cùng các cầu thủ TP.HCM, nhưng nhiều khả năng anh vẫn chưa thể ra sân để nâng cao số bàn thắng của mình, qua đó có thể đua danh hiệu Vua phá lưới mùa này.
Vì sao chiến lược xuất khẩu cầu thủ HAGL của bầu Đức phá sản?
Hơn 13 năm sau ngày thành lập Học viện HAGL JMG, chưa có một cầu thủ HAGL nào xuất ngoại mà thi đấu thành công như giấc mơ ngày xưa bầu Đức từng ấp ủ.
Ngày 26/6/2019, Lương Xuân Trường trở về Việt Nam, chấm dứt sớm hợp đồng cho mượn ở Buriram United trước thời hạn 6 tháng. Đây là lần thứ ba trong sự nghiệp, tiền vệ của HAGL thất bại trong việc khẳng định mình tại một CLB nước ngoài. Đến hồi tháng 1/2020, điền tương tự xảy ra với Nguyễn Công Phượng. Tiền đạo người Nghệ An rời Sint-Truidense V.V (Bỉ) 6 tháng trước khi hợp đồng cho mượn 1 năm giữa hai bên đáo hạn để trở lại Việt Nam khoác áo CLB TP.HCM...
Hơn 13 năm sau ngày thành lập Học viện HAGL JMG với mục tiêu ban đầu là xuất khẩu cầu thủ ra nước ngoài, cụ thể là sang châu Âu, nhưng từ Tuấn Anh, Xuân Trường, Công Phượng hay Đức Lương, chưa có bất cứ ai thành công cả.
Chiến lược xuất khẩu cầu thủ của bầu Đức vì thế đã thất bại.
Video đang HOT
Bầu Đức là người tiên phong trong công cuộc đào tạo trẻ của bóng đá Việt Nam. Ảnh: Nguyễn Đăng.
Bầu Đức - người tiên phong
Năm 2007, bầu Đức thành lập Học viện HAGL JMG tại Hàm Rồng. Năm 2012, lứa trẻ của bầu Đức tham dự giải đấu quốc tế đầu tiên (Sanix Cup ở Nhật Bản) và gây được tiếng vang lớn khi đối đầu các lò đào tạo danh tiếng khắp thế giới.
Cũng trong năm đó, lứa cầu thủ này lên tuyển U19 và liên tục tạo ấn tượng ở các giải trẻ. Nguyễn Tuấn Anh, ngôi sao sáng giá nhất của JMG ngày ấy, thậm chí từng được HLV Arsene Wenger giới thiệu tới thử việc tại Olympiakos.
Bất chấp nốt trầm ở V.League 2015, "những đứa trẻ của bầu Đức" vẫn đạt tới đỉnh cao ở năm 2016 khi bộ ba Tuấn Anh, Xuân Trường, Nguyễn Công Phượng cùng xuất ngoại. Từ CLB tới đội tuyển, họ thể hiện lối chơi bóng ngắn, ban bật thống nhất. Cầu thủ HAGL là nòng cốt cho tuyển Việt Nam ở AFF Cup 2016 với đỉnh cao là danh hiệu Quả bóng bạc cho Xuân Trường.
Giai đoạn ấy, lứa Công Phượng tạo thành cơn sốt bóng đá trẻ. Người hâm mộ mê mẩn lứa cầu thủ này. Họ kéo khán giả trở lại với sân cỏ, giúp bóng đá Việt Nam lấy lại sự quan tâm sau nửa thập kỷ sa sút.
Dù những tranh cãi về năng lực của họ đã manh nha, không ai có thể phủ nhận thành công và tầm ảnh hưởng của khóa I JMG tới bóng đá Việt Nam.
Bầu Đức, với tư cách người sáng lập Học viện, xứng đáng nhận được những lời ngợi khen. Ông là người đầu tiên lập ra một Học viện liên kết với nước ngoài, loại bỏ lối đào tạo kiểu cũ dựa trên kinh nghiệm, tin vào các giáo trình quốc tế, hướng tới việc đưa cầu thủ Việt Nam ra thế giới.
Bước đi tiên phong của ông Đức không chỉ tạo ra học viện JMG, nó còn mở đường cho những ông bầu, các doanh nghiệp khác lao vào làm đào tạo trẻ. Viettel, CLB Hà Nội, PVF đều đã ra đời sau JMG chỉ vài năm.
Trong kỳ tích U23 châu Á 2018, 6 cầu thủ HAGL vẫn góp mặt, nhiều nhất đội hình, còn Xuân Trường mang băng thủ quân.
Thành tựu ngày nay của bóng đá trẻ Việt Nam, bầu Đức là người tiên phong.
HAGL không tiến bộ nhiều sau nhiều mùa giải ở V.League do chiến lược sai lầm của CLB. Ảnh: Minh Chiến.
