Cộng đồng quốc tế phản ứng về chiến dịch quân sự tại Rafah
Ngày 13/2, Liên hợp quốc (LHQ) đã phản đối cuộc tấn công trên bộ của Israel vào thành phố Rafah tại Dải Gaza, cảnh báo các hoạt động quân sự có thể gây nhiều thương vong tại khu vực có hơn 1 triệu người đang sinh sống này.
Một tòa nhà bị phá hủy sau cuộc không kích của Israel xuống thành phố Rafah, Dải Gaza ngày 12/2/2024. Ảnh: AFP/TTXVN
Phó Tổng Thư ký LHQ phụ trách các vấn đề nhân đạo và cứu trợ khẩn cấp, ông Martin Griffiths nhấn mạnh chiến dịch quân sự tại Rafah có thể làm tổn hại nghiêm trọng đến hoạt động nhân đạo vốn đã gặp nhiều khó khăn trong khu vực. Ông cho biết hơn một nửa trong tổng dân số 2,3 triệu người tại Gaza đang nương náu tại Rafah. Họ không có đủ thực phẩm, nơi trú ngụ và gần như không thể tiếp cận dịch vụ y tế. LHQ đang thiếu nguồn cung cứu trợ và nhân lực để duy trì hoạt động nhân đạo, trong khi cộng đồng quốc tế đã phản đối kịch liệt các cuộc tấn công trên bộ vào Rafah. Phó Tổng Thư ký LHQ hối thúc Chính phủ Israel không nên bỏ qua những lời kêu gọi này.
Cùng ngày, Pakistan và Cuba đã phản đối chiến dịch tấn công quân sự của Israel nhằm vào thành phố Rafah. Trong khi đó, Nam Phi đã hối thúc Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ) gây sức ép để buộc Israel dừng tấn công tại đây.
Theo phóng viên TTXVN tại Trung Đông, ngày 13/2, Quốc vương Jordan Abdullah đã có cuộc tiếp xúc với các thượng nghị sĩ Mỹ ở Washington để thúc đẩy lệnh ngừng bắn tại Dải Gaza.
Trong cuộc gặp, Quốc vương Abdullah đã kêu gọi cộng đồng quốc tế nỗ lực hơn nữa nhằm sớm chấm dứt xung đột ở Gaza. Ông tái khẳng định lập trường của Jordan phản đối mọi kế hoạch buộc người dân Gaza phải di dời bên trong hoặc ra ngoài vùng lãnh thổ này. Quốc vương cũng kêu gọi thiết lập khuôn khổ chính trị để hiện thực hóa nền hòa bình công bằng và toàn diện, nhấn mạnh giải pháp hai nhà nước là con đường duy nhất đảm bảo ổn định lâu dài trong khu vực.
Trong khi đó, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã kêu gọi các nhà lãnh đạo thế giới chấm dứt cuộc khủng hoảng ở Gaza thông qua việc giải quyết căn nguyên của vấn đề và thành lập Nhà nước Palestine độc lập. Trong bài phát biểu với tư cách khách mời danh dự tại Hội nghị Thượng đỉnh Chính phủ Thế giới đang diễn ra ở Dubai, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE), Tổng thống Erdogan nhấn mạnh mọi giải pháp đều sẽ không thể hoàn thiện nếu không xây dựng được một Nhà nước Palestine độc lập, có chủ quyền và hội nhập về mặt địa lý dựa trên đường biên giới năm 1967 với Đông Jerusalem là thủ đô.
Tại Ai Cập, Tổng thống nước này, ông Abdel-Fattah El-Sisi đã có các cuộc gặp riêng rẽ ở Cairo với Giám đốc Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) William J. Burns và Thủ tướng kiêm Ngoại trưởng Qatar Sheikh Mohammed bin Abdulrahman Al-Thani, thảo luận về những diễn biến mới nhất tại Dải Gaza.
Tại buổi tiếp Giám đốc CIA, Tổng thống El-Sisi và ông Burns khẳng định Ai Cập và Mỹ sẽ tiếp tục tham vấn và phối hợp để đạt được lệnh ngừng bắn, bảo vệ dân thường và thực hiện giải pháp hai nhà nước nhằm thiết lập an ninh và ổn định trong khu vực.
