Công lý cho vụ thảm sát Maguindanao
Hai năm sau vụ thảm sát chính trị đẫm máu ở Maguindanao, Philippines, nhà chức trách vẫn đang gặp nhiều khó khăn trong xét xử có liên quan đến cựu tổng thống Arroyo. Số bị cáo liên quan quá nhiều, trong khi hơn 100 nghi phạm khác vẫn ngoài vòng pháp luật.
Gia tộc Mangudadatu thả chim bồ câu trong lễ tưởng niệm các nạn nhân vụ thảm sát hai năm trước Ảnh: AFP
Ngày 23-11, Thượng viện Philippines đã nhất trí thông qua một nghị quyết tuyên bố ngày 23-11 hằng năm sẽ là ngày quốc gia tưởng niệm vụ thảm sát ở Maguindanao, miền nam Philippines.
Video đang HOT
Theo báo Philippines Star, ngày này thân nhân của 57 nạn nhân bị sát hại trong vụ thảm sát đã tổ chức tưởng niệm hai năm ngày thảm kịch xảy ra. Vụ bạo lực chính trị tồi tệ nhất trong lịch sử Philippines này cũng đã cướp đi sinh mạng của hơn 30 nhà báo. Gia đình các nạn nhân lên tiếng kêu gọi chính quyền đẩy nhanh tiến trình xét xử những kẻ thủ ác.
Quá nhiều bị cáo, xử 55.000 năm mới xong!
Mặc dù gần một nửa số nghi can đã bị bắt giữ, nhưng phiên tòa xét xử vụ án này mới chỉ ở giai đoạn đầu tiên. Các công tố viên lo ngại sẽ mất nhiều năm để xét xử các nghi phạm. Báo Daily Inquirer dẫn lời công tố viên Harry Roque nói hiện có đến 196 nghi can, mỗi người đang đối mặt với 57 vụ liên quan. “Vì vậy tổng cộng là 11.172 vụ. Ở Philippines mỗi vụ sẽ xử mất năm năm và vì vậy cần đến khoảng… 55.000 năm” – ông Harry Roque ước tính.
Ông gợi ý nên rút gọn việc xét xử xuống còn 35 bị cáo, tập trung vào những kẻ chủ chốt đã lên kế hoạch và thực hiện vụ thảm sát. Thêm vào đó, số lượng nhân chứng trong vụ thảm sát này có thể lên tới hơn 300 người. Một số luật sư dự đoán phải mất 18 năm để xử xong vụ án này.
Ngoài ra, việc bắt giữ những nghi can còn lại cũng là cả một vấn đề. Hiện chỉ có 93/196 nghi can bị bắt giữ. Cảnh sát thừa nhận họ gặp nhiều khó khăn trong việc truy lùng 103 nghi can còn lại bởi những người này đã thay tên đổi họ, trốn vào rừng sâu, thậm chí là khu vực do Mặt trận giải phóng Hồi giáo Moro (MILF) ly khai kiểm soát. 6.000 tờ lệnh truy nã đã được phân phát khắp nơi nhưng chưa có tăm hơi gì. Đó là chưa kể hai năm sau vụ thảm sát, nhiều quan chức cảnh sát đã bị thuyên chuyển.
Bà Arroyo biết nhưng làm ngơ?
Cũng dịp này, gia đình của 15 nạn nhân trong vụ thảm sát đã đâm đơn kiện cựu tổng thống Gloria Arroyo. Gia đình mỗi nạn nhân đòi 1 triệu peso (khoảng 23.000 USD) bồi thường và cho rằng bà Arroyo phải chịu trách nhiệm vì vụ thảm sát xảy ra khi bà còn nắm quyền.
Trước vụ thảm sát, chính trị gia Andal Ampatuan “cha” đã nắm quyền ở Maguindanao gần 10 năm và có ý định đưa con trai mình là Andal Ampatuan “con” lên kế vị. Nhiều người khẳng định Ampatuan “cha” – hiện đang bị giam giữ – được bà Arroyo hậu thuẫn. Một số nguồn tin khẳng định bà Arroyo đã cấp tiền và trang bị vũ khí giúp quân đội riêng của ông này đối phó với quân Hồi giáo ly khai.
Gia đình các nạn nhân tố cáo lực lượng của Ampatuan đã dùng vũ khí mà chính phủ trang bị để thực hiện vụ bắn giết, ngăn cản các thành viên gia tộc chính trị đối thủ Mangudadatu ra tranh cử chức tỉnh trưởng. Dù vậy, theo tờ Daily Inquirer, cả gia tộc Ampatuan và gia tộc Mangudadatu đều là đồng minh của bà Arroyo.
Theo gia tộc Mangudadatu, trước bầu cử, lãnh đạo gia tộc Mangudadatu là Esmael “Toto” Mangudadatu, hiện là tỉnh trưởng Maguindanao, đã thỉnh cầu bà Arroyo can thiệp nhằm ngăn chặn một kế hoạch bắn giết có thể xảy ra. Nhưng bà tổng thống đã phớt lờ. Cuối cùng, người nhà Mangudadatu đã đi nộp đơn tranh cử tỉnh trưởng cho ông mà không có lực lượng hộ tống và bị sát hại cùng nhiều người khác đi cùng.
Các nguyên đơn cũng tố cáo bà Arroyo thừa biết sự lộng quyền từ nhiều năm qua của gia tộc Ampatuan nhưng không cho điều tra. Điều đó khiến gia tộc Ampatuan ngày càng lộng hành mà đỉnh điểm là vụ thảm sát. Bà Arroyo còn bị cáo buộc bao che cho ông Ampatuan “cha” để đảm bảo có được sự ủng hộ chính trị cần thiết giúp bà tiếp tục nắm quyền.
Và ngay cả khi đã bị bắt, những nhân vật trong gia tộc Ampatuan vẫn tìm cách gây ảnh hưởng và gieo rắc sự sợ hãi. AP dẫn lời Reynafe Momay-Castillo, con gái của một nạn nhân, cho biết người của gia tộc Ampatuan đã đề nghị đưa tiền bãi nại. Theo AFP, hôm qua cảnh sát Philippines đã phá được hai quả bom gài gần nơi tưởng niệm. Cảnh sát xác định đây là lời cảnh cáo đến gia đình nạn nhân để buộc họ từ bỏ vụ kiện cáo.
Theo Tuổi Trẻ