Công khai danh tính quan chức không chịu trả nhà
TS Lê Đăng Doanh cho rằng, với quan chức cố tình chây ỳ, không chịu trả lại nhà sau khi nghỉ, cần có biện pháp mạnh như: Công khai danh tính trên báo chí hoặc thậm chí có thể sử dụng đến biện pháp cuối cùng là cưỡng chế.
Thời gian gần đây, báo Tiền Phong đã có nhiều bài viết về tình trạng các quan chức đương nhiệm dùng nhà công vụ được phân giao cho người khác sử dụng hoặc quan chức đã về hưu nhưng vẫn không chịu trả lại nhà. Ông đánh giá thế nào về việc này?
Các quan chức được phân công quản lý tài sản Nhà nước mà cảm thấy e ngại thì cần xem lại. Chính họ mới là người cần gương mẫu đầu tiên trong việc nhắc nhở các quan chức thực hiện theo đúng quy định của pháp luật. Ông Lê Đăng Doanh
Việc những quan chức, kể cả đương nhiệm hay đã về hưu, được phân sử dụng nhà công vụ nhưng lại không sử dụng mà chuyển cho con cái, họ hàng, thậm chí đem cho thuê… là có vi phạm về việc sử dụng không đúng mục đích của nhà công vụ. Điều này có thể diễn ra do các quy định hiện hành của pháp luật chưa được chặt chẽ.
Nên có quy chế nêu rõ chỉ được sử dụng nhà công vụ cho những người được phân công theo chức vụ. Nhà công vụ thường là những khu nhà riêng biệt, được xây dựng chất lượng tốt hơn. Việc thiếu quy định chặt chẽ đã dẫn đến tình trạng người đương chức thừa nhà, đem nhà cho con cái, cho người khác sử dụng trong khi những người khác lại không được sử dụng.
Nhưng điều đáng nói nữa là vẫn có không ít quan chức đã nghỉ hưu nhưng vẫn sử dụng, chưa bàn giao lại các căn nhà công vụ đã được phân trước đó.
Báo Tiền Phong đã nêu ra nhiều trường hợp quan chức có vi phạm trong sử dụng nhà công vụ. Cái sai này là rõ ràng. Anh đã nghỉ hưu đương nhiên phải bàn giao lại nhà công vụ. Nếu anh lại tiếp tục cho con cháu đến ở, cái sai này còn nặng gấp đôi. Điều này cũng cần quy định tường minh trong quy chế sử dụng nhà công vụ.
Hy vọng những quan chức đã nghỉ hưu nhưng vẫn giữ lại nhà công vụ để sử dụng cho cá nhân hoặc cho con cháu ở, hãy gương mẫu thực hiện việc trả lại nhà công vụ cho Nhà nước để phân cho người khác sử dụng. Dứt khoát phải bàn giao lại, không được để cho con cháu tiếp tục ở như hiện nay.
Thói quen sử dụng nhà công vụ được nhiều quan chức cho rằng, đây là “tiêu chuẩn” của tôi. Quan điểm suy nghĩ này là tàn dư của thời bao cấp. Họ nghĩ, Nhà nước giao cho tôi thì tôi có quyền sử dụng. Tôi cho rằng, những người xây dựng các quy định về nhà công vụ cần lưu ý ở điểm này. Nếu trong quy chế hiện nay chưa có thì cần sửa đổi, bổ sung.
Ông Lê Đăng Doanh
Phóng viên Tiền Phong đã có cuộc trao đổi với một số cựu Thứ trưởng của các Bộ: NN&PTNT, Tài nguyên – Môi trường và các cựu quan chức này khẳng định: “Trả lại nhà thì không biết ở đâu”. Ông đánh giá thế nào về các ý kiến này?
Đây là do sơ hở trong quy định trước đây. Họ trả lời như vậy khó chấp nhận được. Bảo trả nhà thì không biết ở đâu. Vậy trước kia anh ở đâu? Trước khi được phân nhà công vụ, chả nhẽ anh ở ngoài đường sao? Không nên suy nghĩ như vậy.
Video đang HOT
Phải chăng do một số quan chức đang được các chế độ như: có lái xe, người giúp việc, được ở nhà công vụ nên họ đã quen và có cách suy nghĩ như vậy?
