Cộng đồng Võ Lâm Truyền Kỳ hoang mang vì gặp hàng loạt sự cố
Cộng đồng game thủ Võ Lâm Truyền Kỳ đang trải qua quãng thời gian với rất nhiều vấn đề bất cập liên quan đến hệ thống vận hành game…
Mới đây, trên các diễn đàn Võ Lâm Truyền Kỳ, đã xuất hiện rất nhiều những thông tin đăng tải liên quan đến vấn đề mất trang bị một cách bí ẩn. Được biết, những tài khoản dính phải tình trạng hack đồ đều là những tài khoản phụ được thiết lập với vai trò giao dịch tài sản trong game. Chính vì tính quan trọng của việc giao dịch tài sản ảo nên dù chỉ là account “clone” nhưng những tài khoản này đều được cập nhật thông tin cá nhân khá đầy đủ.
Đoạn Status được đăng tải trên một diễn đàn Võ Lâm Truyền Kỳ về tình trạng hack đồ trong game
Tuy nhiên, sau khi kết thúc thời gian bảo trì của game và phát động đợt chuyển đổi server quy mô lớn vừa qua, thì hàng loạt tài khoản clone nói trên gần như đồng loạt xảy ra tình trạng mất trắng trang bị và thậm chí là bị thay đổi cả thông tin tài khoản. Một chi tiết khiến cho người chơi tỏ khá hoang mang đó là việc rất nhiều những tài khoản có chứa các trang bị khủng đã gần như bị “hack” ngay sau khi thực hiện giao dịch và chưa kịp thực hiện quá trình giao dịch với tài khoản chính. Hoặc thậm chí là một vài người chơi sử dụng tài khoản chính để giao dịch nhưng chưa kịp thực hiện công đoạn “khóa” trang bị, cũng đã rơi vào tình trạng tương tự.
Bản thân những chủ nhân của các tài khoản này cũng đã lên tiếng khẳng định rằng từ trước tới nay, họ chưa từng gặp phải một tình trạng nào tương tự. Dù tình trạng bị hack trang bị vẫn thường xuyên xảy ra, song việc hàng loạt tài khoản bị hack gần như cùng một khoảng thời gian thực sự là một dấu hiệu đáng báo động trong việc duy trì hệ thống bảo mật game.
Cộng đồng game thủ tỏ ra vô cùng hoang mang và giận giữ trước hiện trạng hack đồ hàng loạt trong game
Khá nhiều game thủ đã bày tỏ cảm xúc phẫn nộ và bức xúc trước tình trạng mất đồ hàng loạt này, và thậm chí, không ít người chơi đã đặt ra nghi vấn về việc liệu VNG có phải là người đứng đằng sau những vụ hack đồ đầy khó hiểu này hay không. Đây có thể nói là một phản ứng đã được dự đoán trước và không có gì quá bất ngờ, bởi thực tế thì những món trang bị mà người chơi bị đánh cắp trong game đều có giá trị không hề nhỏ, thậm chí có tài khoản còn bị thất thoát số trang bị với trị giá lên đến hàng chục triệu đồng.
Lý giải về nguyên nhân này, đại diện Nhà phát hành VNG cũng cho biết, việc các tài khoản Võ Lâm Truyền Kỳ bị hack hàng loạt trong thời gian gần đây có liên quan đến những lỗ hổng bảo mật trong phần mềm Vulan Auto – một phần mềm thứ 3 hỗ trợ việc sử dụng auto trong các hoạt động ingame. Tuy nhiên, lời giải thích này dường như không thuyết phục được cộng đồng game thủ, bởi Vulan Auto từ lâu đã là một phần mềm hỗ trợ quen thuộc và khá uy tín về độ bảo mật cũng như an toàn đối với cộng đồng game thủ Võ Lâm Truyền Kỳ, nên việc xuất hiện lỗi bảo mật là khá khó xảy ra.
Rất nhiều game thủ đã phải ngỡ ngàng khi chứng kiến hòm đồ “trống rỗng” sau đợt bảo trì
Nếu như mất đồ, mất trang bị là một hiện tượng đã không còn xa lạ nữa, thì việc bị Nhà phát hành khóa account với lý do “Tài khoản thuộc diện tranh chấp” thì lại là một vấn đề khá hi hữu. Cụ thể, game thủ này trước đó đã tiến hành giao dịch thông tin tài khoản với một người chơi khác và thay đổi thông tin bảo mật dưới sự kiểm soát của VNG. Tuy nhiên, sau khi tiến hành chuyển đổi server trong đợt bảo trì vừa qua, thì tài khoản này đã bất ngờ bị thay đổi toàn bộ thông tin bởi “Tài khoản tranh chấp hủy đăng ký thông tin trả lại chủ cũ”. Tuy nhiên, khi tự tay xác minh điều này, game thủ trên lại phát hiện ra một sự thật rằng các thông tin xác nhận tài khoản như Email hay số điện thoại hay chứng minh nhân dân đều bị làm mới hoàn toàn và không liên quan gì đến chủ tài khoản cũ
Video đang HOT
Sự kiện hi hữu khi game thủ bị Nhà phát hành khóa tài khoản với lý do “không chính chủ”
Ở một diễn biến khác, một game thủ Võ Lâm Truyền Kỳ mới đây cũng đã đăng tải những dòng trạng thái bày tỏ sự bức xúc trước phong cách làm việc mà anh này đánh giá là thiếu chuyên nghiệp của Nhà phát hành VNG, cụ thể ở đây là Ban tổ chức và điều hành sự kiện Vang Danh Thiên Hạ vừa qua.
