Công nhân tử nạn do sập giàn giáo được hỗ trợ 350 triệu đồng
Ngoài việc bồi thường cho các nạn nhân thiệt mạng, các đơn vị liên quan đến vụ sập giàn giáo được yêu cầu giúp đỡ những người bị thương. Tỉnh Hà Tĩnh cũng đề nghị điều tra, xử lý sai phạm cá nhân, tập thể trong vụ tai nạn.
Trưa 29/3, ông Võ Kim Cự, Bí thư kiêm Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh cho biết, nhà thầu Samsung C&T (đơn vị thi công) và đại diện Công ty Nibelc (đơn vị cung ứng lao động) đã có cuộc họp bàn về mức hỗ trợ cho các nạn nhân vụ sập giàn giáo hôm 25/3.
“Phía Samsung C&T sẽ hỗ trợ cho mỗi công nhân tử nạn 300 triệu đồng, cộng thêm tiền ma chay mỗi người 50 triệu”, ông Cự nói.
Cũng theo vị chủ tịch, Hà Tĩnh đã yêu cầu chủ đầu tư Formosa, Samsung C&T, Nibelc và các bên liên quan chăm sóc những người bị thương, giúp đỡ gia đình họ một cách thấu tình đạt lý; đồng thời yêu cầu cơ quan chức năng điều tra, kiên quyết xử lý sai phạm của cá nhân và tập thể trong vụ tai nạn.
Mỗi công nhân tử nạn được hỗ trợ 50 triệu đồng tiền tổ chức đám tang. Ảnh: Hoàng Táo.
Với những người bị thương đang điều trị tại bệnh viện, Samsung và Nibelc thống nhất sẽ cùng chăm lo, sau khi có giám định tỷ lệ thương tật, chi phí điều trị sẽ chi trả cho từng trường hợp theo quy định của pháp luật.
Trước đó, ngày 27/3, bảo hiểm thông báo mỗi công nhân gặp nạn sẽ được hưởng tối đa 50 triệu đồng.
Khoảng 20h tối 25/3, giàn giáo trên công trường đúc bê tông thùng chìm, dự án đê chắn sóng cảng Sơn Dương (khu kinh tế Vũng Áng) bị sập khi công nhân đang đẩy những cấu kiện đã đúc ra ngoài, đưa thép vào khuôn để đúc tiếp. Vụ tai nạn đã làm 13 người chết, 29 người bị thương. Có mặt trong buổi họp báo sáng 27/3 tại Hà Tĩnh, Trưởng đại diện Formosa tại Hà Tĩnh đã cùng đại diện của nhà thầu Samsung C&T và Samku (đơn vị lắp đặt hệ thống kết cấu thép của giàn giáo) cúi đầu xin lỗi các nạn nhân và toàn thể người dân Việt Nam.
Đức Hùng
Theo VNE
Công nhân Formosa: "Không làm 12 tiếng thì lấy gì bỏ vào mồm"
"Chúng tôi đã chấp nhận làm công việc tay chân thì làm gì còn dám lựa chọn hay đòi hỏi gì nữa. Họ viết gì trong hợp đồng, tôi cũng không để ý đâu", anh Chiến nói.
Video đang HOT
"Mọi người không cho tôi gặp chồng"
19h30 phút tối 28/3, trong căn nhà đơn sơ của anh Lâm Hữu Chính (SN 1978, trú tại xã Diễn Thành, Diễn Châu, Nghệ An - một trong 13 nạn nhân vong mạng vụ sập giàn giáo tại Formosa) vẫn ri rỉ những tiếng khóc than không dứt.
Trên ban thờ được bố trí giữa gian phòng trống huếch, di ảnh một người đàn ông có nụ cười hiền vẫn trìu mến nhìn xuống 3 dáng người còm cõi, đã phờ phạc đi và túm tụm nhau trong những chiếc áo xô nhàu nhĩ.
Tấm cáo phó vẫn chưa được gỡ xuống dù chủ nhân của nó đã được an táng.
Anh Chính trên ban thờ nhìn khác hẳn với anh Chính gầy rộc hốc hác bởi áp lực làm việc suốt 12 giờ/ngày tại công trường Formosa và lại càng khác xa với thân thể bê bết máu, chằng chịt vết cắt xé khi người ta bới anh ra từ hàng vạn tấn sắt thép.
Chị Chu Thị Kiều (SN 1979, vợ anh Chính), trông già hơn nhiều so với tuổi. Chị chẳng thể nói lên lời khi chúng tôi, đại diện cho những phóng viên - nhà báo đến từ Hà Nội gửi chút quà động viên và thắp nén hương cho vong hồn anh Chính.
Chị Kiều vái tạ xong thì khụy xuống bên ban thờ sơ sài, ôm ghì hai cháu Nhi (SN 2008) và Minh (2010) vào lòng mà thều thào gọi tên chồng.
Chị Kiều nghẹn ngào kể: "Bức ảnh sử dụng để thờ chồng tôi chính là ảnh chân dung anh chụp khi lên đường nộp hồ sơ xin việc vào Công ty cổ phần Xây dựng và cung ứng lao động quốc tế (Nibelc), trụ sở ở Ninh Bình".
Lúc đó, người đàn ông quê mùa chất phác vẫn giữ được vẻ ngoài rắn rỏi lực điền. Đó cũng là lần hiếm hoi anh Chính được bận lên người chiếc áo sơ mi trắng, cắm thùng, đeo cà-vạt.
Sau đó, theo hợp đồng cung cấp nhân lực của Nibelc với Samsung C&T, anh Chính được điều về làm thợ sắt ở Formosa (khu công nghiệp Vũng Áng, Kỳ Anh, Hà Tĩnh). Một ngày 12 giờ đồng hồ, anh làm quần quật cả tháng hiếm dịp thấy nghỉ.