Thực tế đã có nhiều trường hợp lãnh đạo rất cao đã trả lại nhà công vụ sau khi kết thúc nhiệm kỳ công tác. Như nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã trả lại căn nhà ở 72 Phan Đình Phùng sau khi kết thúc nhiệm kỳ. Nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải cũng trả lại nhà. Căn nhà này hiện đã được phân cho người khác ở. Các lãnh đạo cấp cao đã chấp hành như vậy, tại sao một số quan chức khác lại suy nghĩ và không chấp hành quy định. Theo tôi, đây là điều rất không nên.
Trước tình hình hiện nay, cơ quan chức năng nên đưa ra lời nhắc nhở đồng thời có một thời hạn nhất định cho các quan chức đang đương nhiệm cũng như đã về hưu chấn chỉnh lại việc sử dụng nhà công vụ. Với những người đã nghỉ hưu, đưa ra thời gian cụ thể của việc thu hồi nhà, có thể là trong khoảng thời gian 3 – 5 tháng, để họ có sự chuẩn bị. Lập luận như trên là cách suy nghĩ không phải. Các cơ quan quản lý, pháp luật phải thực thi quy định một cách nghiêm minh, nghiêm chỉnh. Ở các nước không thể có chuyện như vậy.
Thời ông còn công tác, ông cũng như nhiều cán bộ khác có được hưởng tiêu chuẩn nhà công vụ và việc thu hồi nhà này được thực hiện thế nào?
Thời tôi còn công tác, chúng tôi có tiêu chuẩn về nhà công vụ. Nhưng như tôi thì không được ở nhà công vụ. Tôi chỉ được phân một căn hộ ở nhà chung cư. Sau đó, khu nhà này được hóa giá và ai có điều kiện thì mua. Tôi đã trả tiền và mua lại căn hộ này. Giờ căn hộ đã có sổ đỏ và là tài sản của tôi.
Một số quan chức Bộ Xây dựng khi được hỏi đều cho rằng, họ cảm thấy tế nhị và ngại đụng chạm do hầu hết các cán bộ được phân nhà công vụ đều có hàm từ Thứ trưởng trở lên ở các bộ ngành. Để việc thượng tôn pháp luật được nghiêm chỉnh chấp hành, theo ông cần làm gì?
Các quan chức được phân công quản lý tài sản Nhà nước mà cảm thấy e ngại thì cần xem lại. Chính họ mới là người cần gương mẫu đầu tiên trong việc nhắc nhở các quan chức thực hiện theo đúng quy định của pháp luật.
Việc yêu cầu quan chức trả lại nhà công vụ sau khi kết thúc nhiệm kỳ công tác nên thực hiện ngay. Nhưng cũng cần có thông báo nhắc nhở trước và có thời gian để họ chuẩn bị để bàn giao nhà. Sau đó cũng cần có chế tài với những quan chức không chịu bàn giao lại nhà. Những người cố tình chây ỳ, ban quản lý cần có báo cáo các cơ quan có liên quan đồng thời nếu cần thiết, có thể công khai danh tính các quan chức không chịu trả lại nhà để người dân và mọi người cùng biết.
Thậm chí, sau 6 tháng hay 1 năm, nếu quan chức không trả nhà dù đã được thông báo, có thể dùng các lực lượng cưỡng chế để thu hồi nhà.
Cảm ơn ông.
Ở các nước cũng có nhà công vụ giao cho các quan chức sử dụng trong thời gian công tác. Nhưng quy định của họ rất chặt. Chỉ cần quan chức đó hết nhiệm kỳ hay chuyển công tác là phải bàn giao lại nhà công vụ cho Chính phủ trong thời gian khoảng 3 tháng sau đó. Nếu không bàn giao sẽ bị xử phạt, phải bồi thường. Đây là những quy định mà Việt Nam cần áp dụng.
Theo Phạm Tuyên (Tiền Phong)
Nhà công vụ không phải là "lộc" để chia
Đại diện Bộ Xây dựng khẳng định, thời gian tới sẽ kiên quyết thu hồi nhà công vụ sử dụng không đúng mục đích, đối tượng. Còn các Đại biểu Quốc hội cảnh báo sự thiếu nghiêm minh trong thực thi pháp luật và liêm sỉ của công chức.
