Công dụng của trái tắc
Tắc có nhiều công dụng, theo kinh nghiệm dân gian, tắc dùng để trị ho, long đàm rất tốt.
Cách làm thuốc đơn giản, chỉ cần cắt đôi từ bốn-năm quả tắc cho vào một cái chén có nắp rồi rắc đường phèn (nếu thích ngọt thì rắc nhiều một chút), đem hấp cách thủy trong khoảng 15 phút. Dùng cả nước lẫn xác liên tục từ ba – năm ngày sẽ thấy cơn ho giảm dần và không còn đau như trước.
Theo Đông y, trái tắc có công dụng thanh nhiệt, tiêu thực trừ đờm nên rất tốt cho hệ tiêu hóa và hệ hô hấp. Đơn giản nhất là pha tắc như pha nước chanh. Món giải khát này còn có công dụng giải rượu. Phức tạp hơn một chút là làm xi rô. Dùng kim đâm vào quả tắc năm – sáu lỗ rồi cho vào lọ cùng với đường kính. Cứ một lớp tắc rải một lớp đường, đậy kín, để chỗ mát trong bảy ngày sẽ có xi rô màu vàng rất thơm. Khi dùng, chỉ cần pha thêm nước và đá. Nếu số lượng tắc quá nhiều thì làm tắc muối để dùng từ từ. Cho vào hũ muối đã trộn đều với cam thảo, sắp vào đáy lọ một lớp muối, rồi một lớp tắc, cứ thế đến khi hết tắc. Nhớ phải sắp tắc cách miệng hũ 5cm, dùng vài thanh tre dằn lên trên mặt tắc sao cho khi trong hũ dậy nước, tắc sẽ không nổi lên mặt nước muối. Đậy kín hũ, phơi nắng mỗi ngày cho đến khi tươm nước. Tắc muối đẹp sẽ ửng sắc vàng nâu thơm mùi cam thảo và có vị đậm đà. Khi dùng, lấy tắc ra dằm nát, pha nước uống rất tốt, nhất là khi xuất nhiều mồ hôi. Để lâu, trái tắc chuyển màu nâu đen, “teo tóp” lại nhưng rất thơm. Trong trường hợp ho khan, chỉ cần lấy vỏ tắc ngậm cũng thấy dịu bệnh.
Ngoài ra, món mứt tắc cũng rất tốt cho sức khỏe. Làm mứt này khá công phu vì phải gọt một lớp mỏng vỏ, sau đó dùng cây lấy hột, ngâm vôi một đêm rồi sên với đường. Mứt tắc ngon là phải còn nguyên trái. Cách làm đơn giản hơn là xắt chỉ trái tắc ra rồi sên với đường. Khi đi làm về mệt mỏi, chỉ cần lấy tắc ra pha với nước nóng hoặc lạnh là có ngay nước vừa giải khát vừa phòng bệnh.
Tắc có công dụng sát trùng ngoài da và tinh dầu từ vỏ tắc có công dụng an thần kinh. Vì thế, sau những buổi đi chơi, nếu cảm thấy tay chân mỏi mệt, hãy ngâm chân trong chậu nước ấm có để thêm từ hai – bốn trái tắc cùng lá hoa hồng. Dùng chân day quả tắc để xoa bóp huyệt chân. Quả tắc mềm dần, dịch từ trái tiết ra sẽ làm sạch bàn chân, cánh hoa hồng giúp da chân mịn màng, người sẽ cảm thấy khỏe lại nhanh chóng.
Theo PNO
Rau cần chữa ho, thiếu máu
Rau cần ta khác với rau cần tây. Có hai loại rau cần, một loại sống dưới nước và một loại sống trên cạn, đều có thể dùng làm thuốc được.
Theo Đông y, rau cần ta vị thơm, tính bình, không độc, có công hiệu thanh nhiệt, bổ máu, thông đường ruột, giải khát, hạ huyết áp, trị ho...
Trị chứng xanh xao, thiếu máu, mất máu: Khi bị mất máu do chấn thương, do phẫu thuật thì lấy hai bó rau cần ta nấu với 200 - 300 gr thịt bò, ăn cả nước lẫn cái. Ăn khoảng 10 - 15 ngày sẽ cho kết quả tốt.
Trị chứng tiểu đường: Lấy 500 gr rau cần ta rửa sạch, vò nát, ép lấy nước, uống ngày 1 - 2 lần. Dùng liên tục. Hoặc rau cần ta rửa sạch, chần qua nước sôi, cắt khúc, trộn thêm gia vị, ăn hằng ngày.
Trị chứng cao huyết áp: Lấy 10 cây rau cần ta rửa sạch, giã nát, cho thêm 10 quả táo tàu, đun lâu với nước, uống ngày hai lần.
Một đợt điều trị 15 - 20 ngày. Hoặc dùng 500 gr rau cần ta, rửa sạch, luộc chín cho thêm đường trắng uống thay trà trong ngày. Hoặc dùng 120 gr rau cần ta cả rễ rửa sạch, cắt nhỏ, cho thêm gạo đủ dùng, nấu cháo ăn thường xuyên.
Trị chứng viêm gan mạn tính, đi tiểu ra máu: Lấy 200 gr rau cần ta rửa sạch, vò nát, ép lấy nước, cho thêm 50 gr mật ong, trộn đều, uống nóng. Ngày uống 1 - 2 lần. Dùng liên tục trong nhiều ngày sẽ có hiệu quả.
Trị chứng viêm phế quản: Lấy gốc rau cần ta cả rễ 100 gr, vỏ quýt 9 gr, kẹo mạch nha 30 gr. Cho kẹo mạch nha vào nồi đun sôi, cho gốc rau cần và vỏ quýt, sao cháy, đổ thêm nước, sắc uống nóng trong ngày.
Trị chứng ho gà: Lấy 500 gr rau cần ta (cả cây) rửa sạch, vắt lấy nước cốt, thêm vài hạt muối, hấp cách thủy, chia uống hai lần vào sáng sớm và tối. Uống liền trong nhiều ngày.
Trị chứng nôn mửa, thổ tả ở trẻ em: Rau cần ta tươi rửa sạch đun nước cho trẻ uống.
BS Nguyễn Thu Hiền
Theo Đất Việt
Củ ấu - bài thuốc hay Củ ấu thường có hai giống: ấu gai cho trái có hai sừng nhọn như gai, năng suất thấp. Ấu trụi cho trái có hai sừng tù, năng suất cao. Nếu trái ấu chưa quá già, màu nâu, chưa rụng xuống bùn, luộc ăn ngon, gọi là ấu nâng gương. Nếu trái đã già, chuyển qua màu đen sẫm, vỏ cứng như sừng,...