Công nghệ AR và VR: Đâu đâu cũng nghe, nhưng chưa chắc ai cũng đang hiểu đúng
Khi nói đến các khái niệm cơ bản về giao diện người dùng và trải nghiệm người dùng, AR và VR hoàn toàn không giống nhau.
Mọi người đều thích nói về Thực tế ảo (VR) và Thực tế tăng cường (AR) như một số dạng công nghệ tiên phong sẽ “phá vỡ” hoặc thậm chí “ cách mạng hóa” bối cảnh công nghệ. Các nhóm tiếp thị thì gọi AR/VR là “tương lai”, theo những cách đầy huyền bí, với rất nhiều sự mong đợi. Và chúng hầu như luôn được liên kết với nhau dưới dạng AR/VR, giống như chúng là cùng một câu chuyện.
Trên thực tế, điều này đã trở thành một sai lầm phổ biến. Sau khi đọc xong bài viết này, nếu còn thấy một bản thuyết trình nào gộp cả hai thứ lại với nhau trong một số trường hợp sử dụng trong tương lai, bạn nên tự động giảm kỳ vọng về phần còn lại của chương trình quảng cáo hay bán hàng đó lại.
Trên thực tế, AR và VR rất khác nhau. Và tương lai của chúng cũng không ràng buộc với nhau. Điều này rất quan trọng vì để trở nên hấp dẫn về mặt thương mại, chúng cần phải trả lời một số câu hỏi quan trọng. Và những câu hỏi đó sẽ tương tự nhau, nhưng câu trả lời sẽ rất khác nhau.
VR và AR có thể giống nhau về mặt thiết kế sản phẩm hỗ trợ…
Về mặt kỹ thuật, các thiết bị điện tử hỗ trợ hai công nghệ này có thể rất giống nhau. VR là một bộ kính đeo cao cấp, yêu cầu màn hình độ phân giải cao, rất tiên tiến. AR có thể sẽ là một bộ kính tương tự, cũng yêu cầu màn hình mật độ cao, với các linh kiện được thu nhỏ bằng cách công nghệ tiên tiến. Nhưng đó là tư duy dựa trên kỹ thuật. Không có gì xúc phạm đến các kỹ sư ở đây, nhưng điều mà nhiều người tin rằng đây sẽ là công nghệ đột phá lại cần được phân tích từ góc độ tư duy của người dùng. Và ở đây, AR và VR hoàn toàn không liên quan đến nhau.
VR mang tới trải nghiệm hoàn toàn nhập vai, và bộ kính VR sẽ chặn tất cả các nguồn sáng bên ngoài. Điều này có nghĩa là người dùng không thể (hoặc không nên) di chuyển, bởi họ sẽ có nguy cơ va vào tường hoặc bàn ghế. VR được tạo ra để tiêu thụ nội dung, những thứ như video, trò chơi, họp trực tuyến, đào tạo từ xa. Tất nhiên, người dùng có thể nhận được máy chạy bộ đa hướng, nhưng họ sẽ vẫn phải ở trong một căn phòng. VR không cần phải di động, điều này giúp đơn giản hóa rất nhiều những thứ như yêu cầu về nguồn điện và kết nối mạng. Ví dụ, VR không cần 5G, mạng Wi-Fi gia đình hoặc thậm chí là cáp quang cũng sẽ cho phép nó hoạt động tốt.
Ngược lại, AR có nghĩa là phải di động. Toàn bộ vấn đề của Ả là việc phân lớp dữ liệu trong thế giới thực. Điều này làm cho các thiết bị điện tử hỗ trợ nó trở nên thách thức hơn nhiều. Nguồn điện sẽ là vấn đề, hãy tưởng tượng việc bạn luôn phải đeo một cục pin lớn trên thắt lưng, thứ có kết nối có dây với kính AR. Và ở đây, 5G trở nên có ý nghĩa đặc biệt bởi công nghệ này sẽ yêu cầu về độ trễ dữ liệu rất thấp, bởi điều đó mới giúp giảm độ mờ hình ảnh và tránh việc người dùng bị chóng mặt hay buồn nôn.
Video đang HOT
Vì vậy, các thiết bị điện tử hỗ trợ 2 công nghệ này có thể tương tự nhau, nhưng ngay cả ở cấp độ kỹ thuật này cũng đã có những khác biệt đáng kể.
…nhưng AR sẽ là một thách thức trong việc quản lý và tích hợp dữ liệu từ nhiều nền tảng khác nhau.
Và tiếp đến là việc sẽ có sự khác biệt quan trọng về nội dung. Dữ liệu VR có thể và sẽ được cung cấp bởi một nguồn duy nhất, như các nhà sản xuất video hoặc trò chơi. Ngược lại, AR sẽ yêu cầu tích hợp các lớp dữ liệu lớn. Ví dụ, khi bạn muốn sử dụng kính AR để tìm một nhà hàng gần đó, bạn sẽ cần nó tích hợp các hướng dẫn về món ăn địa phương, bản đồ và vị trí hiện tại của người dùng. Ngày nay, các thông tin này tồn tại trực tuyến, nhưng việc chuyển sang một thứ được cá nhân hóa như AR có thể sẽ buộc phải tổ chức lại các mối quan hệ về dữ liệu hiện có đó. Bởi các dữ liệu này thuộc về nhiều nguồn khác nhau, và việc kết hợp lại tất cả sẽ liên quan tới các vấn đề về quyền riêng tư. Không ai muốn tồn tại một hệ thống có thể coi như “chúa tể dữ liệu”, thứ biết nhiều hơn nữa về những gì chúng ta đang làm, nơi chúng ta đứng và người chúng ta đang kết nối.