Một góc khu nhà công vụ Hoàng Cầu. Ảnh: L.H.V
Cả nể
Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Nguyễn Mạnh Hà, Cục trưởng Quản lý nhà và Thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) cho biết: Theo quy định, nhà ở công vụ chỉ cho cán bộ thuê trong thời gian điều động công tác tới một nơi mới, sau đó phải trả lại.
Tuy vậy, ông Hà thừa nhận còn nhiều khó khăn, tồn tại. Như việc cán bộ khi nghỉ hưu không về địa phương, mà vẫn ở lại nơi chuyển tới. "Khi trả nhà họ ở đâu, họ khó khăn thật sự thì sao? không thể đẩy họ ra đường rồi thu lại nhà được, dù sao họ đã cống hiến cả đời cho đất nước", ông Hà nói.
Theo đại diện Bộ Xây dựng, cần cơ chế để tạo điều kiện cho cán bộ khó khăn về hưu có chỗ ở mới. Như thuê, mua nhà ở xã hội, vay vốn ưu đãi để mua nhà. "Những trường hợp không khó khăn nhà ở, nhưng vẫn tham lam cần kiên quyết thu hồi. Như cho con ở nhà công vụ còn mình ở nơi khác phải thu hồi ngay", ông Hà nhấn mạnh.
"Dù Luật quy định cưỡng chế, nhưng cưỡng chế thế nào với những cán bộ cấp cao là chuyện khó. Ở Hà Nội chưa thấy có trường hợp nào công bố cưỡng chế nhà ở công vụ. Hiện, việc quản lý nhà ở công vụ còn buông lỏng và nhiều kẽ hở". Nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Sỹ Liêm
Về lý do lâu nay việc thu hồi nhà công vụ chưa nghiêm, ông Nguyễn Mạnh Hà giải thích, trước đây quy định pháp luật còn thiếu, chỉ quy định chung chung, khó thực hiện. Cũng có trường hợp cả nể, hay cán bộ về hưu viện nhiều lý do để giữ nhà. Nhiều cán bộ lấy lý do người khác chưa trả nên chưa trả. Theo ông Hà, như vậy là không đúng, không thể nói thấy người khác phạm pháp mình cũng phạm pháp được.
Với Thông tư 01/2014, đưa ra nhiều quy định cụ thể để quản lý nhà ở công vụ, ông Hà kỳ vọng có thể giải quyết được những tồn tại bấy lâu. Tránh tình trạng lợi dụng, chiếm hữu nhà ở công vụ thành nhà riêng.
Hiện Bộ Xây dựng đang rà soát số nhà công vụ được giao quản lý, yêu cầu ký hợp đồng thay cho phân (cấp) trước đây, nhằm tạo điều kiện cho xử lý về sau. Nhiều cán bộ có chức vụ cao, nhưng khi về hưu không trả lại nhà, ông Hà tin tưởng có thể xử lý được. "Căn cứ vào pháp luật để xử lý, nếu không trả sẽ phải thu hồi", ông Hà khẳng định.
Với những trường hợp không trả căn hộ tại khu nhà công vụ Hoàng Cầu (Hà Nội), ông Hà cho hay, sau khi thống kê xong sẽ thu hồi nhà sử dụng không đúng đối tượng. "Phải thực hiện chứ không thể nói ra cho vui. Chỉ có điều là phải hợp lý, trong trường hợp cụ thể. Phải thu hồi để cho cán bộ mới về có nơi ở, không thể nhà nước cứ đầu tư nhà công vụ mãi", ông Hà nói.
Về việc quản lý khu nhà Hoàng Cầu, quy trình xử lý những trường hợp không còn nhu cầu sử dụng, cho người khác ở, về hưu chưa trả nhà...; ông Trần Việt Hùng, Tổ trưởng Quản lý nhà ở công vụ Hoàng Cầu nêu lý do: Mình mới được điều động về đây làm việc từ 20/1/2014. Thời gian còn ít nên chưa nắm được cụ thể. Rồi ông Hùng chỉ ra tổ dân phố để hỏi.
Còn đại diện Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, hiện không có nhà đủ tiêu chuẩn làm nhà công vụ. Một số nhà cho cán bộ thuê chỉ là nhà thuộc sở hữu nhà nước.