Được biết, trong thời gian diễn ra sự kiện, game thủ trên đã tham gia chương trình bốc thăm trúng thưởng và may mắn nhận được phần thưởng là một bộ trang bị Hồng Ảnh. Tuy nhiên, cho đến nay, đã qua gần một tháng kể từ khi diễn ra sự kiện, game thủ này vẫn chưa được VNG liên hệ để nhận thưởng. Khi chủ động liên lạc với Ban tổ chức sự kiện, game thủ này lại nhận được thông tin rằng phần quà mà anh nhận được là một mã CODE cùng áo thun với giá trị thấp hơn nhiều so với phần thưởng được công bố.
Những khúc mắc xoay quanh vấn đề trao thưởng trong sự kiện Vang Danh Thiên Hạ
Cho đến thời điểm hiện tại, đại diện của Nhà phát hành VNG vẫn chưa đưa ra bất kỳ ý kiến nào về những vấn đề đang nổi cộm trong cộng đồng game thủ Võ Lâm Truyền Kỳ hiện nay. Có thể nói giai đoạn cuối năm này đang là một khoảng thời gian khá khó khăn đối với cả người chơi lẫn đội ngũ vận hành game Võ Lâm Truyền Kỳ khi game đang liên tục vấp phải những vấn đề nghiêm trọng trong hệ thống bảo mật cũng như vận hành game. Hi vọng rằng Nhà phát hành VNG sẽ sớm khắc phục được những sự cố không đáng có này để cộng đồng game thủ có thể yên tâm tận hưởng một cái Tết cổ truyền ý nghĩa và trọn vẹn hơn.
Theo Game4V
Game Online nào tồn tại nhiều máy chủ lậu nhất tại Việt Nam
Bên cạnh các tựa game được các Nhà phát hành trong nước mua bản quyền và phát hành chính thức, vẫn còn vô số những máy chủ lậu tồn tại và hoạt động với tuổi thọ thậm chí còn lâu đời hơn cả phiên bản chính...
Bên cạnh các máy chủ chính thức được vận hành bởi các hãng game tên tuổi trong nước, thì các cụm máy chủ (server) lậu từ lâu luôn được coi là "sân sau" của cộng đồng game thủ Việt. Với những lợi thế và ưu điểm của mình, Server lậu dễ dàng được phổ cập và len lỏi khắp mọi ngõ ngách trong làng game Việt, thậm chí ở một số tựa game, máy chủ lậu còn phát triển mạnh đến mức cạnh tranh cả với các cụm máy chủ của Nhà phát hành.
Để nói về vấn đề vì sao máy chủ lậu lại phổ biến thì có rất nhiều nguyên nhân, mà điều đầu tiên phải nhắc đến đó là việc những máy chủ này thường do chính một bộ phận người chơi vận hành. Và chính vì đặt mình ở vị thế của một người chơi game, nên đội ngũ vận hành thường tỏ ra khá dễ dãi và sẽ tiếp nhận hầu hết mọi nhu cầu của cộng đồng, miễn sao những yêu cầu đó không nhằm mục đích gây hại và được đông đảo game thủ hưởng ứng.
Một yếu tố nữa là do việc vận hành các server lậu thường không phải đặt nặng vấn đề doanh thu và lợi nhuận, nên ở các cụm máy chủ lậu, người chơi cũng luôn được tạo điều kiện tối đa về mặt "kinh tế". Sự chênh lệch giàu nghèo gần như không đáng kể, trong khi nguồn tiền và trang bị khủng lại khá dồi dào, giúp cho game thủ được tận hưởng cảm giác "cầm đồ khủng đi đánh nhau" mà nếu như đặt vào các cụm máy chủ chính thống, thì điều này sẽ mãi chỉ là giấc mơ xa vời mà thôi. Chính vì những yếu tố đó, mà các server lậu dù không được đảm bảo về mặt chất lượng, nhưng vẫn luôn thu hút được một số lượng đông đảo người chơi tham gia, với mong muốn trải nghiệm và tìm kiếm một sân chơi giải trí mà không quá phụ thuộc vào các Nhà phát hành game.
