Công khai phương án sơ tán dân nếu vỡ đập thủy điện
Ngày 2.10, thiếu tướng Nguyễn Quy Nhơn, Phó tư lệnh Quân khu 5, có chuyến thị sát đập Sông Tranh 2 (H.Bắc Trà My, Quảng Nam) và kiểm tra việc xây dựng phương án di dời, sơ tán dân trong vùng động đất.
Sau chuyến thị sát, ông Nhơn có buổi làm việc với UBND H.Bắc Trà My, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Quảng Nam và Ban Chỉ huy quân sự H.Bắc Trà My, để bàn kế hoạch sơ tán dân vùng hạ lưu thủy điện trong trường hợp xảy ra sự cố vỡ đập.
Trong kịch bản do Ban Chỉ huy quân sự H.Bắc Trà My đưa ra, nếu đập thủy điện Sông Tranh 2 bị vỡ sẽ có hàng chục ngàn hộ dân tại các xã Trà Đốc, Trà Tân, Trà Sơn, Trà Giang và thị trấn Trà My phải sơ tán. Theo tình huống giả định, người dân sẽ chạy đến các điểm cao gần nhất so với địa điểm sinh sống. Tại mỗi điểm sơ tán, công tác hậu cần, y tế và tìm kiếm cứu nạn cũng được triển khai tùy vào địa hình, lượng người dân và mức độ nước dâng. Trong trường hợp này, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh cũng sẽ triển khai hợp đồng tác chiến với 7 đơn vị thuộc khối lực lượng vũ trang, với Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão và Sở Y tế tỉnh.
Đoàn công tác do thiếu tướng Nguyễn Quy Nhơn dẫn đầu kiểm tra hầm thủy điện Sông Tranh 2 – Ảnh: Hoàng Sơn
Thiếu tướng Nguyễn Quy Nhơn chỉ đạo phải tính đến các công việc chi tiết nhất như quãng đường đi, phương tiện, thời gian sơ tán, hiệu lệnh. Ngay từ bây giờ, chính quyền, ngành chức năng và các đơn vị quân đội phải triển khai tới tận người dân để họ biết phải làm gì khi xảy ra sự cố. Ông cho rằng, dù cơ quan chuyên môn có báo cáo đập thủy điện đã an toàn, nhưng phương án sơ tán, di dời dân cần phải được chuẩn bị một cách kỹ lưỡng, chủ động nhất.
Video đang HOT
Cùng ngày, UBND tỉnh Quảng Nam cũng đã yêu cầu Sở Xây dựng khẩn trương phối hợp chính quyền H.Bắc Trà My kiểm tra thực tế, đánh giá tình hình và hỗ trợ tư vấn an toàn nhà ở cho người dân vùng chịu ảnh hưởng động đất, nhất là vùng hạ du thủy điện Sông Tranh 2. Đặc biệt, địa phương đề nghị Tập đoàn điện lực Việt Nam chỉ đạo BQL dự án thủy điện 3 phối hợp UBND H.Bắc Trà My rà soát, kiểm đếm, hỗ trợ kinh phí cho các hộ dân, khu tái định cư, trường học, các công trình xây dựng bị ảnh hưởng.
Hiện có hơn 250 nhà bị nứt, sụt lún (trong đó có hơn 10 công trình công cộng) do ảnh hưởng của động đất. UBND tỉnh cũng đề nghị Viện Vật lý địa cầu hỗ trợ chính quyền các huyện trong vùng liên đới bị động đất (Bắc Trà My, Nam Trà My, Tiên Phước, Hiệp Đức, Phước Sơn) để hướng dẫn người dân phòng tránh, ứng phó khi xảy ra tình huống xấu. Nhiều hồ chứa như hồ Nước Rôn (xã Trà Dương, H.Bắc Trà My), hồ Đá Vách (xã Tiên Cảnh, H.Tiên Phước) và thủy điện Sông Tranh 2 cũng được cảnh báo về độ an toàn. Phía Công ty thủy điện Sông Tranh cam kết “tuyệt đối không tích nước hồ chứa thủy điện Sông Tranh 2″ trong mùa mưa lũ năm nay, cho treo 6 cửa xả ở ngưỡng tràn để nước chảy về hồ bao nhiêu thì cho thoát bấy nhiêu.
