Công nghệ sấy mới giúp nâng cao giá trị nông sản
Chế tạo thành công hệ thống sấy sử dụng kết hợp bơm nhiệt và công nghệ vi sóng để sấy một số loại nông sản, thực phẩm và dược liệu. Sản phẩm đã được đưa vào ứng dụng thực tế và khả năng thương mại hóa rất cao…
Đó là kết quả của đề tài “Nghiên cứu thiết kế chế tạo hệ thống sấy sử dụng kết hợp bơm nhiệt và công nghệ vi sóng để sấy một số loại nông sản, thực phẩm và dược liệu” (Mã số KC.05.23/11-15) do TS Vũ Huy Khuê – Trường Đại học Bách khoa Hà Nội làm chủ nhiệm. Đề tài thuộc Chương trình trọng điểm cấp nhà nước “Nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ năng lượng”, mã số KC.05/11-15, thực hiện từ 1.1.2014 đến nay.
Tiết kiệm năng lượng, bảo đảm chất lượng nông sản
Video đang HOT
Hệ thống đang được chạy thử nghiệm sấy một số nông sản tại Công ty Khải Hà. Ảnh: P.H
GS – TSKH Trần Văn Phú – Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu khẳng định, thành công nổi bật nhất của đề tài là đã chuyển giao hệ thống cho doanh nghiệp sản xuất thử nghiệm ngay trong quá trình nghiên cứu và được doanh nghiệp đánh giá cao. Để kết quả nghiên cứu được thương mại hóa nhanh và rộng rãi hơn nữa thì đề tài nên tiến hành một dự án sản xuất thử nghiệm để có thể ứng dụng vào sấy các loại nông sản có giá trị kinh tế cao khác.
Vấn đề tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường và nâng cao chất lượng chế biến sau thu hoạch các sản phẩm nông-lâm-thủy-hải sản đã và đang đặt ra như một thách thức có tính chất toàn cầu vì đó được coi là chìa khóa để giải quyết vấn đề an ninh lương thực, giảm ô nhiễm môi trường, khai thác hợp lý tài nguyên thiên nhiên. Hơn nữa, dân số thế giới đang ở con số khoảng 7 tỷ người và còn tăng trong thời gian tới. Dân số tăng nhanh kéo theo nhu cầu về năng lượng ngày một lớn, nên vấn đề tiết kiệm năng lượng được các nhà khoa học đặc biệt quan tâm.
Một trong những vấn đề khiến các nhà khoa học trong nước quan tâm trong thời gian qua là vừa tiết kiệm năng lượng vừa đảm bảo được chất lượng sản phẩm nông sản trong bảo quản sau thu hoạch. Trong khi đó công nghệ chế biến nông, lâm, thủy hải sản ở nước ta còn nhiều hạn chế và bất cập, chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế.
TS Vũ Huy Khuê cho biết, tỷ lệ tổn thất sau thu hoạch trong các khâu chế biến, bảo quản vận chuyển sau thu hoạch là khá cao, đối với rau quả khoảng 20 – 30%, đối với thủy sản xuất khẩu khoảng 20%… Trước yêu cầu của thực tế, nhóm nghiên cứu Trường Đại học Bách khoa, đứng đầu là TS Vũ Huy Khuê đề xuất Bộ KHCN triển khai đề tài “Nghiên cứu thiết kế chế tạo hệ thống sấy sử dụng kết hợp bơm nhiệt và công nghệ vi sóng để sấy một số loại nông sản, thực phẩm và dược liệu”.
Sản phẩm đảm bảo chất lượng, màu sắc
TS Vũ Huy Khuê cho biết, đề tài triển khai nhằm mục tiêu làm chủ công nghệ sấy bằng bơm nhiệt kết hợp với vi sóng cho nông sản thực phẩm và dược liệu, đảm bảo chất lượng cao, tiết kiệm năng lượng trong điều kiện Việt Nam; làm chủ thiết kế, chế tạo lắp đặt và vận hành hệ thống tích hợp bơm nhiệt kết hợp với bộ phát vi sóng dùng cho quy mô công nghiệp.
Nhóm nghiên cứu cũng chế tạo được 2 mẫu thiết bị sấy bơm nhiệt kết hợp lò vi sóng đáp ứng được thông số yêu cầu; thiết kế thành công 1 mẫu thiết bị sấy bơm nhiệt kết hợp vi sóng được chế tạo và lắp đặt hoàn chỉnh hiện hoạt động tại Viện KHCN Nhiệt lạnh; 1 hệ thống sấy bơm nhiệt kết hợp vi sóng công nghiệp được lắp đặt và sử dụng tại Công ty CP Thương mại- Dược vật tư y tế Khải Hà (Thái Bình).
Ông Nguyễn Văn Khải – Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty Khải Hà đánh giá, hệ thống sấy bơm nhiệt kết hợp vi sóng công nghiệp có nhiều ưu điểm so với hệ thống sấy truyền thống: “Sản phẩm sau thi sấy không quá ẩm, không quá giòn, đảm bảo chất lượng cũng như màu sắc. Với việc áp dụng hệ thống đã giảm đáng kể sức lao động của con người. Thời gian tới, chúng tôi sẽ triển khai đưa hệ thống vào sản xuất rộng rãi”.
Công nghệ sấy vi sóng bơm nhiệt không chỉ thể hiện ưu việt về chi phí năng lượng mà còn thể hiện ngay lợi thế về tiết kiệm chi phí. Tuổi đời thiết bị với cường suất hoạt động cao trung bình được 15 năm. Nếu đánh giá một cách cơ học. dựa trên những chi tiết, bộ phận của thiết bị mà đề tài đã chế tạo được, tỷ lệ nội địa hóa có thể đạt từ 60 – 70%. Nếu đánh giá với quan điểm những công việc như sáng tạo ý tưởng, tính toán thiết kế… cũng được coi như một phần của sản phẩm, tỷ lệ nội địa hóa có thể lên đến 80%.
Theo Dantri