Xin nói rõ bài viết này không có ý cổ súy các máy chủ lậu. Nhưng qua nhiều năm, thực trạng này vẫn tồn tại và chúng ta không thể tránh né, sau đây hãy thử điểm qua những tựa game tồn tại nhiều server lậu nhất tại thị trường game Việt trong những năm qua.
1. MU Online
Có lẽ không cần phải nói quá nhiều về tựa game huyền thoại này, và đối với những game thủ đã gắn bó với MU Online từ những ngày đầu tiên, thì khái niệm "máy chủ lậu" lại càng trở nên quen thuộc hơn bao giờ hết.
Đặt bước chân đầu tiên vào thị trường Việt Nam từ những năm 2003-2004 dưới hình thức các server lậu, cái tên MU Online mà game thủ Việt được tiếp cận khi đó đa phần là những phiên bản lỗi và còn nhiều sai sót, nhưng sức hút và sự lan tỏa của tựa game này đối với cộng đồng game thủ là không thể phủ nhận. Những cái tên như Mu Hà Nội, Mu Biên Hoà, Mu Sài Gòn, Mu Cần Thơ, Mu City... chắc không hề xa lạ với đông đảo cộng đồng game thủ, đặc biệt là các game thủ thuộc thế hệ 8x và đầu 9x.
Và mặc cho Nhà phát hành FPT sau đó đã nỗ lực hết sức trong việc phát triển game sau khi chính thức giành quyền phát hành MU Online vào ngày 12/5/2005, thì cái tên "MU Online FPT" dường như vẫn không thể khỏa lấp được chiếc bóng quá lớn mà những phiên bản "lậu" của tựa game này đã tạo nên trước đó. Có thể khẳng định một điều rằng, giai đoạn 2003-2004 mới đích thực là thời kỳ đỉnh cao nhất của MU Online.
Và cho đến nay, hơn 1 năm sau khi FPT tuyên bố ngừng phát hành tựa game này tại Việt Nam với lý do bản quyền, thì cái tên MU vẫn giữ được sức hút của mình với hàng loạt cụm máy chủ lậu cùng một số lượng đông đảo game thủ trung thành và gắn bó với game.
2. Võ Lâm Truyền Kỳ
Không tung hoành ngang dọc như MU Online, các cụm máy chủ lậu của Võ Lâm Truyền Kỳ thậm chí còn nổi lên sau phiên bản chính thức do VNG phát hành tới gần mười năm trời. Trong thời kỳ đầu, khi đa phần cộng đồng game thủ còn chưa thể làm quen được với hình thức thu phí giờ chơi, thì một số cụm máy chủ lậu cũng đã mọc lên nhằm giải quyết vấn đề này. Tuy nhiên, những cụm server này không mang lại thành công như mong đợi và nhanh chóng rơi vào quên lãng, bởi một lẽ, mấu chốt làm nên tên tuổi của Võ Lâm Truyền Kỳ không nằm ở việc thu phí hay miễn phí, mà là việc hình thành một cộng đồng game thủ phát triển vững mạnh và chuyên nghiệp, điều mà các máy chủ lậu không thể mang lại cho người chơi.
Mãi tới vài năm gần đây, các cụm Server lậu của Võ Lâm Truyền Kỳ mới được dịp nổi lên, mà nguyên nhân xuất phát từ nhu cầu của một bộ phận không nhỏ những game thủ thích "hoài cổ". Họ khao khát được quay về cái thời kỳ mà mỗi người chơi phải miệt mài cày quái lượm đồ, luyện skill, quay lại cái thời kỳ mà đồ xanh vẫn còn có giá trị và cái cảm xúc sung sướng vỡ òa khi đang train quái mà vô tình nhặt được một món trang bị "ngon" - điều mà phiên bản gốc của Võ Lâm Truyền Kỳ vốn đã đánh mất từ lâu.
Hàng loạt các cụm server lậu mọc lên với việc mô phỏng lại các phiên bản Võ Lâm Truyền Kỳ thời đầu như Công Thành Chiến, Sơn Hà Xã Tắc, Tình Nghĩa Giang Hồ và nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình ngoài mong đợi của cộng đồng game thủ. Nắm bắt được nhu cầu này, VNG cũng đã khá linh động trong việc khai mở lại phiên bản đầu tiên của game - Võ Lâm Truyền Kỳ Công Thành Chiến, và đã thu hút được một bộ phận không nhỏ những game thủ đã từng gắn bó với game, trong đó có cả những tên tuổi lừng lẫy một thời như TayChoBoGia, Hắc Điểu, Louis Vuitton...
