Công nhân chật vật gửi con thời COVID-19
Con cái không đi học nhưng công nhân vẫn phải đến xưởng làm nên họ phải xoay đủ cách để con được an toàn.
Các em nhỏ trong xóm trọ ở đường Ấp Đông 1, xã Thới Tam Thôn, huyện Hóc Môn, TP.HCM cùng chơi, trông coi nhau trong những ngày nghỉ học, cha mẹ đi làm – Ảnh: HOÀNG AN
Để giải quyết khó khăn, mỗi công nhân có giải pháp khác nhau như: thay nhau xin nghỉ phép, gửi con cho người thân, “huy động” ông bà từ quê vào trông cháu… Cá biệt có trường hợp “đóng cửa” cho trẻ tự chơi ở nhà và gửi hàng xóm xung quanh.
Con nghỉ học, bố mẹ thêm việc
Mấy ngày nay, sân chơi trong khu lưu trú công nhân của cô Trần Thị Thành (ngụ Hóc Môn, TP.HCM) lúc nào cũng có các em nhỏ đủ mọi lứa tuổi chơi đùa vì các em đều được nghỉ học để tránh Covid-19. Khu trọ chủ yếu dành cho công nhân khắp nơi đang làm việc trong các nhà máy, xí nghiệp này có hơn 200 phòng trọ.
“Ở đây có hơn 40 em đủ mọi lứa tuổi. Nhiều nhà sau tết vẫn để con ở quê chưa đưa vào lại. Số khác gửi con ngược về quê lần nữa để cho ông bà trông. Nhà nào con đã lớn, lớp 4, lớp 5 trở lên thì các em tự chơi ở nhà, trưa bố mẹ được cho về nấu cơm nước” – cô Thành chia sẻ. Riêng cô Thành mấy ngày nay cũng đang giữ ba em bé là con công nhân ở độ tuổi 1-2 vì “nhà xa mà ở quê cũng không có người thân trông giúp”.
“Mấy bữa nay vợ chồng tôi người làm đêm, người làm ngày để thay nhau trông con” – anh Nguyễn Duy Khang, công nhân Công ty Year 2000 (quận Thủ Đức), chia sẻ về cách vợ chồng anh giữ con mấy ngày sau tết.
“Người làm ca đêm, người làm ca ngày để giữ con chứ biết sao. Cũng may công ty cũng hỗ trợ đổi ca nhưng nếu con tiếp tục nghỉ học kéo dài, tôi sẽ gửi con về quê để ông bà ở dưới Kiên Giang giữ giùm một thời gian” – anh Khang nói.
Thế nhưng, không phải gia đình nào cũng có điều kiện gửi con về cho ông bà chăm sóc giúp. Chị Bùi Thị Dương (36 tuổi, quê Bà Rịa – Vũng Tàu), công nhân Công ty TNHH Taekwang Vina (Khu công nghiệp Biên Hòa 2, TP Biên Hòa), cho biết gia đình chị có 2 con nhỏ, đứa lớn 6 tuổi, đứa nhỏ mới lên 3.
Trước khi có dịch, vợ chồng chị Dương gửi các con ở trường, sáng đưa đi chiều đón về. Nhưng từ hai tuần nay, nhà trường cho học sinh nghỉ học để tăng cường phòng chống dịch COVID-19, cuộc sống gia đình chị bắt đầu đảo lộn. Không gửi con cho ai được, vợ chồng chị Dương phải thay nhau nghỉ việc ở nhà chăm con.
Theo chị Dương, chồng chị làm thợ hồ, còn chị làm công nhân nuôi hai con nhỏ nên kinh tế gia đình chỉ đủ sống. Giờ một trong hai người phải nghỉ làm ở nhà trông con nên thu nhập giảm một nửa. Mặt khác, các con ở nhà cũng phát sinh thêm các khoản chi phí khác.