Quan trọng nhất, tác động của những thiết bị này đối với hành vi của người dùng sẽ hoàn toàn khác nhau. VR có thể thay đổi cách chúng ta sử dụng nội dung và sẽ yêu cầu những cách mới để nắm bắt nội dung đó, nhưng sẽ không thay đổi cách chúng ta tương tác với tư cách là con người. Ngược lại, AR có tiềm năng thực hiện việc tương tác với con người giống như điện thoại thông minh, có nghĩa là ở một mức độ rất lớn. Nếu hoàn thành tốt điều đó, AR có nghĩa là khả năng kết nối ngay lập tức với tất cả các loại dữ liệu – một người bạn mà bạn không nhận ra đang ở phía bên kia của công viên, một nhà hàng mà bạn không nhớ là rất gần, một số sự kiện đang diễn ra chỉ cách đó một dãy nhà. Chúng ta thực sự không thể dự đoán được những điều này, giống như không ai có thể dự đoán được sự tồn tại của Uber hay Grab trước khi iPhone ra mắt.
Và khi nói đến các khái niệm cơ bản về giao diện người dùng và trải nghiệm người dùng, AR và VR hoàn toàn không giống nhau. Để tóm tắt điều này, chúng ta có thể phải xem xét tất cả các thiết bị và máy móc mà chúng ta thường xuyên sử dụng và so sánh chúng theo hai cách – mức độ di động của thiết bị và mức độ cá nhân của nó đối với chúng ta.
Xe lửa và taxi hoàn toàn không phải là phương tiện cá nhân, được nhiều người dùng chung, nhưng chúng là phương tiện di động. Điện thoại thông minh là thứ rất cá nhân, và bạn chỉ chia sẻ mật khẩu của mình với những người rất thân thiết với bạn. Máy tính xách tay nằm ở đâu đó ở giữa, hơi dễ di chuyển và khá cá nhân đối với chủ sở hữu, nhưng vẫn dễ để chia sẻ hơn. Còn kính thực tế ảo (VR) sẽ nằm ở phía dưới, hơi cá nhân và không phải là tất cả các thiết bị di động. Ngược lại, kính AR có thể sẽ cực kỳ cá nhân, nhưng không hoàn toàn mang tính di động như điện thoại của chúng ta.
Sơ đồ đánh đổi giữa tính di động và cá nhân hóa.
Hãy nghĩ về sự đa dạng của các mô hình giao diện người dùng cho các thiết bị này, và chúng ta sẽ bắt đầu đi sâu vào vấn đề AR và VR khác nhau như thế nào.
Lúc này, câu hỏi thực sự trọng tâm của VR và AR, câu hỏi duy nhất thực sự quan trọng là ai sẽ kiểm soát phần mềm, hệ điều hành (OS) cung cấp năng lượng cho chúng. Từ quan điểm này, câu trả lời cho VR có thể rất đơn giản – chúng sẽ gắn liền với các máy console và máy vi tính.
Mặt khác, câu trả lời cho AR vẫn còn rất nhiều điều chưa thể nói rõ. Apple, Google và Meta đều đang rất muốn trở thành nhà cung cấp hệ điều hành cho chúng, nhưng đây cũng chưa chắc sẽ là đáp án cuối cùng. Việc giải quyết nhiều vấn đề về giao diện người dùng và hệ điều hành cho AR sẽ là một thách thức lớn và lĩnh vực vẫn còn nhiều khả năng để các ông lớn cạnh tranh nhau.
Blockchain đã ứng dụng thế nào tại Việt Nam?
Nhiều doanh nghiệp tiên phong đã bắt đầu ứng dụng blockchain, tháo bỏ cái mác 'tiền số' và 'gamefi' cho công nghệ này.
Mặc dù blockchain được nhắc đến nhiều trong thời gian vừa qua, song trên thực tế tại Việt Nam và cả toàn cầu, chỉ có gamefi và tiền số nổi lên như hai ứng dụng được biết đến nhiều nhất.
Bà Nguyễn Đặng Quỳnh Anh, Giám đốc vận hành của SPAC3SHIP, đánh giá gamefi có một sứ mệnh quan trọng trong việc phổ biến công nghệ blockchain tại Việt Nam, khiến cho công nghệ này được biết đến nhiều hơn.