Về xử lý trường hợp biệt thự số 12 Nguyễn Chế Nghĩa (cho nguyên Chủ tịch UBND TP Hà Nội Hoàng Văn Nghiên thuê), đại diện Sở Xây dựng chỉ sang Cty TNHH MTV Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội, vì đã giao cho đơn vị này quản lý. Nhưng khi hỏi, lãnh đạo công ty lại "đẩy" về hỏi Sở Xây dựng.
Trao đổi với PV Tiền Phong, một lãnh đạo Sở Xây dựng TPHCM cho biết: Nhiều cán bộ cấp cao về hưu ở nhà công vụ, nhưng vẫn có biệt thự ở nơi khác. Điều này, cơ quan chức năng đều rõ, nhưng khó xử lý. Việc kê khai, công khai tài sản khi nghỉ hưu đang là lỗ hổng pháp luật.
Cán bộ chây ỳ, cơ quan hữu trách làm ngơ
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Bá Thuyền cho rằng, cán bộ hết nhiệm vụ phải trả lại nhà ở công vụ, đấy là nguyên tắc. Cơ quan nào không thu hồi cơ quan đó phải chịu trách nhiệm, có khuyết điểm. "Nhiều cán bộ giữ chức vụ cao, nhưng về hưu không trả là chưa gương mẫu", đại biểu Thuyền nói.
"Làm nghiêm thì không có cán bộ về hưu nào lại không chịu trả lại nhà". Nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT Đặng Hùng Võ
Đại biểu Dương Trung Quốc đánh giá, đang có sự lạm dụng trong việc quản lý công sản của nhà nước, cả trong chính sách lẫn thực thi và thiếu gương mẫu của người lãnh đạo. Cán bộ được ở nhà công vụ là đã được hưởng ưu đãi của nhà nước, hơn nhiều cán bộ phải tự lo nhà. "Trước đây cha ông ta rất quan tâm tới liêm sỉ, sợ nhất là vi phạm đạo đức, chuẩn mực xã hội. Nhưng giờ điều đó đang dần mất đi, ít được quan tâm hơn, đặc biệt với tầng lớp quan chức", đại biểu Dương Trung Quốc nói.
Theo đại biểu Quốc, những trường hợp không trả nhà công vụ, việc thu hồi là cần thiết. Nhưng phải căn cứ vào từng đối tượng cụ thể để có chính sách công bằng, không nên cào bằng, vì nhiều người khó khăn thật sự.
GS.TS Nguyễn Minh Thuyết (nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội) cho rằng, tình trạng không trả nhà công vụ không phải hiếm. Ông kể lại câu chuyện khi mới tham gia Quốc hội khóa XI, lái xe của ông có hỏi sao không xin nhà công vụ. Ông nói: "Mình có nhà ở Hà Nội, xin nhà công vụ làm gì cho mất công chuyển đồ".
Theo ông Thuyết, các nước đều có nhà công vụ, nhưng việc thi hành luật rất nghiêm. Còn ở ta, cán bộ chây ỳ, cơ quan hữu trách cũng làm ngơ, nên nhà công vụ dần thành nhà tư. "Việc không trả nhà công vụ còn tạo gương xấu cho xã hội. Cán bộ lúc đương chức nói rất hay, nhưng lúc về hưu đến cái nhà công vụ cũng không trả", ông Thuyết nói.
Việc cho con cháu ở nhà công vụ, theo vị giáo sư này, càng không thể chấp nhận. Nhà công vụ không phải "lộc" để chia cho con cháu. "Có thể nói đây là hành vi chiếm dụng tài sản nhà nước", ông Thuyết khẳng định. Theo ông, cần có sự dứt khoát của đơn vị quản lý nhà và đơn vị quản lý cán bộ, quy định phải được thực thi nghiêm túc.
Theo Lê Hữu Việt - Ngọc Mai
Tiền Phong
Vụ đồ chơi phát nổ: Có thể là vôi hoặc khí đá Theo chuyên gia Lê Đăng Doanh, nếu hàng hóa lọt được qua biên giới thì dường như không ai quản lý cả! ThS Huynh Thanh Công, Pho Trương phong Tông hơp hưu cơ (Viên Khoa hoc vât liêu ưng dung), đã phán đoán như vậy về loại đồ chơi hình lựu đạn khiến 39 học sinh Trường Tiểu học Chu Văn An (thị...