Chị Dương nhẩm tính: “Tiền ăn cho 2 đứa khoảng 100.000 đồng/ngày, tiền sữa hơn 300.000 đồng/tuần. Trung bình mỗi tháng chi phí tăng thêm hơn 3 triệu đồng. Trước mắt chưa phải vay mượn nhưng nếu cứ tiếp tục kéo dài thì mệt lắm”.
Video đang HOT
Trong khi đó, chị Chu Thị Tuyết – công nhân Công ty TNHH giày Thông Dụng (TP Thuận An, tỉnh Bình Dương) – cho biết công ty đang vào cao điểm sản xuất nên không thể xin nghỉ nhiều ngày liên tiếp để trông con. Ban đầu chị Tuyết và em chồng thống nhất mỗi người luân phiên nghỉ phép 3 ngày một tuần để chăm sóc con và cháu. Tuy nhiên, việc nghỉ nhiều sẽ ảnh hưởng đến tiền lương nên cuối cùng vợ chồng chị Tuyết quyết định nhờ bà ngoại vào trông cháu để có thể an tâm đi làm.
Theo mẹ vào xưởng
Tại một công ty may ở TP.HCM mấy ngày nay nhiều công nhân lại đem theo cả con nhỏ vào xưởng vì không thể nhờ ai trông giúp được. “Nhiều người thì xin nghỉ ở nhà để trông con. Sau tết hàng hóa còn ít nên công ty cũng linh động cho công nhân có con nhỏ nghỉ làm. Nhưng có nhiều người thì đành đem con theo vì nếu nghỉ làm kinh tế cũng khó khăn” – chị L.T.K.Xuân, chuyền trưởng tại công ty, kể.
Riêng chuyền của chị Xuân có ba nữ công nhân cùng đưa con vào công ty. “Con theo mẹ vào xưởng, trưa đến ăn chung với mẹ ở công ty rồi kiếm chỗ cho bé nằm ngủ trưa” – chị L.T.T.Tiên (29 tuổi, công nhân cùng chuyền với chị Xuân) chia sẻ. Chị kể con chị chỉ mới 3 tuổi, bám mẹ chứ không chịu theo cha nên chị phải đưa con theo.
Chị Nguyễn Thị Dung – công nhân nhà máy tại Khu chế xuất Linh Trung 1 – cũng đã phải đưa con cùng đi làm. Thế nhưng chỉ được vài ngày, lãnh đạo công ty nhắc nhở nên chị Dung đành chọn giải pháp gửi con về quê. Chị Dung kể: “Tôi gửi con theo xe người quen về quê ở Phú Yên từ đầu tuần trước để nhờ ông bà trông giúp. Con mới 4 tuổi chưa ở với ông bà bao giờ cũng quấy khóc. Nhưng cũng đâu còn cách nào khác”.
Trước những khó khăn của công nhân lao động, một số doanh nghiệp đã có những giải pháp nhằm giúp đỡ người lao động an tâm làm việc. Theo đó, lãnh đạo Công ty TNHH Tombow Việt Nam (Bình Dương) cho công nhân tạm ứng phép năm 2020 khi có nhu cầu. Đối với những trường hợp không còn phép năm thì công nhân có thể nghỉ không lương.
Còn công nhân có con nhỏ tại Công ty TNHH may mặc Bowker Việt Nam (Khu công nghiệp Đồng An, Bình Dương) có thể tùy chọn nghỉ phép năm hay phép thường để ở nhà giữ con. Doanh nghiệp cũng lên giải pháp để không bị gián đoạn trong hoạt động sản xuất như vận động các công nhân khác tự nguyện tăng ca, bố trí lại lao động…
“Công nhân công ty cũng xoay đủ cách. Nhiều người có con lớn đã học cuối cấp I, cấp II thì để con ở nhà, hoặc nếu có một lớn một nhỏ thì để đứa lớn trông đứa nhỏ, đặt đồ ăn qua app về cho con…” – ông Lưu Kim Hồng, chủ tịch công đoàn Công ty Nidec Việt Nam (Khu công nghệ cao TP.HCM, quận 9), chia sẻ cùng những khó khăn của công nhân đơn vị mình.
