Công khai 200 nhân sự được quy hoạch trung ương để đảng viên giám sát
Đề cập việc Bộ Chính trị vừa ban hành quy định về kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ, ngăn chặn “chạy chức, chạy quyền”, ông Lê Minh Thông, Trợ lý Chủ tịch Quốc hội cho rằng, đảng viên phải biết thông tin thì mới có thể kiểm soát được.
Từ đó ông đề nghị nên công khai danh sách 200 nhân sự quy hoạch trung ương khóa mới để đảng viên biết và giám sát.
Ông Lê Minh Thông, Trợ lý Chủ tịch Quốc hội
Nhằm đóng góp cho việc chuẩn bị các nội dung của Văn kiện Đại hội XIII của Đảng, nhất là nội dung về công tác xây dựng Đảng, ngày 25/9, Tạp chí Cộng sản phối hợp với Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề: “Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng trong điều kiện mới – Những vấn đề lý luận và thực tiễn”.
Phát biểu đề dẫn hội thảo, ông Phạm Chí Thành, Quyền Giám đốc – Tổng Biên tập Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật cho rằng, bên cạnh những thành tựu đạt được thì việc đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng vẫn còn những bất cập, chậm, lúng túng; chưa xử lý tốt mối quan hệ giữa việc bảo đảm đầy đủ điều kiện phát huy tối đa quyền lực, vừa có cơ chế kiểm soát quyền lực, không để lộng quyền, lạm quyền. Trong khi đó, đảng viên nắm giữ hầu hết các vị trí chủ chốt trong bộ máy nhà nước, có quyền lực rất lớn và nguy cơ tha hóa quyền lực, quan liêu, tham nhũng, “lợi ích nhóm” rất cao.
Ông Lê Minh Thông, Trợ lý Chủ tịch Quốc hội khẳng định, đổi mới bầu cử trong đảng là yếu tố then chốt nhất. Có bầu cử tốt trong Đảng mới bầu cử tốt trong Nhà nước. “Nếu chọn không tốt thì khi đưa ra nhân dân chưa chắc đã bầu”, ông Thông nói và thông tin, vừa qua có những nhân sự được giới thiệu ra Quốc hội, HĐND nhưng nhân dân không tín nhiệm nên không bầu.
Đi sâu vào các quy định bầu cử trong Đảng, ông Thông cho rằng, việc quy định cấp ủy viên không được nhận đề cử, không được đề cử người khác nếu như người đó không được cấp ủy triệu tập đại hội, không được quy hoạch vào khóa mới thì không được nhận đề cử tại đại hội… có thể dẫn đến bỏ sót người tài. Từ đó, ông Thông đề nghị khi ra đại hội nên cho phép giới thiệu thêm nhân sự, và nếu được 50% đồng ý thì cho vào danh sách để bầu. Ông cũng kiến nghị cung cấp cho đảng viên những thông tin cần thiết về nhân sự của đại hội, tránh tính trạng râm ran tin đồn “ông này, ông kia sẽ vào cấp ủy”.
“Trong công tác nhân sự thì phải công khai thông tin cho đảng viên biết xem những ai quy hoạch vào đâu, chứ nếu quy hoạch mà chỉ cấp ủy biết, không công bố cho đảng viên thì đảng viên không thể kiểm soát được nhân sự sẽ đại diện cho mình cầm quyền. Ví dụ chúng ta quy hoạch hơn 200 nhân sự vào trung ương khóa XIII thì phải công khai danh sách đó để đảng viên biết và giám sát”, ông Thông nêu ý kiến.
Có chương trình hành động để đại biểu giám sát “lời hứa”
Đề cập việc Bộ Chính trị vừa ban hành quy định về kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ, ngăn chặn “chạy chức, chạy quyền”, ông Thông cho rằng, muốn kiểm soát được thì phải biết thông tin, chứ không biết thì không thể kiểm soát được. Ông Thông đề nghị, danh sách các ứng cử viên được triệu tập đại hội cần được công bố, công khai để các đại biểu có đủ thời gian nghiên cứu kỹ nhân thân.
Về tranh cử, theo ông Thông, hiện nay các ứng cử viên trong đảng thường không có chương trình hành động nên không rõ sẽ làm gì sau khi được bầu. Do đó, trong hồ sơ bắt buộc của các ứng cử viên cần phải có chương trình hành động để các đại biểu nghiên cứu và giám sát “lời hứa của người trúng cử”?
Ông Thông cũng đề nghị, trong đại hội cần tổ chức các diễn đàn cho các ứng cử viên trao đổi, lắng nghe, giải trình, “tránh trường hợp bầu mà không biết mặt”. Bên cạnh đó, tăng số dư ứng viên và tổng kết về đại hội bầu trực tiếp bí thư, để tiến tới bầu trực tiếp bí thư ở các đại hội. “Nếu bí thư do đại hội bầu thì mọi thứ sẽ khác. Như thế sẽ là người đứng đầu tổ chức đảng, vị thế sẽ rất khác. Đây là con đường chúng ta phải đi để tìm kiếm người tài trong đảng hiệu quả hơn”, ông Thông nêu ý kiến.