Tuy nhiên, vì nhiều lý do khác nhau mà cho đến nay, bên cạnh những phiên bản Võ Lâm Truyền Kỳ do VNG phát hành, các cụm máy chủ lậu của Võ Lâm Truyền Kỳ vẫn hoạt động khá mạnh mẽ và thu hút được một lượng người chơi rất đông đảo.
3. Hiệp Khách Giang Hồ
Không được may mắn như Võ Lâm Truyền Kỳ, những phiên bản chính thức của Hiệp Khách Giang Hồ tại Việt Nam vấp phải khá nhiều những trắc trở trong quá trình vận hành. Từ Asiasoft cho đến Dzogame, dù qua tay Nhà phát hành nào, tựa game này cũng không thể khắc phục được vấn nạn hack, bug tràn lan trong game.
Bởi vậy, dù là một tựa game khá được yêu thích, xong khi được phát hành chính thức tại Việt Nam, Hiệp Khách Giang Hồ chưa bao giờ mang lại thành công như mong đợi. Những lỗ hổng bảo mật chưa thể khắc phục, trong khi cộng đồng game thủ liên tục quay lưng với game, khiến cho cả Asiasoft cũng như Dzogame gần như bất lực trong việc tìm kiếm hướng phát triển đúng đắn cho tựa game này tại thị trường Việt Nam.
Không hài lòng với phiên bản chính thức, nhưng cũng chưa thể dứt bỏ mối lương duyên với một trong những tựa game đình đám một thời, nhiều game thủ Việt lựa chọn việc tham gia các cụm máy chủ lậu để tiếp tục thỏa mãn giấc mơ tung hoành trong thế giới Hiệp Khách Giang Hồ. Cho đến thời điểm hiện tại, Hiệp Khách Giang Hồ đang là tựa game sở hữu số lượng máy chủ đông đảo nhất tại Việt Nam.
4. Lineage II
Khác hẳn với ba cái tên kể trên, Lineage II thậm chí chưa từng có cơ hội xuất hiện tại Việt Nam. Lineage II là một sản phẩm game nhập vai trực tuyến (MMORPG) có tuổi đời hơn 12 năm của Hàn Quốc. Ra mắt từ những ngày đầu khi ngành công nghiệp game vừa mới chớm nở, thậm chí được xem là một trong những khai quốc công thần của làng Game Online, thì đến thời điểm hiện tại Lineage II vẫn tỏ ra là một tựa game sức hút mãnh liệt, vẫn luôn được đông đảo game thủ yêu mến.
Suốt 12 tuổi đời, đã có những thời điểm, Lineage II tiến rất gần đến thị trường game Việt, với hàng loạt những thông tin đồn đoán, về việc các Nhà phát hành đang cạnh tranh gay gắt để đưa siêu phẩm này về nước. Song cho đến nay, giấc mơ mang tên "Lineage II" của cộng đồng game thủ Việt vẫn tiếp tục bị bỏ ngỏ...
Và đây cũng là lý do mấu chốt dẫn đến việc các cụm máy chủ lậu của Lineage II lại được đón nhận một cách vô cùng nhiệt liệt tại Việt Nam trong suốt 10 năm qua. Những cụm server đầu tiên xuất hiện cách đây đã gần một thập kỷ, với một giao diện xấu nham nhở và một phiên bản Việt hóa dang dở khiến cho ai nhìn vào cũng phải cười ra nước mắt. Thế nhưng đó lại chính là nơi nuôi dưỡng niềm đam mê của không ít thế hệ game thủ Việt đối với tựa game huyền thoại này.
Và cho đến này, khi mà hi vọng về việc Lineage II được phát hành chính thức tại Việt Nam đã trở nên nhạt nhòa theo thời gian, thì các cụm máy chủ lậu lại ngày càng được đầu tư một cách bài bản hơn, hoàn thiện hơn cả ở phương diện Việt hóa cũng như tính năng, và điều đó đã phần nào giúp cho cộng đồng game thủ Việt được thỏa mãn niềm đam mê của mình, dẫu cho đó luôn chỉ là một phiên bản lỗi và không hoàn chỉnh.
Theo Game4V
Game thủ Việt kiều dính nghi án thiếu nợ, quỵt tiền trong Võ Lâm Truyền Kỳ Dù liên tục đăng tải những hình ảnh ăn chơi khá "sang chảnh" trên Facebook cá nhân, nhưng một game thủ Võ Lâm Truyền Kỳ đang sinh sống tại Hoa Kỳ mới đây lại dính vào một nghi án quỵt nợ với chính "hảo hữu" của mình... Mới đây, trên diễn đàn chuyên trao đổi và mua bán vật phẩm trong tựa game...