Trong cuộc gặp với Thủ tướng kiêm Ngoại trưởng Qatar Al-Thani, hai bên đã nêu bật mối nguy hiểm cực độ của xung đột ngày càng leo thang tại thành phố Rafah ở phía Nam Gaza, đồng thời nhấn mạnh sự cần thiết phải thúc đẩy những nỗ lực quốc tế nhằm ngăn chặn xung đột lan rộng và làm gia tăng căng thẳng trong khu vực.
Video đang HOT
Liên quan cuộc đàm phán tại Cairo có sự tham gia của đại diện các nước Mỹ, Ai Cập, Israel và Qatar về lệnh ngừng bắn ở Gaza, truyền thông Ai Cập đưa tin các cuộc thảo luận sẽ kéo dài trong 3 ngày. Người phát ngôn của Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ John Kirby nhận định các cuộc đàm phán đang diễn ra theo đúng hướng.
Tuy nhiên, truyền thông Israel và Mỹ cho biết phái đoàn Israel đã rời Cairo vào tối 13/2 mà chưa thu hẹp được bất đồng lớn nào trong đàm phán.
Theo cơ quan y tế tại Dải Gaza, kể từ khi nổ ra vào tháng 10/2023, xung đột giữa phong trào Hồi giáo Hamas và Israel đã khiến hơn 28.000 người Palestine thiệt mạng. Trong khi đó, thống kê của Israel cho thấy xung đột đã khiến 1.200 người thiệt mạng tại nước này.
Trong bối cảnh hoạt động nhân đạo gặp nhiều khó khăn do chiến sự leo thang, Cơ quan cứu trợ của LHQ dành cho người tị nạn Palestine (UNRWA) đã hối thúc các nước đang tạm dừng hỗ trợ cho cơ quan này xem xét lại quyết định, tránh để UNRWA phải giảm quy mô hoạt động vào tháng 3 tới. Phát biểu tại thủ đô Amman của Jordan, Giám đốc truyền thông của UNRWA, bà Juliette Touma nêu rõ việc 16 quốc gia đình chỉ hỗ trợ tài chính, trong đó chủ yếu là các nước phương Tây, có thể khiến cơ quan này mất tới hơn 51% nguồn thu dự kiến trong năm nay, gây nguy hiểm cho hoạt động nhân đạo thiết yếu tại Gaza và khu vực.
Lý do Israel muốn chiếm Rafah, nơi nương náu của hàng triệu người Palestine
Tại sao Israel muốn tấn công vào Rafah, nơi hiện có hơn một triệu người Palestine đang nương náu, và tác động của việc này là gì? Mỹ và các nước trong khu vực phản ứng ra sao?
Người dân nhận thức ăn cứu trợ tại thành phố Rafah, Dải Gaza ngày 19/11/2023. Ảnh: THX/TTXVN
Chính phủ Israel đã công bố kế hoạch tăng cường mở rộng các hoạt động quân sự ở phía nam Gaza, trong bối cảnh xung đột vẫn đang diễn ra ác liệt với tổ chức chiến binh Palestine Hamas.
Vào ngày 7/10/2023, Hamas phát động cuộc tấn công vào Israel khiến 1.200 người thiệt mạng và khoảng 250 người bị bắt làm con tin. Cuộc phản công của Israel kể từ đó đã khiến gần 28.000 người thiệt mạng ở Gaza, phần lớn là phụ nữ và trẻ em. Israel tuyên bố mục tiêu của họ là "loại bỏ" hoàn toàn Hamas, nhưng đã có một số hành động gây tranh cãi như cử lực lượng tấn công vào các bệnh viện ở Gaza với lý do nhằm vào các mục tiêu ẩn giấu của Hamas. Và giờ đây là quyết định gây tranh cãi lớn: tấn công vào Rafah, thành phố ở miền nam Gaza đang là nơi nương náu của 1,4 triệu dân thường Palestine.
Tại sao Israel muốn chiếm Rafah?