Tiên phong nên thất bại
Nhưng tiên phong nghĩa là chưa có tiền lệ, người tiên phong cũng là người phải đối diện với những thách thức chưa ai biết tới. Đi cùng với vinh quang, bầu Đức và Học viện HAGL JMG cũng phải đối mặt vô số khó khăn.
Sau khi hoàn tất tiến trình đào tạo hồi năm 2014, bầu Đức quyết định đôn gần như toàn bộ lứa I và lứa II JMG, những cầu thủ sinh từ 1995 tới 1997, lên V.League. Để lấy chỗ cho "những đứa trẻ", ông Đức thẳng tay loại bỏ gần 20 "cựu thần" - những người đã đưa Gia Lai tới HCĐ V.League 2013.
Bước đi vội vã ấy ngay lập tức khiến bầu Đức phải trả giá. Bởi trước khi tham dự V.League 2015, lứa Công Phượng đã bộc lộ những hạn chế về năng lực thông qua Giải U19 châu Á 2014 - giải đấu mà Công Phượng, Xuân Trường, Tuấn Anh thua tan nát trước Hàn Quốc, Nhật Bản. Ngay ở bình diện Đông Nam Á, lứa U19 ấy cũng không trội hơn Myanmar - nền bóng đá sau đấy đã giành vé dự World Cup trẻ.
HAGL không phải không biết tới những thất bại ấy. Nhưng sự chủ quan, vội vã đã khiến họ phải trả giá.
Bước vào V.League, lứa trẻ ấy lập tức thất bại. Suốt từ năm 2015 tới mùa 2019, HAGL luôn kết thúc mùa giải ở nửa cuối BXH với vị trí cao nhất là thứ 10.
Ở CLB Hà Nội, những cầu thủ trẻ như Quang Hải (giữa) luôn có các đàn anh dìu dắt. Ảnh: Minh Chiến.
Về kinh nghiệm, lứa cầu thủ này chưa từng thi đấu V.League, chỉ bắt đầu đá sân 11 từ năm 2011, hành trang trong tay là vài chục trận ở các giải U19. Họ lên V.League mà không có đàn anh chỉ bảo, không có ngoại binh đẳng cấp trong đội hình.
Ở tuổi 20, Công Phượng, Xuân Trường, Tuấn Anh đều từng mang băng đội trưởng HAGL. Không một ai giữ được tấm băng ấy quá lâu - bằng chứng cho áp lực nặng nề mà tuổi tác của họ chưa thể gánh vác.
Về trình độ, lứa trẻ ấy khi còn ở đội U19 không thắng được Indonesia và Myanmar, không mang tới sự khác biệt trước Nhật Bản, Hàn Quốc. Họ có trình độ nhưng thiếu kinh nghiệm, chưa va chạm với sự khốc liệt của bóng đá "người lớn" và dễ dàng sụp đổ trước bức tường phòng ngự của các CLB đàn anh tại V.League.
Trong khi HAGL vội vã đôn cầu thủ trẻ lên V.League, những tuyển thủ U19 khác như Nguyễn Quang Hải, Trần Đình Trọng đều từng phải thi đấu cho Sài Gòn FC (tiền thân là CLB Hà Nội) theo dạng cho mượn. Ngày trở về Hà Nội, họ không chịu áp lực phải đá chính, không phải mang băng thủ quân. Họ thi đấu dưới sự chỉ bảo của Văn Quyết, Thành Lương, đá bên cạnh các ngoại binh đẳng cấp. Họ có thời gian học hỏi, không cần tỏa sáng ngay lập tức. Bởi thế, họ tiến bộ từng bước nhưng vững chắc.
Lấy Quang Hải làm ví dụ. Nhỏ hơn lứa Công Phượng, Xuân Trường 2 tuổi, chỉ có mặt tại V.League từ năm 2016, Quang Hải đã thăng tiến chóng mặt và giờ đang bỏ xa 2 người đàn anh.
Thông số của Xuân Trường sau 3 năm thi đấu tại Incheon, Gangwon và Buriram. Đồ họa: Minh Phúc.
Định hướng chiến lược sai lầm
Thất bại của HAGL ở V.League 2015 lẽ ra phải khiến bầu Đức tỉnh ngộ. Tuy nhiên, ông không dừng lại. Sau mùa giải thảm họa, 3 cầu thủ trẻ Tuấn Anh, Xuân Trường, Công Phượng tiếp tục bước vào cuộc phiêu lưu mới. Ở đây, cần nói tới vai trò của GĐĐH Huỳnh Mau và các HLV ở Gia Lai. Họ là những nhà chuyên môn và lẽ ra phải có sự góp ý chính xác hơn cho bầu Đức.
3 năm sau khi HAGL đưa những cái tên đầu tiên ra nước ngoài, không một ai đạt được thành công. Tuấn Anh về nước sau 1 năm ở Yokohama, Xuân Trường lang bạt qua 3 CLB khác nhau, còn Công Phượng cũng khoác áo 3 đội bóng.