Theo TNO
"Kịch bản ứng phó" nếu vỡ đập Sông Tranh 2
Một kịch bản giả định thủy điện Sông Tranh 2 bị vỡ do động đất xảy ra trên địa bàn huyện Bắc Trà My vừa được Ban Chỉ huy quân sự huyện Bắc Trà My trình trước đoàn công tác của lãnh đạo Quân khu 5 đi khảo sát tại Sông Tranh 2 vào ngày 2/10.
Để kịp thời ứng phó với những bất thường của thời tiết, đặc biệt là trước mùa mưa bão đang đến gần, Quân khu 5 đã cử đoàn công tác đến khảo sát thực địa tại vùng động đất Trà My và thủy điện Sông Tranh 2.
Qua hơn 1 ngày khảo sát thực địa, đoàn công tác đã nghe báo cáo kịch bản giả định tình huống xấu nhất sau động đất là hồ chứa Sông Tranh 2 bị vỡ. Bên cạnh đó là phương án di chuyển dân cũng như các phương án tìm kiếm cứu hộ cứu nạn.
Kịch bản vỡ đập Sông Tranh 2 sau động đất đã được chuẩn bị sẵn sàng ứng phó khi có tình huống xấu nhất.
Kịch bản giả định đưa ra: Sau trận động đất mạnh, đập Sông Tranh 2 bị vỡ, hàng chục nghìn hộ dân tại các xã Trà Đốc, Trà Tân, Trà Sơn, Trà Giang và thị trấn Trà My phải sơ tán đến các điểm cao gần nhất để bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân.
Tại mỗi điểm sơ tán, công tác hậu cần, y tế và tìm kiếm cứu nạn cũng được đưa ra tùy đặc điểm địa hình, số lượng dân và độ dâng của nước lũ.
Các lều trại, lương thực, thuốc men, đội ngũ nhân viên y tế được huy động để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người dân được lên sẵn sàng trong kịch bản chờ phê duyệt và triển khai diễn tập.
Với giả thiết này, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh lập tức triển khai hợp đồng tác chiến với 7 đơn vị thuộc khối lực lượng vũ trang, Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và Sở Y tế để sẵn sàng ứng phó và xử lý trong mọi tình huống xấu nhất sau khi nhận được tin báo.
Ngay sau khi nghe báo cáo, Thiếu tướng Nguyễn Quy Nhơn, Phó Tư lệnh Quân khu 5 nhấn mạnh, các biện pháp cần lưu ý bổ sung vào kịch bản này là phải tính đến các chi tiết nhỏ nhất như quãng đường đi, phương tiện, thời gian sơ tán, hiệu lệnh và lực lượng ứng phó cần huy động bao nhiêu tại chỗ và thời gian di chuyển quân để tăng cường...
Thiếu tướng Nhơn khẳng định: Phương châm 4 tại chỗ là quan trọng nhất. Người dân và chính quyền, ngành chức năng địa phương và các đơn vị quân đội cần phổ biến kỹ năng đến tận người dân và sẵn sàng ứng trực 24/24 trong mùa bão lũ này.
Được biết, sau khi có phương án được cơ quan chức năng phê duyệt, lực lượng quân đội và chính quyền địa phương sẽ tổ chức diễn tập thực tế tại địa bàn.
Như vậy, đến thời điểm này, các kịch bản cho tình huống xấu nhất với thủy điện Sông Tranh 2 và vùng động đất Trà My đã được lực lượng quân đội vào cuộc.
Theo Dantri
Bất nhất thông tin về thủy điện Sông Tranh 2 Kể từ khi bị phát hiện thấm nước ở đập thủy điện Sông Tranh 2 (tháng 5-2012) đến nay, thông tin về sự an toàn của đập thủy điện này đã nhiều lần được công bố. Tuy nhiên, thông cáo mới nhất của Bộ Công Thương và Tập đoàn Điện lực Việt Nam EVN lại có một số chi tiết khiến dư luận...