Ngày 9/2, văn phòng Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu cho biết: "Không thể đạt được mục tiêu chiến tranh là loại bỏ Hamas mà để lại 4 tiểu đoàn Hamas ở Rafah. Mặt khác, rõ ràng là một chiến dịch quy mô lớn ở Rafah đòi hỏi phải sơ tán dân thường khỏi khu vực chiến sự. Đó là lý do tại sao Thủ tướng chỉ đạo IDF và cơ quan quốc phòng trình lên nội các một kế hoạch kép vừa sơ tán dân chúng vừa giải tán các tiểu đoàn [Hamas]".
Về cơ bản, ông Netanyahu nói rằng hành động quân sự sẽ chỉ kết thúc khi Hamas bị "loại bỏ". "Nếu chúng ta không tiêu diệt những kẻ khủng bố Hamas, những kẻ 'phát xít mới', thì vụ thảm sát tiếp theo chỉ còn là vấn đề thời gian". Ông cũng nói rằng việc yêu cầu Israel không tiến vào Rafah cũng giống như bảo họ thua trong cuộc chiến chống lại Hamas.
Tầm quan trọng của Rafah
Theo Liên hợp quốc, hơn 1,4 triệu người hiện đang sinh sống ở Rafah, nơi từng là thành phố chỉ 300.000 dân. Dân số tăng vọt là do các lực lượng Israel đã tấn công tất cả các khu vực khác của Dải Gaza chật hẹp. Chỉ một tuần sau cuộc tấn công của Hamas, vào ngày 13/10, quân đội Israel đã yêu cầu 1,1 triệu người sống ở phía bắc Gaza sơ tán trong vòng 24 giờ khi cuộc tấn công của Tel Aviv bắt đầu.
Hơn 1 triệu người bị dồn vào Rafah, coi đây là nơi nơi ẩn náu chính của người Palestine trong bối cảnh Israel xâm chiếm Gaza.
Rafah cũng nằm gần Ai Cập và có cửa khẩu biên giới giúp cung cấp thực phẩm và nhiên liệu cho Gaza. Vì dải đất này giáp biển Địa Trung Hải ở phía tây và Israel ở phía đông, nên người dân ở đây không có trạm kiểm soát hoạt động nào khác để rời khỏi khu vực. Vào tháng 11/2023, Ai Cập đã cho mở một phần cửa khẩu Rafah, cho phép những người bị thương nặng và người nước ngoài di chuyển sang Ai Cập.
Vấn đề Rafah cũng có nguồn gốc lịch sử. Trở lại năm 1967, Israel đã gây chiến với Ai Cập (nước đã kiểm soát Gaza từ năm 1957) và Jordan (nước kiểm soát khu vực Bờ Tây của người Palestine từ năm 1950).
Israel nắm quyền kiểm soát các khu vực này sau chiến tranh Sáu Ngày năm 1967, nhưng đã buông bỏ một số quyền kiểm soát vào thập niên 1990 sau khi Hiệp định Oslo được ký kết với các nhà lãnh đạo Palestine. Tuy nhiên, người Israel vẫn tiếp tục sống ở đó (gọi là "người định cư").
Chính phủ Israel đã rút các khu định cư vào năm 2005. "Mục đích của kế hoạch này là cải thiện an ninh và vị thế quốc tế của Israel trong trường hợp không có đàm phán hòa bình với người Palestine", tuyên bố của Tel Aviv cho biết.
Tại sao người Palestine lo lắng
Với việc Israel bắn phá Dải Gaza trong những tháng gần đây, không có nhiều lựa chọn khả thi về nơi an toàn và trú ẩn cho người Palestine. Hiện tại, việc tiếp cận các nhu cầu cơ bản như thực phẩm, nước và điện còn hạn chế.
Hơn nữa, một số người cũng tin rằng cuộc xung đột có thể dẫn tới việc có thêm nhiều khu định cư của Israel ở Dải Gaza. Vào tháng 3/2023, Quốc hội Israel "đã bãi bỏ Đạo luật năm 2005 quy định bốn khu định cư của người Do Thái ở Bờ Tây phải bị dỡ bỏ cùng lúc với việc lực lượng Israel rút khỏi Dải Gaza".