Điểm chung trong các chuyến đi là cầu thủ HAGL đều không đá chính. Họ không cạnh tranh được vị trí với các ngoại binh và cầu thủ bản địa, không chứng minh được năng lực với HLV. Họ hiếm khi được thi đấu, thường chỉ vào sân từ hiệp hai, không để lại nhiều dấu ấn. Xuân Trường, người khá nhất, chỉ có vỏn vẹn 12 trận sau 3 năm.
Tất cả cầu thủ Gia Lai đều tới CLB theo dạng cho mượn với vị thế của kẻ "cửa dưới". Họ không phải là ưu tiên hàng đầu trong sắp xếp đội hình. Họ đồng thời mang quốc tịch ASEAN nên phải thi đấu theo suất ngoại binh, đòi hỏi và kỳ vọng vì thế càng khốc liệt hơn.
Sau khi Xuân Trường rời Buriram còn Công Phượng rời Sint-Truidense V.V, HAGL không còn cầu thủ nào thi đấu tại nước ngoài.
Hơn 13 năm sau ngày thành lập Học viện JMG, không có cầu thủ xuất ngoại, không có chuyển nhượng quốc tế, chưa thu về một đồng nào từ đào tạo cầu thủ, rất khó để nói bầu Đức đã đạt được thành công.
Đặng Văn Lâm (áo hồng) nổi bật ở Thái Lan dù CLB Muangthong đang có phong độ không tốt. Ảnh: Muangthong.
Đến đây, phải nói về định hướng chuyển nhượng của HAGL, đội bóng dường như không có một ưu tiên rõ ràng nào trong việc đưa cầu thủ ra nước ngoài. Họ luôn vội vã, thường đánh giá không chính xác năng lực của đối tác và mang tới cảm giác xuất ngoại... cho xong việc.
Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Bỉ là 4 quốc gia với văn hóa khác nhau, các giải vô địch có trình độ, phong cách khác nhau. Lẽ ra, HAGL chỉ nên chọn một đích đến rõ ràng, một giải đấu có phong cách và trình độ tương đồng với cầu thủ. Lựa chọn mơ hồ của họ là nguyên nhân quan trọng khiến những Công Phượng, Xuân Trường thất bại.
Lấy Văn Lâm làm ví dụ, cầu thủ này có định hướng thi đấu tại Đông Á nhưng đã chọn Thái Lan làm bước tiến đầu tiên. Mùa giải đầu tiên ở Muangthong United, Văn Lâm bắt chính thường xuyên, nhiều hơn số trận khi xuất ngoại của cả Tuấn Anh, Xuân Trường, Công Phượng cộng lại.
Khác với những đồng đội ở ĐT Việt Nam, Văn Lâm tới Muangthong United bằng một hợp đồng bom tấn (xấp xỉ 500.000 USD), trong sự nể trọng từ đội bóng chủ quản. Giám đốc điều hành Ronnarit Suewaja từng nói ngày Lâm ra mắt CLB: "Tôi biết là cậu ấy không chỉ nhận được đề nghị từ chúng tôi. Có nhiều đề nghị khác đặc biệt từ các đội bóng châu Á. Nhưng Văn Lâm đã chọn chúng tôi vì tin tưởng vào CLB".
Hay so với chính Thái Lan - nền bóng đá mà bầu Đức luôn muốn vượt qua, người Thái xuất khẩu cầu thủ muộn hơn HAGL nhiều. Năm 2017, Chanathip Songkrasin mới là cầu thủ Thái Lan đầu tiên chơi bóng tại J.League 1. Nhưng sau thành công của Chanathip, bóng đá Thái chỉ tập trung vào J.League. Tất cả các hợp đồng của họ đều hướng tới giải đấu này. Phần lớn cầu thủ Thái qua Nhật đều đá chính, đều chơi cho các CLB mạnh. Đó là bằng chứng cho thấy chiến lược quan trọng thế nào trong việc xuất khẩu cầu thủ.
Ở tuổi 25, Tuấn Anh, Công Phượng, Xuân Trường không còn nhiều thời gian để phát triển. Kỳ vọng bước đột phá về trình độ nơi họ cũng là không thực tế. Chiến lược của bầu Đức và học viện JMG, vì thế, có lẽ là một thất bại.
Công Phượng chấn thương không đơn giản, có thể phải nghỉ hết mùa Chấn thương ngón chân của tiền đạo chủ lực Nguyễn Công Phượng có thể khiến CLB TP.HCM chịu tổn thất lớn ở giai đoạn hai V.League 2020. CLB TP.HCM cho biết, theo kết quả chụp chiếu và chẩn đoán của bác sĩ, tiền đạo Nguyễn Công Phượng đã gặp phải chấn thương ngón chân và bỏ ngỏ khả năng ra sân trong trận...