Cứ thế xa vợ con đằng đẵng, mỗi lần về gấp gáp, chị Kiều đều thắt ruột khi thấy công việc nặng nhọc khiến chồng càng xanh xao và ho hắng.
Thế rồi, đây cũng là lần cuối, anh Chính trở về và chẳng còn cơ hội nào để hốc hác thêm nữa. Đêm 25/3, mọi người đưa anh về trong tiếng ngằn ngặt than khóc, không còn là chính anh, chỉ còn là một hình hài không vẹn nguyên...
"Mọi người không cho tôi gặp chồng ngay khi anh vừa được đưa về. Cả cơ thể anh bị hủy hoại, mặt biến dạng ghê lắm. Tôi chỉ biết ôm hai cháu nhỏ gào khóc đến lịm đi. Mãi sau khi anh nhập quan, tôi mới bình tĩnh lại được", chị Kiều đau đớn nhớ lại.
Cái giá của sự "tự nguyện"
Ngồi rầu rĩ bên cạnh chị dâu, sự khắc khổ trên gương mặt càng làm nỗi buồn đau của anh Lâm Hữu Chiến (SN 1981, em trai anh Chính) như thêm dài ra. Trên thực tế, anh Chiến là người may mắn bởi đã thoát khỏi lưỡi hái tử thần tối 25/3.
Trông anh Chiến cũng vêu vao và hốc hác, hệ quả được cho là bởi nhiều tháng ngày làm việc với cường độ cao tại công trường Formosa.
"Tôi và anh trai đều là công nhân tại công trường ấy. Tuy nhiên, do điều kiện sức khỏe nên tôi xin nghỉ phép không đi làm. Lúc nghe tin dữ tôi rụng rời tay chân. Thương anh, tôi càng thương hai đứa con anh nhỏ dại", anh Chiến nói.
Theo lời anh Chiến, công nhân ở công trường phải làm việc đên 12 giờ/ngày
Theo lời anh Chiến, anh trai anh đến lúc chết vẫn còn vất vả, không thể an lòng bởi anh là nguồn thu nhập chính nuôi cả gia đình.
"Chị Kiều làm thợ may ở khu công nghiệp, sức khỏe yếu lắm nên tháng nào cao cũng chỉ được hơn 2 triệu đồng. Rồi đây không biết 3 mẹ con sống thế nào", anh Chiến nghẹn ngào tâm sự.
Nói về công việc, anh Lâm Hữu Chiến cho hay, tất cả công nhân tại Formosa chỉ có hai lựa chọn để làm việc, ca sáng hoặc đêm. Trong khi ca sáng bắt đầu từ 7h sáng tới 19h tối thì ca đêm sẽ là từ 19h tối tới 7h sáng hôm sau. Tất cả đều 12 tiếng/ngày.
Một công nhân làm đủ 30 ca/tháng, có thể gửi về cho gia đình từ 7-8 triệu đồng.
Chẳng có sự lựa chọn nào khác cho sự tự nguyện của công nhân tại công trường này
Khi chúng tôi thắc mắc về quy định trong hợp đồng lao động là "làm việc 8 tiếng/ngày và tuần làm việc 48 tiếng", cộng thêm quy chế "tự nguyện làm thêm giờ" thì anh Chiến cay đắng cho biết: "Chẳng có lựa chọn 8 tiếng nào" và "chẳng thấy ai làm 8 tiếng".
Anh Chiến nói thêm, công việc 1 ca đã quy định, làm 8 tiếng không đủ thời gian nên đành làm 12 tiếng.
"Họ không ép chúng tôi phải làm và họ trả tiền thêm giờ. Nhưng chỉ có 2 ca đêm và sáng để lựa chọn. Do khối lượng công việc quá lớn nên mọi thứ cứ cuốn đi.
Có những hôm mệt mỏi đến căng cứng tay chân nhưng cũng không dám xin nghỉ, vì phía Nibelc có những quy định cứng rắn lắm.
Nếu chúng tôi tới muộn, hay nghỉ không phép 1 ngày thì có khi sẽ bị đuổi việc ngay, thế nên anh em chúng tôi nhiều khi không dám nghĩ tới việc nghỉ làm", anh Chiến nói.
Anh Chiến cũng thật thà cho biết thêm, anh và nhiều công nhân khác của Nibelc chẳng được đào tạo gì nhiều. Cứ nộp hồ sơ xong chờ gọi đi làm luôn.
Tất cả những gì được đào tạo chỉ là 1 buổi học an toàn lao động trước khi nhận việc. Còn lại cứ quen tay, người sau nhìn người trước mà làm. Cả anh và người anh trai xấu số của anh cũng vậy.
"Chúng tôi đã chấp nhận làm công việc tay chân thì làm gì còn dám lựa chọn hay đòi hỏi gì nữa. Họ viết gì trong hợp đồng, tôi cũng không để ý đâu. 8 tiếng hay 12 tiếng cũng phải làm thôi. Không làm thì lấy gì bỏ vào mồm", anh Chiến thở dài.
Theo Tri Thức
Hình ảnh xúc động về cảnh sát vụ sập giàn giáo Ngoài bộ đội, biên phòng, CSCĐ, thì những cán bộ chiến sỹ Phòng Cảnh sát PCCC - Cứu hộ cứu nạn đã để lại ấn tượng rất tốt đẹp khi miệt mài lăn xả suốt 20 giờ, cùng với các lực lượng khác cứu hộ thành công vụ sập giàn giáo. Đại tá Lương Hữu Phùng, Trưởng phòng Cảnh sát PCCC - CNCH...