Công khai dự toán ngân sách nhà nước năm 2020
Nhằm cung cấp những thông tin về dự toán ngân sách Nhà nước cho người dân một cách dễ hiểu và đơn giản nhất, Bộ Tài chính vừa công bố “Báo cáo ngân sách dành cho công dân về Dự toán ngân sách Nhà nước (NSNN) năm 2020 trình Quốc hội”.
Trong báo cáo, Bộ Tài chính đề ra mục tiêu NSNN năm 2020, gồm: Phấn đấu thực hiện cao nhất các mục tiêu tài chính – NSNN giai đoạn 2016 – 2020; tiếp tục thực hiện chính sách tài khóa chặt chẽ, tăng cường kỷ cương, kỷ luật ngân sách, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh; thực hiện cơ cấu lại NSNN gắp với sắp xếp phù hợp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, đổi mới khu vực sự nghiệp công, ưu tiên dành nguồn lực thực hiện cải cách tiền lương và các chính sách an sinh xã hội.
Dự kiến dự toán thu NSNN năm 2020 là hơn 1,5 triệu tỷ đồng, tăng 3,8% so với ước thực hiện năm 2019; tỷ lệ huy động vào NSNN khoảng 22,2% GDP, trong đó từ thuế, phí khoảng 19,4% GDP.
Dự kiến dự toán chi NSNN năm 2020 là hơn 1,7 triệu tỷ đồng, tăng 7% so với dự toán chi năm 2019.
Chi NSNN năm 2020 sẽ được thực hiện trên nguyên tắc: Tăng tỷ trọng chi cho đầu tư phát triển; triệt để tiết kiệm chi thường xuyên gắn với mục tiêu tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế, đổi mới đơn vị sự nghiệp công; bố trí chi trả nợ lãi đầy đủ, đúng hạn, quản lý chặt các khoản vay, đảm bảo an ninh tài chính quốc gia; tiếp tục cải cách tiền lương từ 1/7/2020 (tăng lương cơ sở từ 1,49 triệu đồng/tháng lên 1,6 triệu đồng/tháng, lương hưu và trợ cấp ưu đãi người có công tăng tương ứng); bố trí dự phòng, dự trữ quốc gia đảm bảo xử lý kịp thời các nhiệm vụ cấp bách phát sinh trong năm.
Trong năm 2010, Bộ Tài chính dự kiến bội chi NSNN là 234,8 nghìn tỷ đồng, tương đương 3,44% GDP. Dự kiến đến hết năm 2020, dư nợ công bằng 54,3% GDP, dư nợ Chính phủ bằng 48,5% GDP và nợ nước ngoài của quốc gia bằng 45,5% GDP.
Bộ Tài chính cũng công khai dự kiến kế hoạch tài chính – NSNN 3 năm 2020 – 2022.
Video đang HOT
Ông Võ Thành Hưng – Vụ trưởng Vụ NSNN, Bộ Tài chính nhận định: Việc công bố này sẽ góp phần khuyến khích các địa phương triển khai thực hiện công bố báo cáo ngân sách dành cho công dân của địa phương mình. Người dân có thể thông qua đó nắm được thông tin cơ bản về ngân sách của địa phương, từ đó có thể đóng góp tiếng nói thông qua hội đồng nhân dân (HĐND) tỉnh khi quyết định ngân sách của địa phương.
Bản báo cáo này được xuất bản sớm, thực hiện theo chuẩn mực chung của quốc tế, tức là công khai lấy ý kiến trước khi Quốc hội quyết định.
Được biết, đây là năm thứ 6 liên tiếp Bộ Tài chính xuất bản Báo cáo ngân sách dành cho công dân kể từ năm ngân sách 2015. Việc công khai báo cáo ngân sách nhà nước dành cho công dân hàng năm là một trong những hình thức quan trọng góp phần thúc đẩy công khai, minh bạch ngân sách ở Việt Nam thông qua đánh giá của các tổ chức minh bạch quốc tế.
Anh Minh
Theo Baochinhphu.vn
Hơn 40 nghìn tỷ nợ thuế không còn khả năng thu hồi
Dù ngành thuế đã quyết liệt triển khai nhiều giải pháp để thu hồi nợ thuế, nợ đọng, cưỡng chế nợ, song đến nay số nợ thuế không còn khả năng thu hồi vẫn lên gần 40.000 tỷ đồng, tăng xấp xỉ 10% so với cùng kỳ năm 2018.
Theo Luật Quản lý thuế 2019, từ 1/7/2020, người nộp thuế đang bị cưỡng chế thuế sẽ bị tạm hoãn xuất cảnh
Bộ Tài chính đã dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về khoanh tiền nợ thuế, xóa tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp đối với người nộp thuế không còn khả năng nộp ngân sách Nhà nước trình Quốc hội xem xét tại kỳ họp thứ 8. Ngày 1/11, Quốc hội đã thảo luận dự thảo Nghị quyết này tại Nghị trường.