V.THỦY – A LỘC – B.SƠN
Theo Tuổi trẻ
Công văn số 431 của Bộ Giáo dục đã nhận được sự đồng tình rất lớn của xã hội
Đến chiều tối ngày 15/2 thì đa phần các địa phương có kế hoạch đi học lại vào ngày 17/2 đã cho học sinh, sinh viên tiếp tục nghỉ học đến hết tháng 2/2020.
Tính đến chiều tối ngày 14/2, trên cả nước đã có 44 tỉnh (thành phố) thông báo kế hoạch cho học sinh đi học trở lại vào ngày 17/2 tới đây.
Tuy nhiên, trước tình hình dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp nên chiều 14/2, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ đã có văn bản gửi Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đề nghị xem xét cho học sinh, sinh viên cả nước nghỉ học đến hết tháng 2/ 2020.
Ngay sau khi có công văn hỏa tốc này, nhiều địa phương đã lên kế hoạch cho học sinh trở lại học tập vào ngày 17/2 đã hủy kế hoạch và đồng loạt cho học sinh, sinh viên, học viên tiếp tục nghỉ học đến hết tháng 2/2020.
Đa phần các địa phương đã có thông báo cho học sinh nghỉ học đến hết tháng 2/2020 (Ảnh minh họa: Lã Tiến)
Chúng ta đã thấy, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 trong khoảng một tháng nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã liên tục có những chỉ đạo, hướng dẫn các Sở Giáo dục trong việc phòng tránh dịch bệnh.
Tuy nhiên, do việc phân quyền đã được quy định hiện nay nên Bộ Giáo dục và Đào tạo không thể ra quyết định cho học sinh, sinh viên, học viên cả nước được nghỉ học.
Chính vì vậy, công văn số 431/BGDĐT- GDTC được ban hành cũng chỉ dừng lại ở mức độ "đề nghị xem xét" còn quyền quyết định cuối cùng vẫn là các Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh (thành phố).
Các tỉnh đã có kế hoạch cho học sinh đi học vào ngày 17/2 thay đổi kế hoạch
Dù chiều tối ngày 14/2, trên cả nước đã có 44 tỉnh (thành) thông báo cho học sinh đi học trở lại vào ngày 17/2 nhưng ngay sau đó thì Bộ đã gửi công văn số 431/BGDĐT- GDTC đến các địa phương.
Như vậy, so với thông báo của các Ủy ban nhân dân tỉnh (thành) và các Sở Giáo dục thì công văn số 431/BGDĐT- GDTC của Bộ đã được gửi về trễ hơn kế hoạch của nhiều địa phương đã ban hành.
Nhưng, quyền quyết định cho học sinh nghỉ học hay đi học trở lại vẫn là quyền tự quyết của các Ủy ban nhân dân tỉnh (thành phố) bởi công văn số 431/BGDĐT- GDTC của Bộ không mang tính quyết định cho học sinh, sinh viên và học viên nghỉ học.
Song, chính từ công văn hỏa tốc của Bộ cũng như ý định lùi thời gian kết thúc năm học đã là cơ sở để các địa phương quyết định định cho học sinh, sinh viên, học viên trên địa bàn tiếp tục được nghỉ học để phòng tránh dịch bệnh.
Theo phản ánh từ các phương tiện thông tin đại chúng, đến chiều tối ngày 15/2 thì đa phần các địa phương có kế hoạch đi học vào ngày 17/2 đã đồng loạt cho học sinh, sinh viên, học viên nghỉ học đến hết tháng 2/2020 như đề xuất của Công văn số 431/BGDĐT- GDTC.
Công văn số 431/BGDĐT- GDTC của Bộ Giáo dục và Đào tạo nhận được nhiều đồng thuận.