Tuy vậy, trên thực tế, blockchain có thể được ứng dụng trong nhiều lĩnh vực khác trong cuộc sống. Cụ thể, FPT phát triển nền tảng akaChain để định danh khách hàng và truy xuất nguồn gốc giao dịch; BIDV, MB, VPBank, Vietcombank đã ứng dụng công nghệ blockchain trong các giao dịch tài chính; Viettel ứng dụng vào hồ sơ bệnh án điện tử; Misa phát triển hóa đơn điện tử. Nhiều doanh nghiệp khác đã tích hợp blockchain như Masan Group, Bảo Việt, AIA.
Hãng nghiên cứu thị trường toàn cầu TechSci Research đánh giá, các ngành công nghiệp chính của Việt Nam như chăm sóc sức khỏe, năng lượng, giao thông vận tải và sản xuất, cũng cần tích hợp blockchain để phát triển. Dự kiến, giai đoạn 2023-2027, thị trường blockchain Việt Nam sẽ tăng trưởng lên đến hai con số.
Giải thích thêm về ứng dụng của blockchain trong thời gian tới, ông Huỳnh Kim Tước - Giám đốc trung tâm đổi mới sáng tạo Sài Gòn (SIHUB), cho rằng bản chất của blockchain là các chuỗi khối dữ liệu, do đó có thể ứng dụng nó trong nhiều ngành.
Ông Huỳnh Kim Tước - Giám đốc trung tâm đổi mới sáng tạo Sài Gòn (SIHUB). Ảnh: BTC
Ví dụ, trong ngành y tế, bệnh nhân trải qua rất nhiều giai đoạn với nhiều khối dữ liệu khác nhau từ nhỏ đến lớn. Người này khám ở nhiều hệ thống y tế khác nhau, song bác sĩ lại không có đầy đủ dữ liệu của bệnh nhân để đưa ra những chẩn đoán chính xác hơn. Nếu quá trình khám bệnh và điều trị của bệnh nhân được ghi lại rõ ràng qua các khối dữ liệu trong nhiều năm thì bác sĩ sẽ nắm được rất rõ tiền sử bệnh, dễ đưa ra phác đồ điều trị phù hợp nhất.
Blockchain cũng có thể áp dụng trong giáo dục. Chẳng hạn người học đã trải qua rất nhiều giai đoạn khác nhau, được cấp nhiều loại chứng chỉ nhưng không phải tổ chức nào cũng công nhận chứng chỉ đó, cũng không có chuẩn mực để đánh giá các chứng chỉ. Blockchain có thể nhảy vào để truy xuất, lưu trữ và công nhận các chứng chỉ này.
Hoặc trong ngành xuất khẩu của Việt Nam hiện nay, việc truy xuất nguồn gốc thuỷ hải sản, nông sản còn gặp khó khăn. Đối với nhiều thị trường khó tính, nếu sử dụng blockchain để truy xuất nguồn gốc thì sẽ nâng cao uy tín của sản phẩm.
"Các khối dữ liệu hiện nay ở Việt Nam chưa được kết nối, không được tương tác sử dụng, thậm chí không được bảo mật", ông Tước nói với ICTnews.
Trên thực tế, những ví dụ nêu trên vẫn có thể thực hiện được mà không cần công nghệ blockchain. Tuy vậy, ông Cris D Trần, Tổng giám đốc điều hành Infinity Blockchain Ventures, khẳng định tính ưu việt của chuỗi khối blockchain là khả năng không bị sửa đổi. Do đó, công nghệ này được xem như một trọng tài đứng ra bảo đảm cho các dữ liệu. Khi đưa blockchain vào ứng dụng, dữ liệu sẽ minh bạch, rõ ràng, không bị sửa đổi, do đó được công nhận rộng rãi hơn.
Hiện nay, blockchain bắt đầu được ứng dụng ở các doanh nghiệp tiên phong, có nguồn lực, và tính chất công việc kinh doanh đòi hỏi bảo mật và minh bạch, ví dụ trong ngành ngân hàng, trong truy xuất nguồn gốc, hoá đơn điện tử,...
Cả ông Tước và ông Cris đều đồng quan điểm rằng, hiện nay là thời điểm tốt nhất cho Việt Nam nhảy vào blockchain, vì muộn hơn sẽ bị tước mất cơ hội. Ngành blockchain không đòi hỏi công nghiệp phụ trợ, chỉ cần lực lượng lập trình viên hùng hậu và giỏi nghề, đều là những yếu tố Việt Nam có lợi thế.
"Ví dụ bây giờ các nước yêu cầu hàng hoá nhập vào phải truy xuất được nguồn gốc, phải đủ tiêu chuẩn để vào hệ thống bán lẻ lớn, hoặc thậm chí thanh toán bằng tiền số, thì quốc gia nào đáp ứng được nhanh nhạy sẽ có lợi thế lớn hơn, không bị mất khách hàng", ông Tước nêu vấn đề.
Web3 chưa tới, Jack Dorsey đã phát triển Web5 Web5 là gì? Rất đơn giản, bằng Web2 cộng với Web3. Trong khi các khái niệm về Web3 vẫn còn mơ hồ và các ứng dụng của nó vẫn đang trong quá trình phát triển, Jack Dorsey, người luôn cổ vũ nhiệt tình cho công nghệ web thế hệ mới này đã nói về việc phát triển một khái niệm web mới: Web5....