Được biết, Nghị quyết này sẽ có hiệu lực thi hành từ 1/1/2020 và được thực hiện trong thời hạn 3 năm kể từ ngày có hiệu lực.
Theo báo cáo mới nhất từ Tổng cục Thuế, tổng số tiền nợ thuế tính đến cuối tháng 10/2019 gần 83.400 tỷ đồng, giảm 3% so với cùng kỳ năm 2018 và tăng trên 9% so với thời điểm 31/12/2018.
Trong đó, tiền nợ thuế có khả năng thu là 43.543 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 52,2% tổng số tiền nợ thuế. Số này giảm 12,3% so với cùng kỳ năm 2018 và tăng 12,4% so với thời điểm 31/12/2018.
Đáng chú ý, tiền nợ thuế không còn khả năng thu hồi (của người nộp thuế đã chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự, liên quan đến trách nhiệm hình sự, đã tự giải thể, phá sản, chấm dứt hoạt động sản xuất kinh doanh, không còn hoạt động tại địa chỉ đăng ký kinh doanh) là 39.848 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 47,8% tổng tiền thuế nợ.
Số nợ này đã tăng gần 10% so với cùng kỳ năm 2018 và tăng 6% so với thời điểm 31/12/2018.
Tổng Cục Thuế cho biết, lũy kế tính đến cuối tháng 10/2019, cơ quan thuế đã thực hiện các biện pháp đôn đốc thu nợ tại thời điểm 31/12/2018 đạt 27.667 tỷ đồng, bằng 71,4% nợ đến 90 ngày và trên 90 ngày tại thời điểm 31/12/2018.
Để xử lý thu hồi nợ đọng thuế, Bộ Tài chính đã có Chỉ thị số 04/CT-BTC chỉ đạo cơ quan thuế các cấp và gửi UBND các tỉnh, thành phố đề nghị phối hợp, tăng cường công tác quản lý nợ và cưỡng chế thu hồi nợ thuế để giảm nợ đọng thuế.
Trong đó, Chỉ thị đã yêu cầu cơ quan thuế các cấp xây dựng phương án xử lý nợ đọng thuế trên địa bàn, báo cáo cấp ủy, chính quyền địa phương để triển khai thực hiện xử lý nợ đọng thuế trên địa bàn quản lý. Đồng thời, Chỉ thị cũng nêu rõ trách nhiệm và cụ thể các giải pháp trong việc thu hồi, xử lý nợ đọng thuế.
Trước đó, Tiền Phong có bài viết: Xử lý doanh nghiệp nợ thuế: Nguy cơ mất trắng hơn 30 nghìn tỷ đồng.
Ngày 27/8, ông Lưu Đức Huy - Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế, Tổng cục Thuế cho hay, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Tài chính rà soát, hoàn chỉnh dự thảo Nghị quyết để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến và bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019, trình Quốc hội quyết định tại Kỳ họp cuối năm nay theo trình tự thủ tục rút gọn.
Theo Tổng cục Thuế, tổng số nợ đọng của các nhóm đối tượng này đến nay khoảng 30 nghìn tỷ đồng, trong đó nợ tiền thuế hơn 17.000 tỷ đồng, nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp gần 12.000 tỷ đồng.
Tổng cục Thuế cũng cho biết, tổng số tiền nợ không có khả năng thu hồi sẽ được xóa khoảng 12.000 tỷ đồng. Đây là tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp, còn số nợ gốc không được xóa.
"Các trường hợp đã được xóa tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp, nếu phát hiện việc xóa nợ không đúng quy định hoặc người nộp thuế quay lại sản xuất, kinh doanh hoặc thành lập cơ sở sản xuất, kinh doanh mới thì phải hủy quyết định xóa nợ và nộp vào ngân sách khoản nợ đã được xóa", Tổng cục Thuế cho hay.
TUẤN NGUYỄN
Theo Tienphong.vn
Bamboo Airways tiếp tục tăng gần gấp đôi vốn điều lệ Sau gần một tháng được tăng vốn từ 1.300 tỷ đồng lên 2.200 tỷ đồng, hãng hàng không Bamboo Airways tiếp tục đăng ký tăng vốn lên 4.050 tỷ đồng. Theo tin từ Cổng thông tin Quốc gia về Đăng kí doanh nghiệp, ngày 18/10 vừa qua Công ty cổ phần Hàng không Tre Việt (Bamboo Airways) đã được cấp giấy đăng ký...