Đoàn xe chở hàng viện trợ nhân đạo qua cửa khẩu Rafah để vào Dải Gaza, ngày 21/10/2023. Ảnh: THX/TTXVN
Quốc hội Israel lưu ý rằng động thái này đến từ chính phủ cực hữu của Thủ tướng Netanyahu, "được dẫn đầu bởi các nhà lãnh đạo định cư và các đồng minh, nhằm thúc đẩy hoạt động định cư trên lãnh thổ của người Palestine".
Một báo cáo của New York Times trong năm nay cũng cho biết: "Một nhóm người Israel hy vọng sống ở Gaza khi chiến tranh kết thúc đã công bố các bản đồ thể hiện các thị trấn có đa số người Do Thái nằm rải rác trên lãnh thổ. Các nhà lập pháp Israel cực hữu đã soạn thảo kế hoạch hợp pháp hóa các khu định cư như vậy. Và Bộ trưởng an ninh quốc gia Israel đã kêu gọi cư dân Arab rời khỏi Gaza để người Do Thái có thể sinh sống ở dải đất ven biển này".
Báo cáo dẫn lời một người lính dự bị Israel, có gia đình sống ở Gaza trước năm 2005, nói: "Ngay khi chiến tranh kết thúc, chúng tôi sẽ xây dựng nhà của mình ở đó. Câu hỏi không phải là liệu chúng tôi có quay trở lại khi cuộc chiến kết thúc hay không mà là liệu có còn Gaza hay không."
Kế hoạch gây tranh cãi
Tuy nhiên, kế hoạch tấn công Rafah của Israel đã vấp phải nhiều chỉ trích, từ ngay cả đồng minh thân cận nhất là Mỹ. Mỹ đã lên tiếng về các cuộc tấn công đang diễn ra. Tổng thống Joe Biden hôm 9/2 cho biết phản ứng của Israel là "quá mức".
Ngoại trưởng Ai Cập Sameh Shoukry cho biết bất kỳ cuộc tấn công trên bộ nào của Israel vào Rafah sẽ gây ra "hậu quả thảm khốc". Qatar và Saudi Arabia cũng cảnh báo về hậu quả. Ai Cập đe dọa đình chỉ hiệp ước hòa bình với Israel.
Điều này cũng có ý nghĩa quan trọng vì Ai Cập đã từ chối tiếp nhận người tị nạn từ Gaza. Sự miễn cưỡng này có lẽ được giải thích là do họ không muốn dính líu đến một cuộc xung đột dường như không có hồi kết rõ ràng vào lúc này.
Ai Cập trước đây lo ngại các hoạt động của Hamas và đã giúp phá hủy nhiều đường hầm dưới lòng đất trong khu vực.
"Nhưng các nước Arab và nhiều người Palestine cũng nghi ngờ Israel có thể lợi dụng cơ hội này để thực hiện những thay đổi nhân khẩu học vĩnh viễn nhằm phá hoại các yêu cầu của người Palestine về việc thành lập nhà nước ở Gaza, Bờ Tây và phía đông Jerusalem, nơi cũng bị Israel chiếm giữ vào năm 1967", Tổng thống Ai Cập El-Sisi nhắc lại cảnh báo hôm 7/2. Ông nói rằng "một cuộc di cư khỏi Gaza là nhằm mục đích loại bỏ chính nghĩa của người Palestine".
Hãng tin AP đưa tin Israel đã thực hiện "các cuộc không kích gần như hàng ngày ở Rafah". Mới đây ngày 10/2, ba cuộc không kích đã giết chết 28 người. "Cuộc tấn công đã giết chết nhiều thành viên trong một gia đình, trong đó có tổng cộng 10 trẻ em, đứa nhỏ nhất mới 3 tháng tuổi", AP đưa tin.
Tổng thống Mỹ điện đàm với Thủ tướng Israel về Rafah Theo Reuters, Nhà Trắng ngày 11/2 cho biết Tổng thống Mỹ Joe Biden đã điện đàm với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu và tuyên bố Israel không nên tiến hành một chiến dịch quân sự ở Rafah mà không có kế hoạch đảm bảo an toàn cho khoảng 1 triệu người đang trú ẩn trong khu vực. Binh sĩ Israel tuần tra dọc...