Trước khi Bộ gửi công văn số 431/BGDĐT- GDTC về các địa phương thì trên một số phương tiện thông tin đại chúng đã lấy ý kiến thăm dò dư luận về việc nên hay không nên cho học sinh tiếp tục nghỉ học để phòng tránh dịch bệnh.
Kết quả thăm dò dư luận của nhiều tờ báo cho thấy đa phần phụ huynh trên cả nước đều mong muốn ngành giáo dục tiếp tục cho học sinh được nghỉ học. Vì vậy, khi công văn số 431/BGDĐT- GDTC ban hành thì những mong muốn của phụ huynh đã được thành hiện thực nên nhiều phụ huynh đã thể hiện niềm vui của mình qua hàng ngàn phản hồi sau các bài báo thông tin về sự việc này.
Điều đáng mừng là Bộ trưởng Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã quyết định lùi thời gian kết thúc năm học 2019-2020 và một số mốc thời gian trong khung thời gian năm học.
Đồng thời, lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã lên tiếng là sẽ có hướng dẫn cụ thể để các địa phương xây dựng kế hoạch điều chỉnh hoạt động dạy học, đảm bảo không ảnh hưởng đến chất lượng dạy học.
Như vậy, đến thời điểm này, đa phần các địa phương đã đồng loạt nghỉ học thêm 2 tuần nữa để phòng tránh và theo dõi diễn biến của dịch bệnh Covid-19.
Rõ ràng, việc cân nhắc để hơn 22 triệu học sinh, sinh viên, học viên nghỉ học trên phạm vi cả nước là một quyết định khó khăn của Bộ Giáo dục và các địa phương bởi kế hoạch kế hoạch này đã ảnh hưởng trực tiếp đến hàng triệu gia đình nhưng đó là một quyết định đúng đắn, kịp thời.
Bởi vì như một số bài viết phân tích kỹ lưỡng về những thuận lợi, khó khăn về việc tiếp tục cho học sinh nghỉ học và được đăng tải trên giaoduc.net.vn trong những ngày qua thì chúng ta thấy rằng việc nghỉ thêm 2 tuần nữa vẫn đảm bảo được thời gian nghỉ hè cho học sinh và thực tế cũng không ảnh hưởng quá nhiều đến kế hoạch của năm học 2019-2020.
Vì nếu sau khi nghỉ 2 tuần này thì khoảng thời gian từ kết thúc năm học đến thời điểm tựu trường năm học sau vẫn còn tới hơn 2 tháng. Thời gian này vẫn đủ để các địa phương tổ chức thi tuyển sinh 10, tập huấn cho giáo viên và Bộ tổ chức kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia.
Với đặc thù công việc của ngành giáo dục thì việc việc quan trọng nhất là vẫn đảm bảo được kế hoạch năm học, đảm bảo được việc giảng dạy, học tập các đơn vị kiến thức đã được ban hành và thi chuyển cấp cho học sinh.
Chính vì thế, dù nghỉ 4 tuần học nhưng chỉ cần điều chỉnh lại kế hoạch năm học và thời gian nghỉ hè thì mọi chuyện sẽ không ảnh hưởng nhiều. Điều quan trọng nhất là đảm bảo sức khỏe cho học sinh, sinh viên và sự an tâm cho phụ huynh trên cả nước.
NGUYỄN CAO
Theo giaoduc.net
Nỗi lo của phụ huynh khi con đi học mùa dịch Nhiều bạn đọc lo ngại học sinh nhỏ tuổi khi đến trường không thể tự mình thực hiện các biện pháp phòng ngừa dịch COVID-19. Trong tuần qua, những thông tin về việc các trường thực hiện công tác khử trùng, tiêu độc, vệ sinh ngừa dịch COVID-19 được rất nhiều bạn đọc quan tâm. Theo đó, một số trường đã thực hiện...