VĂN KIÊN
Theo TPO
Bộ Chính trị nêu 6 hành vi chạy chức, chạy quyền và 8 hành vi bao che
Quy định về việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền vừa được Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng ký ban hành.
Quy định gồm 4 chương, 15 điều, nêu rõ các cơ chế kiểm soát quyền lực; nhận diện 6 hành vi chạy chức, chạy quyền; 8 hành vi bao che, tiếp tay cho chạy chức cũng như quy định trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong chống chạy chức, chạy quyền.
6 hành vi chạy chức, chạy quyền
Thứ nhất, tiếp cận, thiết lập quan hệ, hối lộ, mua chuộc người có trách nhiệm, chức vụ, quyền hạn hoặc người có liên quan nhằm mục đích có được vị trí, chức vụ, quyền lợi.
Thứ hai, tranh thủ mọi lúc, mọi nơi, nhất là các dịp lễ tết, sinh nhật và các cơ hội khác, sử dụng danh nghĩa tình cảm cá nhân hoặc danh nghĩa tổ chức, cơ quan, đơn vị, cá nhân khác để tặng quà, tiền, bất động sản, sắp xếp các hoạt động vui chơi, giải trí cho cán bộ lãnh đạo, người có thẩm quyền hoặc người có liên quan nhằm mục đích được sự ủng hộ, tín nhiệm, được vị trí, chức vụ, quyền lợi.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng vừa ký ban hành Quy định về việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền.
Thứ ba, lợi dụng các mối quan hệ thân quen hoặc sử dụng lợi thế, vị trí công tác, uy tín của người khác để tác động, tranh thủ, gây sức ép với người có thẩm quyền, trách nhiệm trong việc giới thiệu, bổ nhiệm mình hoặc người khác, "cánh hẩu" vào vị trí, chức vụ theo ý đồ cá nhân hoặc một nhóm người.
Thứ tư, lợi dụng việc nắm được thông tin nội bộ hoặc thông tin bất lợi của tổ chức, cá nhân để đặt điều kiện, gây sức ép đối với người có thẩm quyền, trách nhiệm trong việc giới thiệu, đề cử, bổ nhiệm mình.
Thứ năm, dùng lý lịch, xuất thân gia đình, thành tích công tác của bản thân để mặc cả, cài đặt điều kiện, đòi hỏi vô lý đối với tổ chức, cá nhân có thẩm quyền, trách nhiệm nhằm có được vị trí, chức vụ, quyền lợi.
Thứ sáu, sử dụng các hành vi tiêu cực khác nhằm có được vị trí, chức vụ, quyền lợi.
8 hành vi bao che, tiếp tay cho việc chạy chức, chạy quyền
Một là biết nhân sự có hành vi chạy chức, chạy quyền nhưng che giấu, thoả hiệp, không xử lý theo thẩm quyền hoặc không báo cáo cấp có thẩm quyền xử lý.
Hai là không xử lý theo thẩm quyền quy định hoặc không báo cáo cấp có thẩm quyền xử lý khi nhận được đơn, thư phản ánh, tố cáo nhân sự có hành vi chạy chức, chạy quyền.
Video: Hà Nội quán triệt tinh thần "chống chạy chức, chạy quyền"
Ba là lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc dùng uy tín, ảnh hưởng của bản thân và gia đình gợi ý, tác động, gây áp lực để người khác quyết định hoặc tham mưu, đề xuất, nhận xét, đánh giá, biểu quyết, bỏ phiếu giới thiệu nhân sự theo ý mình.
Bốn là xác nhận, chứng thực, nhận xét, đánh giá không đúng sự thật hoặc làm giả, làm sai lệch nội dung hồ sơ nhân sự, kết quả bầu cử, lấy phiếu giới thiệu, phiếu tín nhiệm, thi tuyển nhằm có lợi cho nhân sự hoặc để đạt mục đích cá nhân.
Năm là trì hoãn, không thực hiện khi thấy bất lợi hoặc chọn thời điểm có lợi đối với nhân sự theo ý mình để thực hiện quy trình công tác cán bộ.
Sáu là trực tiếp hoặc gián tiếp nhận hối lộ nhằm giúp cho người khác có được vị trí, chức vụ, quyền lợi không chính đáng.
Bảy là tiếp hoặc gián tiếp hỗ trợ, môi giới cho nhân sự thực hiện các hành vi chạy chức, chạy quyền nêu trên.
Tám là các hành vi khác nhằm bao che, tiếp tay cho chạy chức, chạy quyền.
XUÂN TRƯỜNG
Theo VTC
Bồi dưỡng kiến thức cho cán bộ, lãnh đạo trực thuộc Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương Khóa học nhằm nâng cao nhận thức chính trị, tư tưởng đạo đức, lối sống, năng lực công tác cho các đồng chí là đội ngũ lãnh đạo trong Khối nhằm đáp ứng tốt yêu cầu, nhiệm vụ chính trị của Đảng trong tình hình mới. Sáng 24/9, Ban Thường vụ Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương khai mạc lớp bồi...